Thursday, May 17, 2018

CHĂN HEO (THUKỲ)



CHĂN HEO (Thukỳ)

Thukỳ nhớ có 1 lần khi Hói, cậu con thứ nhì, sinh ra ở Mỹ, lười học; nên theo kiểu các bà mẹ Việt Nam, Thukỳ giận, nới với con trai: “Con à, nếu con không chăm học, lớn lên mẹ cho đi chăn heo đó nhen…”
Cậu “Mỹ” con hỏi lại ngay: “Chăn heo là làm gì hở mẹ?” Tự dưng Thukỳ bật cười, vì Hói có bao giờ nhìn thấy heo thật đâu!

Thukỳ cũng may mắn là vì ba làm việc ở Tuy Hòa nên rời La Hai sớm từ lúc lên 3 -4 tuổi nên cũng chưa có dịp biết nuôi heo ra sao.

Khi sống ở Cờ Đỏ (Cần Thơ), sau nhà còn đất rộng, nên chị họ Vinh, người sống bằng nghề nuôi heo để bán, mới chỉ cho Thukỳ mua 1 con heo về nuôi, may ra có tiền để đi nuôi chồng “học tập cải tạo”.  Giống như ông xã của Thukỳ, anh Vinh cũng đang bị tù ở Châu Đốc).

Một buổi chiều đang sắp dọn hàng về thì thấy một bà dắt con heo đến hỏi Thukỳ có muốn mua không.  Bà này nói con heo đang có bầu, nhưng nhà đang cần tiền nên phải mang đi bán, từ sáng đến giờ bán không được.
Tánh Thukỳ hay thương người, mà cũng đang muốn mua con heo, giờ nghe hoàn cảnh của người này, nên không hề do dự, liền mua con heo màu đen trắng rất dễ thương.

Khi mang về nhà thì cô chú chồng chê là giống heo chắc không béo tốt.  Tuy vậy, chú thông cảm cho hoàn cảnh của Thukỳ nên lo làm chuồng và mua đá lót cho sạch.

Đúng là dân tỉnh thành chưa bao giờ nuôi heo nên không rành.  Còn cô nàng heo thì nàng về kén ăn kinh khủng, nên dù thời thế khó khăn, Thukỳ vẫn phải mua cá lòng tong về kho cho nàng ăn chung với cám.  Đúng là heo công chúa.

Đến ngày “khai hoa nở nhụy” lại trúng ban đêm, ông chú lại phải sang “đỡ đẻ” được 6 nàng tiên con.  Thukỳ mừng vô cùng, ai chỉ gì cũng làm theo, nào là nấu đậu nành cho nàng ăn để có sữa tốt cho con bú, nhất là để cho lông của chúng được láng mượt, dễ bán.  
Nhưng hỡi ơi, mặc dù ăn đồ “cao lương mỹ vị” heo mẹ vẫn gầy dơ xương, mấy heo con thì bệnh hoài, nên không lớn như heo hàng xóm.  Thukỳ đành phải cho uống thuốc Tàu; uống riết rồi da của chúng  vàng lên, đến khi đủ tháng bán thì chẳng ai chịu mua, vì thấy chúng èo uột và yếu đuối.  Thấy vậy cuối cùng chú chồng phải làm heo quay từng bé một!

Còn nàng heo mẹ cũng chẳng mập được chút nào; rõ ràng là Thukỳ bị lỗ “sặc gạch”.   Khi kêu lái buôn heo đến mua thì họ chê nhẹ ký nên trả giá thật “bèo”. 

Buồn ơi là buồn, bao nhiêu tiền bỏ ra nuôi heo “thật” còn tệ hơn nuôi heo “đất”.   Nhà không có đàn ông nên chuyện gì cũng phải nhờ đến ông chú.  Chối cùng, chú đề nghị thuê người xẻ thịt tự bán, may ra gỡ được chút vốn.

Sau khi họ làm thịt xong, Thukỳ mời bà con lối xóm đến mua dùm.  Hàng xóm thật hiền lành và chân thật, họ mua nhưng hứa sẽ trả bằng lúa khi đến mùa gặt.  Mỗi ký lô thịt heo Thukỳ bán được 1 dạ lúa,  nên bán hết con heo thì được khoảng 100 dạ lúa.

“Ở hiền gặp lành” không sai, khi đến mùa gặt lúa xong họ đều trả cho Thukỳ đầy đủ lúa, nhà không còn chỗ chứa phải mang đến gởi ở kho của nhà thờ.  Vì không cần tiền vội, nên Thukỳ cứ trữ lại.  Không ngờ năm đó nhà nước ra chiến dịch thu mua lúa giá chính thức.  Nhưng nhà nước không trả bằng tiền mặt mà trả bằng chứng từ (voucher), chỉ dùng chứng từ này như tem phiếu để mua đồ từ hợp tác xã của nhà nước.  Sau khi xem xét hàng hóa, Thukỳ mang lúa ra cân bán và mua lại hàng, thật là “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, số tiền lúa của con heo tưởng lỗ hết vốn giờ thì trao đổi mua bán...số tiền thu lại được lên gấp 10 lần.

Giờ này nghĩ lại chuyện nuôi heo Thukỳ cứ cười mãi, và đó là con heo đầu tiên cũng là cuối cùng của người làm nghề chăn nuôi như Thukỳ.  Trong những lúc xuống tận cùng của cuộc đời thì cũng có những may mắn đem đến cho mình, từ những kinh nghiệm nho nhỏ Thukỳ tự tin hơn, sống an bình hơn và đức tin mạnh hơn...Mỗi ngày mình sẽ học thêm rất nhiều bài học ở đời bằng kinh nghiệm sống chính bản thân mình.  Một điều Thukỳ hãnh diện ngẩng cao đầu là luôn chịu khó làm việc, không dựa dẫm vào ai, tự mình học hỏi ở trường đời đầy chông gai, nhưng nếu mình biết dọn sạch sẽ thì nó cũng trở thành con đường thênh thang cho mình tiến bước.

Thukỳ.

No comments: