Thursday, September 14, 2017

NAPLES KHÔNG CÓ TẾT (Đặng Kim Côn)


Naples không có Tết

Khó ai tin trên nước Mỹ này lại có một nơi ấm áp hơn cả Việt Nam vào những ngày cuối Chạp: Thành phố Naples của Tiểu bang Florida. Ban ngày, thành phố nóng đến hầu hết các cửa hàng, nơi làm việc đều phải mở máy lạnh, và ban đêm, hầu như đêm nào tôi cũng kéo cao cửa sổ kính ở phòng ngủ lên để có thể đắp mền cho lãng mạn chút. Dù vậy, cũng không khỏi có nhiều lúc giấc ngủ vùng vằng tung mền ra vì nóng. Nóng làm tôi bị đánh rơi mất cặp kính mắt ngay khi vừa bước từ phi trường ra bãi đậu xe, vì phải hối hả lộn ngược hai cái áo lạnh mặc từ sáng sớm Cali lên khỏi đầu, cởi phăng ra để kịp làm quen với cái  khí hậu mới, đang khấp khởi chào mừng những giòng mồ hôi hốt hoảng nhất loạt tươm khắp người mà không hề báo trước.


Tôi đi đi về về San Jose – Naples mỗi vài ba tháng, quê (hương) thứ hai chính của tôi là San Jose, nơi mà nếu không có cái tên Thung Lũng Hoa Vàng, không có cái yêu thương gắn bó hơn chục năm, thì không lấy gì, để so cựa với Naples, nơi mà ngay lần đầu tiên, cảnh trí đã gieo vào lòng tôi cái ấn tượng thân thuộc, khác xa cái nhìn ban đầu khi chân ướt chân ráo đặt chân đến trái tim điện tử thế giới San Jose.
Chắc không phải tôi mê bonsai, nên thấy cây cối, cảnh vật ở đây đẹp quá. Có một lần, đầu tiên, tôi như tha hương ngộ cố tri, gặp lại những cây phượng đang mùa hoa rực rỡ, cái màu mà có thể nhiều người đã quên, như có lần còn làm trong một hãng điện tử, người ta (các anh chị em đồng nghiệp người Việt) đã cãi nhau, người bảo màu đỏ đậm, người bảo màu đỏ nhạt, làm cho tôi, một gã đã từng có thời say mê hoa phượng đến độ nhiều lần trốn học leo cây bẻ hoa về nhà cho… đỡ nhớ (may mà không có người yêu nào tên Phượng), cũng phải bối rối, “Ừ nhỉ, hoa phượng màu gì”. Rồi mọi người lên mạng, bấm hình hoa phượng lên, à ra là màu đỏ. Ra là màu đỏ, ai chả biết, “màu hoa phượng thắm như máu con tim” (lời nhạc Thanh Sơn), nhưng… (chắc tôi cũng đang làm nhiều bạn bối rối theo) chưa hẳn đúng, chính xác là màu gạch pha đỏ, như màu ngói. Sao nào giờ tới nay, tôi mới lại biết hoa phượng nở bền đến thế, có lần tôi đến giữa Tháng Năm, đã thấy hoa phượng nở, có lần tôi đến đầu Tháng Chín, tôi còn thấy cái cây phượng bạn tôi đó vẫn chưa có dấu hiệu gì hết hoa.
Có lần tôi đã nhắc đến những rừng thông ngút ngàn hàng trăm cây số ở đây, thật không thể không thở dài, cứ mỗi lần về San Jose trở lại, là chắc chắn mất tăm đi vài chục hec-ta thông, để nhanh chóng biến thành những thương xá, hay cơ sở gia cư, y tế gì rồi. Được cái là, người ta vẫn giữ lại nhiều cụm, nhiều cây thông lác đác tự nhiên, đứng trang trí trước các buyn-đinh hoặc loanh quanh bãi đậu xe, trông thơ mộng như một bức tranh “làm cây thông đứng”.
Thiên nhiên đãi ngộ xứ sở này, thành phố thích nghi với nhiều khí hậu thời tiết, để chủng loại cây cối nào cũng có thể phát triển dễ dàng. Nếu như ở San Jose, tôi yêu con đường đến chỗ làm, vào những ngày hàng cây phượng tím ở gần hãng nở, thì ở đó tôi lại không gặp những cây phượng đỏ sống chung hòa bình với phượng tím, hoa ai cứ nở như ở Naples này.
Tôi thích mùa trái cây ở đây, khách làm nails đến tiệm con gái tôi, vui miệng, nó hỏi thăm, vậy là người ta nhanh nhảu mời đến nhà, giới thiệu những cây xoài, vải, nhãn, sa-bô-chê to bằng mấy người ôm, và sẵn sàng cho không. Vậy là tha hồ hái, tha hồ cho người quen, mà chín ăn cũng không kịp, đến nỗi tha hồ… đem ra thùng rác đổ. Bạn thử tưởng tượng chúng tôi hái về cả tấn trái cây (cũng có thể nói là mấy tấn), khổ nỗi, đâu có cách gì ngăn chúng không ồ ạt chín, để giữ lâu… ăn trừ cơm được. Tôi cũng không hiểu sao người Mỹ họ không ăn các loại trái này, có lần, sau khi hái xuống, con gái tôi, lựa những trái to nhất, đem vào nhà biếu gia chủ mấy ký nhãn, hoặc vải, họ cám ơn xong… đưa lại, họ nói, họ có ăn thử vài trái rồi, mà không thấy thích. Họ đưa số điện thoại và dặn, mùa sau, thấy trái gần chín thì cứ gọi cho họ rồi đến hái (thật ra mình hái thì cũng đỡ để họ phải thuê người dọn, không thì nó rụng tùm lum tà la, bẫy bã, nhớp nháp ai chịu nổi).
Lạ một điều, tôi thấy ở chợ Mỹ cũng có xoài, mà lại thấy không ngon bằng xoài chúng tôi xin hái (hằng mấy chục giống xoài, có giống trái to hơn 1 kg, có giống, họ gọi là xoài Thái Lan, Việt Nam chắc gọi là xoài Xiêm!, ngọt đến nỗi, không còn mùi xoài), mà sao người Mỹ không biết ăn xoài.
Phi trường về nhà hơn nửa giờ lái xe, lần đầu đến, nửa giờ ấy cứ như đi giữa những cánh rừng, bây giờ thì tôi biết hơn chút, trong cái đám rừng dày, cây cối chi chít, rậm rạp ấy là nhà ở. Đúng ra thì tôi không chú ý mấy tới điều này, rừng thì rừng, hoang vu thì hoang vu, dân cư thưa thớt thì họ cứ bỏ hoang, ngay cả những cánh rừng hằng 4, 5 cây số, hay cụm rừng âm u ngay trước cửa tiệm con gái tôi, cả năm trời tôi đã cứ mong cho người ta mở thêm nhà cửa hay thương xá để tiệm được có thêm khách, thì té ra, một lần chúng tôi đi hái trái trâm, mới bất ngờ phát hiện những lâu đài đẹp như “cổ tích” nằm uy nghi lạnh lùng trong đó tự bao giờ. Có lẽ cũng sẽ có nhiều người đã nghĩ như tôi, giữa thành phố sao mà rừng rú hoang dã đến vậy, hoặc chắc tại tôi vô tâm, cây cối trùng trùng (bông hoa nở điệp điệp) là vậy, nhưng sao tôi lại nghĩ là hoang vu, hoang dã, hoang sơ, hoang liêu được. Chúng có hoang phế đâu, chúng xanh khướt mướt mát là thế!
Nói chuyện đi hái trâm, tôi lại không thể không nhắc tới những trái trâm mà tôi chưa thấy bao giờ. Tuổi thơ của tôi đã từng gắn bó với màu môi tím, răng tím, lưỡi tím khi ăn những trái trâm mà má tôi mua từng chén nhỏ, trái lớn nhất bằng đầu ngón út của một bàn tay nhỏ nhắn (… xinh xinh!), do những người dân quê đi rừng hái về, trộn với ít muối ớt, gánh đi bán quanh xóm (cũng có khi bày bán ngoài chợ). Tôi cũng đã có thấy những cây trâm ở quê tôi, và thầm nghĩ, nếu người ta không chặt phá, để nó lớn thoải mái gốc lớn đến 3, 4 người ôm không hết như ở Mỹ, liệu trái của nó có thể to thêm hơn chăng? Trái trâm ở Mỹ, trái nhỏ nhất cũng phải bằng đốt ngón tay cái, lần đầu phát hiện ra, con gái tôi hái chất đầy cả tủ lạnh, để rồi, cả nhà, cũng như thợ nails cả tiệm ăn chỉ kịp ¼, còn thì… ra thùng rác.
Naples nằm sát biển, từ nhà tôi ở “lên” biển chừng hơn năm phút lái xe. Con đường nằm gần bờ biển, tôi đặc biệt chú ý tới những cây sanh (nằm trong vườn nhà ở của những căn nhà trông như cũ kỹ, mà nghe nói là giá “trên trời dưới… giếng”), không biết có từ đời nào, mà nó to đến 4, 5 người ôm. Cây cỡ này, ở quê tôi gọi là cây cao bóng cả, hoặc ngưòi ta đốn bỏ, để ma quỷ không còn chỗ ẩn nấp, hoặc ngưòi ta đem ông táo, bình vôi, ấm bể… ra đó rồi lập bàn cúng kính. Những cây sanh mà các tay buôn cây ở Việt Nam có muốn đem về nhà e cũng khó có máy móc, xe cộ gì bẫy lên chở nổi. Nhìn mấy cái rễ phụ, to bằng cả thân người đủ thấy ớn lạnh. Cũng rất may, là Mỹ nó không có mấy nhà vườn bonsai kiểu Việt Nam, Trung Quốc, chứ không làm gì còn để chúng lớn nổi tới cỡ này.
Tháng này người ta khuyến cáo biển có nhiều tảo đỏ, nên biển vắng bóng những bộ bikini sáng sáng chiều chiều, tuy vậy, dân ghiền câu cá thì bất kể tảo đỏ tảo xanh, sóng nhỏ sóng lớn, hay trời lạnh nóng cỡ nào. Con gái tôi là một trong số những cần thủ đó. Một tuần ít nhất là bốn ngày (hình như chỉ trừ mấy ngày trời mưa), nó đi câu, đâu từ 4, 5 giờ sáng cho đến gần 9 giờ sáng, cái giờ mở cửa tiệm, thì nó về, mà ít nhất, ngày hôm đó cả nhà có được một bữa cá kho, hấp, nấu canh, nướng, chiên… hay làm chả để dành tùy ý.
Nếu chỉ nói mỗi ngày dư ra một ít, cũng đủ để… không còn chỗ chứa. Chỗ nào chứa nổi, có lần nó quăng một mẻ lưới, hơn một trăm con cá đối (ở con mương nước lợ chảy xuống biển) phải gọi điện thoại cầu cứu bạn đến phụ kéo lên, mà cá đối, con nào con nấy to bằng bắp tay, dài 5 tấc, nướng 2 con, nhà bốn người cuốn bánh tráng ngắc ngư! Mới tuần trước, chỉ lội nước ngang bụng, nó xúc hơn nửa tạ cá cơm (bị mấy người Mỹ nào đó gọi cảnh sát đến, may mà cá cơm không nằm trong danh mục cấm), đem về, lớp hấp phơi khô để dành, lớp muối mắm đến cả mấy chục thùng (loại thùng 20 lít).
Có lần, phơi khô gặp mưa liên tiếp mấy ngày, lại không đủ tủ lạnh để chứa, nó phải chôn hơn hai trăm con cá thu, cá lady (giống như cá măng ở Miền Trung VN), mà… không chỉ một lần.
Ba ngày trước khi tôi đến đây, con gái tôi câu được 12 con cá shinook, loại cá rất quý hiếm, cho đánh bắt theo mùa, và phải là cá lớn trên 28 inches (hơn 7 tấc) mới được phép lấy (câu phải cá nhỏ, gỡ thả xuống biển lại mười con, sẽ còn sống được mấy con nhỉ?). Cá này thịt rất ngon, thơm lại không tanh, nhiều người ăn sống như sushi, hoặc gỏi như gỏi cá Việt Nam, tất nhiên là 12 con mà con gái tôi câu được đều không con nào đủ 28 inches, nhưng nó lợi dụng mờ sáng vắng vẻ, đem hết về (có lần bạn nó, chỉ 1 con thôi, bị cảnh sát lập biên bản, đưa ra tòa, phạt 500 đô la). Biết tôi sắp qua, nó để dành, trong đó, với hơn hai trăm con ốc nhảy (loại ốc có cái gai gần như nhô ra miêng vỏ), con ốc không tính vỏ, to hơn ngón tay cái, có con hơn ngón chân cái, to gấp 2, 3 lần ốc nhảy ở VN, con gái tôi nói, có khi, chín mười giờ đêm, ra biển bắt, muốn bi nhiêu thì bi (tất nhiên cũng có chút bí quyết tìm kiếm, nhiều người cũng bắt chước đi bắt ốc, mà nếu lộ bí mật thì sẽ… coi như tàn sát lệnh, mất ăn!). Ốc nướng, ốc hấp, cá gỏi, cá ăn sống, cá nhúng tái ăn với cháo… Nhưng tôi lại mong cái bữa trưa ngày sau, nghe nó nói, con sẽ nấu cho bố một bữa đầy hương vị tuổi thơ của bố, mà bà nội đã thường nấu: nồi canh rau bồ ngót, mướp hương với cá thu, cùng với dĩa thịt bò xào bông thiên lý, và đặc biệt hơn, con gái tôi mới xin được ở nhà bạn nó một mớ bông bí và đọt bí, cũng để dành cho trưa mai, cùng mấy con shinook còn lại, một bữa đại tiệc tất niên.
Cũng có những ngày bất ngờ trời đổ lạnh vài ngày, đủ để xuất hiện những chiếc áo lạnh màu mè làm đẹp phố xá. Nhưng dường như không phải ai ra đường cũng cần đến áo lạnh, bởi ra đường đông đảo vào mùa này là dân từ “trên” phía Bắc đổ xuống du lịch hoặc về căn nhà trú đông của họ (đa số dân có tiền ở mặt Bắc, họ mua sẵn một căn nhà chỉ để dành cho mùa đông về đây trốn tuyết). Mà dân Miền Bắc xuống đây chả khác nào dân Eskimo lạc xuống vùng ôn đới, họ nhởn nhơ vui sướng như gặp bạn hiền, dù cái lạnh, đôi khi cũng đủ làm cho rau xanh và mấy cây ớt ngoài trời của con gái tôi trồng chết rụi.và cũng đủ để lính tráng, thần dân của Long vương biến mất trên mặt biển, tìm nơi trú lạnh, tất nhiên là cũng đủ để con gái tôi co ro trong tấm áo len… ra tiệm sớm… trốn lạnh
Tôi đã ở đây, lần này là cái Tết thứ ba. Hai lần trước con gái tôi còn thuê phòng ở nhà người ta, mà chủ nhà họ không có Tết thì mình… Tết chi. Lần này, nếu không phải là đón bố mới từ Cali qua, nếu không là cuối Chạp, thì mấy con shinook, bầy ốc nhảy, bó rau bồ ngót với bông bí, bông thiên lý kia cũng sẽ phải diễn ra một bữa tiệc cuối năm thịnh soạn. Mặc dù, không hề có bóng dáng một chút cuối năm nào thấp thoáng ở phố phường, hàng quán, chợ búa, xóm giềng, và thậm chí ngay cả trong nhà. Khác với ở Cali, trước Tết ba, bốn ngày, tuy người Việt vẫn phải đi làm, nhưng hễ ra khỏi hãng là họ ùa tới siêu thị, để trong nhà họ sẽ không thiếu thứ gì, từ những hoa trái trên bàn thờ, bánh mức, bình hoa trên bàn khách đến bánh chưng, dưa kiệu, nồi canh khổ qua, nồi thịt kho tàu… riu riu trên bếp, mặc dù lắm khi, Mồng Một, Mồng Hai Tết, ở hãng về, chỉ kịp vội vội vàng vàng đi chúc Tết các bậc trưởng thượng gần gũi nhất rồi về thay áo quần, ngủ cho đủ giấc, bởi vì, có thức với áo quần xúng xính thì cũng ít hy vọng có khách đến nhà. Thời buổi điện tử, trước Tết thiên hạ đã e-mails chúc nhau tá lả rồi, đồng nghiệp thì đã “Happy New Year, Cung Xỉ Phát Xồi…” trong hãng rồi, ai sót, chợt nhớ ra thì họ “reng reng” điện thoại là đủ lễ nghĩa.
Naples không có Tết. Hai chợ Á Đông, một chợ chủ Đại Hàn, một chợ chủ Tàu Nam Dương, chợ nào cuối năm thì cũng vắng như đầu năm. Bánh chưng, bánh tét, thịt quay thì ngày thường họ cũng có bán.
Khác chút, vẫn còn cái thói quen kiêng kỵ ăn sâu trong máu, đầu năm, con gái tôi không đội khuya đi biển, có lẽ, để tôn trọng cái ngày thiêng liêng Nguyên Đán, còn thì, mọi thứ vẫn bình thường, buổi sáng, các con đường vẫn nhộn nhịp xe cộ đi làm, và áo quần mọi người cũng không mới hơn, đẹp hơn mọi ngày. Nhưng chắc chắn là đẹp hơn những cái Tết chúng tôi còn ở VN, phong phanh manh áo mỏng giữa trời gió bấc cuối năm bán kiểng Tết, đến ngày cuối cùng mới có tiền, dọn về, dành giụm mua được cho con cái áo thì bố mẹ phải nhịn, muốn sắm Tết chút đỉnh gì thì hàng họ bấy giờ đắt gấp hai gấp ba lần.
Năm mới, vẫn bình thường như con đường lái xe từ nhà ra tiệm vẫn 5 phút, và bình hoa trên bàn thờ ở nhà cũng như bàn thờ ông địa ngoài tiệm cũng chả to hơn.
Nhà vắng, tôi vặn volume nho nhỏ, nghe lại mấy giọng ngâm tôi thích: Mai Hiên, Ái Xuân, Thúy Vinh, Trang Nhung, Thúy Đạt… rồi leo lên giường kéo mền đắp hững hờ, lim dim…
Đặng Kim Côn

No comments: