Friday, August 7, 2015

LỆ MONG (Thukỳ)

Thu Kỳ
“Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu !!!”
Không biết tôi đã đọc đoạn văn này ở đâu và khi nào, nhưng nó đã theo tôi cả nưả đời người.
Mẹ tôi mất khi tôi vừa mở mắt chào đời! Thiếu Mẹ nên tôi thiếu nhiều thứ lắm, nhất là tình thương. Từ thuở ấu thơ tôi đã thèm tiếng Mẹ, và cho đến bây giờ tôi vẫ còn mơ ước có Mẹ bên tôi.
Tôi không đi tu nhưng sống trong nhà giòng với các soeur sau khi ba tôi tái giá, tôi chỉ về thăm gia đình vào ngày cuối tuần, những tháng Hè tôi về quê nội ngọai. Tôi còn nhớ rất rõ là yêu thích đồng quê hơn thành thị vì tôi được nội ngoại cưng chều được dỗ dành âu yếm…Mỗi khi hết Hè tôi phải vào tỉnh đi học lại. Tôi khóc thật là nhiều vì không muốn vào nội trú với các bà soeur nghiêm khắc…
Vì rất lười học, nên khi nhìn những đứa làm thuê chăn bò cho nội tôi, tôi thích lắm, và có lần xin ba tôi cho ở lại quê đi chăn bò cho vui!
Nhờ Thượng Đế thấu hiểu và sắp xếp cho tôi lấp đầy khoảng trống tình thương, nên sau khi vừa đậu xong tú tài 1, tôi ra khỏi nôị trú về lại gia đình tại Tuy Hòa, một thành phố nhỏ thật dễ thương có Sông Đà, Núi Nhạn, có biển rộng, tình sâu, và tôi được nhiều chàng trai chú ý, vì tôi như một cô gái mới xuất hiện trong thành phố nhỏ, hiền hòa… trong số đó có chồng tôi, chàng ĐS 16 làm phó quận Sơn Hòa, về tỉnh thăm chơi trong ngày cuối tuần.
Tôi nhớ rõ ngày đầu tiên gặp chàng sau câu giới thiệu của cô bạn, tôi chỉ cúi đầu chào. Không ngờ chàng đã ghi bóng hình tôi vào tâm trí. Tháng sau đó chàng về tỉnh nhận chức Trưởng Ty Nội An, và toi đã bỏ học năm cuối cùng của Trung Học để vào làm ngân hàng, vì ba tôi đang tiến hành thủ tục mở một ngân hàng nông thôn tại quận Hiếu Xương, với hy vọng tôi có thể giúp ông sau này.
Ba tôi theo lối sống rất cổ, nên sắp xếp cho tôi một cuộc hôn nhân do ông lựa chọn, ba tôi nghĩ tôi còn quá trẻ, quá ngu ngơ… nhưng ông đâu ngờ tôi đã biết yêu, biết mộng mơ đầy ắp…
Mặc cho gia đình chống đối, bạn bè ngạc nhiên tôi vẫn nhất quyết yêu chàng trưởng ty của tôi không đẹp trai như bao nhiêu người khác, nhưng rất lịch thiệp hiểu tâm lý, và là người duy nhất lấp đầy khỏang trống tình thương mà tôi đang thiếu. Chàng vừa là một người anh lớn, vừa biết nuông chiều, dỗ dành, bao dung, an ủi và biết vỗ về…Tôi yêu chàng nên bất chấp mọi khó khăn, bỏ cả gia đình, bạn bè, thành phố hiền hòa kỷ niệm… để được sống bên chàng, và tôi luôn nghĩ từ đây tôi sẽ luôn luôn hạnh phúc, vì đã có chàng bao bọc, chở che.
Nhưng, chữ “nhưng” quái ác, khi ngôi sao xấu vẫn không buôn tha tôi…
Lại thêm một lần đau thương lớn không chỉ riêng tôi mà vận mạng chung cả nước. Ngày 30/04/75 khi nước mất nhà tan và cũng là lúc tôi sắp đến ngày sinh nở đứa con trai đầu lòng Nguyễn Thế Duy Cường, và khi nó chào đời chưa đầy một tháng thì chồng tôi vào trại tập trung đi “cải tạo”. Ngày chàng ra đi tôi khóc hết nước mắt, nhưng anh ôm tôi và con vào lòng rồi bảo “Em ở nhà lo cho con, anh đi một tháng sẽ trở về, em đừng khóc nữa..”.
Một tháng trôi qua rồi đến cả năm, không thấy chồng về, tôi chỉ biết ôm con mà khóc. May mắn là tôi sống bên gia đình chồng, mẹ chồng tôi hiền lành và thương yêu tôi hơn cả con ruột, dù đã gìa rồi, nhưng phải lo cho tôi và cháu; tôi còn trẻ không biết làm ăn gì, (ba tôi cũng đi “cải tạo”) tôi mất mát, hụt hẩng chỉ biết trông cậy vào bà. Mẹ chồng tôi có 3 người con trai đều đi cải tạo, ba người con dâu đều dẫn con về: chị dâu lớn 5 cháu, dâu kế 4 cháu, còn tôi với bé Cường…Tôi không nhớ rõ ngày tháng năm nào nữa sau khi Việt Cộng đổi tiền lần đầu, vì chúng tôi về không có hộ khẩu nên cả nhà chỉ được 200 đồng (dù có mấy triệu cũng chỉ đổi được 200 đồng VC cho mỗi gia đình), mẹ chồng tôi chia cho 3 chị em dâu mỗi người 50 và phần bà 50 đồng.
Lần đầu tiên trong đời tôi biết lo, khi trong tay chỉ có 50 đồng VC. Vì mẹ chồng và gia đình cô chú chồng từng là chủ tiệm vàng và cầm đồ, nên tôi lo sợ rủi họ kiểm kê nhà của tụi tôi rồi lấy luôn 50 đồng, thì không biết làm sao mà sống.
Sau khi liên lạc và bàn với ông bác chồng làm Linh Mục ở Cờ Đỏ, Cần Thơ, mẹ tôi đưa tất cả về đó; dù gì thì cũng có lúa gạo để ăn, hơn là bị bắt đi vùng kinh tế mới; vì thế, mẹ tôi bán căn nhà lầu 2 tầng tại chợ Trung Mỹ Tây, Hóc Môn, được 2 cây vàng và chúng tôi thu xếp đưa nhau về Cờ Đỏ. Vì không có đàn ông ở nhà, mẹ con tôi như rắn mất đầu, hoang mang lo sợ, nên tôi phải theo gia đình cô chú về nơi mà tôi chưa nghe tên bao giờ. Tôi không bao giờ quên ngày rời thành phố để về vùng quê xa lạ; tôi vừa khóc vừa lo sợ, nghĩ đến ngày còn đi học, mấy con bạn thấy tên tôi có 2 mẫu tự tắt TK, nên chúng gọi tôi là Thúy Kiều.
Bác chồng tôi là Linh Mục thuộc giòng khổ hạnh, nên sống trong vùng xa xôi hẻo lánh. Tại đây, dù đầy đủ lúa gạo, không sợ đói; nhưng vì mất mát quá nhiều sau lần đổi tiền, mẹ tôi lâm trọng bệnh vì tiếc của; còn tôi thì bắt đầu một khúc rẽ mới trong đời, nuốt đau khổ, cố gắng nuôi con một cách tuyệt vọng, không còn trông mong ngày chồng trở về.
Vì không biết làm ruộng, tôi đành phải buôn thúng bán bưng, với những bước đầu không biết bao gian truân và vất vả; nhưng vì không muốn thấy con đói khổ, tôi cắn răng chịu đựng, không hề than van oán trách, vì sợ mẹ chồng tôi buồn.
Một thời gian khá lâu sau đó tôi nhận được thư chồng, nhưng không biết anh đang ở đâu, vì địa chỉ ghi chỉ có tổ, và số nhà. Mỗi khi nhận thư, đọc được câu đầu là tôi khóc, tôi thương anh, thương con và thương cả thân tôi! Thỉnh thoảng con tôi hỏi về ba nó, tôi đem mấy tấm ảnh cũ cho con xem để nó có khái niệm về cha mình. Tôi vừa tảo tần buôn bán nuôi con vừa săn sóc mẹ và gởi đồ cho chồng trong tù cải tạo.
Dành dụm được tí tiền lại bị VC đổi tiền lần thứ 2, tôi mất tất cả; đau khổ đến tột cùng không còn đất sống, nhưng may mắn ba tôi được ra khỏi tù, nên ông gíup đỡ cho tôi một số vàng. Tôi bắt đầu nảy ra ý định vượt biên, vì không biết ngày nào chồng tôi mới về, đôi khi cả năm không nhận thư. Mẹ chồng tôi đã nhiều lần xin lễ giỗ, vì nghĩ anh đã chết, tôi cũng nghĩ thế, vì chồng tôi ốm yếu chắc không thể nào chịu nổi. Hằng đêm tôi cầu nguyện, chỉ xin linh hồn anh có linh thiêng hãy cho tôi biết anh đã chết khi nào.
Mẹ chồng tôi thương tôi và cháu quá khổ cực, nên bằng lòng cho phép tôi đi với lời dặn: “Con cố gắng nuôi cháu nên người, con còn quá trẻ, nếu có gì mẹ không trách, mẹ chỉ muốn con lo cho cháu mà thôi…”
Tôi thương bà cụ hơn cả thân tôi, bà là người mẹ chồng cao thượng, biết cảm thông không ích kỷ hẹp hòi…Tôi thầm cảm ơn Thượng Đế, vì dù tôi mất mẹ, nhưng Ngài đã ban cho tôi một người mẹ chồng đáng kính đáng yêu, bà đã trút hết tình thương yêu cuối đời cho người con dâu út của bà.
Đang sắp sửa có chuyến đi thì tôi nhận được thư chồng nói anh đang ở Thanh-Hóa, nên tôi hủy bỏ cuộc hành trình để lo mua sắm đồ đạc ra miền Bắc thăm nuôi anh.
Đường sá xa xôi cách trở, hết tàu lửa, xe đò lại đi bộ…Tôi thuê xe bò kéo thức ăn rồi đi bộ theo họ gần 120 cây số đường rừng.
Đến trại sau khi nộp đơn xin gặp chồng, tôi nóng lòng chờ đợi, trông ngóng họ kêu tên mình, nhìn vào hàng rào bên trong tôi thấy chồng tôi đang đi ra. Dù gần 5 năm không gặp, nhưng tôi vẫn nhận ra anh. Nhìn thấy chồng tôi gầy còm, đói rách, tôi đã bật khóc từ lúc nào không hay. Khi ngồi vào bàn đối diện với chồng, dù chỉ là khoảng cách nhỏ, chúng tôi không dám ôm nhau, cũng không được phép nắm tay nhau, nên tôi chỉ biết khóc như chưa bao giờ được khóc; lệ tôi tuôn trào như mưa. Tôi muốn gào lên thét lên cho đỡ đau khổ oán thù, nhưng tên cán bộ ngồi bên đầu bàn theo dõi rồi hắn gắt lên: Chị không thấy chồng chị vui vẻ, khỏe mạnh sao chị lại khóc, đáng lẽ ra chị phải khuyên chồng chị ráng học tập tốt, cải tạo tư tưởng tốt để được sớm trở về đoàn tụ gia đình…”

Tôi uất hận như một con thú bị thương, muốn chồm lên bót cổ hắn cho đỡ oán hờn, nhưng vì sợ chồng bị rắc rối, tôi đành phải cúi đầu xin lỗi, cố che giấu đi dòng lệ mà tôi không tài nào ngăn nổi. Tôi cố nhìn mặt chồng tôi để ghi nhận vào tim óc hình ảnh mà tôi yêu, tôi nhớ. Nhưng qua dòng lệ nhòa, tôi có thấy rõ anh đâu, anh cố ngăn xúc động hỏi tôi vài câu về con về mẹ… nhưng tôi không làm sao trả lời.
Dù tôi muốn thời gian ngừng lại, nhưng 30 phút thăm nhau cũng tàn nhẫn trôi qua, và tôi đã bị đuổi ra về. Tôi cố nắm chặt tay anh như không bao giờ muốn rời, nhưng anh phải quay mặt đi và vội vã vào trại giam; tôi đứng đó như người đã chết, lặng nhìn theo bóng dáng anh cho đến khi tôi không còn trông thấy, hy vọng phép nhiệm màu đưa anh trở lại.
Trên đường về mệt mỏi chán chường, không biết bao nhiêu là nước mắt tuôn rơi trên núi đồi Thanh Hóa, nơi xa lạ giờ trở thành gần gũi thân thương, vì đó là nơi người chồng thương yêu của tôi đang sống. Có ai thăm nuôi chồng mới thấu hiểu tâm trạng tôi lúc này, vì có lấy rừng làm bút, lấy biển làm mực cũng không tài nào diễn tả hết sự cay đắng, khi những tâm tình cần thổ lộ, khi những dặn dò của gia đình cần phải nói với anh mà tôi lại không thốt được lời nào: 30 phút vàng son chỉ là nưóc mắt, 30 phút đoàn tụ chỉ là đau thương và oán hận….
Tưởng rằng đời bắt đầu tươi sáng khi con con thuyền ra khơi, nhưng không ngờ hai mẹ con đã bị bắt vào tù ở Ô Môn, Cần Thơ vì tội vượt biên! Mẹ chồng tôi già thêm mỗi lần thăm nuôi con dâu và cháu. 6 tháng tù VC dài hơn 6 thế kỷ trong căn phòng tối mà mới ngày đầu đã bị ngứa phải gãi như điên, và chẳng chẳng bao lâu cả mẹ con đều bị ghẻ lở, không có thuốc men, mà đêm đêm còn bị gọi lên lấy khẩu cung, thẩm vấn.
Tôi thầm trách trời cao, tôi oán hận cuộc đời; nếu không phải là người Công Giáo, nếu không có con, chắc tôi đã tự tử vì đau khổ tột cùng. Vì con tôi lâm bệnh nặng gần chết trong tù mà vẫn không được tha, nên có lần nổi điên tôi nói với tên quản giáo: “Anh làm ơn bắn mẹ con tôi đi, tôi ký giấy bằng lòng chịu chết!”
Sau khi ra khỏi tù về, tôi bị chính quyền địa phương quản chế thêm mấy tháng, ngày nào cũng ra trạm công an trình diện, rồi họ làm nhục bằng cách bắt tôi làm cỏ trước trạm cho tất cả mọi người đi qua lại trông thấy tôi làm chung với tú bà, đĩ điếm và buôn lậu.
Có lần đang làm, một chị nhìn tôi rồi hỏi “ tội gì vậy?” Tôi trả lời “Dạ tội bán nước”.
Chị người miền Nam thật thà nhìn tôi thương hại rồi chửi đổng “Bán nước mà nó cũng bắt, thật là một lũ bất nhân!
Tôi không nói gì chỉ nghẹn ngào tủi nhục, vì chị tưởng tôi bán nước trà, nước đá, hoặc nước chanh gì đó. Chị đâu hiểu rằng khi người ta không sống nổi rồi bỏ quê hương đất nước ra đi, bỏ lại sau lưng bao nhiêu người thương yêu dấu, chấp nhận đến 99% về nguy cơ hải tặc, đói khát, bỏ mạng trên biển…và nếu chẳng may bị bắt thì bị kết vào tội “Bán Nước!”
Nhớ lại lời Thúy Kiều qua tâm sự của Nguyễn Du “Cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con Tạo xoay vần đến đâu”, tôi liên tục đi vượt biên, liều mạng không còn sợ hãi, lo lắng, phân vân; ai rủ tôi cũng đi, với quyết tâm rằng nếu lần sau có bị bắt thì tôi ôm con nhảy xuống biển là xong, để khỏi bị vào tù. Lần đầu tiên trong đời tôi thấm thía hai chữ “tuyệt vọng”, vì lần nào đi, không bị “gạt” cũng bị “bể”.
Khoảng năm 1980, vì Trung Cộng đánh biên giới miền Bắc, chồng tôi được chuyển vào Nam ở trại Hàm Tân, Bình Thuận, nên lần này mang con đi thăm nuôi đỡ vất vả. Tôi tự nhủ sẽ không khóc và dặn dò con kể chuyện cho ba nghe; nhưng khi nhìn thấy anh tàn tạ, yếu đau, tôi lại òa lên khóc. Anh nắm tay tôi và tay con, nhưng thật đau lòng và đáng thương, vì lần đầu tiên thấy bố, con tôi sợ hãi, cúi đầu ôm lấy mẹ không dám đến gần cho bố ôm. Tôi biết chồng tôi đang khóc trong lòng khi nhìn thấy con mà không ôm ấp được. Nó giống anh như khuôn đúc, anh chăm chú nhìn con như cố ghi nhận hình ảnh thân yêu máu mủ của mình mà chưa một lần được ẵm bồng săn sóc, tôi thấy mắt anh đỏ hoe nhưng không khóc! Chai đá rồi sao anh? Việt Cộng “cải tạo” anh thành con người sắt đá không còn trái tim rung động như “Lũ Ngụy” ngày xưa nữa!

Rồi 30 phút cũng trôi qua thật nhanh, trước khi ra về tôi bảo con tôi “Hôn ba đi con” nhưng nó vẫn không dám đến gần; tôi liền bồng nó đến bên anh để hôn từ giã. Khi ra xe trở về, tâm hồn tôi còn xúc động khi nghĩ đến anh, cơn đau quặn cả tim cả phổi, bất chợt con tôi nói “ Mẹ ơi, chắc mẹ lầm rồi, không phải ông đó là ba con đâu, ba con đẹp lắm và oai lắm!…
Tôi ôm con tôi vào lòng mà hai dòng lệ tuôn trào như nước lũ, vừa thương con vừa uất hận trong lòng, hình ảnh ba con của ngày xưa đã chết, bây giờ chỉ còn lại hình hài một kẻ tù đày, khốn khổ, đau thương, hình ảnh một người thất trận, mất nước trên đất mẹ quê cha của mình.
Vì quá nhiều bất hạnh, nên tôi liều mình vượt biên qua đường Thái Lan, nhưng may mắn không gặp hải tặc, vì nếu chẳng may bị bọn cướp biển bắt như nhiêu người khác, có lẽ tôi đã chết hoặc bị bắt vào “động” bán cho tú bà không chừng, vì lúc bây giờ tôi chỉ hơn 20 tuổi!.
Cuối cùng tôi và con tôi đến Singapore vào khoảng gần cuối năm 1981 và được tàu Mỹ vớt sau một cơn bão kinh hoàng sắp làm mồi cho cá mập.
Tôi cám ơn Trời đất, cám ơn lòng người nhân từ và đầy ắp tình thương, đêm ngủ không còn những cơn ác mộng. Tôi đã an bình đến bến tự do, nhịp đập con tim trở lại bình thường. .
Nhưng khi nhìn quanh mình bao nhiêu gia đình ra đi đầy đủ vợ chồng, tôi lại tủi thân; những buổi chiều bên đảo thật buồn. Tôi hướng về quê nhà nhớ đến chồng trong tù đói khổ, nhục nhằn, lòng tôi chùng xuống, buồn vô hạn, chỉ biết nguyện cầu cho anh sớm được tự do.
Mùa Thu 1982 tôi đến Mỹ theo diện “mồ côi” vì không có thân nhân ở Mỹ!
Đến phi trường Logan ở thành phố Boston thuộc tiểu ban Massachusetts vào mù Thu nên trời hơi lạnh, nhưng vẫn không lạnh bằng trong lòng.
Trong lúc bơ vơ với trăm mối hồi hộp và âu lo thì bác Tôn Thất Ân, một giới chức từ Hội International Institute đến đón mẹ con tôi.
Vì đến nơi tạm trú vào ban đêm nên tôi không thấy rõ tòa nhà bên ngoài. Sau khi mở cửa lầu 2 và nhìn thấy căn nhà trống trơn cũ kỹ, bác Ân chỉ cho tôi 2 tấm nệm thật mỏng dưới đất và bảo: “Chị và cháu ngủ đi, mai tôi trở lại chở chị lên hội làm giấy tờ”.
Vì giờ giấc thay đổi khác nhau của 2 bán cầu, nên trong đêm đầu tiên tại Mỹ tôi không tài nào ngủ được; tôi vừa sợ hãi vừa lo buồn vô hạn trong căn nhà xa lạ chỉ có hai mẹ con. Sau một hồi thao thức, tôi liền bật đèn lên và nhìn căn nhà dơ bẩn với bầy gián chạy tứ tung, nếu hốt được cũng đầy một thúng! Tôi lại khóc như mưa, bao nhiêu mộng vỡ tan tành thầm nhủ “Mỹ như thế này hay sao?” Trong đầu óc tôi Mỹ Quốc, như cái tên của nó, phải là một đất nước xinh đẹp, sang trọng, đầy đủ tiện nghi như tôi thấy trong phim ảnh. Tôi thật sự chán chường và thất vọng.
Thời trung học tôi học Pháp Văn, nên tiếng Anh thì dốt, còn tiếng Pháp cũng trả lại cho các soeurs ở trường giòng, vì thế tôi đã trở thành người “câm” trên đất Mỹ.
Tòa nhà tôi đang ở có 3 tầng 6 đơn vị gia cư rất cũ và bẩn thỉu nên họ cho những người tỵ nạn thuê, và Hội International Institute đã giữ một căn trống để cho mẹ con tôi tạm trú vài hôm rồi đi tìm chỗ ở khác. Tiền thuê nhà ở Boston rất cao tôi không đủ tiền, nên phải share chung 1 phòng với mấy cậu con trai. Mỗi đơn vị gia cư có có 3 phòng, 1 nhà bếp và 1 phòng vệ sinh (không có phòng khách); mỗi phòng ở khoảng trên 10 người. Mỗi đêm, khi đi ngủ, tôi lôi 2 tấm nệm trong góc nhà ra giữa phòng để mẹ con tôi ngủ, nên mấy cậu chung phòng mỗi khi đi tiểu phải bước qua mẹ con tôi.
Vì nghĩ mình là ngưòi kém may mắn, nên dù khổ cực thế nào về vật chất tôi đều cắn răng chịu đựng, không hề than van; nhưng đây là lần đầu tiên tôi phải chung đụng với đủ hạng người, trong đó có cả những thành phần bất hảo, làm tinh thần tôi căng thẳng đến tột cùng!
Lẽ ra, khi cùng mang thân phận tị nạn, xa quê hương xứ sở và cùng một ngôn ngữ giống nòi, thì nên gíup đỡ nhau, không ngờ tôi chỉ gặp toàn người lợi dụng và lọc lưà…
Vào thời điểm 82 ở Boston người VN rất ít, đặc biệt là nam giới quá nhiều so với phụ nữ, nên tôi đã trở thành “con mồi” béo bở cho đàn ông!!!
Trong building tôi ở có một bà me Mỹ; sau khi làm quen với tôi, bà mời tôi xuống chơi, thăm hỏi vài câu rồi liền đi thẳng vào đề “Tôi có cậu em đang ở đây, có công việc làm ăn tốt, có xe cộ… khá lắm, nếu cô bằng lòng sẽ tiến hành ngay, tổ chức đám cưới nhà hàng…
Tôi thấy nghẹn họng. Bà biết chồng tôi còn sống trong tù mà nỡ lòng nào nói những câu thất đức như vậy, làm tôi nhớ lời mẹ chồng tôi dạy “Ở với kẻ dữ, con phải giữ mình”, nên tôi dằn cơn giận rồi trả lời bà “Cám ơn chị đã thương em, nhưng tình cảm từ từ đến, em cần thời gian tìm hiểu rồi sẽ tính…
Bây giờ thì tôi mới hiểu ý nghĩa của câu “họa vô đơn chí”, vì vận xấu liên tục đến với tôi, và lần này là một gã đàn ông trong cùng building.
Sau nhiều lần tán tỉnh bị tôi làm ngơ, hắn nói thẳng mặt tôi rằng “Cô nên biết tôi có hình cô, tóc cô… nên tôi muốn làm gì mà chẳng được…”
Tôi sợ thật sự và lo lắng kinh hồn, vì tôi nhớ khi còn ở quê nhà đã từng nghe về “bùa mê, thuốc lú” …Tôi lo lắng mất ăn, mất ngủ, rồi cuối cùng tôi nói với một cậu trong nhà vì nó rất dễ thương và hay an ủi tôi: “Em ơi, chị không bao giờ có thể yêu cái hạng người ấy, nhưng nếu em thấy chị mê hắn , em tìm cách gỡ dùm chị vì chắc chắn hắn bỏ bùa mê cho chị!.”
Nó sợ quá bảo tôi “Chị nên nói cho Hội biết, chứ em nhỏ làm sao biết cách giúp chị…”
Sau khi lên Hội và nghe tôi trình bầy, bác Ân liền nói “Thời buổi bây giờ mà chị còn tin có buà ngải..
Tôi hơi yên lòng, nhưng vì sự chụi đựng có hạn nên tôi xin ông tìm cho tôi một nơi ở khác, dù là phải sống chung với người Miên, vì tôi nghĩ họ không biết nói tiếng Việt chắc đỡ phiền hơn; nhưng bác Ân bảo có lẽ còn rắc rối thêm…
Cuối cùng hội cũng thuê cho tôi một chỗ ở khác cách xa khu vực này với giá tiền nhà thuê cao hơn, nên sau khi đi học ESL vào ban ngày, buổi tối tôi làm những việc tạp dịch như dọn quét văn phòng, đổ rác, hút bụi để kiếm tiền thuê nhà, truớc khi vào làm cho một hãng điện tử, vừa học vài câu tiếng bồi thông dụng, vừa vung tay múa chân nói cho xếp hiểu, và may mắn hồi đó thiếu nhân công, nên tội đã có thể giữ được công việc này dành dụm được chút ít tiền gởi về VN để thăm nuôi chồng.
Một ngày đẹp trời, sau đi từ college trở, về tôi nhận được thư chồng báo cho biết anh đã được trả tự do. Hai mẹ con quá xúc động ôm nhau khóc, đọc đi đọc lại những nét chữ quen thương cả đến trăm lần mà vẫn chưa vơi xúc cảm. Tôi cám ơn Thượng Đế vô cùng.
Lúc bây giờ chưa có chương trình HO, nên tôi quyết tâm sẽ tìm cách đưa chồng tôi sang Mỹ. Ánh sáng le lói cuối chân trời, hy vọng tràn trề đến với tôi và Cường, nó ước mơ ngày ba nó sang sẽ đưa đi chơi, đi học như những đứa bạn nó đều có ba có mẹ.
Trời dành cho tôi một con dốc lớn, để lăn hết cuộc đời vào đáy sâu vực thẩm cô đơn…” Lời ca trong bài nhạc tôi không nhớ tên, nhưng mỗi lần nghe là tim tôi thắt lại, tôi liên tưởng tác giả đã sáng tác bản nhạc này cho riêng tôi!
Nhưng lá thư mà tôi vừa nhận lần đầu tiên cũng là lá thư cuối cùng trong những ngày tự do của anh. Tôi mong chờ thư anh mỗi ngày, nhưng chỉ là tuyệt vọng…
Một buổi chiều, sau khi đi học về, tôi nhận thư của mẹ chồng báo tin chồng tôi bị bắt vì tội vượt biên tại Sa Đéc. Như như sét đánh ngang tai, tôi dắt con lên lầu và ngã qụy ở cầu thang, mắt tôi mờ lệ, tôi muốn hét thật to cho vơi thống khổ, nhưng uất hận đã chặn ngang cổ họng.
Tôi không biết phải nói sao cho con tôi hiểu, nó còn quá nhỏ để nhận thức, nhất là tôi không muốn giấc mộng đơn thuần của nó bị tan vỡ, nó chỉ mong ba sang để dẫn đến trường khoe với bạn, để cảm thấy có sự che chở yêu thương, để được nhìn thấy mẹ nó vui trong đôi mắt không bao giờ nhỏ lệ, và khi đêm về không còn nghe mẹ nức nở, nghẹn ngào.
Rồi ngày tháng qua từ qua đi, sau gần 2 năm thì chồng tôi được ra khỏi tù, nhờ thay tên đổi họ và nghề nghiệp sau khi bị bắt.
Anh lại vượt biên một lần nữa, và Thượng Đế không phụ lòng mẹ con tôi khấn nguyện, nên anh đến bến tự do an bình trong trại tỵ nạn để chờ ngày đoàn tụ.
Ngày đón anh sang Mỹ, con tôi lần thứ nhì gặp mặt cha, nó không chối bố như lần đầu trong trại cải tạo. Nó đã được 11 tuổi nên nên hiểu được chút đỉnh.
Tôi chạy đến ôm chồng; anh ôm tôi và con vào lòng rồi khóc. Lần đầu tiên chúng tôi được tự do để cho cảm xúc dâng trào, dù lần này không phải là nước mắt của sự khổ đau mà là hạnh phúc đoàn tụ. Chúng tôi ôm lấy nhau thật chặt để cảm nhận rằng đây không phải là một giấc mơ.
Dù Boston trời lạnh, nhưng với tôi, hôm nay thật ấm áp lạ thường, trời trong và đẹp với niềm hạnh phúc vô biên; tôi chợt nhớ câu “Sau cơn mưa trời lại sáng,” một cơn mưa tầm tã nước mắt và đau thương, chảy qua một cuộc hành trình dài đăng đẳng trước khi đổ vào vùng biển tự do…
Mùa Xuân 2010
Thu Kỳ


No comments: