Lời Giới thiệu:
Lẽ ra câu “nhất quỷ nhì ma”
chỉ được gán cho những đệ tử của Thiếu Lâm phái “Bồ Đề”, Không Động
phái “Đặng Đức Tuấn”, Côn Luân phái “Sông Cầu” và Toàn Chân Giáo “Nguyễn
Huệ”, nhưng đâu có ai ngờ Nga My phái “Thánh Guise” cũng có những cao
thủ xuất chúng, trong đó có đệ đời thứ 8 của Quách Tường là Thu Kỳ, người có tên giang hồ là “Thiên Thanh” (ý nói "trời xanh" quen thói má hồng...uýnh ghen), từng làm chấn động võ lâm Phú Yên.
Sau
nhiều năm "kim bồn tẩy thủ” (rửa tay gác kiếm), hôm nay nữ cao thủ này
đã tái xuất giang hồ, kể cho chúng ta những mẩu chuyện vui buồn trên
ngọn núi Nga My, là nơi cô nàng trải qua một cuộc sống đầy mộng mơ cho
đến ngày võ lâm rơi vào tay của bọn bàng môn tả đạo của “Hồng Giáo Chủ”…
Mời quý thầy cô và các bạn đọc hồi ký “Tàn Một Giấc Mơ” của Thiên Thanh.
Trân trọng giới thiệu,
San Jose ngày 9 tháng 1 năm 2011
Phạm Đức Hiền
------------------------Bưóc ra khỏi máy bay từ phi trường Tân Sơn Nhất, tôi thấy không gian và quang cảnh chung quanh đổi khác rất nhiều so với cách đây gần 40 năm về trước. Trong lúc cố nhón cao người trong đám đông và đảo mắt tìm kiếm, bỗng có tiếng gọi bên tôi: “Thanh ơi, Thiên Thanh, tụi tao đây!”… Tôi chạy vôi về phía bạn tôi; và vì quá vui mừng và xúc động, tôi quên mất mình đang đi giầy cao gót, nên bị vấp ngã, té xuống, tay chới với chưa kịp ôm lấy bạn, thì tôi giật mình tỉnh dậy.
Thì ra đó chỉ là một giấc mơ…Tôi vội vàng nhắm mắt để tiếp tục giấc mộng đẹp của mình, nhưng than ôi, giấc mơ không đến nữa, và nước mắt tôi trào ra ướt cả gối, tôi đã khóc trong khi hai cánh tay còn chới với tìm tay bạn; tôi cố ngăn cảm xúc bằng cách đè tay lên ngực để không gây tiếng nấc nghẹn ngào, khi nhớ lại lời hứa gần 40 năm trước “Sau này ba đứa tụi mình, dù sống ở chân trời nào, và với bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi năm phải về lại Tuy Hòa gặp nhau một lần nhé….”
Nhưng than ôi, gần 4 thập niên qua rồi mà 3 đứa không một lần gặp lại, ba cuộc đời, ba con đường sóng gió, ba hoàn cảnh đau thương, và cả ba hướng đi không cùng lý tưởng.
Không tài nào ngủ tiếp được vì đầu óc quay cuồng qua cuốn phim dỉ vãng hiện về thật rõ ràng, thật êm đẹp, thật dễ thương như mới hôm qua trong cuộc đời…
Ngày vào lớp Đệ Thất trường Thánh Giuse Tuy Hòa, tôi đã hơi cao; đáng lẽ các Soeurs nên xếp cho tôi ngồi gần cuối lớp, nhưng khi nhìn thấy tôi, bà Soeur Giám thị chỉ tôi vào dãy đầu tiên của những chiếc bàn riêng, chứ không phải loại bàn dài ngồi chung, nên chúng tôi mỗi đứa có một khoảng cách khá xa.
Tôi ghét ngồi bàn đầu, nhưng than ôi đó là “định mệnh” không có quyền lựa chọn, đành phải “nhận nơi này làm quê hương” cho đến hết niên học.
Đầu tiên, tôi loay hoay nhìn hai con nhỏ ngồi bên cạnh, nhưng khi thấy 2 đứa nghiêm nghị dán mắt lên bảng, tôi vội quay lại phía sau và gặp ánh mắt hai con nhỏ trông rất dễ thương, láu lỉnh nhìn tôi mỉm cười như trêu chọc …
Vì trên áo đều có bảng tên nên không có màn xưng danh như kiểu giang hồ hiệp nữ; còn mấy bà Soeurs thì dữ như những bà chằng lửa; vào là học ngay không lôi thôi gì cả.
Tôi viết mành giấy nhỏ nhét cho hai đứa sau lưng “Ê, tụi mày tên gì?”, nhưng vô phúc cho tôi, bà soeur bắt gặp, liền gọi tôi lên ngay giờ đầu của ngày khai giảng và phạt tôi đứng vào một góc tường trước gần 30 đứa con gái xanh mặt, cúi đầu và im lặng…Mãi đến giờ ra chơi tôi mới đươc tha, và hai con nhỏ chạy vội đến bên tôi nói “Tao là Kim Vũ, tao là Như Thủy, còn mày là Thiên Thanh phải không?”… Thế là chúng tôi quen nhau thật dễ dàng như đã là bạn của nhau từ ngàn năm trước.
Ngộ nghĩnh là Kim Vũ người Bắc, nói năng nhỏ nhẹ. Thấy nó cao ráo, đôi mắt to đẹp và sáng, mặt trái soan, da ngâm ngâm rất duyên dáng, tóc đen dài, nên tôi trêu nó ngay “Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ…”
Như Thủy là gái Huế, da trắng trẻo mịn màng, mắt nó tròn đen nhưng buồn, miệng nó cười mỉm chi thật dễ thương, nó cao và hơi gầy, nói tiếng Huế ngọt như mía lùi và êm như gió thoảng; có lẽ mẹ Như Thủy là Công Tằng Tôn Nữ nên trông nó có dáng dấp hoàng tộc. Thấy mắt Như Thủy hơi buồn, tôi chọc: “Mắt em là một dòng sông, thuyền anh bơi lội LỌT TRÒNG mắt em…”
Nếu là con trai, tôi đã mê hai con nhỏ này rồi.Ngược lại tôi là dân “Nẫu” chính gốc, ăn nói lại cộc lốc nên nghe không lọt tai tí nào; chỉ được cái miệng hay cười, cặp mắt tinh nghịch, sẵn sàng phá phách bất cứ lúc nào, kể cả trong nhà thờ.
Hai con bạn tóc xõa xuống vai gầy trông đẹp và thơ mộng lắm, còn tôi lúc nào cũng cột 2 bím tóc như 2 cái sừng trâu; khi đi, tóc tôi cũng nhảy theo bước chân mới chịu; hai con bạn lịch sự khen tôi dễ thương và kèm thêm câu “Nhất con gái La Hai”…Tụi nó nói đúng, cái gì tôi cũng nhất: Dốt nhất, nghịch nhất, nói nhiều nhất và hay khóc nhất! Tôi nhớ bài thơ hình như của Nhất Hạnh:
Năm xưa tôi còn bé,
mẹ tôi đã qua đời.
Lần đầu tiên tôi hiểu,
thân phận trẻ mồ côi….
Hoàng hôn phủ lên mộ,
chuông chiều nhẹ rơi rơi.
Tôi biết tôi mất mẹ,
mất cả một bầu trời…”
Đó là tâm sự thân phận riêng tôi. Mẹ tôi qua đời khi tôi vừa mở mắt chào đời, 7 tuổi tôi vào nội trú, vì ba tôi lấy vợ khác.
Không phải là “ma soeur” nên tôi nghịch phá để lấp đi nỗi cô đơn, trống vắng cha và mất mẹ.
Kim Vũ và Như Thủy đầy đủ bố mẹ, dư thừa tình thương, nên tụi nó dịu dàng và ngọt ngào như mẹ. Tụi tôi có nhiều điểm khác nhau, nhưng lại rất thân nhau, ngày nào không chọc phá ai chắc tụi tôi buồn lắm. Tôi nhớ những giờ ra chơi tụi tôi thường leo lên cổng trường chọc mấy anh nam sinh trường Đặng Đức Tuấn đi ngang qua; có lần vì vội vàng tuột xuống để trốn, chẳng may cái váy của tôi vuớng vào cọc sắt nhọn; lủng một lỗ, bị bà giám thị cho một trận nên thân!!!
Vì không thích môn sử địa, nên chúng tôi không học bài; và để khỏi phải ăn hột vịt, tôi nướng trái bồ kết, nghiền nhỏ, rắc vào ghế cho ông thầy già ngồi lên là bị thả “bom chùm”, nên không còn tâm trí nào để gọi học sinh lên trả bài!
Vì là trường nữ nên các soeurs không cho nam giáo sư trẻ vào dạy; có lần một ông thầy hơi trẻ dạy thế một tuần, tụi tôi tìm cách đóng cửa phòng nhốt thầy và một bà soeur trẻ vào rồi la ầm lên; bà soeur trẻ đỏ cả mặt, thế là tụi tôi bị quỳ bên hành lang cả buổi.
Khi đi tập hát chung với con trai, tụi tôi thường đặt biệt danh cho mấy chàng như “Thái Dzọt, Thái Dzúi, Lâm Cu Tím, Hướng Diên Ngầm, Thông Sốt Rét, Phong Dzòi….”Mấy anh “trường cha” thấy “băng” của tôi là lạnh người; ngược lại mấy anh cũng trả thù bằng cách viết thư gởi về trường cho tụi tôi để bà hiệu trưởng mắng; dù thư đã kiểm duyệt, nhưng bà vẫn la vì không muốn lôi thôi. Kể sao cho hết những ngịch ngợm của những ngày thơ ấu đó.
Rồi cũng xong đệ nhất cấp, tụi tôi vào Đặng Đức Tuấn học Đệ Tam chung với tụi con trai; ba đứa tôi đã ra vẻ thiếu nữ, khá xinh và cũng dễ thương, cũng biết e thẹn, biết mộng mơ, thích ấp ủ những câu thơ, bài nhạc và biết rung động … Nhiều chàng cũng theo tán tỉnh, trao thư; nhưng đâu có ngờ tụi tôi đọc chung, bàn thảo và chấm điểm những lời tỏ tình ngây ngô, như những bà soeurs phê bình những bài luận văn của chúng tôi.
Tôi nhớ có lần ba đứa rủ nhau lên Núi Nhạn xem bói, ông thầy bói hỏi tụi tôi: “Ba cô xem tình duyên hay gia đạo?”
Thật là chán cho cái ông thầy không tâm lý tí nào cả; tuổi “cặp kê” mà đi xem gia đạo làm quái gì! Gia đạo cha có ốm, mẹ có đau… who cares? Tụi tôi đỏ cả mặt và trả lời “Dạ tụi con xem “thử” tình duyên.” Ông gắt ngay “Các cô lại muốn “thử” thầy, thảo nào mắt thầy không giựt .. Các cô phải nói lại đàng hoàng”. (Lúc nào mà mắt thầy giựt là điềm báo hiệu có khách đến xem).
Kim Vũ thưa “Dạ thưa, nhờ thầy xem dùm tình duyên cho tụi con.”
Sau một hồi sờ mu rùa, bấm quẻ, lắc xâm và xem chỉ tay, ông nói hàng hai theo kiểu mò cua, bắt ốc! Nhưng khi nhìn mặt tôi, ông liền nói “Trong 3 cô, cô này sẽ lấy chồng sớm nhất và sẽ kết hôn với “nho sĩ” vốn giòng phong lưu…” Tôi đỏ mặt như hỏi ông là bộ tôi trông giống muốn chồng lắm hay sao???
Hôm sau vào lớp học 2 con bạn quỷ của tôi nó tung tin này ra, thế là cả bọn xúm chọc tôi “ Ê, Thiên Thanh, mày phong lưu đâu tụi tao không thấy, nhưng tụi tao thấy mày xứng đôi với “Phong Dzòi” lắm!”
Phong có mái tóc bồng bềnh trông nghệ sĩ, cao ráo và dễ coi; nhưng vì khi đi, đầu anh chàng hay chờm về phía trước một tí, nhìn giống… con giòi!!!
Đúng là “gậy ông đập lưng ông”, tên tôi đặt cho anh ta, bây giờ tụi nó trêu tôi mới đau, tự dưng tôi ghét anh ta vô lý vì sự tự cao của tôi. Anh chàng biết tôi không thích, nên khi bị ghép đôi, anh ta cứ mỉm cười và nheo mắt nhìn tôi khoái chí … làm tôi càng ghét anh ta hơn! Nếu tình cờ anh đọc được bài viết này, xin anh đừng giận nữa nhé, tuổi trẻ mà anh, đang mộng cao nên “chảnh” một chút cho vui, không hề cố ý chê anh đâu, vì biết đâu giờ này gặp lại, con nhỏ này lại “mê” anh thì phiền chết!
Nhưng cuối cùng, ba chúng tôi đều bị “loạn tiễn xuyên tâm”: “Đạn vào tim rồi, mới biết khổ đau!”
Kim Vũ phải lòng Nguyên, chàng Võ sinh Đà Lạt; Như Thủy vướng vào lưới tình của Hưng, sinh viên Luật khoa; còn tôi thì bị hớp hồn bởi anh chàng nghệ sĩ hiền lành tên Đức với cây đàn guitar và học Y khoa.
Tôi còn nhớ ngày Nguyên ra trường Võ Bị, chàng chọn binh chủng Biệt Động Quân. Ngày về thăm Kim Vũ, chàng trao cho nó cuốn nhật ký trong đó có đọan viết về tình yêu và mộng tưởng tương lai, cùng chiếc nhẫn của anh như một kỷ vật với lời hứa chờ cho Vũ được 18 và xong Tú Tài thì sẽ làm đám cưới. Nguyên đẹp trai, oai hùng trong áo mũ nhà binh, nước da đen dòn trông duyên dáng với nụ cười trong khóe ánh mắt. Hai người yêu nhau tha thiết chân thành, tuần nào cũng có thư từ chiến trường gởi về; tôi và Như Thủy vui lây với tình yêu của bạn và thầm cầu nguyện cho họ sớm được bên nhau… Nhưng, chữ “nhưng” quái ác không chừa một ai! Chỉ mấy tháng sau khi ra trường và chưa kịp đính hôn thì nghe tin anh gục ngã. Chúng tôi đã khóc và khóc thật nhiều cho con bạn xinh đẹp không thể nào thoát khỏi kiếp hồng nhan, từ hồn nhiên vui vẻ, bây giờ trở nên thâm trầm, buồn bã, đau thương và nghẹn ngào với câu: “Anh trở về hòm gỗ cài hoa”; còn tôi thì rưng rưng nước mắt.
Khi đưa tang, tôi và Như Thủy không tài nào quên hai câu thơ: “Anh trở về bờ tóc em xanh. Chít khăn sô lên đầu vội vã.. Em ơi!” khi nhìn quan tài của anh, và nhìn bạn tôi âm thầm cúi đầu không dám khóc, tụi tôi biết tim nó tan nát, hồn nó đóng băng, nó thầm thì những gì không rõ, và tôi tự nghĩ Nguyên cũng đang nói với nói vài câu: “Khi anh chết anh xin em lần cuối, được chân thành nghe tiếng nói yêu anh!” Dĩ nhiên là anh mãn nguyện, vì con bạn tôi yêu anh nhất anh ơi….
Tình yêu của Như Thủy và Hưng đẹp như mộng. Hưng đẹp trai, cao ráo, mái tóc bồng bềnh và nụ cười luôn nở trên môi. Hưng nâng niu, chiều chuộng Thủy như nàng công chúa pha lê, lúc nào cũng sợ bị vỡ. Vì cả hai đều là Công Giáo nên mỗi khi Hưng về thăm thì nhà thờ Tuy Hòa thêm một cặp tình nhân tha thiết nguyện cầu bên nhau và hứa yêu nhau cho đến hơi thở cuối. Hưng hẹn sẽ cưới nhau khi chàng ra trường. Như Thủy ngày nào cũng nhắc đến Hưng, thư đến trễ là nó buồn nó khóc; tụi tôi phải an ủi nó hoài và bảo đảm với nó rằng trên đời này không ai có thể thay thế Thủy trong tim của anh ta. Biết Thủy yêu hoa tím nên thư nào anh cũng ép vào một cành hoa tím khô, lãng mạn và dễ thương chi lạ.Còn tôi vốn long đong nên yêu nghệ sĩ nghèo; quà cho tôi là những bản nhạc và bài thơ; dù thơ anh không chải chuốt, văn hoa như người khác, nhưng đó là những lời tha thiết từ đáy lòng của kẻ đang yêu; những bản nhạc anh tặng làm hồn tội say mê cuồng đắm…cho đến giờ này tôi vẫn không thể nào quên.
Tình yêu tuổi mới lớn mạnh như bão tố, nên có lần anh nói với tôi: Thiên Thanh ơi, nếu vì lý do gì mình không nên duyên nợ, anh thề sẽ không bao giờ yêu ai, và tôi cũng thề…”
Sóng gió nổi lên khi ba tôi biết tôi và anh yêu nhau. Vì phong kiến, và thành kiến đối với nghệ sĩ đa tình sẽ làm tôi khổ, nên ba tôi chống đối quyết liệt; mỗi lần anh đến thăm tôi đều bị ba tôi tìm mọi cách “đuổi khéo”. Ba tôi hay nói với tôi rằng “Nếu con lấy Đức thì trong tương lai hai đứa sẽ ra chợ Tuy Hòa: nó cầm đờn, con cầm nón…”
Đức cũng tự ái lắm, nhưng vì yêu tôi, và tin tôi nên không dám giận hờn, tôi cũng dọa ba nếu không cho lấy anh thì tôi sẽ…tự tử. “Yêu nhau cho nhau cuộc đời, mà đời đâu biết đợi để tình nhân kết đôi.”
Dang dở là hai chữ mà chúng tôi không bao giờ dám nghĩ, nhưng nó vẫn đến, vì năm sau anh rớt Y khoa, chờ ngày vào lính…
Sau khi nhận thư anh, cả tập thơ và nhạc, tôi đọc đi đọc lại trong nước mắt những hàng chữ anh viết rằng anh không thể mang lại cho tôi một tương lai mà gia đình mong muốn, nhất là anh không muốn tôi khổ… Tôi viết lại cho anh và hứa là trong hoàn cảnh nào tôi cũng yêu anh, nhưng đâu có ngờ đó là lá thư cuối cùng anh viết cho tôi để trốn chạy, bỏ lại sau lưng một cuộc tình trong trắng ngây thơ vì không thể vượt qua được sự kỳ thị giai cấp.
Giờ này đã gần 40 năm, tôi không biết anh còn hay mất, anh ở nơi nào và hoàn cảnh ra sao… Tôi chỉ muốn hỏi anh một câu: “Sao anh lại bỏ cuộc khi chuyện tình chưa vào đoạn cuối? Lời thề năm xưa ai lỗi ước cùng ai?” Tôi nhớ mấy câu thơ không biết của ai nhưng làm tôi buồn da diết:
Kể từ ước hẹn ân tình,
Nào ai biết được chuyện mình dở dang?
Làm sao mình nói đá vàng,
Mà đừng để lại phủ phàng cho ai?? !....
Tôi vẫn giữ lời tôi hứa:
Yêu anh nếu có bẽ bàng,
Cũng xin nhận hết muôn vàn đớn đau…”
Xong Tú Tài 1 tôi đi lấy chồng, bước vào ngã rẽ mới cho cuộc đời như lời tiên đoán trong ba đứa tôi lấy chồng sớm nhất. Chồng tôi có địa vị, rất yêu thương tôi, và mang lại cho tôi một cuộc sống dư thừa vật chất. Tôi tạm quên anh trong một góc tim nhỏ bé, vui sống bên chồng và luôn chu toàn bổn phận, tưởng chừng hạnh phúc này sẽ mãi mãi bền lâu.
Nhưng, “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, ngày 30/04/1975 vận nước đổi thay, cũng như những người khác, ông chồng “Đốc Phủ Sứ” của tôi vào “tù cải tạo” khi đứa con trai đầu lòng của chúng tôi chưa tròn một tháng! Ba tôi cũng cùng chung số phận. Tôi sống bên gia đình chồng, may mắn là mẹ chồng thương như con ruột, nên tôi đỡ vất vả về tinh thần; nhưng vật chất thì không còn gì sau những lần đổi tiền, tôi đành phải bươn chải với đời để lo cho mình và cho con, không biết bao nhiêu là nước mắt khi đời “không đẹp như mình tưởng”.
Tôi cúi đầu chấp nhận mọi khó khăn, đôi khi buồn nhớ lại những vần thơ ngày cũ Đức viết, làm tâm hồn lắng xuống; vì dù sao trong đời cũng có người tha thiết ca tụng tôi, trong gian dối cũng còn vị ngọt, làm cho tôi thêm can đảm sống. Thơ và nhạc của Đức la hành trình an ủi tôi rất nhiều trong đường đời chông gai mà tôi phải vượt qua.
Gần 3 năm không tin tức của chồng, mẹ chồng tôi xin lễ giỗ cho anh; còn tôi chỉ xin anh linh thiêng cho tôi biết anh chết khi nào. Thương tôi và cháu, mẹ chồng tôi cho phép tôi vượt biên với lời dặn: “Con còn quá trẻ, nếu có gì mẹ không giận con đâu, chỉ mong con lo cho cháu nên người…”
Tôi liên lạc về Tuy Hòa vì muốn ba đứa đi chung, nhưng Vũ không đi được, nên chỉ có tôi và Thủy. Sau 3 ngày đêm nằm trong rừng đước ở Rạch Giá thì chúng tôi bị lừa mất hết vàng bạc, và trước khi ra khỏi bãi, chúng còn mang chúng tôi vào một nghĩa trang để ra từng nhóm nhỏ kẻo bị công an bắt… Tụi tôi trở về Sài Gòn trong đau khổ và chán chường.
Trước khi Thủy về lại Tuy Hòa tôi chọc: “Ê Thủy, tao nói với nó là tụi mình muốn đi Mã Lai Á, ai dè chúng nó nghe không rõ nên cho tụi mình vào Mả Đá!”
Thủy phá lên cười và trêu lại tôi: “Canh chua Rạch Giá ngon, nhưng quá đắt, vì tới 5 cây một tô, mẹ con mày sang nên trả 10 cây”.
Đâu có ngờ đó là lần cuối cùng tôi đùa với Thủy, và cũng là lần sau cùng nhìn thấy nó cười…
5 năm sau, được tin chồng còn sống, tôi lặn lội ra tận ra Thanh Hóa thăm một bộ xương khô; tôi khóc cho anh và khóc cho tôi, một người sắp chết trong ngục tù, một người đang chết héo mòn, tâm hồn tôi chai đá, thơ văn ngày cũ cũng thành cay đắng và khô cằn. Đâu còn nữa câu thơ dành dỗ:
Em đừng để gió mưa nào xô đẩy,
Rơi cả nụ cười mất cả thơ ngây…”
Mẹ con tôi cuối cùng cũng đến Mỹ vào cuối Thu 82, bỏ lại sau lưng người chồng, người ba kính yêu còn trong tù “cải tạo”, 2 người bạn thân, và mối tình đầu không đọan kết…
Tôi liên lạc về VN mới biết Thủy lấy người mà mình không bao giờ thương yêu.
Vì là con gái lớn trong nhà, Thủy đành phải lấy chồng giầu để cứu gia đình gồm một đàn em dại và nợ nần chồng chất, trong lúc nó không thể đợi được Hưng, còn ba thì vẫn ở tù.
Đau đớn nhất là sau một tháng Thủy đi lấy chồng thì mẹ Hưng từ Sài Gòn ra định hỏi cưới nó cho Hưng.
Nhận được tin, Thủy chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần… Thương cho nhỏ bạn dịu dàng của tôi, không biết đến bao giờ thì mới thoát khỏi được hoàn cảnh: “Cười là tiếng khóc khô không lệ.” và: “Nếu phải vì nhau mà em khóc, hãy giữ im giọt nước mắt trong lòng.”
Kim Vũ lên xe hoa với một cán bộ Hải Quan cao cấp Việt Cộng tại Sài Gòn để trở thành đại gia. Nó có hạnh phúc hay không, vui hay buồn thì không ai biết, nhưng tôi biết chắc một điều là bóng dáng của chàng Võ Bị oai hùng hiên ngang sẽ không bao giờ phai nhạt trong trái tim của nó. Còn gì mỉa mai cho bằng người yêu của một anh hùng Quốc Gia phải làm vợ của kẻ thù Cộng Sản. Tiền tài danh vọng đã đẩy Vũ vào con đường nghiệt ngã khổ đau. Nghe nói Vũ không một lần về thăm lại Tuy Hòa sau khi lấy chồng. Không ai hiểu nó, nhưng tôi biết bạn tôi đang trốn chạy, và sống cho hết một kiếp truân chuyên:
Này em hỡi con đường em đi đó,
Con đường em theo đó đúng hay sai ?
Mưa bên chồng có làm em khóc ???”
Lời hứa, tình yêu và ước vọng của tuổi học trò thật đơn giản, nhưng thời gian, định mệnh cuộc đời không cho phép chúng tôi đạt được ước mơ, dù tầm thường nhỏ bé. Tiếc hay buồn, oán hay trách cũng đã qua rồi một đời người con gái mà định mệnh đã an bài.
Tóc ba đứa giờ không còn xanh nữa mới hiểu rằng đường đời lắm chông gai, mộng mơ và thực tế là hai con đường đối nghịch …Hy vọng còn lại trong những trái tim của chúng tôi mãi mãi vẫn là… Tuy Hòa cũ, Trường Xưa và…Cố Nhân để nhớ:
Ba người con gái thuở ban đầu,
Tóc đã ngã mầu, mắt đã cay,
Rượu nồng không uống mà say,
Tìm đâu lại được những ngày ấu thơ.
Giật mình tỉnh một giấc mơ……
Mùa Đông 2010
Thiên Thanh
No comments:
Post a Comment