Thursday, May 3, 2018

ĐỌC TRANG CÁO PHÓ (Tuyết Vân)



Đọc Trang Cáo Phó

Tuyết Vân

Cũng trên mười năm nay tôi có thói quen mở tờ báo ra là đọc trang cáo phó trước hết.  Đối với tôi đọc trang cáo phó cũng thú vị như đọc một câu truyện.  Nói chữ thú vị thì cũng hơi quá đáng vì đây là sự mất mát người thân của một gia đình. Nhưng chữ thú vị tôi  dùng đây là một sự tôn vinh cho cuộc đời người đã khuất và gia đình của họ.

Tôi bắt đầu đọc từ lúc ở hãng ông chủ tôi có đặt mua báo LA Times để nhân viên đọc trong giờ giải lao. LA Times là tờ báo lớn. Trang cáo phó cũng lớn và in có nhiều màu sắc.  Hôm đó khi ra phòng giải lao uống cà phê tôi chú ý đến trang cáo phó có đăng hình một anh thủy thủ Mỹ rất dễ thương, tuổi độ khoảng hai mươi. Nhìn hình thì biết đó là người của những thập niên về trước. Đọc đến thì biết là người mất đã trên chín mươi. Tấm hình đó là khi anh vừa mới vào hải quân. Trang cáo phó dài viết lai lịch cuộc đời thuỷ thủ của anh qua mấy cuộc chiến và cuộc đời dân sự của anh sau này. Đọc trang cáo phó anh thay vì thấy buồn thì lại thấy vui và ngưỡng mộ cho cuộc sống dài anh trải qua với nhiều kinh nghiệm thử thách.
Và bắt đầu từ đó tôi luôn đọc trang cáo phó trước khi đọc những bản tin ở trang đầu.  Những người nổi tiếng trong xã hội thi trang cáo phó có nhiều chi tiết đã đành nhưng cũng có những người chỉ ngày hai buổi đi làm như chúng tôi đây cũng có những trang cáo phó đầy màu sắc linh động.  Như hôm nọ đây trang báo nói về cuộc đời một cụ bà tuổi trên chín mươi.  Bà di cư đến Mỹ sau đệ nhị thế chiến. Con trai bà là cựu quân nhân Việt Nam và cháu bà là cựu quân nhân trong cuộc chiến ở Trung Đông. Bà luôn tự hào con cháu bà đã đóng góp cho đất nước đã từng cưu mang gia đình bà.

Khi biết Người Việt On Line thì tôi vẫn giữ thói quen đọc trang Cáo Phó trước. Cũng nhờ vậy tôi thấy được cáo phó của ba người quen với gia đình chúng tôi đã đăng trên đó. Hai chị em tôi tới nhà quàng thăm họ.  Đám tang thì buồn những cái vui gặp lại người quen nhất là gặp ở tuổi đã lớn sau bao nhiêu năm xa cách thật hạnh phúc.  Bây giờ ở tuổi chúng tôi hình như nghe tin buồn nhiều hơn tin vui. Lớp con cháu đã lớn và lập gia đình.  Những người già còn lại từ từ ra đi. Cát bụi đã mệt nhoài (Trịnh Công Sơn).
Khi nào tên của người đã mất có thêm cụ ông hay cụ bà thì tôi cũng mừng một chút. Mừng vì cuộc đời người đã mất cũng phải là khá dài.  Gia đình người mất chắc cũng không phải đau đớn lắm. Nhưng nếu tên không có thêm những chữ đó hoặc có chữ em thì lòng tôi chùng lại. Người mất ra đi ở cái tuổi còn sớm. Gia đình chắc hẳn là phải xót xa.  Có gia đình con cháu đầy đàn nhưng cũng có gia đình neo đơn, con cháu ít. Tôi ước gì có thể gửi những gia đình neo đơn đó cái siết tay để nói lên lời chia xẻ thầm lặng của mình.

Mỗi một trang cáo phó đều cho tôi một câu chuyện. Tôi hay chú ý nhiều đến những người quê ở miền bắc như Phú Thọ, Sơn Tây, hay Thái Bình. Đó là những cái địa danh mà tôi biết được từ những cuốn sách đọc trên Tự Lực Văn Đoàn những năm Trung Học. 

Những người này đã phải hai lần ty nạn bỏ quê mà đi.  Có người mất đã từng là trong binh chủng Việt Nam Cộng Hoà.  Người lính năm nào bây giờ đã ra đi rồi.  Anh đã có những năm tháng bính lửa cùng với đồng đội mình.  Anh cũng có những khắc khoải khi xa gia đình vợ con và những cay đắng ngục tù sau năm bảy lăm. Cuộc đời khép lại. Những lớp con cháu lớn lên và cuộc hành trình lại bắt đầu.

Đôi khi đọc trang cáo phó nhưng nó không nằm ở trang cáo phó mà nó thuộc loại tưởng nhớ hay hồi tưởng.  Như vừa mới đây tôi có đọc những bài tưởng nhớ đến Trần Phong Giao hay Duyên Anh, Dương Nghiễm Mậu và Võ Hồng.  Đọc và cảm động lắm bởi vì bài viết không phải chỉ cho người mất mà còn có tác giả và những nhân vật nhà văn nhà thơ hay nhà báo được nhắc đến nửa. Trong đó là những câu chuyện thân tình riêng tư, rất riêng tư,  mà chỉ qua những bài viết như thế này người đọc mới biết được thêm. Tôi trân trong những câu chuyện như vầy lắm. Một đôi khi tôi có gửi comment cảm ơn. Tôi nhìn thấy những dấu giày của họ bước đi. Và tôi cũng nhìn thấy ngay cả dấu giày của tôi nữa. Phải rồi, tôi có đi qua cái quãng thời gian đó. Bây giờ quay quắt nhìn lại đã mấy mươi năm. Có phải nhà báo Bùi Bảo Trúc  đã nói chuyện mình bây giờ sao lại giống chuyện của người ly hương xưa?

Hình như ai cũng có một cõi trở về giống nhau. Có lẽ trang cáo phó là nơi để vinh danh cuộc đời người đã mất.

TUYẾT VÂN

No comments: