Tuesday, May 1, 2018

GẶP TÁC GIẢ "XÁCH BA LÔ LÊN VÀ ĐI" TẠI LITTLE SG. (Ngọc Lan)


Gặp Huyền Chip, tác giả ‘Xách Ba Lô Lên và Đi’ tại Little Saigon
Ngọc Lan
Huyền Chip vừa tốt nghiệp chương trình cử nhân lẫn cao học ngành công nghệ máy tính khoa Trí Tuệ Nhân Tạo tại Đại Học Stanford. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Một sáng đầu Tháng Tư, nhận được tin nhắn từ một người bạn, một độc giả, “Hi chị, có một cô bé tên là Huyền Chip, có viết quyển ‘Xách Ba Lô Lên và Đi’ cũng đình đám mấy năm trước, xong thi đậu vào Stanford và học mới ba năm đã tốt nghiệp. Chị có muốn phỏng vấn cô bé đó không?”
“Chơi luôn!” Tôi trả lời không chút đắn đo, bởi tôi đã nghe tên “Huyền Chip,” người từng làm “náo loạn” dư luận trong nước một thời.
Huyền Chip, tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền, sinh năm 1990, trông trẻ trung hơn rất nhiều so với tuổi.
Ngoài gương mặt khá xinh xắn, mái tóc dài, dày, bồng bềnh, thì phong thái tự tin, giản dị của Huyền Chip là điều đặc biệt thu hút người đối diện trong cuộc chuyện trò.
Năm 2012, Huyền Chip trở thành “người tạo cảm hứng” cho không biết bao nhiêu người trẻ khi cô phát hành quyển sách có tên “Xách Ba Lô Lên và Đi” với tập 1 mang tên “Châu Á là Nhà! Đừng Khóc.” Quyển sách thu hút độc giả bởi lời quảng bá “đây là ký sự du lịch của cô gái đi 25 nước với 700 đô la.”
Bìa sách “Xách Ba Lô Lên và Đi” của Huyền Chip từng gây nên cuộc tranh cãi lớn tại Việt Nam năm năm trước (Hình: Zing)

Tuy nhiên, không lâu sau, khi tập 2 của quyển sách ra đời mang tên “Đừng Chết ở Châu Phi” thì bỗng dậy lên làn sóng tranh cãi về tính chân thực của quyển “Xách Ba Lô Lên và Đi.” Nhiều người cho rằng không thể nào tin được chuyện một cô gái trẻ có thể đi du lịch qua chừng ấy nước, trong đó có cả Israel lẫn Palestine, Châu Phi,… mà chỉ với $700 bỏ túi.
Cuộc tranh cãi này được người trong nước đánh giá là “quả bom truyền thông của năm 2013.”
Khi những nghi vấn vẫn còn là nỗi hoài nghi thì, đùng một cái, Tháng Ba, 2014, Huyền Chip báo tin cô nhận được học bổng toàn phần, bao gồm cả chi phí học hành, ăn, ở, du lịch do trường Đại Học Stanford, Mỹ, cấp.
Và, cô lại xách ba lô lên, tiến thẳng vào Stanford, để chưa đầy bốn năm sau, giữa Tháng Ba, 2018, cô hoàn tất cả chương trình cử nhân lẫn cao học ngành công nghệ máy tính (computer science) khoa Trí Tuệ Nhân Tạo (Artificial Intelligence).
Đi khắp nơi vì “điếc không sợ súng”
Huyền Chip kể, cô đam mê du lịch từ khi còn nhỏ. “Em nghĩ hồi nhỏ ai cũng có những ước mơ đi du lịch vòng quanh thế giới. Em cũng thế. Thêm nữa, rất may mắn là mặc dù bố mẹ em làm nông ở Hải Hậu, Nam Định, nhưng cả quê em chỉ có bố mẹ em đặt báo cho em đọc,” cô kể.
Theo Huyền, những gì cô đọc được từ sách báo đều rất hay ho, thế nên thỉnh thoảng có khi đi học về Huyền đạp xe đi cách xa nhà cả mấy mươi cây số để nhìn ngắm những gì khác với cảnh vật xung quanh cô.
Huyền nhớ, “Đến khi học cấp 3 thì em bắt đầu ‘bắt’ xe đi Mộc Châu, đi các vùng phía Bắc, cứ thế mà đi thôi.”
Nhà nghèo, “bố mẹ cũng vất vả không có điều kiện dẫn em đi chơi,” nên những chuyến tự đi của Huyền cũng là những chuyến đi bằng xe, đến những nơi có nhà họ hàng hay bạn bè, người quen để xin tá túc.
Huyền cho hay, sau khi học xong lớp 12, cô nộp đơn xin học bổng vào trường Đại Học Stanford, “vì em thích trường đấy,” nhưng bị từ chối, “thế là em buồn quá, không muốn học trường gì khác nữa. Khi đó, có một công ty ở Malaysia cũng mời sang làm việc. Em sang đấy làm việc khoảng nửa năm thì bỏ đi du lịch.”
Huyền Chip tại Ciudad de la Habana, Cuba (Hình: Facebook Huyền Chip)

Huyền đi du lịch liên tục trong hai năm, quanh các nước Châu Á và Châu Phi trước khi cho ra đời tập sách “Xách Ba Lô Lên và Đi.”
“Thông tin các thứ gì liên quan đến cách thức xin visa, nơi ăn chốn ở, đặc điểm con người xứ sở… đều có hết trên mạng. Em nghĩ thế hệ em cũng may khi lớn lên đã có tất cả thông tin, cần gì cũng có thể biết được hết,” Huyền nói.
Kể lại “những chuyến đi nguy hiểm” trong cuộc hành trình, cô nói, “Nếu bây giờ nghĩ lại thì em thấy ngày xưa nguy hiểm thật, nhưng mà ngày đấy có thể em chưa biết thế giới ngoài kia nó nguy hiểm như thế nào nên thấy không có gì là nguy hiểm. Cứ như kiểu ‘điếc không sợ súng’ vậy.”

Ngẫm nghĩ một chút, cô nói thêm, “Những chuyện giờ em thấy nguy hiểm là lần suýt bị bắt cóc ở Israel, lần đi nhờ xe từ Ethiopia sang Kenya, trên một trong những con đường nguy hiểm nhất ở Châu Phi.”
Tuy vậy, Israel lại là “nơi em rất thích vì em gặp rất nhiều người thú vị ở đó, dù đó chỉ là một đất nước nhỏ xíu nhưng đẹp ơi là đẹp, con người Israel phong thái rất cởi mở thân thiện, nói chuyện rất hiểu biết. Khi sang Hungary thì em thấy cũng rất nhiều người dễ thương.”

Ngừng du lịch, vào Stanford bằng học bổng toàn phần
Đi du lịch liên tục, rồi viết sách, bỗng dưng Huyền Chip bỏ hết để đi học. Tác giả từng tạo nên “quả bom truyền thông của năm 2013” tâm sự, “Ngày trước khi em nghĩ đến chuyện đi học thì trúng ngay đợt ra mắt sách đầu tiên. Bao nhiêu người xúm lại khen, mà em thì còn quá trẻ để nhận ra được lời khen nào đúng, lời khen nào không. Chỉ thấy mình được khen nhiều quá thì không còn tỉnh táo nữa, rồi mình có những phát ngôn không được khiêm tốn cho lắm, để sau này nhìn lại thấy thật là xấu hổ.”

“Nhưng sau đợt ra mắt sách lần thứ hai thì em mới nhận ra là mình còn quá nhiều điều thiếu sót, những ảo tưởng về bản thân hoàn toàn tan biến hết. Khi đó em nhận ra rằng em cần phải có một môi trường để phát triển bản thân. Em nghĩ đã đến lúc mình phải tập trung đi học, đầu tư thời gian vào việc học,” cô nói.
Có người cho rằng kinh nghiệm của những năm đi du lịch đã góp phần quan trọng trong việc hình thành những lá thư xin học bổng của Huyền Chip, giúp cô được chấp thuận một cách dễ dàng cho học bổng toàn phần bốn năm ở Đại Học Stanford, ngành công nghệ máy tính.

“Em học về công nghệ máy tính chuyên ngành về trí tuệ nhân tạo, nên em muốn làm nghiên cứu về mảng đấy. Đồng thời em cũng muốn viết. Em muốn cân bằng cả hai chuyện nghiên cứu và viết. Trong khoảng 10 tuần tới thì em có tham gia làm nghiên cứu với một giáo sư trường đại học London ở Anh, và em cũng đang viết cuốn sách ‘Con Đường Em Chọn’ tháng tới ra mắt ở Việt Nam, đây là cuốn sách về những kỹ năng em học được trong thời gian qua. Em cũng đang viết một cuốn sách chuyên về trí tuệ nhân tạo cho một nhà xuất bản bên này, đến Tháng Hai năm sau ra mắt,” cô nói về những dự định sắp tới.

Dám nhìn thấy sự vấp ngã, để đứng lên, bước tiếp
Nhiều năm du lịch khắp nơi, rồi viết sách, được nhận học bổng toàn phần vào trường danh tiếng của Mỹ, cứ nghĩ cô rất mạnh mẽ, nhưng Huyền cho biết cô từng cảm thấy mất cân bằng trong cuộc sống, nhất là khi mới bước chân vào giảng đường đại học, rồi khi bị người yêu – người mà cô “cố gắng bám lấy để tìm một điểm tựa” lúc mới vào Stanford – phản bội, thì “toàn bộ thế giới như sụp đổ hết,” cô rơi vào trầm cảm mất mấy tháng.
Nhưng “thời gian” đã là phương thuốc màu nhiệm giúp cô bình tâm trở lại.

“Em nhìn những người xung quanh, thấy không ai có cuộc sống hoàn hảo như mình nghĩ. Khi nói chuyện với bạn bè, em thấy nhiều người còn gặp những vấn đề lớn lao hơn, trong khi vấn đề của mình thật sự không có gì là to tát, nó vô cùng nhỏ bé. Em lại nghĩ trong khi có người muốn đưa người lên Sao Hỏa, người thì miệt mài nghiên cứu muốn chữa bệnh ung thư, mà sao mình lại để tâm trí lo nghĩ cho những chuyện vặt như vậy, tại sao mình lại để cho một người nào đó không tôn trọng mình, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mình như thế, em thấy mình không thể nào để cuộc sống mình vô nghĩa như thế được,” Huyền tâm sự.
Chính vì vậy, chưa bao giờ Huyền có những suy nghĩ bi quan, tiêu cực. Bởi, như Huyền nói, “Em nghĩ cuộc sống rất quý báu, cuộc sống với em là một sự tò mò, em rất muốn biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, tiếp theo trong cuộc sống. Em chưa bao giờ nghĩ đến chuyện tự tử, ngay cả lúc buồn chán nhất, vì em chỉ nghĩ đơn giản là nếu mình kết thúc cuộc sống của mình thì mình không thể nào biết được chuyện gì sẽ xảy ra sau đó.”
Huyền Chip tại Hampi, Karnataka, Ấn Độ. (Hình: Facebook Huyền Chip)

Huyền cho biết, hiện giờ cô “không còn liều lĩnh như ngày xưa.” Cô giải thích, “Có thể ngày xưa em đến từ vùng quê rất là nghèo, gia đình cũng nghèo, em cũng không có bằng đại học, em không có gì để mất, nên em thấy chả có gì tồi tệ có thể xảy ra cả. Nhưng bây giờ ngồi nghĩ, nếu mình bỏ ra sáu tháng mình đi lung tung thì trong sáu tháng đó có bao nhiêu người làm nghiên cứu và cho ra đời biết bao nhiêu báo cáo mới, mình không đọc được thì tiếc quá. Khi có những lo nghĩ như vậy thì mình không còn sự liều lĩnh như ngày xưa nữa.”

Cô gái có mái tóc bồng bềnh như sóng chia sẻ, “Ngày xưa em nghĩ cứ làm điều gì khiến mình hạnh phúc là được. Bây giờ nghĩ lại thì em thấy hạnh phúc như thế là ích kỷ. Nhiều người rất hạnh phúc không phải vì cuộc sống của họ tốt đẹp, mà đơn giản là họ không biết điều gì hơn những gì họ đang có.”
Huyền nói thêm, “Giờ thì em nghĩ có một mục tiêu gì mình hướng tới và mình đạt được nó thì đó là mãn nguyện – ‘fulfill.’”
Và mục tiêu của Huyền Chip chỉ là “cố gắng rằng mình của ngày hôm nay tốt hơn mình của ngày hôm qua.” (Ngọc Lan)

No comments: