Thursday, December 20, 2018

BÀN VỀ CÁI TÊN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM (CAO BÁ TUẤN)

Bàn về cái tên của người Việt Nam

 
Cái tên do cha mẹ đặt ra ngay từ lúc chào đời. Nói như vậy có nghĩa là người ta không thể tự đặt tên cho mình (trừ thằng Hồ tặc và bè lũ) vì khi đó còn chưa biết nói thì làm sao đòi tên nọ, tên kia. Tác giả xin thanh minh trước: Bài viết dưới đây chỉ là góp nhặt chuyện vui buồn qua cái tên của người Việt Nam, người viết hoàn toàn không có ý châm chọc hoặc móc ngoéo một ai. Nếu có sự trùng hợp, hoàn toàn ngoài ý muốn của tác giả. Còn nếu như ai hiểu méo mó thì mặc kệ họ.

Tại hải ngoại, trong hầu hết các cộng đồng ta thường thấy người Việt Nam gọi nhau bằng những cái tên "nửa nạc nửa mỡ". Nào là anh Micheal Nguyễn, cậu Thomas Trần, cô Susan Phạm hoặc chị Lisa Lê… Đây là hiện tượng khá phổ biến vì những người trẻ thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba vốn sinh ra tại Mỹ và mang tên “Mỹ Việt đuề huề” từ nhỏ do cha mẹ đặt ra. 

Thế nhưng, đối với những người lớn tuổi thuộc thế hệ thứ nhứt, trưởng thành tại Việt Nam, con đàn cháu đống mà lại bỏ đi cái tên Việt có từ thời cha sinh mẹ đẻ để khoác lên cái tên ngoại lai như bác Robert, dì Julie thì thật là… khó chịu đối với một số người đồng hương. Ấy thế mà nhiều ông bà lớn tuổi hình như rất hãnh diện mang cái tên Mỹ trong khi nói tiếng Anh thì ít mà ra dấu thì nhiều! 

  
Một ông bác sĩ tuổi đã cao, tên Đạm, mở phòng mạch ngay trong khu cộng đồng người Việt. Ông là trường hợp được coi là "đặc ân" dành cho một số bác sĩ có bằng cấp ở Việt Nam, chỉ cần qua một cuộc thi và một đợt thực tập rồi được cấp một giấy chứng nhận để phục vụ đồng hương. Khổ nỗi, ông cũng… "thời thượng", trương bảng hiệu “Dr. David Nguyen”.

Trong số thân chủ của BS Đạm có một bà khách người miền Nam, chơn chất, ít học mà lại bập bẹ nói tiếng Mỹ với giọng miền Nam đặc sệt. Khi tiếp xúc với ông, bà rất kính cẩn và lễ phép: “Dạ thưa bác sĩ Đê Dzịt…”. 

Bà phát âm “Đê Dzịt’ (David) một cách tôn kính và phản ứng của ông bác sĩ David cũng tỉnh bơ. Hình như ông đã quá quen với việc tên Mỹ của ông đọc theo giọng miền Nam… Cả hai đều cảm thấy tự nhiên qua lối xưng hô nhưng những người đồng hương có mặt trong phòng khám lại… cười ra nước mắt!

Một bà mang tên Tám từ Việt Nam sang đất Mỹ nhưng sau khi lấy được bằng công dân Hoa Kỳ, bà bèn đổi tên. Bà muốn mọi người phải gọi bà là Tammy, một cái tên mang âm hưởng Mỹ Việt từ cái tên cũ. Nhiều người quen miệng gọi bà Tám, bà làm bộ không nghe, không biết đến cái tên nầy. Phải gọi là Tammy thì bà mới quay lại trả lời! 

Có một ông thuộc thế hệ người Việt thứ nhứt khi còn ở Việt Nam mang họ Bùi, tên Liêm: Bùi Liêm. Sang đến Mỹ, tên của ông được chính thức trở thành "Liêm Bùi" theo cách viết tên trước họ sau của người Mỹ. Nhưng khổ nỗi, trong tiếng Anh không có dấu nên tên của ông trên giấy tờ được viết là Liem Bui. Các bạn đồng hương nói đùa: “Tên gì mà kỳ cục quá, nghe như… liếm buồi!”.
 
  
Để không bị chế diễu, ông vẫn giữ họ Bùi nhưng tên Liêm đổi thành Robert hầu tránh ngộ nhận chết người… Tưởng đâu thoát nạn nhưng ông lại gặp thêm rắc rối vì cái tên mới.

Số là người Mỹ thường gọi Robert qua cái tên thân mật Bob. Hóa ra tưởng đã yên thân với tên Robert Bui, nay ông lại khốn đốn vì cái tên thân mật "Bob Bui". Bạn đồng hương lại có dịp chọc quê: “liếm buồi… chưa đủ hay sao mà lại còn đổi là bóp buồi…”. 

Có những gia đình Việt được Mỹ hóa hoàn toàn. Những cái tên quen thuộc như thằng cu Bi, con Út, ông Lượm, bà Thắm nay được thay bằng thằng John, con Cecile, ông Jim, bà Jolie. Hình như họ muốn không còn dính dáng gì đến cái xứ Việt Nam bên kia bờ Thái Bình Dương. Họ muốn quên hẳn tổ tiên ông bà, xa lánh đồng hương và thậm chí còn tìm mua nhà ở vùng Mỹ "trắng" vì ở gần người Việt có nhiều… phiền toái..

Nói đi thì phải nói lại. Không phải người Việt nào cũng gặp chuyện rắc rối khi phải đổi tên tại Mỹ. Trái lại, việc đổi tên nhiều khi cũng thuận lợi, dễ dàng đối với một số người.

Chẳng hạn như chữ "Văn" trong tên đệm thường thấy ở tiếng Việt. Van, không dấu, vốn là tên thường dùng ở Hòa Lan như tên các cầu thủ Van Basten, Van de Saar hoặc tên họa sĩ nổi danh Van Gogh nên cũng khá phổ biến tại Mỹ. 

  
Nhiều người Việt tại Mỹ đã đổi họ Lê hay Lý sang Lee. Nổi bật trong phong trào này là hệ thống 32 cửa hàng bánh mì thịt theo kiểu Việt Nam tại các tiểu bang California, Arizona, Oklahoma và Texas của gia đình ông Lê Văn Chiêu. 

Thay vì lấy tên là Lê’s Sandwiches ông đã chọn thương hiệu Lee’s Sandwiches, cái tên nầy nghe có vẻ dễ nhớ hơn đối với khách hàng người bản xứ. 

Lee’s Sandwiches cũng đã khai trương cửa hàng Lee’s Coffee tại Sài Gòn vào một ngày chỉ toàn số 8: "8 giờ 8 phút, ngày 8 tháng 8 năm 2008 tại số 80 Hàm Nghi, Quận 1!" (Chơi số 8 không thua gì Trung cộng chọn ngày khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh 8/8/2008)
 
Cửa hàng Lee’s Sandwiches tại Mỹ

Không phải người Việt đổi sang họ Lee vì họ muốn mang quốc tịch Đại Hàn mà vì Lee là cái tên khá phổ biến tại Mỹ. Như Robert E. Lee, vị tướng Mỹ nổi tiếng trong thời Nội chiến Nam Bắc. Hiện tại có đến hàng chục thị trấn mang tên Lee trải dài khắp nước Mỹ từ Đông sang Tây.

Dù có dấu hay không dấu, những cái tên như Đỗ Văn Sơn đổi sang tiếng Anh chỉ cần bỏ dấu thành Do Van Son, dễ đọc và cũng dễ hiểu đối với người bản xứ, tương tự như Davidson, Ericson, Dickinson…

Trường hợp Lê Văn Thơm (hoặc Lý Văn Thơm) sẽ biến thành Lee Van Thom, cũng na ná như tài tử nổi tiếng Lee Van Cleef trong các phim cao bồi Wild Wild West của Mỹ. Tên Thơm phát âm giống như Tom của Mỹ mà lại trùng tên với nhà toán học nổi tiếng người Pháp, René Thom. Hoàn toàn không có ý "thấy người sang bắt quàng làm họ" vì ông Lê Văn Thơm chẳng biết (mà cũng không cần biết) René Thom là ai đâu!
 
René Thom

Những người có tên thuộc loại trên chắc cũng thầm cám ơn cha mẹ đã khéo đặt tên cho mình. Ngược lại, có những cái tên rất đẹp khi còn ở đất Việt, sang đến Mỹ bỗng trở thành một nỗi phiền muộn.

Các cô có tên đẹp như Mỹ Dung, Hạnh Dung, các cậu quý tử như Anh Dũng, Hùng Dũng... đều nhanh chóng đổi tên vì những "bất đồng" về ngôn ngữ và văn hóa giữa tiếng Anh và tiếng Việt. 

Những tên như Dung hoặc Dũng lại trở nên "khó nghe" đối với người bản xứ vì khi phát âm hoặc khi viết nó lại đồng nghĩa với từ "dung" trong tiếng Anh, có nghĩa là… phân súc vật. Hóa ra, Mỹ Dung lại biến thành "my dung". 
 
Nhà hàng Mỹ Dung trên đất Mỹ

Người Mỹ làm sao hiểu được vì cớ gì có những nhà hàng được người Việt đặt tên là My Dung, thật ra là Mỹ Dung! Họ thắc mắc nhưng không nói ra: “Chẳng lẽ nhà hàng sang trọng như vậy lại phục vụ món…”. Lại còn tiệm bánh mì Mỹ Dung trên đất Hoa Kỳ nữa chứ: 

Các ông có tên Hữu Phúc, Thiên Phúc, Xuân Phước, Hiệp Phước cũng vội vàng đổi tên vì chữ Phúc hay Phước nghe rất chói tai đối với người Mỹ. Khi phát âm, những cái tên đẹp đó lại hao hao giống như "fuck", một từ xấu chỉ sự giao hợp nam nữ! Người tên Phú sống ở Pháp chắc cũng phải đổi tên vì Phú đồng âm với từ "fou" có nghĩa là Điên!

Ở Áo (Austria), có một ngôi làng nhỏ mang tên Fucking. Đến lượt người Việt lại thắc mắc, không biết dân làng nầy sống bằng nghề gì? Họ làm gì ngoài việc "fucking"? Xin đưa ra một tấm ảnh làm bằng chứng:
 
Bảng tên một ngôi làng tại Áo

Lại còn những tên Cư, Cự, Cử, Cừ khi viết bằng tiếng Anh không dấu chỉ là ‘Cu’, tạo một ấn tượng không đẹp với các đồng hương. Nếu du lịch sang Hungary, những ông "Cu" này, lại biến thành "Cut" vì trong tiếng Hung những túc từ được thêm âm T khi dùng dưới dạng bổ nghĩa.

Chẳng hạn như người Hung sẽ nói: “Tôi thích ông… Cut (có dấu móc trong chữ u)!”

Một trường họp khác cũng khá oái oăm về cái tên của người Việt. Tiếng Nga không có chữ cái tương đương âm H, vì vậy chữ cái X (như âm KH trong tiếng Việt) được dùng thay chữ cái H. Thí dụ, nếu tên tiếng Việt là Huy, viết trong tiếng Nga thành Xyи (X=H, Y=U, И=Y), đọc thành Khuy. Theo tôi biết, Khuy trong tiếng Nga có âm giống như tên bộ phận kín của đàn ông! 

Người viết xin kể một chuyện thuộc loại "tiếu lâm" như sau. Hai đồng hương người Việt đã lớn tuổi gặp nhau tại Little Saigon, một ông tự giới thiệu: “Tôi tên Thompson”. Ông kia mới nghe qua đã cảm thấy bị "sốc" vì cái tên Mỹ của người "da vàng mũi tẹt". 

  
Thompson, Carbine, Garant vốn là tên của các loại súng dùng trong chiến tranh nên "tương kế tựu kế", ông HO từ Việt Nam mới sang Mỹ, đáp một cách tỉnh bơ: “Tôi tên Colt 45!”.

Không biết ông Thompson có hiểu thâm ý của người bạn mới quen? Colt 45 là loại súng ngắn dành cho sĩ quan còn Thompson chỉ là tiểu liên dành cho binh sĩ! Ông HO chắc không có ý gì khác ngoài việc sửa lưng người đồng hương… mất gốc.

Xin minh định một lần nữa, người viết hoàn toàn không có ý đả phá hay châm chọc móc ngoéo chuyện lấy tên Mỹ hay sửa tên Việt sau khi đã đậu bằng công dân Hoa Kỳ. Một khi đã sống trên nước Mỹ mình phải thay đổi để dễ dàng thích nghi và mau chóng hội nhập. Tuy nhiên, vấn đề là dùng tên đó như thế nào và trong trường hợp nào.

Nên chăng, khi đi làm sở Mỹ, tiếp xúc với người Mỹ, hoặc khi hữu sự ta dùng tên Mỹ để việc giao tiếp với người bản xứ được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với đồng hương thì không lý do gì để tự giới thiệu mình là Thompson, David, Tammy trong khi mình vẫn còn có những tên thuần túy từ đất nước Việt Nam như Thơm, Đạm, Tám. 

Trước khi chấm dứt bài viết nầy, xin nói một chút về cái tên của người Việt ngay trên đất Việt.

Bạn hãy thử tưởng tượng một thành phần nội các chính phủ gồm toàn những người thuộc dòng Tôn Thất của nhà Nguyễn xa xưa.. 

Điều gì sẽ xảy ra khi chính phủ có ông Bộ trưởng Y tế mang tên Tôn Thất Đức, Bộ trưởng Lao Động Tôn Thất Nghiệp, Bộ trưởng Nông nghiệp Tôn Thất Bát, Bộ trưởng Kinh tế Tôn Thất Bại, Bộ trưởng Quốc phòng Tôn Thất Trận, Bộ trưởng Giáo dục Tôn Thất Học, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Tôn Thất Sách…
 
  
Người đọc chắc hẳn sẽ rùng mình với danh sách những vị bộ trưởng dòng Tôn Thất. Theo một người mang tên Vũ Như Cẩn, Nguyễn Y Vân, kịch bản tuy mang tính cách hư cấu nhưng vẫn có "khả năng" xảy ra nếu tình hình thực tế… vẫn như cũ hoặc vẫn y nguyên!



Cao Bá Tuấn




No comments: