Thursday, May 10, 2018

KHÚC QUANH (THUKỲ)



Khúc Quanh (Thukỳ)

“Từ dạo ấy, tôi giống như góa phụ
Bao nhọc nhằn phủ kín cả hai vai…”

Từ một căn nhà lầu ngay phố chợ sầm uất SG, chúng tôi đến một nơi xa xôi thật buồn, những ngày tháng đầu không ai nói ra, nhưng đều dằn vặt trong tâm sự đớn đau.  Tôi là người hay khóc, vì lúc đầu chưa quen cuộc sống thiếu thốn.  Lâu dần, không còn nước mắt, và tôi quyết định phải vươn lên, phải làm cái gì để tự lo được cho bản thân và nuôi con còn nhỏ dại, vì mẹ chồng đã già, không thể để bà phải lo mãi cho tôi.

Cả tôi và chị Vinh không biết làm ruộng, nên muốn thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn thì phải buôn bán.  Lúc bấy giờ buôn bán cái gì cũng là “quốc cấm”,  nhưng không còn cách nào khác hơn, chúng tôi phải liều để sống, nên hai chị em ra chợ xem xét tình hình; và cuối cùng, tôi đề nghị mua bán tạp hóa, là những thứ cần dùng hằng ngày trong gia đình.  Vốn liếng của chúng tôi chỉ vỏn vẹn có 50 đồng tiền mới đổi, nếu không khéo léo xoay sở sẽ chết ngay. Dù nơi đây được lúa gạo đầy đủ,  đói thì không sợ, nhưng tiền đâu thuê người làm ruộng.  Chính quyền Việt Cộng địa phương cấp cho gia đình chị  Vinh 10 công ruộng, còn mẹ và tôi 5 công.

Tôi được may mắn có tài ngoại giao giỏi.  Cả chợ ai cũng mến thương khi biết hoàn cảnh chị em tôi; họ chỉ bảo cho chúng tôi tận tình.  Người miền Nam thật thà và  nhân hậu, tôi và chị được 2 gia đình có nhà ngay chợ cho để nhờ 2 sạp bán hàng cách xa chừng 10 căn phố; hàng hóa giấu trong nhà họ, chỉ chưng bày sơ sài, khi ai mua gì thì lấy ra đề phòng bị bắt tịch thu hàng hóa… Tôi học ở trường thì dở, nhưng khi ra buôn bán khá lanh, tôi có thể nhìn thấy và biết những gì sẽ bán chạy hàng dễ kiếm lời và không vất vả nặng nhọc lắm.

Chẳng ai ngờ một cô học trò nhỏ đơn sơ như tôi mà có thể tính toán đủ mọi thứ:  Tôi buôn từ tạp hóa, sang đến thuốc Tây, thuốc Tàu, quần áo cũ...Khi có vải từ Thái Lan nhập sang, tôi qua buôn vải, thuốc lá, buôn vàng chút ít; tới mùa lúa thì bán dụng cụ làm nông, dịp tết bán quần áo trẻ con, kẹo bánh, và pháo...Tôi chẳng nhớ hết những thứ mà tôi buôn bán, xoay chuyển tùy theo cung cầu, hoán đổi hàng Hợp Tác Xã, mua vải theo sổ gia đình khi được phân phối. Hai chị em đi Sài Gòn, Cần Thơ, và Long Xuyên.. tùy theo mặt hàng bán và mua khi đi lên đi về.

“Thánh nhân hay đãi khù khờ”, tôi tạm thành công, buôn bán rất đắt  nhờ uy tín và lòng thương của đồng bào nơi đây.  Lúc đó, họ thương những gia đình “ngụy quân, ngụy quyền”, nhờ vậy mà chị em chúng tôi tương đố đỡ vất vả và tạm ổn, có tiền ra vào nuôi sống cả gia đình;  chỉ khổ là phải thức khuya dậy sớm, dầm sương dãi nắng.  Hình như lúc đó tôi chẳng có giờ để soi gương, chải tóc… chẳng cần để ý là khuôn mặt mình giống là người hay giống “khỉ”,  chỉ biết một điều là lo làm để kiếm tiền;  dù vất vả đến đâu cũng không oán than nữa, chấp nhận cuộc sống với bao nhọc nhằn và chẳng còn hy vọng nhìn thấy chồng trở về.

Tôi còn trẻ nên phải đi thủy lợi làm công tác lao động. Nhờ buôn bán, nên  tôi có thể thuê người làm giúp phần ấy, hình như mỗi tháng 3 ngày?  May mắn tôi chưa bao giờ phải đụng đến cuốc xẻng, hay xuống đồng làm ruộng.  Những buổi chiều khi vắng khách,  tôi còn dạy cho mấy em nhỏ quanh phố làm toán học thêm...Dốt mà dạy mù nên cũng vui vui, và cha mẹ cũng như các em phục tôi lắm, dù tôi chỉ dạy làm toán cộng trừ, nhân chia là hết, viết văn thì tả chó tả mèo… Ôi cô giáo như tôi, may mắn là học trò hổng đội sổ hoặc “đạp vỏ chuối”.  Nghĩ lại thấy vui vui vì mình đã làm chút gì đền ơn cho những ân nhân nơi đó; vì thế huyện Cờ Đỏ xa lạ trở thành nơi mến thương, lưu luyến nghĩa tình. Giờ này nhớ lại những khuôn mặt nhân hậu ngày đó tôi không thể nào quên được trong tim.

Nhân tiện, tôi muốn mở ngoặc về luật “nhân quả” như “ở hiền gặp lành, thủy chung nhân hậu...” chúng ta nên lấy châm ngôn đó mà sống, vì sau khi bị lừa hết tài sản của chú chồng tôi, thì ông Ánh cũng bị Việt Cộng khám phá ra sự tráo trở của ông, họ đào thải ông,  lấy hết sạch của cải thuộc về mẹ và cô chú chồng tôi ở Long Khánh, căn phố dùng làm Hợp Tác Xã, đồn diền tịch thu cho nhà nước quản lý, ông vào tù không biết sống chết ra sao, con cái ông đói rách thảm thương, trong khi gia đình chúng tôi và con cô chú “hết cơn bỉ cực, đến hồi thái lai” tất cả đang sông bên Mỹ, và anh chị nào cũng “nên người”: con cái anh Vinh và tôi trở thành người tốt, bác sĩ, luật sư, kỹ sư, dược sĩ...Tôi muốn nói tí chút để cho chúng ta rút tỉa kinh nghiệm về việc phúc đức ở đời, trung tín, chân thật, thủy chung, tình nghĩa vẫn là hàng đầu để phúc đức về lâu về dài cho con cháu....

Niềm vui lớn nhất là mẹ và cô chú chồng tôi cũng còn chứng kiến được cảnh con cái đến Mỹ;  chỉ buồn là cuộc đời họ sinh ngoài Bắc, di cư vào Nam sống tại Sài Gòn, nhưng có ai ngờ khi chết phải chôn thân nơi Cờ Đỏ, Cần Thơ, chẳng ai thăm viếng những nấm mộ hoang lạnh, cô đơn;  còn chúng tôi sẽ gởi nắm tro tàn nơi quê người đất khách.  Nhưng nếu có niềm tin thì mọi người sẽ có ngày đoàn tụ một nơi không còn lọc lừa gian dối, nơi đầy tình thương yêu và đầy ắp tiếng cười hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.

Thukỳ.
*** Sẽ kể chi tiết nho nhỏ trong từng nỗi vui buồn của con buôn bất đắc dĩ đúng như câu “thời thế tạo thương gia dổm” đó quý vị ơi.

No comments: