Wednesday, March 6, 2019

CHUYỆN ĐỜI XƯA VÀ NAY- PHẦN 4 (NGUYỄN THỊ BẠCH TUYẾT)

Hình chụp bãi biển Nha Trang cùng các bạn học lớp 11
(chị Tuyết người thứ 2 từ bên phải
  )

Sau chuyến đi chơi Sài Gòn về chị em trở lại đi học, tôi vào học lớp Nhì (4) ở trường Bình Hưng Phan Thiết, thầy của tôi lúc đó là thầy Trương Tiến Hinh.  Mới ở vùng Việt Minh về chưa bao giờ học tiếng Pháp vậy mà tôi cũng bắt kịp bạn bè, tôi còn nhớ trong lớp chỉ có 3 người thay phiên nhau đứng nhất, nhì, ba là anh Tùng, anh Trần Thiện Bậc và tôi, người đứng thứ tư điểm quá cách xa chúng tôi.

Thời sự tạm ổn gia đình tôi lại về quê nội ở Tuy Hòa,  mà tôi có ông anh con bà dì khá giả lại có đầu óc kinh doanh, ông nghĩ Tuy Hòa là vựa lúa ruộng đất phì nhiêu, nhưng chưa có nhà máy xay lúa, nên ông ra Tuy Hòa thuê đất của ông bà Hòa Thái, nơi đây trước kia là đồn lính tây trên  quốc lộ I tương đối gần cầu Đà rằng và cầu ông Chừ, luôn cả chiếc xe Pờ Rô chở khách, thuê tài xế và lơ xe chạy đường Tuy Hòa, Thạch Thành nhờ ba má tôi trông coi quản lý giúp. Thuở đó người ta thấy nhà có máy xay lúa có xe chở khách tưởng là giàu có nên GĐ chúng tôi bị nạn.

Tôi còn nhớ như in có một ông trưởng ty công an người Bắc thường mặc đồ vest màu trắng, đi xe mô tô chạy ầm ầm, nghe nói người Tuy Hòa ai khá giả ông đều bắt đến ty Công An tra khảo, chụp mũ kinh tài Việt Cộng rồi bỏ tù, ba tôi cũng ở trong trường hợp này.  Một hôm có người đến nhà máy xay lúa nơi chúng tôi đang ở tìm ba tôi, ông vào từng phòng tìm khg thấy, tôi nói ba đang ở bến xe, ông đến bến xe bắt ba tôi đi.  Thấy vô lý má tôi đến ty công an khiếu nại, minh oan chẳng những họ khg nghe mà còn hăm bắt má tôi.

(Ba tôi vốn ít quan tâm đến tài sản và rút kinh nghiệm từ những ngày sống với Việt Minh và bây giờ nên khi ở tù ra ruộng đất ai mua giá nào ông cũng bán, vừa bán vừa cho, còn chút ít sau ngày miền Nam mất phần bị tịch thu, phần thì hiến cho nhà nước để được yên thân), trước tình cảnh này má tôi chẳng biết phải làm gì bồng hai em tôi vô Phan Thiết lánh nạn, tôi phải ở lại Tuy Hòa vừa đi học vừa trông coi nhà máy ở với ông quản gia già, má tôi gởi tiền cho GĐ người bạn thân gần đó khi nào tôi cần thì đến đó lấy và lui tới với GĐ này.  Hằng tuần tôi đi thăm nuôi ba tôi bị giam ở Ngọc Lãng.

Phần thì buồn cảnh GĐ mỗi người một ngả, một mình ở căn nhà rộng mênh mông trước đây đông đảo vừa Gđ vừa người làm bây giờ còn lại mình tôi với ông cụ già phần sợ ma, tôi học hành ngày càng xuống dốc.  Ai cũng đồn khu đất này có ma vì trước đây là đồn của lính Pháp, hằng đêm tôi sợ quá cứ trùm mền kín đầu rồi ngủ thiếp đi lúc nào khg biết, có lần rủ cô bạn học khác lớp ở Hòa Trị xuống Tp học lại ở với tôi cho có bạn, nhưng cô ở vài bữa rồi dọn đi.

Nửa năm đầu tôi học lớp nhất ở Phan Thiết, nửa năm sau về Tuy Hòa học trường Nam (gần khu người Bắc di cư) Trong lớp chúng tôi có treo 2 tấm ảnh chân dung của Quốc Trưởng (vua) Bảo Đại và thủ tướng Ngô Đình Diệm, một hôm thầy giáo bảo lấy tấm ảnh Quốc Trưởng (vua) Bảo Đại xuống, chỉ còn tấm ảnh TT Ngô Đình Diệm, chúng tôi chẳng hiểu vì sao sau đó mới biết là nước khg còn vua nữa mà TT Ngô Đình Diệm lên làm lãnh đạo Quốc Gia.
Những năm sau này còn thi tiểu học, thi viết đậu rồi còn thi vấn đáp (oral) mới coi là đã đậu bằng tiểu học, sau đó thi tiếp liên đậu mới được vào học trường trung học Nguyễn Huệ.  Vào những năm này Tuy Hòa còn rất đơn sơ, nhà cửa tiêu điều sau chiến tranh vì “tiêu thổ kháng chiến”.  TP mới bắt đầu mở mang chút đỉnh, các nghĩa địa lần lần hốt cốt, các bờ bụi từ từ đốn phá, trường Nguyễn Huệ được xây cất xung quanh là nghĩa địa chưa kịp lấy cốt hết.  Trường khai giảng năm đầu tiên chỉ có 4 lớp từ đệ Thất đến Đệ Tứ, 4 lớp B1 học buổi sáng, 4 lớp B2 học buổi chiều.  Chúng tôi là người tiên phong đến quét dọn và khiêng bàn ghế vào lớp.

Hiệu trưởng đầu tiên là thầy Đinh Thành Bài, ông rất nghiêm chỉnh nên lơ mơ là bị cấm túc, trong chiến tranh các tỉnh liên khu 5 là bị thiệt thòi về học vấn nên sau khi yên ổn mọi người được đi học trở lại với đủ mọi lứa tuổi, tôi coi như loại nhỏ tuổi.  Vừa thiếu trường thiếu thầy lại thiếu sách vở, các thầy đến đây dạy trong những năm tháng này đa số chưa học qua sư phạm, thiếu giáo sư nên học trò lên lớp nào thì thầy theo lên lớp ấy, như năm học Đệ Lục thầy dạy Pháp văn thầy HHQ thầy hơi có tuổi và dễ tính nên khg để ý đến những ranh mảnh của chúng tôi, chẳng hạn thầy viết lên bảng bài tập đọc (lecture) mấy ngày sau thầy lấy bài này làm bài chính tả (dicté) trong khi thầy đọc từng câu cho chúng tôi viết thì thấy lúi húi soạn hoặc chấm bài khg nhìn xuống, chúng tôi lấy vở ra chép, còn chia nhau trong bài đứa sai 1 chữ để thầy khỏi nghi, ngày hôm sau thầy lấy bài chính tả này làm bài học thuộc lòng (récitation) kêu tên trò nào lên bảng thì ráng thuộc 1 câu rồi nghỉ để thở, thầy nói tốt cho 12 điểm thì đi xuống, lỡ hôm nào thầy lo soạn bài quên nói tốt (bon) và cho điểm thì đứng chào cờ, khg đọc được câu tiếp theo, vì biết thầy thường như vậy nên chỉ học thuộc 1 câu là đủ vốn.

Năm sau thầy cũng theo chúng tôi lên Đệ Ngũ, chúng tôi thương và kính trọng thầy vì thầy rất mô phạm, giờ sử địa thì cho thầy dạy toán sang dạy thêm sử địa, công dân, thầy cứ nhìn vào sách mà đọc, lúc sau nhìn xuống lớp thấy mấy đứa nam sinh phóng cửa sổ đi ra (vì cứ nghĩ sử địa, công dân khg quan trọng, về nhà “gạo” các môn chính để thi.  Giờ nữ công chúng tôi cũng đến lớp có chừng (vẫn coi thường môn phụ)  đứa nào cũng lấy bài ra học khg đem theo kim chỉ, giờ nữ công do cô Hoài Nhơn dạy có lẽ ai nói, nên thầy hiệu trưởng vào lớp nhìn qua tình hình thầy hỏi chúng tôi kim chỉ đâu, chúng tôi sợ quá, có đứa mang theo liền bẻ kim và đứa cầm khúc đầu đứa khúc đuôi đưa cho thầy hiệu trưởng, cũng may thầy khg tinh mắt, hay vờ làm lơ nên chúng tôi thoát nạn.

Anh văn với thầy BT, thầy vốn khg được cao lớn, nên mỗi năm 2 lần thi lục cá nguyệt, mỗi lần ra bài thi thầy mang kính đen leo lên ghế nhìn xuống đám học trò.  Năm ĐệTứ chúng tôi học toán với thầy TTT, giờ toán thầy kêu học trò lên bảng giải phương trình ai khg giải đúng thầy đuổi ra hè hành lang đứng hết giờ mới được vô, cũng may tôi dở toán nên thầy chẳng kêu nên chưa bị đuổi ra lần nào.


Sách vở thiếu thốn cà TP Tuy Hòa chỉ có 2 tiệm sách, có lần thầy bảo về nhà mua sách địa lý để khỏi chép bài, ở tiệm sách chì còn 1 quyển, nên tôi và bạn hùn nhau mua chung, cuối cùng đứa nào cũng phải chép bài.  Giờ Việt Văn thầy kêu đọc sách để làm tóm lược kể lại, tìm khắp nơi mượn khg có quyển nào đọc được.

*** Xin xem tiếp phần 5 tuần tới.

No comments: