Wednesday, March 27, 2019

CHUYỆN ĐỜI XƯA VÀ NAY - PHẦN 7 (NGUYỄN THỊ BẠCH TUYẾT)


Hình chị Bạch Tuyết ở Nhật 
CHUYỆN ĐỜI XƯA VÀ NAY

Những ngày kế tiếp tôi phải đến ngân hàng khai đi khai lại lý lịch khg biết bao nhiêu lần, lần nào tôi cũng viết: “Cho đến bay giờ tôi rất tiếc tại sao trước đây chúng tôi khg làm con sâu, con mọt để đục phá chính quyền miền nam cho sụp đổ sớm mà lúc nào chúng tôi cũng tận tụy liêm khiết, xây dựng để cho cách mạng phải vất vả cho đến hôm nay mới thành công”  Có lần một tên cán bộ thấy 2 con chó họ đang nuôi ở Ngân Hàng (họ ăn ở luôn tại ngân hàng), họ kêu là chó Thiệu, chó Kỳ, cố nén cơn giận tôi ôn tồn nói với họ: “Trước đây miền Nam và Bắc là 2 chiến tuyến, nhưng chúng tôi luôn kính trọng người trưởng thượng khg dám dùng những danh từ vô lễ, chúng tôi vẫn gọi là cụ Hồ hoặc ông Hồ.  Hai ông Thiệu Kỳ dù sao họ cũng là người lãnh đạo, giờ họ đã ngã ngựa mình cũng khg nên hành xử như vậy có vẻ thiếu văn hóa” tên cán bộ im lặng.

Tôi cũng phải đi học cải tạo ở địa phương mấy tuần lễ với công chức và giáo chức của thành phố.  Lần học tập này tôi nghe một tên cán bộ lên chưởi Mỹ Ngụy, ông ta nói: “Đồng chí Lê Đức Thọ đi dự hội nghị Paris gặp Kissinger bắt tay, đồng chí Lê Đức Thọ nhà ta vì lịch sự đưa tay bắt, sau đó sè sẹ  rút khăn mù xoa ra chùi tay, rồi bỏ khăn vào sọt rác.  Thời gian này tôi buồn như chưa bao giờ buồn, đau như chưa bao giờ đau, mới thấm thía câu: “tri vong quốc hận” cả ngày chỉ nằm khg ăn uống, đứng lên muốn té, thương cho quân dân cán chính miền Nam một thời oanh liệt, giờ tan tác tù đày, vợ con nheo nhóc, khg còn cơ hội đển vươn lên, chẳng biết làm gì để vơi sầu tôi cứ lang thang đáp xe lửa ra vô Nha trang.

Một hôm đang ngồi chờ xe lửa, tôi ngồi cúi đầu nghĩ mông lung, thì có một ông trạc tuổi trung niên gạ nói chuyện với tôi, tôi lơ đểng trả lời câu gì đó rồi ông nói: “cô đừng buồn, đây là nạn chung của đất nước, tôi thấy nhân trung trên mặt cô rất sáng, tương lai cô sẽ sung sướng hơn xưa”  Tôi nghĩ làm gì có chuyện này, rồi nghĩ thầm ông này là công an trá hình để dò tư tưởng mình, sao ông biết mình buồn, nên tôi vờ hỏi chuyện thì được biết trước đây ông làm ở tỉnh đường, vì thời thế ông phải làm phu khuân vác ở ga xe lửa.  Thấy ở Tuy Hòa khó sống với những người mới nên GĐ tôi vào Nha Trang mua nhà ở, tôi vẫn tiếp tục ở với GĐ chồng rồi chạy đi chạy về vì GĐ tôi cũng rất gần.

Một hôm tôi về gặp má tôi bà hỏi: “Con muốn đi Mỹ khg?” tôi nghĩ làm sao mà đi có đi Mỹ Tho, nhưng sau đó bà cho biết ông anh con bác họ tôi có trong nhóm tổ chức vượt biên, ông đang gởi người từ SG ra đang ở nhà tôi, anh có nói thiếm có đứa em nào cho đi thì con chỉ nhận 1 đứa thôi, lúc đó mà tôi nghĩ các em gái tôi thì chưa có đứa nào có GĐ, vả lại tôi cũng biết chút đỉnh tiếng Anh nên bà cho tôi đi.

Trước đó có những GĐ quen đi trót lọt mẹ chồng tôi cũng mừng cho họ, thừa dịp này tôi dọ ý bà: “Nếu con đưa Gi Gi đi vượt biên mà có bằng lòng khg?” bà trả lời ngay: “Nếu đi thì đi một mình còn đem nó đi thì tao tố cáo” nghe bà nói thế nên khi có ý địng gì tôi đều giữ bí mật tối đa, chẳng những với bà mà với tất cả mọi người; phần thì chủ ghe nói chỉ nhận 1 người, phần thì bà nội khg cho đi tôi chẳng biết tính sao, nhân có bà chị chồng đang dạy học ở SG nghỉ hè về Nha Trang tôi mới nói nhờ chị dấu giùm má cho em đem Gi Gi đi, chị nói nếu em đem nó đi thì má sẽ khg sống nổi, kh biết làm sao thôi em cứ đi để nó lại các chị nuôi mai mốt có dịp các chị sẽ đem nó đi.  Phần tôi nghĩ cuộc hành trình nàymay ít rủi nhiều, nhỡ tôi chết thì nó bơ vơ còn nếu nó chết thì tôi cũng khg sống nổi, ra đi một mình khg biết cuộc sống nơi xứ người ra sao!  Tôi quá chán chường sống với CS nên ra đi có bỏ thân nơi biển cả tôi cũng chấp nhận, còn con tôi ở lại dù gì cũng có 2 bên nội ngoại.  Nghĩ vậy nhưng đến giờ chót trước khi đến điểm hẹn tôi cũng về nhà để đem con đi, nhưng bà cô cháu đã đưa cháu đi chơi từ sớm, tôi đành phải lên xe một mình vô Cam Ranh mà lòng tan nát.  Trước khi đi còn một ít vòng vàng sính lễ ngày cưới, tôi đưa lại cho má tôi nhờ đưa lại cho bà nội cháu nếu tôi đi lọt.

Ra đi chỉ mang theo 2 bộ quần áo còn lại ít tiền tôi đưa cho con tôi, cho ba tôi, khi ra đi lương thực chỉ 2 lon sữa bò, nhưng thấy ba bệnh nằm đó khg đành lòng tôi đưa hết cho ba trong người khg một xu dính túi, má tôi đưa tôi 1 chiếc nhẫn vàng đeo phòng thân.  Vào đến điểm hẹn ở Cam Ranh tôi giật mình sao khg đem theo tí tiền, nhỡ đi khg lọt thì còn tiền đón xe về, có lẽ mình nghĩ đến người khác nên trời phật giúp tôi, lần đó chúng tôi đi trót lọt, sau 36 tiếng đồng hồ thì tàu chở dầu (tàu Livoventure) của Lybia vớt trên đường đi đến nước nào đó họ ghé qua Nhật bỏ chúng tôi xuống.  Sau này nghe Lybia nội chiến tôi rất buồn và cầu nguyện cho đất nước này được thái bình, chiếc tàu này là ân nhân cứu mạng của chúng tôi mãi mãi tôi khg quên ơn.

Tàu cập bến cảng Yokohoma, vừa đặt chân lên đất liền chúng tôi đã được tiếp đón nồng hậu, báo chí phóng viên chụp hình, nữ sinh đem cơm hộp đến cho chúng tôi ăn, có lẽ năm 1978 chưa có nhiều tỵ nạn đến Nhật nên được nhiều cảm tình (ghe chúng tôi lớn nhỏ 65 người), sau đó chúng tôi đi tàu thủy đến Fukuola một tỉnh ở phía Nam nước Nhật.

Lần đầu tiên nguồi trong chiếc tàu chở dầu của Lybia có cảm tưởng như mình đang ở trên thành phố nổi, có restaurant, có phòng tập thể thao, có phòng giặt, phòng ngủ...Bây giờ đi chiếc tàu này cũng vĩ đại khg kém, có nhiều tầng, tầng dưới chở nhiều xe hơi, tôi với một cô ở chung 1 phòng có đầy đủ tiện nghi, có giường nệm có TV.  Chúng tôi là những người nhà quê mới lên tỉnh nên ngỡ ngàng trước những văn minh của thế giới bên ngoài.


Tàu cập bến cảng Fukuoka, chúng tôi được các hội đoàn ra tiếp đón nồng hậu, sau đó họ đưa chúng tôi về ở trong 1 chung cư trước đây là viện dưỡng lão, nằm bên sườn đồi, khung cảnh thanh tịnh, trong lành, mùa hoa đi đâu cũng thấy hoa Anh Đào nở trắng rực cả bầu trời, ở trong trại hằng tuần các hội đoàn đem quần áo, đồ dùng đến cho xài khg hết, thỉnh thoảng còn đưa chúng tôi đi tham quan, đến những nơi giải trí công cộng, đàn ông thích xem dô vật trên TV nên thỉnh thoảng ở địa phương có trình diễn đô vật họ mua vé cho cả trại đi coi.  Thấy chúng tôi rảnh rổi nên Hồng Thập Tự tìm việc cho chúng tôi làm, chúng tôi đến làm ở hảng Ashahi, hảng này sản xuất giày bata, mỗi ngày có xe đưa đón đi làm, trưa có sẵn cơm hộp cho ăn, tiền chúng tôi làm thì hưởng.  Tôi còn nhớ những ngày đầu tiên đến làm là máy công nghiệp tôi lại chưa có kinh nghiệm nên lên ngồi đạp là máy chạy nhanh quá tôi khg kềm được, nên sau họ đưa tôi đến khâu kiểm chất lượng hàng hóa.

Càng ngày tôi càng buồn, nhớ quê hương, nhớ gia đình cứ mỗi lần nghe những bài hát cùa Nam Lộc: “SG ơi ta mất người như người đã mất tên, mất trường xưa mất tuổi thiên thần…” là tôi buồn não nuột, tôi ngã bệnh năm nhà thương 2 tháng, tôi được chuyền 58 bình serum.  Thời gian nằm bệnh viện tôi có quen với một bà Nhật tên Hiroyuki, khoảng tuổi tôi, bà thường xuyên đến bệnh viện thăm nuôi chồng cũng đang nằm điều trị ớ đó, chúng tôi thân mến nhau, cũng nhờ bà mà tôi học được chút ít tiếng Nhật.

Sau khi xuất viện thỉnh thoảng bà đến trại thăm, mỗi lần đến bà đều đem theo bánh kẹo cho chúng tôi.  Ngày tôi sắp rời Nhật bà đưa tôi về nhà lấy Kimono cho tôi mặc chụp hình kỷ niệm với bà, mấy ngày sau bà đưa tôi đi phố, đi ăn, bà đưa tôi vào tiệm nữ trang nói Tuyết San (tiếng Nhật khi gọi tên ai đằng sau cũng có chữ San) muốn thứ nữ trang nào cứ lấy tôi mua tặng Tuyết San, tôi cầm tay bà để lên ngực và nói tôi chỉ nhận trái tim bà thôi khg nhận gì hết.

Trước khi đi tôi nhờ cô bạn thợ may ở cùng phòng đo kích thước và may tặng bà bộ áo dài VN, sau này bà mặc và chụp hình gởi cho tôi, sau khi định cư ở Mỹ, tôi với bà liên lạc thư từ với nhau một thời gian.  Sỡ dĩ chúng tôi ở Nhật 2 năm  là vì thời gian này nhiều người Hoa đi bán chính thức cho nên cao ủy tị nạn KHQ phải lo giải quyết, những người này ở các nước Hồng Kong, Mã Lai, Thái lan, Phi Luật Tân... trước.


Viết những giòng này chúng tôi xin tri ân chính phủ Nhật đã cưu mang chúng tôi, tôi cầu nguyện cho đất nước này giảm bớt thiên tai, động đất… GĐ anh Mười con ông bác họ tôi vì khg có diện đi Mỹ nên còn ở lại Nhật chờ có nước nào nhận sẽ đi.  Anh bị bệnh nằm ở nhà thương nên hôm ra đi tôi đến bệnh viện chào từ giã và cám ơn anh đã cho tôi cơ hội đến bờ tự do, anh em bịn rịn chia tay nhau, anh cho tôi những lời khuyên như chân thành khi một thân một mình nơi xứ người.

*** Xin xem tiếp phần 8 vào tuần tới.

No comments: