Tuesday, January 1, 2019

CHUYỆN BUỒN CUỐI NĂM (NGỌC LAN)


Chuyện buồn cuối năm
December 30, 2018
 
 (Hình minh họa: Getty Images)
Sổ tay phóng viên
Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Sự kiện” cuối cùng của năm 2018 tôi tham dự cùng nhiều đồng hương, bạn bè, người quen biết quanh đây chính là đi dự đám tang con trai của một người bạn. Thằng bé 17 tuổi, bằng tuổi con trai tôi.

Thằng bé “ra đi” trước lễ Giáng Sinh chỉ hai ngày, trong nỗi bàng hoàng, tê tái không chỉ của riêng mẹ nó, ba nó, gia đình người thân nó, mà còn là nỗi sững sờ đến thảng thốt của tất cả những ai quen biết.

Nhiều người sốc.
Những đứa trẻ chưa qua khỏi tuổi 20 mà đã muốn kết thúc cuộc đời mình, bằng cách này hay cách khác, có bao giờ không tạo nên cú sốc cho người ở lại.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi khép lại vui buồn của năm cũ, chuẩn bị đón năm mới về, bằng một đám tang.
Nơi nhà quàn này, ba năm trước đó, trong những ngày mà người người rộn ràng đón chào dịp lễ hội lớn nhất của năm, tôi xuất hiện trong đám tang của thằng bé 15 tuổi tự kết thúc đời mình bằng chiếc dây thừng.

Nơi nhà quàn này, hai năm trước đó, tôi cũng có mặt dự lễ tưởng niệm nhà báo Bùi Bảo Trúc, một tên tuổi lớn.
Cũng trong cái lạnh sắt se khi đông về, tôi có mặt tại một nhà quàn khác để tiễn một cô bé 20 bỏ lại cuộc đời phía trước bằng một phát súng tự bắn vào đầu…

Và trong những lúc ngồi lặng im nhìn bức hình với gương mặt hồn nhiên, tươi tắn của những đứa nhỏ đang yên ngủ kia, tôi lại được nghe thêm nhiều cái chết trẻ khác. Đứa vào rừng treo cổ. Đứa nốc cạn ngụm thuốc. Đứa lao đầu vào xe điện. Đứa cắt đứt mạch máu…
Đám tang của người “tự nguyện” chết trẻ. Bao giờ cũng đớn đau. Nặng trĩu.

Người ta hay nói: Chết là hết.
Người chết, đã xong. Người còn lại, day dứt hoài với câu hỏi “Tại sao?” Người còn lại, dằn vặt những ăn năn “phải chi mình…”  Người còn lại, loay hoay tìm câu trả lời “Rằng thì là.” Cho nhẹ lòng chính mình. Để vượt qua. Để đi tiếp. Với những kinh nghiệm hay bài học không giá nào trả nổi.
Người lớn luôn nói: Cuộc sống vốn không dễ dàng. Người lớn luôn hiểu: Sống là phải “đấu tranh.” Người lớn biết rõ: Đời sống thật nhiều áp lực.

Nhưng.
Người lớn đôi khi quên mất: để sống – cũng đâu dễ cho nhiều đứa trẻ. Sống để hồn nhiên với chúng bạn. Sống để vui lòng cha mẹ. Sống để vinh quang cho gia đình. Thật là khó lắm!

Tôi nhớ từ đầu năm học, khi thằng con tôi vào lớp 11, lớp được xem là “quyết định” của hầu hết những đứa học trò trung học, ngay ngày đầu tiên đón con về nhà sau giờ học, tôi nói, “Năm nay sẽ là năm học khó nhất đó nha Bi! Cố gắng nha! Làm những gì thấy vui, thấy có ích thì làm.”

“Dạ, khó nhất nên con sẽ straight C (lấy toàn điểm C),” nó trả lời tỉnh bơ.
” Toàn C sau khi cố gắng hết sức và thấy vui là được,” tôi nói.
“Vậy nếu D thì sao mẹ?” Thằng con hỏi lại.
“D thì D. Học thôi mà. Học để vui, để biết, không học để stress, nha con!” Thằng nhỏ nhe răng cười. Rạng rỡ.
Nụ cười của nó làm tôi an lòng. Công việc của một nhà báo cho tôi cơ hội nói chuyện với nhiều phụ huynh của những em đã “ngã ngựa,” tuột không phanh từ giỏi nhất, yêu đời nhất, xông xáo nhất, xuống thành đứa trầm cảm, mắc tâm bệnh, và không thiết tha với bất cứ thứ gì.

Đó chỉ mới là áp lực của chuyện học hành.
Còn những đứa nhỏ khác, do đặc điểm tâm lý, tính tình, lại mang thêm những suy tư, những vấn đề mà không phải cha mẹ nào cũng có thể dễ dàng nhận ra, để chia sẻ, để dìu dắt, để nâng đỡ, để rồi khi không tìm thấy được niềm vui, thấy cuộc đời vô vọng, nó cũng chọn cách ra đi…

Cuộc sống vốn không dễ dàng. Cho chính mình. Và cho cả con cái mình.
Thế nên, mình cùng nương nhau sống, trong cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Mình cần nghị lực, niềm tin, biết mình muốn gì, thích gì và làm gì để đạt đến mục đích. Những đứa trẻ cũng cần như vậy. Mình sống cuộc đời của mình. Những đứa trẻ cũng cần sống cuộc đời của nó. Không ai có thể sống thay ai.

Nhưng. Mình là gia đình. Là nơi mà bàn tay non nớt của những đứa nhỏ có thể bám vào cánh tay vững chãi của mẹ, của ba, để cùng nhau đi, qua sóng gió, qua ghềnh thác, đến nơi bình an.

Để, những nụ cười tươi tắn, hồn nhiên của những đứa trẻ đừng bao giờ dừng lại ở tuổi dưới 20. (Ngọc Lan)





No comments: