Thursday, May 31, 2018

THU TUYẾT - MỘT NHÀ GIÁO LÀM THƠ...(TỪ KẾ TƯỜNG)


Thu Tuyết - một nhà giáo làm thơ - một người đi trong "cõi mê" tới cõi nắng vàng


LÊ THU TUYẾT
Một ngày nào đó cách đây rất nhiều năm, tôi không còn nhớ rõ năm nào, một người bạn trong giới văn chương đã đưa cho tôi một số bài thơ của một tác giả có tên rất lạ: Thu Tuyết và người bạn ấy giới thiệu một cách nhiệt tình: Ông hãy đọc và biên tập giùm, nếu thấy được thì giới thiệu cô ấy “ một cây bút trẻ.”

Lúc đó tôi chưa biết Thu Tuyết là ai, chỉ biết đây là một cái tên phụ nữ và những bài thơ chị làm mang đầy cảm xúc và sự chân thật của một phụ nữ đến từng con chữ. Cảm xúc xuất phát từ trái tim, từ đáy long. Sự chân thật ở từng con chữ là không làm dáng với ngôn ngữ thơ ca, nó như văn bản ghi chép, thể hiện những buồn vui trong tâm trạng chông chênh. Cách nhìn cuộc sống chung quanh, cảm nhận đời thường, lòng yêu thương gia đình, cha mẹ, chị em, tuổi thơ đã qua, một thời thiếu nữ vẫn thấp thoáng đâu đó trong hoài niệm và hạnh phúc, đổ vỡ trong tình yêu. Có lẽ cuối cùng là nội, ngoại cảnh của nơi mà Thu Tuyết đang sống. Đó là quê nhà thân yêu nơi chị đã lớn khôn và chia xa; đó là Sài Gòn, thành phố của nắng mưa bất chợt, của những va chạm, môi trường sống mà chị trải nghiệm; và một không gian khác mà chị đã tới, sống qua những năm tháng ở nước ngoài.

Tôi đã tưởng mình sẽ biên tập rất nhiều, sửa chữa rất nhiều những bài thơ của Thu Tuyết trước khi quyết định đăng báo, đó lại là một tờ báo văn chương, có uy tín của một thành phố lớn, một thành phố rất văn chương, văn nghệ của Sài Gòn:Tuần báo Văn Nghệ. Nhưng thật ngạc nhiên tôi đã không phải biên tập, sửa chữa gì nhiều, vì cảm xúc, sự chân thật đến từng con chữ của Thu Tuyết tuy còn đôi chỗ ngổn ngang, trúc trắc, nhưng vốn dĩ nó đã là thơ và tôi đã quyết định giới thiệu một chùm thơ của Thu Tuyết trên báo Tuần báo Văn Nghệ ở mục “Cây bút mới” chứ không phải “Cây bút trẻ” với lời đề bạt rất trân trọng, dẫn mấy dòng trích ngang tiểu sử của Thu Tuyết và một tấm hình, gọi là “chân dung tác giả”.

Chân dung Thu Tuyết rất lạ, một phụ nữ trẻ hơn tuổi đời của mình rất nhiều. Khi tôi biết chị là một nhà giáo, giảng viên của một trường đại học không dính gì tới lãnh vực văn chương, chị còn là một nhà nghiên cứu khoa học. Quả thật tôi hết sức ngạc nhiên về một người làm thơ tên Thu Tuyết. Nếu là nhà giáo dạy ngành tài chính ngân hàng, maketing, nghiên cứu khoa học thì người ta liên tưởng tới một Thu Tuyết rất mô phạm, khô cứng đến từng con chữ; nhưng không, chữ nghĩa, ý tứ trong thơ Thu Tuyết rất tượng thanh, tượng hình, giàu nữ tính, nhiều màu sắc, nội tâm luôn được mở rộng, thời gian, không gian được đẩy lên cao, bay xa đến cõi không bờ. Thơ của Thu Tuyết đầy cỏ xanh, lá úa, sương mỏng, mưa mùa và đặc biệt đầy nắng vàng như một cõi nắng khác không có trong đời thực.

Và quả thực tôi đã nhận ra một chân dung khác của Thu Tuyết Nhà giáo. Hay nói chính xác, Thu Tuyết là một Nhà giáo làm thơ và chính xác hơn nữa Nhà thơ Thu Tuyết có cái Tâm của Nhà giáo và có cái Tình của thơ ca. Bởi lẽ nếu không có cái tình thì Thu Tuyết không có những câu thơ xúc động đến tận đáy lòng và không “dễ vỡ” với một trái tim tan nát.

                       Ngày tháng cũ sông chiều buông nắng nhạt
                       Nhẹ bóng dừa bởi nắng nhuộm hoàng hôn
                       Em chông chênh ôm mảnh đời nghiêng ngả
                       Phố vàng xưa lấp lánh ánh sao Hôm

                       Thôi, cứ hẹn mai về nghe gió hát
                       Ôm hoang vu trải nhẹ lối đi xưa
                       Đồi cỏ dại nắng chiều phơi nỗi nhớ
                       Hồn khơi vơi quạnh quẽ giữa đồi mưa

(Hoang Vu - Trích từ tập thơ Thu Trắng của Thu Tuyết)

Không chỉ có “Hoang Vu” mà còn nhiều, rất nhiều bài thơ của Thu Tuyết trong tập thơ “Thu Trắng” khiến mọi người ngạc nhiên, bất ngờ, thú vị về một chân dung khác của một nhà giáo làm thơ như chính chị đã chị đã chia sẻ:

“Tôi đến với thi ca như một ngẫu nhiên. Quê hương, ba mẹ đã cho tôi những nồng nàn, ấm áp vốn dĩ hồn nhiên, trong sáng. Trải qua bao sóng gió, thăng trầm tôi đã viết. Viết như một cơn mưa rào đầu hạ xóa đi những muộn phiền, ưu tư chồng chất. Viết như một làn gió mát tưới sâu vào tâm hồn đang chông chênh, hấp hối. Viết đã làm tôi tỉnh lại và…”Thu Trắng” ra đời từ đây”

Đồng hành với tập thơ Thu Trắng, do Phương Nam Film phát hành, Nhà giáo Thu Tuyết còn cho ra mắt CD có cùng tên gồm 10 ca khúc được các Nhạc sĩ có tên tuổi phổ từ thơ chị như: Quốc Dũng, Duy Cường, Tùng Châu… với các giọng ca nổi tiếng: Cố ca sĩ Duy Quang, Tuấn Ngọc, ý Lan, Hiền Thục, Tú Anh… và chính tác giả Thu Tuyết, với chất giọng rất mộc nhưng ngọt ngào và đầy cảm xúc trong hai ca khúc Hoàng Hôn và Cõi Mê.

Thật lạ, chị không phải một ca sĩ, chỉ một giọng hát thiên phú, không kỹ thuật thanh nhạc, không làm dáng hay dụng công, nhưng đã làm lay động lòng người. Phải chăng, chị đã hát bằng chính trái tim mình!

Nếu nói thơ Thu Tuyết là năm tháng làm thành tình yêu và thương nhớ nồng nàn kỷ niệm nằm dưới lớp lá vàng khô chờ âm ỉ cháy, đốt cả không gian, thời gian; thì nhạc phổ từ thơ Thu Tuyết chính là mồi lửa để những phiến lá khô vàng mỏng manh ấy bùng cháy. Nhạc đã chấp cánh cho thơ Thu Tuyết bay cao trở thành hình tượng hơn, ấm áp hơn hoặc lạnh lẽo cô độc hơn và gì nữa? Đó chính là một trái tim nhạy cảm với chung quanh, với cính những khoảnh khắc đời mình cô đọng lại thành Thơ và cũng chính vì thế nên thơ của Thu Tuyết đầy nhạc cảm.

Thật thế, nếu ai thấy Thu Tuyết trên bục giảng, uống cà phê với bạn bè hay lang thang dạo phố với hình ảnh của một phụ nữ phục trang lịch sự, kính trắng trên gương mặt trẻ trung, nụ cười tươi tắn trong giao tiếp, ít ai hiểu được rằng người phụ nữ ấy đã vượt qua những nỗi đau trong tình yêu, trong cuộc sống, và đã rất cô đơn như một cõi mê nào đó mà chị đang đi. Ta chỉ biết được Thu Tuyết thật sự, một phụ nữ khác với chân dung và hình ảnh bề ngoài của chị, khi đọc và chia sẻ với thơ chị mà thôi. Ở đây ta mới thật sự đồng hành, chìm đắm trong một “cõi nắng vàng”, hay “cõi mê” giữa đời thực của người phụ nữ mang tên Thu Tuyết.

Và tôi cũng không biết bao giờ Thu Tuyết đi hết cõi mê qua cõi nắng vàng rất hư ảo của đời mình.

                                      TỪ KẾ TƯỜNG

No comments: