Thursday, December 6, 2018

NGẢ RẼ MỘT DÒNG SÔNG (NGUYÊN ĐẠT)


Ngả Rẽ Một Dòng Sông
Truyện ngắn-Nguyên Đạt


Đứng bên trong hiên quán,Thủy thấp thỏm đưa mắt nhìn phía bên kia con đường lộ, thấy bầu trời dần dần hửng sáng trở lại, bụng khấp khởi mừng thầm. Cuối cùng thì cơn mưa cuối mùa dai dẳng suốt buổi chiều cũng tạnh hẳn; nếu không có đống bao xi-măng vừa thu mua được trong ngày có lẽ nàng đã đội mưa đạp xe về nhà để kịp lo bữa cơm chiều cho con cái từ lâu. Ôi! Rõ là…
Nghĩ cũng buồn cười và có vẻ gần như mâu thuẫn, mới hồi trưa đây thôi, nàng đã mừng rỡ vì thu mua được khá nhiều bao bì và giấy carton… vậy mà bây giờ nàng thấy đống bao bì ấy lại trở thành gánh nặng khó có thể kham nổi suốt chặng đường về. Tội nghiệp lũ trẻ, đợi mẹ tới khuya chắc đói bụng lắm đây; nhà có phần bẩn chật khó nghèo nên bao nhiêu “tiêu chuẩn” đều dồn cả vào bữa ăn chính, lắm bận mắc việc về nhà muộn, nàng muốn ngầy la lũ trẻ cứ khư khư ôm bụng đói chờ mình, nhưng rồi thấy chúng mặt mày rạng rỡ tíu ta tíu tít dọn cơm mời mẹ, lòng tự nhiên dịu lại. Ôi! Những cử chỉ săn sóc dù nhỏ nhoi nhưng biểu hiện biết bao yêu thương trìu mến. Vả lại, tạo được nề nếp gia đình như vậy cũng tốt thôi. Cứ mỗi bữa ăn, cả nhà lại quây quần đông đủ bên nhau là vui vẻ quá rồi; và nàng mỉm cười hạnh phúc với bầu không khí gia đình thuận hoà êm ấm, quên đi những nỗi truân chuyên của cuộc sống đời thường.


… Những sợi nắng cuối ngày đã tắt hẳn từ lâu. Xóm làng bắt đầu khuất dần trong màn đêm thẫm đậm. Đạp xe dưới vòm tre dày dặc, Thúy gần như phải mò mẫm từng li, từng tí. Không khí mát dịu nhưng lưng nàng thì ướt mượt mồ hôi. Một vài lọn tóc xổ ra dính bệt vào trán, nàng cũng chẳng buồn để ý. Đống bao xi-măng cột chặt sau pọc-ba-ga càng lúc càng nặng trĩu như có ai đó cố trì níu lại. Nàng thầm thì đếm nhẫm một, hai, một hai, ba bốn… chơi lại trò chơi từ thuở nhỏ, cố giữ cho đôi chân rã rời theo kịp vòng quay chiếc mi-ni già nua cũ kỹ.
Mải cắm cúi đạp, khi ngửng đầu lên, Thủy mừng rỡ quá đỗi vì ánh đèn thành phố hiện rõ dần trước tầm mắt. Chỉ còn một quãng ngắn nừa thôi là sẽ tới nhà… Nàng rướn người trên yên xe, vội vã băng qua ngả tư con giao lộ để vào thành; đột nhiên trước mắt nàng loá lên ánh sáng của ngọn đèn pha và tiếng còi chói tai. Nàng giật mình, lạc tay lái, lính quýnh đâm sầm vào cột điện ở góc đường…
Hình như trước lúc ngất đi, trong lúc nửa mơ nửa tỉnh, Thủy vẫn cố gọi hai tiếng: “Bình ơi! Bình ơ…ơi…”, hai tiếng thân thương mà từ lâu đã trở thành xa ngái!


… Sau tháng tư năm bảy lăm, Thủy bị lạc mất chồng, rồi tiếp liền sáu bảy năm sau đó, do nằm trong diện giáo viên thuộc chế độ cũ được lưu dung (?!), nàng bị thuyên chuyển về dạy học ở một ngôi trường thuộc vùng quê xa xôi hẻo lánh, thiếu hẳn phương tiện giao lưu nên càng bặt tin chồng. Lần hồi theo thời gian, nàng gần như mất hết hy vọng gặp lại Bình, người chồng yêu thương ngày cũ. Khoảng thời gian này nhờ dựa vào sổ gạo và số tem phiếu thực phẩm “ăn theo” do nhà nước cấp, mấy mẹ con nàng cũng tằn tiện đắp đổi qua ngày. Thế rồi nàng được thuyên chuyển về lại thành phố theo nguyện vọng, lúc đó những khó khăn mới bắt đầu nảy sinh.
Nhà cha mẹ chồng đã có cô Ba và chú Út dời về ở chung nên nàng phải xin nhà trường thu xếp cho một góc nhỏ phía sau nhà kho để ở tạm. Góc nhỏ ấy không đủ chỗ cho cả bốn mẹ con, nàng buộc lòng xin gởi đứa con trai nhỏ nhờ ông bà nội nuôi giùm.
Chuyện ở như vậy coi như cũng tạm ổn, nhưng nào chỉ có chuyện ở, bởi vì các con nàng đang độ tuổi lớn, những nhu cầu về ăn mặc, sách vở… ngày càng bức thiết hơn. May mà chỗ ở khá gần ga xe lửa nên nàng bắt chước một số bà con lao động trong xóm sắm một đôi thùng, dăm ba cái thau nhỏ, gánh nước lên sân ga, chờ những chuyến tàu xuôi ngược Bắc-Nam đổi cho hành khách rửa ráy mặt mày tay chân kiếm ít tiền gọi là cải thiện thêm bữa ăn hằng ngày. Nhờ vậy, mấy đứa nhỏ khi ngồi vào mâm, mặt mày bớt nhăn nhó bởi nồi cơm chứa quá nhiều chất độn.
Vào một ngày đẹp trời nào đó khoảng gần cuối năm, đứa con trai nhỏ được phép ông bà về chơi nhà, lần này không hiểu sao cứ nấn ná mãi tới sẫm chiều vẫn chưa chịu về nhà nội, gặp lúc chỉ còn hai mẹ con, nó chợt thủ thỉ:
-Mẹ ơi! Nội vừa nhận được thùng hàng lớn lắm. Có cả máy hát nữa mẹ à!
Nàng ngạc nhiên quay lại hỏi:
-Hàng của ai gởi vậy con?
-Dạ… Con không biết. -Thằng bé tiếp: “Khi người ta đưa hàng tới, ông nội, cô Ba và chú Út ngồi thì thầm bàn chuyện gì với nhau lâu lắm, lũ nhỏ tụi con thì nội đuổi ra ngoài chơi, không cho lại gần”.
Câu chuyện đứa con trai vừa kể khiến nàng tự nhiên đâm ra bận tâm, thằng nhỏ đi từ lâu rồi mà nàng cứ ngồi thừ bên chậu rửa chén mải miết ngẩm ngợi: “Từ ngày về làm dâu nhà này trước sau hơn chục năm, mình có thấy ai trong số anh em bà con nội ngoại ở nước ngoài đâu nhỉ”? Nàng lan man suy nghĩ: “Hay là anh ấy? Anh Bình…”!  Nhưng rồi nàng ngờ ngợ: “Nếu đúng là anh ấy sao lâu nay không thèm liên lạc thư từ gì với mẹ con nàng hết? Lẽ nào…?!... Tình nghĩa thế, thân thương là thế cơ mà”?!
Bỗng dưng, trí tưởng đưa nàng về vùng trời kỷ niệm xưa cũ. Đã bao năm tháng qua rồi, nhưng nàng vẫn còn ghi nhớ như in.

***

… Thủy-Bình quen nhau từ hồi còn theo học ở các lớp bậc trung học đệ nhị cấp, đậu tú tài rồi mà cả hai vẫn có vẻ như… vô tư, dù đã nhiều lần cùng nhau rong chơi, bát phố, khi thì bánh khoái Thượng Tứ, chè đậu ngự Đông Ba hoặc cùng sóng đôi giung giăng mỗi chiều thứ bảy qua cầu Trường Tiền gió lộng, xuống tận Cồn Hến thưởng thức cơm tấm, cháo trìa, hoặc chè bắp, bông cau… nhưng chưa một lần dám nắm tay nhau. Bên Thủy, Bình dường như sẽ luôn luôn chỉ là một anh chàng vệ sĩ nhút nhát, hay cả thẹn của lòng nàng, nếu như... không có một lần Thủy bỗng dưng cao hứng rủ chàng vào rạp xi-nê Li-Đô gần cuối đường Chi Lăng coi phim Rô-mê-ô – Ju-li-et. Chuyện tình buồn của đôi nam-nữ mới lớn thuộc hai dòng tộc thù địch đã cuốn hút mọi người mải mê xem. Đến đoạn chàng Rô-Mê-Ô sững sờ, vật vã bên xác người yêu rồi rút gươm tự vận trong nhà mồ thì đâu đó có tiếng thổn thức, rồi lại có tiếng cười khẩy: “Đúng là đàn bà. Được cái mau nước mắt không ai bằng”! Nhưng chỉ lát sau, chính người đàn ông ấy lại ôm mặt âm thầm nức nở. Không khí trong rạp như chùng hẳn lại. Nàng đã vùi mặt vào vai chàng rấm rức làm nhòe đi một phần lưng áo, cả hai bất giác nhìn nhau, mắt người nào cũng đẫm lệ.
Chàng cảm động bảo nàng: “Em ơi! Bây giờ chúng mình hãy giao kết cùng nhau, sẽ chung thuỷ chung tình với nhau đến trọn đời, trọn kiếp, đừng bao giờ chia lìa em nhé”! Và nàng đã nguyện ý gật đầu đáp lại trong tiếng lòng rạng rỡ niềm vui.
Anh ấy đã giao kết với nàng chân tình như thế trong bầu không khí thiêng liêng như thế, lẽ nào bây giờ lại quên hết rồi sao?!

***

… Sau buổi ấy, một bận tới nhà thăm cha mẹ chồng, nàng thấy không khí có vẻ sao sao ấy. Ông bà chỉ gật đầu lấy lệ đáp lại lời chào dòn dã của nàng rồi ngậm tăm. Cô Ba, chú Út thì lặng lẽ lãng đi đâu đó không biết. Loanh quanh, luẩn quẩn một lúc chẳng biết làm gì, Thủy chán nản định cáo từ ra về thì bất chợt ánh mắt nàng bắt gặp cái cassette mới tinh chễm chệ nằm trên đầu tủ, liền trầm trồ:
-Chà... Nội mới sắm được cái cát-sét đấy à! Thật mừng ba mẹ có cái để nghe cải lương cho đỡ buồn lúc tuổi già nhỉ!
Hai ông bà sường sượng đưa mắt nhìn nhau, rồi quay sang nàng gượng gạo mỉm cười. Đúng lúc nàng sắp chào từ giã thì bố chồng đột nhiên cất tiếng:
-Thủy à...! Mấy bữa rày ba có chuyện muốn nói với con nhưng…
-Dạ, có gì đáng ngại đâu ba, dâu con trong nhà cả mà.
-Ba… Ba vừa nhận được thư của Bình.
-Trời ơi! Thật đúng y như…
Nàng kêu lên, rồi vội vàng lấy tay bụm miệng, hai mắt mở lớn, háo hức chờ đợi…
-Nhưng… Nó thật đáng trách con à. Nó đã có vợ khác ở bên Mỹ rồi. Hơn mười mấy năm còn gì.
Nàng có nghe lầm không nhỉ? Chẳng lẽ sự thể lại xảy ra trần trụi vậy sao hỡ trời! Nàng muốn hét lớn rồi khóc oà lên cho thoả cơn tủi cực nhưng cố nén, gượng trấn tỉnh hỏi:
-Ba cho con địa chỉ của anh ấy đi. Con phải viết thư hỏi anh ấy cho ra lẽ.
Ông già trù trừ lo ngại:
-Đây chỉ là địa chỉ tạm thời. Nó sắp dọn về Ca-Li rồi, để lần sau ba đưa con địa chỉ chính thức nhé! Con nhé.
Sợ phải khóc lóc trước mặt ông già, nàng lật đật xin phép ra về. Sau lưng nàng có tiếng thở dài thườn thượt đuổi theo. Ồ không. Hình như đó là tiếng thở phào nhẹ nhõm của một con người vừa trút được cái gánh nặng đeo đẳng bấy lâu.


Những lần sau, mỗi khi tới nhà cha mẹ chồng, nàng chỉ biết ngồi cô đơn trong sự ghẻ lạnh. Cô Ba, chú Út thi nhau kiếm cớ đánh chó chửi mèo, cố tình làm cho nàng bức xúc, sớm bỏ ra về. Chẳng bao giờ nàng nhận được cái địa chỉ mà bố chồng đã từng ngọt ngon hứa hẹn. Đứa con trai nhỏ của nàng không được thường xuyên về thăm nhà như trước nữa, mỗi lần muốn thăm nó thật khó khăn. Chẳng đặng đừng, nàng phải tới đem thằng bé về ở hẳn nhà mình. Lập tức sau đó cả cô Ba, chú Út và ông nội xuất hiện:
-Nó là cháu đích tôn của tao. -Ông nội nói: “Để đó tao nuôi”. 
Vậy là một trận xô xát, giành giựt xảy ra, bà con lối xóm thấy chuyện bất bình, nhảy vào can thiệp, mẹ con nàng mới yên. Bị trận đòn đau nhưng bù lại, cả nhà lại được đề huề sum hiệp bên nhau.
Đó cũng là cái nút dây cuối cùng giữ mối liên hệ giữa nàng với nhà chồng bị tháo gỡ.

***

… Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Những chuyến tàu Nam-Bắc từ lâu đã không còn ghé lại cái ga xép tỉnh lỵ nhỏ bé này nữa. Thủy xoay xở sang một vài công việc khác để bù trừ vào mớ thu nhập cỏn con vừa thiếu hụt, nhưng cũng chẳng tới đâu. Thực ra cũng có một vài “mánh” kiếm được tiền nhưng lương tâm nhà giáo không cho phép nàng làm. Rồi có người bày cho Thủy cách đi về các vùng quê tìm mua các bao bì xi-măng cũ thải ra từ những căn hộ của các hào trưởng, cán bộ, viên chức vừa xây nhà mới, cái nào nên thì giao cho công ty kiếm huê hồng, cái nào rách thì rọc ra làm bao bì nhỏ đem bán cho những cửa hàng khô ở chợ Lớn. Nhờ tận dụng được nhân công trong nhà nên số tiền kiếm được cũng tàm tạm. Cuộc sống gia đình nàng dần dà ổn định. Có điều, do thường xuyên hít phải bụi xi măng nên thỉnh thoảng nàng bị ho sặc sụa, sức khoẻ có phần giảm sút. Một lần ho nhiều quá Thủy ôm ngực than thở: “Không khéo mình nhiễm phải bệnh lao phổi thì khốn”. Cái dự cảm mơ hồ bất chợt thoáng qua đó khiến tâm trí nàng cứ âm thầm lo lắng mãi không thôi.

***

… Có tiếng gõ cửa, nàng ngẩng đầu lên, bắt gặp cái nhìn của đứa cháu gái, con cô em chồng đang đứng thập thò bên ngoài khung cửa. Nó rụt rè đưa ra tờ giấy viết vội:
-Thưa mợ, đây là địa chỉ của cậu Bình, cháu lén ghi lại trên chiếc phong bì ngoại bỏ quên ngoài bàn nước hồi sáng. Mợ phải gởi thư cho cậu, mợ ạ!
Đứa cháu sà xuống ôm vai Thủy nức nở:
-Mợ thông cảm cho cháu. Cả nhà đều vậy. Con… con không thể… không…!
Mợ cháu ôm chầm lấy nhau tràn đầy nước mắt.
Bấy lâu ao ước có địa chỉ để viết thư cho chồng nhưng nay có rồi Thủy lại ngần ngại, lần lữa mãi chẳng viết được câu nào. Đứa con gái lớn nghe phong phanh đâu đó cứ bám lấy mẹ hỏi tin ba. Nàng cố tảng lờ cho qua chuyện bởi không muốn để vết thương đời hằn lên tâm hồn đàn con quá sớm…


… Những âm thanh lao xao từ đâu đó gọi nàng tỉnh dậy. Đưa mắt nhìn quanh, Thủy nhận ra lũ con trẻ đủ đầy đang nhao nhác vây quanh mới cảm thấy hoàn toàn yên bụng. Bên giường bệnh, chẳng biết từ hồi nào còn có một bà khách lạ hoắc, khuôn mặt béo tốt đang ngồi chăm bẳm nhìn nàng với nụ cười hồn hậu, khiến nàng ngạc nhiên ngó sửng.
Chừng như hiểu ý, bà ta mau mắn tự giới thiệu:
-À! Cô đã tỉnh lại rồi. May mắn quá. Tôi là chủ chiếc xe du lịch thuê bao làm cô mắc nạn. Nói thiệt tình, tuy mấy chú cảnh sát giao thông xác nhận không có lỗi trong tai nạn của cô, nhưng tôi vẫn không yên lòng bỏ đi trước khi cô khoẻ lại. Dẫu sao cũng tại tiếng còi và ánh đèn xe bất ngờ… 
-Đống bao xi măng?  -Ánh mắt nàng thì thầm dò hỏi. Đám con hiểu ý mẹ liền nhao nhao:
-Rồi mẹ ạ. Đem hết cả về nhà rồi.


Bà chủ thuê bao chiếc du lịch vốn là một Việt kiều mới về thăm quê, chả biết sao lại đâm ra thương mến mẹ con nàng lạ. Sau vài lần viếng thăm, biết được tình cảnh khó khăn của gia đình nàng hiện đang gặp phải. Bà nhớ tới đoạn đường khổ ải mình đã đi qua trước đây, càng cảm thấy chạnh lòng trăn trở. Trước khi rời khỏi Việt Nam, bà còn tới thăm Thủy lần nữa, và tặng chiếc máy may để nàng có thể nhận hàng gia công về làm phần nào bớt khổ. Bà còn bảo nàng đưa địa chỉ của Bình để khi qua lại bên đó, bà sẽ tìm cách liên lạc, nói hết sự tình cho chồng nàng rõ. Thủy cám ơn nhưng nói thêm: “Em xin chị một điều. Em sẽ không nhận gì cả nếu như anh ấy đã… đã bước sang thuyền khác rồi ạ”!
Bà gật đầu đồng ý nhưng kín đáo lẩm bẩm: “Có lẽ em sẽ trách chị thôi. Tuy nhiên, chị sẽ làm những gì đáng phải làm”.
                            
                          Ngày… tháng… năm…
                            Gởi em và các con.
Rất nhiều năm anh cố liên lạc tìm em. Đến khi nhận được thư của gia đình cho biết em đã có chồng khác, rồi đem con đi đâu mất, anh rất đau khổ và thất vọng.
Bây giờ biết được chính xác thì sự thể đã quá muộn màng. Anh đã có vợ khác! Anh có bàn với Huệ, cô ấy cũng đồng ý bảo lãnh mấy đứa con của chúng mình qua bên này. Dù sao thì em cũng nên nghĩ đến tương lai của bọn trẻ. Phần em, anh sẽ liệu cách cung ứng đầy đủ để cho em làm lại cuộc đời. Thôi đành lỗi hẹn cùng em. Mong em thông cảm cho anh nhé.
                                              Bình.


Nhận được thư chồng, nàng càng xót xa cay đắng. "Chuyện gì đến rồi sẽ phải đến" nhưng cái sự thực đang phơi bày trước mắt nàng sao mà quá trụi trần tỡm lợm. Tình đời, tình người tha hoá đến mức này sao hỡ trời! Mớ tiền tài bằng đô-la đã giết mất lương tri của con người đến đỗi “người lớn” giành ăn với cả những đứa cháu “cưng” ruột rà máu mủ, tuổi còn thơ dại.
Tệ hơn nữa, còn làm dang dở cuộc đời của một người vợ đã hết lòng trung liệt thủy chung. Trước đây, dẫu không hy vọng được sum họp với chồng, nàng vẫn còn có đàn con yêu để mà vỗ về an ủi, nhưng thời gian tới, nàng sẽ mất hết, bởi đàn con trẻ rồi cũng sắp sửa phải rời xa.
Từ bữa nhận được thư chồng, nàng đâm ra thẫn thờ ngơ ngẩn, nói trước quên sau. Suy nghĩ miên man, nàng thấy Bình nói cũng có lý, bởi nàng không thể giống như “con chim đà điểu, cứ rúc đầu trốn vào cát mãi trước thực tại được”. Dẫu đau đớn trong lòng, nàng quyết định sẽ nói rõ mọi việc với đàn con để chúng tự quyết định lấy. Nếu không, lỡ sau này biết chuyện, chúng đâm ra oán giận, trách hờn. Và rồi đây, ắt hẳn nàng phải ôm vào mình sự ray rứt tủi buồn suốt khoảng đời còn lại…
Nàng vùi đầu khóc thầm trong bóng đêm ướt đẫm cả chiếc áo gối. Chiếc áo gối có thêu hình đôi chim Loan-Phượng mà nàng có ý định sẽ mãi mãi rời xa, bởi bây giờ trở đi, nó không còn chút ý nghĩa nào với nàng nữa rồi?
Tối hôm ấy, sau khi ăn cơm xong, nàng tập hợp lũ trẻ lại:
-Các con ơi! Mẹ vừa nhận được thư của ba.
Bọn trẻ sững sờ, rồi tất cả nhao nhao:
-Ba nói nói gì hả mẹ? Ba có gửi tiền, gửi hàng về không mẹ?
Nàng chậm rãi bảo:
-Ba không gửi tiền, gửi hàng nhưng ba muốn bảo lãnh tất cả các con qua bên đó để chăm lo tương lai cho các con.
-Trời ơi! Sướng quá!
Bọn trẻ reo lên: -Vậy chừng nào mẹ con mình đi hả mẹ?
-Chỉ các con thôi. Còn mẹ thì… thì ở lại.
-Sao vậy mẹ? Mình đi gặp ba mà.
 Nàng nghẹn ngào:
-Mẹ không thể đi được, vì ba… ba đã có vợ khác… Có vợ khác rồi các con à!
 Không khí bỗng nhiên lặng ngắt, trầm hẳn xuống, rồi bầy trẻ xao xác lao nhao:
-Nhưng khi tụi con đi rồi, mẹ sẽ ra sao?
“Ừ… Khi bọn chúng đi hết cả rồi, mình sẽ ra sao đây nhỉ! Sẽ ra sao…”?!?
Không nén thêm được nữa, Thủy ôm mặt khóc oà. Đứa lớn nhất, rồi tiếp tới mấy đứa em kề đồng loạt nhào tới xoắn xuýt ôm chầm vai mẹ tức tửi: “Mẹ ơi! Mẹ ơi”!
Chỉ độc mình cậu Út bé bỏng nghe lỏm bỏm câu được câu mất, ngạc nhiên nhìn mọi người lẩm bẩm:
-Nhận được thư Mỹ sao không cười mà ai cũng khóc hết vậy nhỉ? Kỳ chưa?!

                                  Ngày… Tháng… Năm…
                                      Thư Gửi Ba

 Chúng con rất vui mừng vì lại được có ba như những ngày trước. Cám ơn ba đã quan tâm tới đường vật chất, tương lai và sự nghiệp của chúng con, nhưng chúng con quyết định ở lại. Xin ba thông cảm và hiểu cho chúng con.
Ba ơi! Làm sao chúng con có thể bỏ mẹ một mình trong lúc này được? Ba biết mà! Mẹ đã dành cả một phần đời lao nhọc nuôi nấng chúng con với hy vọng có ngày đoàn tụ cùng ba. Bây giờ cùng một lúc mất hết niềm tin vào tình người và cuộc sống… Nếu như chúng con cũng lìa xa mẹ nữa thì trong những ngày sắp tới, bà sẽ cảm thấy đau đớn, bi thương đến thế nào một khi thiếu vắng đàn con thân yêu bên cạnh đây hỡ ba?!
Thưa ba. Đời sống hiện tại và cả tương lai chúng con có thể sẽ còn lắm điều khó khăn và thiếu hụt, nhưng chúng con tin rằng, nhờ ngọn lửa nhân ái của mẹ dẫn dắt chúng con sẽ tiến về phía trước một cách an bình và thành đạt. Ba hãy yên tâm nhé! Ba nhé!                                      
                                     

Con của ba

Hiếu Hiền-Hiếu Nghĩa-Hiếu Tín-Hiếu Nhân




No comments: