Friday, April 21, 2017

AO NÀO CŨNG LÀ AO- phần 1 (Huỳnh Bá Củng)





Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng diu dàng dễ nghe”.
Con người ta trời cho có mấy cái “lỗ” mà lỗ nào cũng hấp dẫn. Lỗ mắt để nhìn cho sướng cái mắt. Lỗ mũi để ngửi cho đã cái ngọt ngào của hương hoa. Cái lỗ họng để nuốt cho đã cổ. Còn cái lỗ tai để nghe âm thanh ngọt ngào như rót mật vào lòng. Còn có cái lỗ khác nữa hấp dẫn hơn nhiều vì nó rung động được cả toàn thân tâm hồn lẫn thể xác…Người ta gọi những cái lỗ đó là cửa sổ linh hồn. Thế giới bên ngoài nhờ những cái lỗ đó mà rung động lòng của con người ở trong nội Tâm. Màu sắc, âm thanh, mùi hương, vị ngọt bùi đắng cay trên đời theo những cái lỗ ấy mà vào làm Tâm của thế nhân bất tịnh. 
Một ngoại tác nhân khác những thứ kể trên cũng gây sóng gió trong lòng không kém. Ấy là văn chương chữ nghĩa. Chữ nghĩa (tiếng) một khi đã phổ thành nhạc thì nghe sướng cái lỗ tai.  Hỏi có mấy ai mà không biết “tiếng hát vượt thời gian” của Thái Thanh, có mấy ai không biết ca khúc của Văn Cao, của những nhạc sĩ tài danh khác và tiếng hát của các ca sĩ khác.  Khi nó chưa phổ ra nhạc thì thơ, văn, chữ nghĩa, cũng lay động được lòng người, cũng làm sướng được cái lỗ tai cái con mắt.  Biết bao người say mê văn thơ của Tự Lực Văn Đoàn, của Nguyễn Du, của Hồ Xuân Hương! Sau đây tôi nói chữ nghĩa nó làm cho ta sướng cũng có lúc làm cho ta hờn giận lao xao.
 Nghe Vương Hồng Sển luận về con người lịch duyệt. Tức con người biết “sướng” do từng trải, hiểu rộng: “ Luận về mặt văn chương, muốn xưng là lịch duyệt thì phải làu thông tiếng nói 3 miền Bắc Trung Nam, tiếng ngoại quốc cũng cần thưởng lãm, tiếng xưa tiếng nay hay tiếng lóng tiếng lái (nói lái) cũng cho rành mới đáng gọi là Người Việt, chứ không phải bo bo biết có một giọng của người đắc thắng chỉ nhất thời mà gọi là “nói tiếng Thống Nhất” được. Nói có một giọng, dùng có một chữ duy nhất tỉ dụ như nói “thư” bỏ chữ “thơ” nói “nhất” không cho dùng chữ “nhứt” theo tôi ấy là làm nghèo cho tiếng nói chớ không còn thống nhất nữa.”  Trang 480 sách “Tự Vị Tiếng Việt Miền Nam” của Vương Hồng Sn.
Tôi cũng nhờ có mấy cái “lỗ” nên đoạn văn này cũng làm cho tôi sướng hây hây. Ghi chú: Tuy tuổi tôi khá cao nhưng cái lỗ mắt hãy còn đọc được, may quá!  Đọc đến đây chưa sướng đâu. Đọc đến chỗ ông cắt nghĩa từ “nậu” thì coi mới đã “thiệt” vì không ngờ một người gốc Hoa, ở cách xa PhúYên Bình Định trên 500 cây số ngàn mà hiểu được nhau.  Ông giải nghĩa từ “nậu”:  “Nậu”có nghĩa là bọn, tụi; ví dụ như “đi theo nậu nào?”, “cần gì cái nậu ấy!”. Ông dẫn từ đó có trong tuồng hát “Tiết Nhơn Qúi Chinh Đông.”  Ông viết: “bản dịch của Nguyễn Hữu Sanh có câu “Uất Tri -tức nhân vật Uất Tri trong tuồng- lúc đó xem ngó cùng bốn phía coi  ra như tuồng nậu mất vật gì nên mặt mày buồn xo, không còn muốn  coi tra xét nữa  -Cảnh tra xét ở trong tuồng- Và ông giải thích: “nậu”ở đây có nghĩa là lão ấy, người ấy. “Nậu”này là tiếng xưa, nay ít ai dùng nhưng cần cắt nghĩa cho người sanh sau biết” Đọc đến đây tôi nhớ cha của tôi ghê.  Ông là người mê xem tuồng hát bội viết thời đó bằng chữ nôm. Nên nhớ Bình Định là quê hương của Đào Duy Từ, tổ sư hát bội và chữ nôm là chữ Quang Trung cổ võ nước ta nên dùng chữ đó thay chữ Hán. Đó là chuyện Vương Hồng Sển, gốc người Hoa mà lại thông thạo tiếng Việt. Bây giờ tôi kể chuyện ông Tây cũng biết ngôn ngữ Phú Yên.

(Xin đón xem phần 2 trong kỳ tới)

No comments: