Saturday, March 9, 2019

VĨNH BIỆT CHỊ BẠCH HƯỜNG (Trần Đình Hiệp)


                                                         
Chị Phạm Bạch Hường
    1943 - 2019
Ngày mồng một Tết Nguyên Đán năm ngoái, nhân dịp vào Viện   Dưỡng Lão "Mission Dela Casa" thăm người chị, anh Phạm Đức Hiền đã viết bài CHÚT NẮNG MÙA ĐÔNG ri đăng trên diễn đàn Chim Về Núi Nhạn để mô tả tổng quát những sinh hoạt của nơi này.  Bây giờ đọc lại, tôi mới thấy qua phần lớn bài viết, anh Hiền đã cố gắng ghi lại và nhấn mạnh những nét tươi sáng của một nơi nương náu cuối đời của người già : "những trái tim nồng ấm"; "những tà áo dài thật đẹp"; "nụ cười rạng rỡ của các thiện nguyện viên; “không khí ngày tết thật vui mắt" …  

Rõ ràng là anh Hiền muốn phác họa 1 không khí vui tươi cho thích hợp với tiêu đề "Chút Nắng Mùa Đông" của toàn bài. Thế nhưng, khi đọc bài này tôi lại không thấy được "chút nắng" nào hết, mà chỉ là niềm xúc động mãnh liệt, quyện trong cảm giác đau đớn và buồn man mác, ngay từ những dòng chữ mở đầu  : "Vào phòng, tôi thấy chị tôi ngồi ăn cơm một mình. Diệp rủ chị ra phòng sinh hoạt để vui tết với mọi người, nhưng chị không chịu đi, khuôn mặt đẹp ngày xưa đã bị cắt đi một nửa vì ung thư, nên không còn muốn gặp bất cứ ai."

                                     
Đọc qua những dòng chữ này, rồi nhìn bức ảnh chụp từ xa, chị Hường ngồi một mình trên giường bệnh bênh cạnh chiếc xe lăn, tôi không cầm được nước mắt. Trông chị  thật đơn côi, cô quạnh trong căn phòng trống trãi, lạnh lẽo. Anh Hiền đã chụp bức ảnh này từ xa, vì anh không muốn người đọc nhìn thấy rõ sự tàn phá ghê gớm do ung thư trên khuôn mặt của chị. Cũng vì sự e ngại đó, mà hơn 50 năm qua, chị đã tự cách ly ra khỏi thế giới bên ngoài, sống thui thủi một mình trong căn phòng, chỉ tiếp xúc với những người thân thiết trong gia đình. Nhìn thật lâu bức ảnh của chị, nước mắt tôi cứ tiếp tục tuôn trào. Tôi nhớ và thương chị, rồi những ký ức từ mấy thập niên, theo dòng nước mắt không ngừng tuôn chảy, hòa với cảm xúc, quay quắt và âm ỉ trở về .

Tôi là bạn của Phạm Đức Linh, người em út của chị trong gia đình, nên thường ghé qua nhà  T M  thăm Linh từ những năm cùng sinh hoạt trong Ban Nhi Đồng Tin Lành Tuy Hòa. (Linh đã qua đời vào khoảng năm 1976) .

   


Hồi đó chị Hường là một trong những cô thiếu nữ xinh đẹp nhất của thành phố Tuy Hòa. Chị có nét đẹp trang nhã, mãnh khảnh, và đài cát giống như những người đẹp trong các tuyệt phẩm nghệ thuật của các họa sĩ danh tiếng nhất.
Như những thiếu nữ theo mốt cùng thời, tôi nhớ chị thường mặc áo dài đen, đeo kính mắt Lolita, mang găng trắng dài tay, quấn khăn voan quanh cổ và lái xe Velo Solex hay Mobilette để đi làm (tại Ty Công Chánh Tuy Hòa) hoặc chạy chơi đây đó trong thành phố.

Mỗi lần đến nhà chị, tôi thường thấy nườm nượp những giáo sư, sĩ quan, công chức ra vào có lẽ là để làm quen với 4 người đẹp T M, nhưng có lẽ đa số là để chuyện trò với chị và chị Diệp vì 2 chị Hợp, Lan lúc đó còn nhỏ tuổi. Thế rồi tôi thấy chị quen với anh Lê Tiến Cẩn, lúc đó chỉ là sĩ quan Pháo Binh cấp Úy hiện đang đóng quân đâu đó trong tỉnh. Sau đó một thời gian thì anh Cẩn & chị Hường làm đám cưới. Một đám cưới linh đình, trang trọng với chú rễ hào hoa, đẹp trai, lịch lãm và cô dâu xinh tươi, đài các và duyên dáng. Là một nhóc nhi đồng tiểu học, tôi không được chính thức mời dự đám cưới nhưng  cũng được ăn tiệc cưới sau bếp với Linh.


               
               



Hồi nhỏ, tôi thích ghé nhà T M vì có cơ hội được Linh dẫn ra sau bếp cho đồ ăn ngon, và nhất là được vui lây cái không khí gia đình đông đảo, đầm ấm, gần gũi và đầy thương yêu của gia đình bác Tuyền.
                     



















Cùng là dân tị nạn chiến tranh, nhưng gia đình bác Tuyền từ Bắc vào Nam rồi được sống chung cùng 1 mái ấm ở quê hương thứ 2 là Tuy Hòa, còn gia đình tôi thì trong thập niên 60 phải ở tản mác cả 3 nơi Quảng Ngãi, Tuy Hòa, Sài Gòn và dường như chưa 1 lần trong đời chúng tôi được tập trung đông đủ dưới cùng 1 mái nhà.  Nhà chúng tôi ở Tuy Hòa & Sài Gòn đều là cơ sở ấn loát, với những công nhân cười nói ồn ào và tiếng máy in chạy sầm sập suốt ngày nên có không khí của xí nghiệp hơn là không khí gia đình, thế nên tôi thường ghé qua nhà T M để quan sát và chiêm ngưỡng cái không khí hạnh phúc, đầm ấm tiêu biểu của một gia đình.  





Hồi đó căn nhà T M  (nghĩa là nhìn từ 4 phương đều đẹp) của gia đình bác Tuyền được xây cất bằng gỗ hết sức xinh xắn.  Nhà có 1 gác giống như những biệt thự ở Đà Lạt. Có phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ riêng biệt, và được trang hoàng tỉ mỉ, lung linh đầy màu sắc với những bức tranh lập thể, là các tác phẩm nghệ thuật cây nhà lá vườn, được tạo thành bởi bàn tay tài hoa của bác Tuyền, anh Long, anh Hiền, và anh Thành.



Trong ký ức của tôi, đây là tư thất mỹ thuật, đẹp nhất của thành phố Tuy Hòa. Đẹp nhất vào những dịp Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán. Căn nhà luôn đầy ấp ánh đèn màu, thông xanh, mai vàng hoặc hồng đào, và những câu đối Tết viết theo nét chữ Trịnh Công Sơn đầy mỹ thuật. Thế nhưng tôi thích nhất cái không khí gia đình đầm ấm, đầy ắp âm nhạc và tiếng cười, cùng chất giọng Bắc Kỳ líu lo, thánh thót như chim hót của mấy chị em nhà T M.   Và thích nhất tâm hồn nghệ sĩ hào phóng và sự hiếu khách của Bác Tuyền. Bác luôn chào đón khi tôi đến nhà bằng tiếng nói cười sang sảng, bao dung và đầy trìu mến. Không bao giờ tôi thấy Bác nhìn tôi (hay bất cứ nhìn ai) với ánh mắt nhìn nghiêm khắc.




















Chị Hường được may mắn sinh ra và lớn lên trong gia đình đầy thương yêu, đầm ấm, và hạnh phúc đó. Cứ tưởng là chị sẽ được hạnh phúc suốt đời nhưng ngờ đâu căn bệnh ung thư quái ác đã bất ngờ đổ ập xuống chị, cướp đi sức khỏe và nhan sắc, ngay sau khi chị vừa lấy chồng và sinh con. Điều đau đớn hơn hết là ung thư, như một án tử, đã bất ngờ đến với chị ở lứa tuổi  chỉ mới đôi mươi. Thật quá sớm và rất bất thường! và thật không có gì kinh khủng, đau xót hơn là mắc phải chứng bệnh ung thư ở lứa tuổi thanh xuân, khi vừa mới lập gia đình, và vừa hạ sanh 1 bé trai kháu khỉnh.


Chị được đưa sang Nhật chửa bệnh, bác sĩ nói chị có thể sống được thêm 6 tháng. Tuy vậy, nhiều năm sau đó chị vẫn còn sống, nhưng phải trải qua rất nhiều lần phẩu thuật để rồi khuôn mặt xinh đẹp của chị ngày qua ngày bị tàn phá thê thảm. Rồi chị dần dần không thể tiếp tục đi làm, không thể đi lễ nhà thờ mỗi Chúa Nhật, không còn tham gia vào ban hát của nhà thờ, không còn đi dạo phố, không dám gặp bạn bè hay bà con hàng xóm. Chị không còn muốn gặp ai, ngoài những người trong gia đình.  

        Thật là đau xót và khủng khiếp ! vì chị không những phải trải qua những đớn đau, lo lắng, khổ sở vì bệnh tật, vì những cuộc giải phẩu. Phải sống trong nỗi sợ hải cùng cực, hàng ngày đối mặt với cái chết gần kề, mà rồi còn phải mang mặc cảm của 1 người có khuôn mặt bị biến dạng, phải tự mình cách ly, biệt lập với bạn bè, người  quen và thế giới bên ngoài, ngay vào lúc mà 1 người mắc bệnh nan y như chị rất cần được mọi người thường xuyên viếng thăm, ân cần hỏi han, và chuyện trò gần gũi.


Cứ như vậy, qua nhiều thập niên, chị đã phải sống trầm lặng, thu mình, khép kín như một cái bóng. Chị phải tự ép mình, thui thủi một thân, đứng bênh lề mọi sinh hoạt bình thường của xã hội.  Cứ như vậy, chị ẩn mình bên trong khung cửa chăm sóc bé Uy, đứa con trai duy nhất.


Khoảng đầu thập niên 70 gia đình bác Tuyền mua thêm 1 căn nhà ở cạnh Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn và dời về ở đây.  Rồi khi biến cố 30 tháng Tư xảy ra, là Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh vùng II chiến thuật, nên chồng chị bị đi học tập một thời gian dài, chị buộc phải quấn khăn che mặt ra ngoài chợ Trương Minh Giảng buôn bán vặt để nuôi chồng con, cho đến ngày chồng được ra về rồi cùng chồng theo diện HO sang Mỹ.


Đôi khi, nghĩ về quá khứ, tôi lại tưởng tượng và ước ao: giá mà chị không bao giờ bị ung thư thì cuộc đời của chị đã tươi đẹp, hạnh phúc, và toàn hảo biết dường bao. Thế nhưng, khi nhìn lại những gì mà chị Hường đã thật sự trải qua thì  quả là nghìn trùng những đớn đau, và hằng hà bao khổ ải. Thật đúng như nhận xét của anh Phạm Đức Hiền : "Nếu có một phụ nữ nào bất hạnh nhất trên cõi đời này, thì tôi nghĩ đó là chị Hường của chúng tôi".  


       
 Duy có 1 điều, tôi nghĩ là chị đã rất may mắn được sinh ra trong một gia đình có đầy đủ anh chị em. Mọi người thương yêu, gần gũi và đùm bọc lẫn nhau. Và có bố mẹ lúc nào cũng lạc quan, vui vẻ, kính Chúa yêu người. Tôi tin rằng nhờ sự che chở, yêu thương, và mối ràng buộc chặc chẽ trong gia đình, cùng tình yêu thương, lo lắng cho chồng con, cọng với niềm tin vào 1 Đấng Thiêng Liêng, mà chị Hường đã có động lực, ý chí, và sức mạnh để sống cùng căn bệnh hiểm nghèo và chịu đựng được vô vàn khổ ải, bất hạnh từ hơn 50 năm nay.

Bây giờ chị Hường đã vĩnh viễn ra đi, như chút nắng mỏng manh, hiu hắt cuối ngày của mùa đông vừa chợt tắt. Xin vĩnh biệt chị và cũng xin mượn lời của anh Hiền : "Dù đau buồn, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy mừng cho chị, vì sau hơn nửa thế kỷ hy sinh cho gia đình trong tình trạng bệnh tật, chị đã thể rũ bỏ đớn đau để sum họp với chồng bên kia thế giới, theo ước nguyện của chị".  

                  


  Trần Đình Hiệp    


            

















No comments: