Thursday, January 3, 2019

TUY HÒA XƯA: NGỰA XE LỐC CỐC LENG KENG (AN SƠN)

TUY HÒA XƯA :
 NGỰA XE LỐC CỐC LENG KENG .
      Năm 1974 tôi theo học lớp động cơ xe hơi do trung tâm huấn nghệ Phú yên mở để dự phòng nếu phải đi lính thì trong tay cũng có chút chuyên môn kỹ thuật và từ đó phát triển thêm . Có lần thầy dạy xong chương trình sớm hơn 10 phút  nên thầy trò giao lưu nhau câu giờ và thầy có câu đố : Đố các em xe gì có bugi lớn nhất ? Chúng tôi có bạn đáp xe gobel, có bạn xe jeep, có bạn xe ba lua … thầy đều lắc đầu , cuối cùng thầy nói : xe ngựa , chúng tôi ôm bụng cười muốn ói ra lãi .

      Rồi cũng một lần nhân được nghỉ học 2 ngày liên tiếp, anh bạn học Nguyễn Huệ cùng lớp nhà ở Hòa An rủ về nhà anh chơi, Hòa An cách Tuy Hòa chừng 5 cây số nhưng gần nhà xa ngõ vì  hồi đó chưa có cầu mới lên đường Hải Dương băng qua khu Thuận Thảo  mà phải đi vòng cầu Ông Chừ, qua chợ xéo một đoạn xa ,chúng tôi gồm 4 người đi 2 chiếc xe honda 67, đến nơi anh mừng rỡ, lấy xe ngựa nhà anh chở đi lòng vòng tham quan trong làng rồi ra đám mía nhà anh ăn thỏa thích, thời học trò như vậy là tuyệt vời rồi , lần đầu tiên ngồi xe ngựa đi chơi, nhìn cánh đồng lúa đang thì con gái tròn mình lăn tăn ngọn sóng xanh xanh khi cơn gió thổi qua tôi thích thú vô cùng cũng giống như lần đầu tiên ngồi trên  máy bay trực thăng nhìn ra bầu trời mây vờn xung quanh và mặt đất xa xa phía dưới . Từ đó tôi rất ấn tượng với xe ngựa, thường những lúc thấy xe này thì tôi nhớ lại những kỷ niệm ấy mà cười thầm với cái bugi vô địch

      Có thể nói từ xưa xe ngựa cũng là nét đặc trưng của thành phố Tuy Hòa, việc vận chuyển người và hàng hóa từ thành phố ra ngoại ô cũng như ngược lại chỉ có xe ngựa chở hàng còn xe lambretta ( xe lam 3 bánh ) chở người, trong đó xe ngựa đóng vai trò quan trọng tạo nên sầm uất cho chợ lớn Tuy Hòa . Cánh Phú Lâm qua cầu Chùa vào đường Trần Hưng Đạo, cánh Hòa thắng, Hòa An, Hòa Quang , Hòa Trị qua cầu Ông Chừ vừa vào Trần Hưng Đạo vừa vào Lê Thánh Tôn, cánh Bình Kiến , Màng Màng vào đường Lê Lợi. Các bác xà ích thường đậu xe 2 nơi gồm phía dưới chợ chỗ góc đường Phạm Hồng Thái – Trần Hưng Đạo, xế trước mặt ty Xã hội, chỗ thứ hai phía trên chợ ở một góc bến xe gần quán cơm Xã hội, khu đó về sau gọi là quán cơm bà Tám Bi .

       Sau này lớn lên phải xa thành phố đi tìm sự nghiệp, đôi khi về Tuy Hòa ở khách sạn Thanh bình đường Lê Thánh Tôn  tôi thường  bị đánh thức vào 2- 3 giờ sáng bởi tiếng ngựa về, tiếng chân ngựa mang móng sắt chạm mặt đường lúc nhặt lúc khoan, tiếng lục lạc trên mình ngựa làm còi thường trực, tiếng người xà ích thúc vó… tạo nên một phần giai điệu Tuy Hòa đầu ngày ,tôi thường ra ban công để nhìn  những mảnh đời cần lao lầm lũi dưới màng sương đêm trong nhịp điệu lốc cốc leng keng

        Từ sau khi đất nước xóa bỏ bao cấp song song với sự phát triển công nghiệp ô tô, các loại xe tải nhỏ trọng tải 800 kg đến 1,5 tấn  ra đời và vận tải  cơ giới tư nhân được phép hoạt động thì xe ngựa bắt đầu rút lui nhường chỗ

         Mới đây có anh bạn ở Sài Gòn chuyên làm đạo cụ cho các đoàn làm phim truyền hình nhờ tôi tìm thuê năm ba cỗ xe ngựa để chuần bị  mấy cảnh quay cho bộ phim truyện nói về  đời sống vùng quê ven biển Phú Yên đầu thập niên 60 thế kỷ trước , nhận lời anh tôi đi tìm quanh những vùng ngoại ô là cái nôi xe ngựa trước đây, mới hay  nay đã không còn, nhưng cuối cùng thì lên Hòa Thắng cũng tìm được vài chiếc

         Ở đời có nhiều thứ ở với mình lâu ngày thì tự nó làm cho mình âm thầm sinh ra tình cảm, Dù cuộc sống luôn phát triển và ta cũng phải bỏ cái cũ xem như  lạc hậu để theo cái mới hiện đại hơn nhưng trong một bất chợt nào nhìn lại thì cũng có một chút luyến tiếc, bùi ngùi , đó cũng chính là cái NGHĨA, nghĩa ở đời có trước có sau với nhau, dù thi thoảng đâu đó có người vì một chút hào quang mong manh tạm thời mà cố giấu cái ngày xưa tuy cơ cực nhưng là bước đệm cần thiết để tồn tại đến hôm nay

           Đứng trước những cỗ xe chỏng gọng, tôi hồi tưởng lại thời hoàng kim của nó, hồi tưởng lại tuổi xanh mình với thành phố của ngựa xe,  hồi tưởng lại những người bạn đồng môn, đồng đẳng năm nào bây giờ nhìn lại kẻ còn người vắng mà lòng tự trào
          Ngựa xe lóc cóc rồi quên lối
          Kẻ ở người đi cũng bạc đầu

AN SƠN.



        

No comments: