Thursday, May 31, 2018

ĐẮM THUYỀN (THUKỲ)


Đắm Thuyền (Thukỳ)
 
Biết bơi thật quan trọng, vì nó cho ta một sự tự tin mạnh mẽ; nhưng rất tiếc Thukỳ chỉ mới biết bơi cách đây 2 năm, khi dọn đến đảo Navarre, Florida; còn trước đó thì rất sợ… “nước”, và xém chết đuối khi thuyền bị đắm.

Thị trấn Cở Đỏ (Cần Thơ)  đầy kinh, rạch, nên thuyền bè là phương tiện chuyên chở và giao thông khá phổ biến.  Đa số dân ở đây đều biết bơi từ bé, chỉ có gia đình chồng Thukỳ thì từ thành phố về nên chẳng ai biết bơi.

Sau khi miền Nam “bị giải phóng” thì dân chúng không những thiếu ăn mà cũng thiếu mặc; vì thế, ngoài gạo để sống, còn cần quần áo để che thân, nên vải là một trong những nhu yếu phẩm hàng đầu.  Nó quan trọng đến nỗi trong nhân gian có một chuyện tếu kể rằng:
Có một ông nọ vừa được người con từ Mỹ gởi về một xấp vải thì liền mang đến một cô thợ may người gốc Quảng để may quần.
Sau khi đo vải, cô thợ may hỏi khách:
-Răng, anh cắt ngắn hay cắt dài?
-Cắt ngắn là sao, và cắt dài  là sao?
-Cắt ngắn thì đủ 2 cái; cắt dài chỉ đủ 1 cái thôi!
-Cô ráng cắt dài 2 cái được không?
-Chịu thôi, ráng lắm cũng chỉ đủ 1 cái rưỡi là cùng 😊!

Đó là chiện tiếu lâm; còn đây là chiện thật của Thukỳ:  
Hồi đó, tất cả nhu yếu phẩm đều được bán theo tiêu chuẩn và tem phiếu, và may mắn Thukỳ mua được từ hợp tác xã một thước vải đen; nhưng thưa quý anh chị, nguyên cặp giò của Thukỳ đã dài hơn 1 thước rồi, thì làm sao may đủ một cái quần để đi “lao động xã hội chủ nghĩa”; thế là đành phải mua chợ đen thêm một thước nữa; và cuối cùng là cái quần được nối ngang lưng, trông chẳng giống con giáp nào!

Kể như vậy để những ai chưa từng sống dưới thời “bao cấp” hiểu được vải vóc quý như thế nào.  Mỗi khi nhận được thùng quà là mở ra xem có vải hay không; do đó, vào lúc bấy giờ, nghề bán vải là một nghề “cao cấp” và kiếm khá bộn bạc.  

Để thực hiện giấc mơ của mình, Thukỳ đành phải theo các chị em bạn hàng thuê ghe thuyền đi vào làng xóm để chờ mua vải từ những người mua được từ những hợp tác xã của nhà nước để mang về thị trấn bán lại kiếm lời.

Công việc có vẻ dễ dàng, nhưng thật ra không đơn giản; vì yếu đuối như Thukỳ làm sao có thể ôm một đống vài nặng nề xuống ghe, đặc biệt là phải bước trên một miếng ván chòng chành, mà Thukỳ thì lại rất sợ nước, rủi rớt xuống không thành “người cá” cũng thành… “hà bá”, và cơn ác mộng thành sự thật:

Một lần, Thukỳ và 2 chị nữa chở hàng, anh chàng lái thuyền cũng còn hơi trẻ nên hiếu thắng, chạy đua với 1 chiếc thuyền đuôi tôm, khi Thukỳ la lên thì đã trễ 2 cái cần của máy chạm vào nhau và thuyền bị lật!  Trong giây phút thập tử nhất sinh,  Thukỳ nắm chắc chết đuối, thì Thukỳ bám lấy cái cây sắt là cái cây dùng để làm mui thuyền che nắng.  May mắn thay, khi thuyền lật thì cái máy nặng nên mui chìm xuống trước, còn đáy thuyền thì nổi trên trên mặt nước.  Nhờ bám cây sắt nên Thukỳ cố gắng ngoi mặt lên thở.  Con kinh không lớn lắm (khoảng 60 mét), bên này bờ có thể gọi bên kia nghe được, nên dân làng bơi thuyền ra cứu.  Khi họ nắm tay Thukỳ và bảo bỏ tay ra để đưa lên thuyền, Thukỳ sợ quá không dám buông tay, cho đến khi 2 chiếc thuyền cặp vào dìu cả 2 cánh tay thì mới đưa Thukỳ lên được.

Những hàng hóa kỳ đó vớt được tí nào hay tí đó, dĩ nhiên lỗ vốn nặng, nhưng Thukỳ chẳng còn tha thiết nữa, chỉ biết khóc vì sợ, và khóc thật nhiều: sợ mình chết đi thì ai nuôi con; nếu có chết thì cả hai mẹ con chứ không thể nào bỏ lại cháu Cường, lúc đó chỉ mới được 2 tuổi, và cũng là hy vọng duy nhất để sống.

Kỷ niệm khổ sở này và nỗi sợ hãi ám ảnh mãi, dù vậy vẫn bồng con đi vượt biên nhiều lần, dám đánh đổi tất cả để được 2 chữ tự do, cho con có cơ hội ăn học nên người; và nhìn kết quả hôm nay, Thukỳ mãn nguyện, chỉ biết tạ ơn và chưa hề than vãn, dù Mỹ không phải là thiên đàng, mà mình phải làm rất nhiều, với bao cực nhọc, chịu khó...Nhưng ít ra cũng có cơ hộ để tạo dựng cho mình một cơ ngơi vui sống, con cái thành người.

Thukỳ.

No comments: