Thầy còn nhớ em hông ?
Đoàn Xuân Thu -
Từ cái thuở đứt phim, mà tui gọi là
cái thuở ‘đứng hình’, vết thương vẫn còn đang rỉ máu. Chiều cuối năm quê người
đã tạm dung mấy chục năm rồi mà tui vẫn coi là xứ lạ, nên buồn nào hơn đêm nay,
lau lệ mình ên, tui tí toáy làm thơ:
“Em còn có mẹ già bên đó!
Tiếng thơ buồn như tiếng thở than!
Anh đọc thấy hai hàng lụy nhỏ…
có mẹ già biết bỏ
cho ai?!”
“Anh cũng có mẹ già bên đó!
Mẹ anh đã nằm dưới mộ sâu.
Cỏ trên mồ chắc xanh thương nhớ/
Mẹ chắc nhớ anh, nhớ để rầu!”
Hai lăm tháng chạp về tảo mộ. Hẹn lần,
hẹn lữa, hẹn năm sau. Năm nào cũng vậy, tiền không có! Không tiền, không có vé
máy bay!
Ngày khánh tận mà anh khánh kiệt/chỉ
biết tàng xe đến phi trường. Ai về xứ Việt, quê hương đó? Cho ké giùm tôi, nỗi
đoạn trường!”
Nỗi đoạn trường, áng chừng em khóc!
Vẫn còn ai đó vỗ về em. Ai đó làm em không khóc nữa. Nỗi buồn nhớ mẹ, chắc rồi
quên.
Anh nhớ mẹ, rồi anh cũng khóc.
Melbourne buồn, anh lau lệ mình ên!
Rồi cách đây mấy bữa trên Facebook có
một em từ bên Little Saigon, Orange County bên Mỹ gọi qua; xưng tên là ‘Chi
Lan’, tức cành hoa lan trắng, rồi hỏi: “Thầy còn nhớ em hông?”
Ủa, tui đã ‘giã’ trường xưa theo tiếng
gọi lên đường vượt biên, tìm tự do mấy chục năm nay; đã rời xa phấn bảng quá xá
là lâu mà đột nhiên bây giờ lại có người gọi tui là thầy. Làm gợi nhớ cái thuở
‘giáo chức, dứt cháo’; ‘thầy giáo tháo giày’ đi chân đất vậy cà?
Nói nào ngay, em học trò năm cũ nầy,
phải kể thêm một vài kỷ niệm nào đó, tui mới nhớ được. Chẳng hạn như thầy đã từng
đến nhậu rượu đế với Tía em, ăn canh chua bông sua đũa do chính tay ‘Chi Mai’
(một cành Mai), chị của em, nấu là tui nhớ liền hè. Chu choa! Ông phụ huynh học
sinh Ba Tèo (tên xấu hoắc) nầy chắc là một người rất yêu hoa; nên đặt tên những
tác phẩm của mình làm ra toàn là tên những loài hoa rất đẹp?
Chớ vài ngàn em mà đứa nào mình cũng
nói nhớ hết ráo là mình nói láo. Nói láo với ai còn có thể châm chước được; chớ
với học trò cũ gọi mình là ‘Thầy’, dẫu mình đã nghỉ dạy lâu, thì đâu có được
hè.
“Nhà em ở Cù lao Quốc Gia đó!” Nghe
tới Cù lao Quốc Gia là kỷ niệm ngày xưa ta bé ta vui… lại hiện về… để giờ đã xa
quê lại làm tui buồn trong kỷ niệm.
Cù lao, cái địa danh hồi xưa bà con
mình xài hà rầm. Như Cù lao Ông Chưởng, (Bao phen quạ nói với diều/ Cù lao Ông
Chưởng có nhiều cá tôm), Cù lao Rồng, Cù lao An Hóa, Cù lao Bảo, Cù lao Minh
trên sông Tiền.. Còn trên sông Hậu là Cù lao Dung và biết bao cơ man Cù lao
khác.
Bà con mình ai cũng biết dòng sông
Mekong phát xuất từ chỗ cao thiệt là cao, trên Cao nguyên Tây Tạng vượt qua biết
bao nhiêu ghềnh thác. Cuối cùng bình độ của dòng sông xuống gần ngang bằng mực
nước biển; nước sông phải chảy rề rề chậm lại; kết quả bùn lắng tụ lâu ngày, để
sông kia bên lở bên bồi hay gom lại nổi lên ở giữa sông. Ðất ấy bà con mình gọi
là đất Cù lao.
Bây giờ thiên hạ ít xài chữ Cù lao như
hồi xưa mà chỉ xài chữ cồn không hè.
Còn cái tên Quốc Gia là vầy: Hồi thời
chiến tranh chia làm hai phe: phe nó là Việt Cộng; phe mình là Quốc Gia. Cù lao
Quốc Gia, rõ ràng là của phe mình, rất an ninh. Không phải là vùng xôi đậu,
ngày Quốc Gia đêm VC. Ban ngày chúng trốn, ngủ hay nhậu trong hầm, tối bò ra bắn
‘cắc bùm’ hù dọa, khủng bố, phá đám lương dân. Nếu cả miền Nam mình không có
cái bọn ‘cà khịa’ theo CS nầy, thì đất nước thanh bình, dân tình chí thú mần
ăn, ắt là dễ thở, phẻ re!
Cái Cù lao Quốc Gia nầy nhỏ chút tẳn,
chỉ hơn 1000 mẫu, lại bốn bề sông nước nên VC không dám bò về vì sợ lính hành
quân, hổng biết chuồn đi đâu để chém vè. Lỡ bị lính rượt, hổng lẽ nhẩy cái tùm
xuống sông thì Hà Bá nó đợi sẵn để rước các ‘đồng chí’ về nơi chín suối.
o O o
Cách đây khoảng 150 năm, lúc đầu mặt cồn
rất thấp, chỉ toàn bãi bùn, cỏ dại, dây leo, một số loài cây tạp, cây bần cùng
thú hoang và chim muông sinh sống. Vào cuối thế kỷ XIX thực dân Pháp bắt đầu
cai quản, đặt tên là cồn Công Ðiền (tức vùng đất công), thuộc địa phận làng Kế
Sách, tổng Ðịnh Khánh, tỉnh Sóc Trăng. Ðến năm 50 của thế kỷ XX, phù sa tiếp tục
bồi lắng và nổi lên một vạt cồn mới, cặp sát đuôi cồn Công Ðiền, cách nhau bởi
con rạch nhỏ, người dân gọi tên là Cồn Bùn. Ðầu cồn hướng về phía Cần Thơ, đuôi
cồn hướng ra biển Ðông; tiếp giáp với huyện Cù Lao Dung, cách đầu cù lao khoảng
1km, cách bờ biển Ðông khoảng 40km, cách Sóc Trăng khoảng 25km.
Sau nầy VC kỵ chữ Quốc Gia nên đổi tên
thành cồn Mỹ Phước. Theo không ảnh trên cao nhìn xuống, cồn có hình trái xoan với
hai đầu thắt lại, đoạn giữa phình ra với chiều rộng trên 500m, dài khoảng 5km,
được bao bọc bằng những thân đê vững chãi. Ðường sá trên cồn đều đã được trải
bê tông.
Vào khoảng năm 1946 có những người đầu
tiên đặt chân lên cồn khai phá đất hoang, bao bờ, trồng rẫy trên đất cồn phì
nhiêu màu mỡ. Làm ăn khấm khá nên bà con kéo đến sinh cơ, lập nghiệp ngày một
đông hơn, lên tới 400 gia đình, khoảng 2000 người.Từ việc trồng rẫy lúc ban đầu,
bà con bắt đầu trồng thêm các loại cây ăn trái như: chuối, dừa, cam, quýt, bưởi,
rồi sau đó thêm xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, sa-pô-chê, mãng cầu, măng cụt.
Rồi dùng ghe lớn chở trái cây lên chợ Cầu Ông Lãnh, Sài Gòn bán đắt như tôm
tươi, vì trái cây miệt cồn phân phướng tự nhiên nên giòn, ngọt, thơm… ngon.
Bà con xứ khác mà muốn đến Cù lao Quốc
Gia nầy thăm mấy người đẹp miền sông nước chơi thì đi theo đường nào hè? Có hai
cách: đường lộ và đường sông. Ðường lộ phát xuất từ Cần Thơ theo Quốc lộ 4 tới
ngã ba An Trạch, quẹo trái chạy thêm 12 cây số là đến quận Kế Sách. Từ Kế Sách
đi thêm 10 cây số nữa đến xã Nhơn Mỹ, rồi đi đò qua sông là đến cồn Mỹ Phước.
Năm chục năm sau, từ Cần Thơ theo quốc lộ Nam sông Hậu đi khoảng 40km đến Nhơn
Mỹ, xuống phà khoảng 10 phút là đến cồn Mỹ Phước.
Còn đường sông, hồi xưa là tui xuống
đò Ngọc Diệp ở bến Ninh Kiều, theo dòng sông Hậu khoảng 50 cây số là đến cồn Mỹ
Phước. Ngồi trên mui đò trời nước bao la chừng 4 tiếng đồng hồ. Còn bây giờ
nghe nói tàu cao tốc gì đó chỉ mất có hai tiếng đồng hồ là anh về quê em để nhậu
chơi với Tía của em.
o O o
Sau tháng Tư năm 75, nhiều thầy giáo của
phe mình rất là chịu chơi, chơi tới cùng, dứt áo ra đi mà không hề ngoảnh lại.
Có phụ huynh hỏi thầy: “Bộ không được lưu dung hay sao mà Thầy bỏ nghề
giáo?”“Không tôi tự nguyện! Tôi thà ‘mất dạy’ để giữ cái tư cách nghề giáo cao
quý của mình, chớ không chỉ vì cái đồng lương chết đói, tháng được 60 đồng, gạo
13 ký, thịt mỡ nửa ký… để bán rẻ cái lương tâm chức nghiệp.”
Nói nào ngay, tui cũng muốn hành xử một
cách anh hùng mã thượng như bậc đàn anh đáng kính nầy nhưng không được. Thầy
còn có ruộng đất để cày, còn tui một cục đất chọi chim cũng không… thì nghỉ dạy
rồi mình biết về đâu, làm gì mà sống. Ðành chịu nhục của người thất thế, sanh bất
phùng thời, gặp buổi trời ơi, đành ráng ‘đu’ được ngày nào hay ngày đó. Dẫu vậy
nhưng đâu có được yên thân; nhứt là mấy thầy giáo đã từng đi lính, là sĩ quan
biệt phái hay mấy cô có chồng là sĩ quan đang bị CS bắt ở tù cải tạo… Sinh viên
đang học ở trường Luật hay Văn Khoa gì đó bị lùa qua Sư Phạm học sáu tháng để về
thay thế các thầy cô cũ. Trong số nầy, tui biết chắc là sẽ tới phiên mình.
Cho đến một hôm: Sáng bước vô trường,
nghe bị đuổi. Về nhà lúi húi xếp hành trang. Bài thơ tình cũ… quần áo cũ/! Hết
thời dạy giáo… giờ lang thang.
Ðến quán em quen, để trả tiền. “Anh bị
đuổi rồi, cuốn nóp thôi”. Em buồn, con mắt rưng rưng nói. “Hia giáo bỏ đi… chợ
chắc buồn.”
Em hỏi làm sao anh bị đuổi? Vì anh là
giáo ngụy em ơi! Chỉ vì tin bạn mà bạn phản/ bởi tại Lý Thông, bởi thói đời.
Tiệc tiễn hành anh, em thết đãi/ Cá sặt
rằn khô, xoài thanh ca. Rắc chút đường, thêm vài lát ớt. “Uống đã đời đi! lắm đắng
cay.”
Nửa khuya thức giấc đò Ngọc Diệp. Tình
ta như chiếc lá xuôi dòng! “Thức dậy đi anh… về cho kịp! Lỡ nhịp tình ta… sông
cách sông.
Footscray cũng có khô cá sặt! Ðầy dẫy,
ê hề xoài thanh ca. Cũng là món gỏi… nhưng không phải. Quay quắt chiều xưa tiệc
tiễn hành..
Melbourne đất khách trời lưu lạc. Kế
Sách… quê mình nhớ biết bao,
Thương người con gái Tiều lai ấy. Ước
gì mình gặp lại kiếp sau!
Sau ngần ấy năm tha hương, đêm nay đốt
lò hương cũ, sao nhớ vô cùng cái món gỏi khô cá sặt của ngày xưa ấy. Cá sặt là
cá nước ngọt. Mùa nước nổi, bắt ăn không hết bèn ướp nước muối làm khô.. Khoái
nhứt là nướng xé ra để ăn với cơm nấu hơi nhão. Nhưng gỏi khô cá sặt và xoài
thanh ca là món nhậu dân dã không thể nào tìm thấy đâu bán trên toàn nước Úc.
Trái xoài thanh ca dài, đầu hơi cong, còn có tên là xoài mút (vì khi chín ăn chỉ
cần lột vỏ và mút). Khô cá sặt vốn của nhà nghèo, của vùng quê xa ngai ngái. Cộng
hưởng với trái xoài xanh, thêm hành tím, tỏi, ớt, ngò gai. Nước trộn gỏi là nước
mắm với đường, tỏi đập giập, ớt bỏ hạt, bằm nhỏ. Con khô cá sặt nướng trên bếp
than đến khi vàng và thơm. Cá chín gỡ lấy phần thịt, bỏ xương, xé ra từng miếng
nhỏ. Ngò gai cắt sợi trộn đều với xoài, cà rốt và hành. Bày gỏi lên đĩa, rắc
khô cá sặt lên. Trộn đều rồi gắp một đũa đưa vô miệng nhai khẽ khàng, nhai nhẹ
nhàng nhưng cũng nghe hai hàm răng rít lên rau ráu. Chơi thêm nửa hớp rượu nếp
trong ly hột mít sủi bọt tăm em cất tại nhà. Thiệt là quá đã cái tâm can tì phế
thận…
Vì biến loạn, phải bỏ xứ đi nhưng cũng
như bà con mình, trên cái lưỡi vẫn mang theo cái vị quê nhà; và thâm tâm cứ vấn
vương hoài cái hồn cố thổ.
Thế nên “Thầy còn nhớ em hông? Nhớ
nhiều quá xá đi chớ!”
ĐXT
melbourne
No comments:
Post a Comment