Friday, April 21, 2017

NĂM THÁNG HOÀI MONG (CẨM LOAN)




Kính thưa quý thầy cô & các anh chị,


Dù chưa một lần Thukỳ được hân hạnh biết thầy Ngô Trọng Ngôn, nhưng khi đọc bài viết của chị Tuyết (thi sĩ Cẩm Loan) lặn lội đi tìm thăm thầy, không ngại những xa xôi cách trở…

Tình nghĩa thầy trò thật vô cùng cao quý, nói sao cho hết tâm tư, đọc xong bài và nhìn vài tấm ảnh của thầy làm Thukỳ xúc động, biết nói sao để diễn tả hết tâm tư, còn đâu hình ảnh những ngày xưa hả thầy?  Xin cám ơn lòng tốt và sự hy sinh của chị Cẩm Loan.

Thukỳ xin trân trọng kính chuyển đến bài viết của chị Cẩm Loan, hy vọng thầy sẽ có dịp liên lạc được với một số học trò cũ năm xưa mà chắc ai cũng khó quên một vị giáo sư kính mến.

Trân trọng,
Thukỳ

      
 NĂM THÁNG HOÀI MONG! 
       
“ Em tuổi 18 em tuổi 20….Nhanh đi em gấp đi em hoa ở tuổi em mới thật là hoa….anh bước qua nhường cho em đi đến…” (Trường ca Xuân Diệu) - Giọng  thầy Ngôn trầm bổng giảng bài, giọng Huế nhẹ nhàng, êm ái, truyền cảm…
  Thầy Ngôn, dáng cao, vẻ thư sinh, hiền, ít nói, dạy văn năm tôi học đệ tứ, lớp tôi toàn là con gái, nhưng nghịch ngầm.
Thầy Phan Trọng Ngôn lúc đi dạy ở Nguyễn Huệ bên cạnh các học trò.
Thầy Phan Trọng Ngôn (bây giờ)
   Mỗi lần vào lớp vẻ mặt thầy nghiêm nghị, không cười, viết đầu bài trên bản là giảng bài hay dò bài, cho bài tập làm tại lớp…v …v…Lúc giảng bài thầy thường bỏ một tay vào túi quần, một tay cầm tập thơ hay sách, đi lên đi xuống giữa lớp ít ngồi yên một chỗ, thầy giảng bài dẫn chứng thơ hay, sáng tạo mới,  kiến thức rộng, không theo lối dạy “từ chương”, hấp dẫn người nghe!…Hết giờ là ra khỏi lớp, vậy thôi!...
   Bởi cái tính khí ấy mà gây cho học trò sự chú ý… “nhất quỷ nhì ma…” mà, cố tình tìm cách chọc “quậy” thầy…Có khi thầy giận mắt đỏ như muốn khóc, thầy bỏ lớp lên văn phòng ngồi…Nhưng học trò rất quý mến thầy. Thời gian đó thầy chưa lập gia đình.
   
    Canh cánh trong lòng nhiều năm nay tôi muốn tìm thăm thầy, Tôi tìm được số ĐT cách nay gần ba năm tôi phôn thăm thầy…Thầy có trả lời, nhưng nói cũng ít, biết được thầy ở Crong Pắc…Nghe địa danh tôi bổng thấy buồn, vì đây là buôn làng người Thượng, tôi thầm nghĩ “sao thầy lại ở nơi hẻo lánh” xa xôi phố phường thế!…Chúng ta không cần động não suy nghĩ cũng hiểu ngay cách nghĩ của thầy…Dù sao đi nữa tôi là học trò thầy, cũng hiểu được phần nào, tâm hồn thầy, nhân cách thầy, nếu va chạm phải cách sống nào nghịch lý thì không vui, nặng triễu tâm hồn, trở nên bi quan, sống thầm lặng, đời người là thế!
Người đẹp Cẩm Loan
  Tôi đến Crông Pắc một buổi chiều mưa bay, đêm đó tôi ngủ lại nhà bạn Hiện cùng trường, cũng may nếu không có người bạn này, tôi phải lên Ban Mê Thuộc nhà của anh bà con. Sáng mai mới đi Crong Pắc…
 Nơi đây xưa là những rẫy café, người kinh sau 75 đến đây mua đất rẫy trồng café, nay hai bên đường lộ chính (con đường này đi Ban Mê Thuộc) cũng có nhà phố bán buôn, nhà hàng café khách sạn nhà nghỉ, trường học cũng khang trang, nhưng chỉ trên đường chính còn bên sau dãy phố là rẫy café, cây ăn quả, rẫy hoa cúc…Ven hồ Tân An cũng có nhà hàng … Xây cất mô- đen mới cũng đẹp.

   Người quản lý rẩy café của Hiện đưa tôi ra đường đón xe, lên xe tôi nói: “bác tài cho tôi xuống xã Hòa Đông” - Hai bên đường có những đoạn không nhà là chân, hay vách núi, rẫy café, bắp, sắn…Xe chở tôi bỏ xuống chợ đầu mối Tân An, còn khoàng 20 cây số đến TP BMT, DAKLAK. Người Thượng bây giờ họ cũng ăn mặc như người Kinh, không thân thuộc nơi đây, nhìn không phân biệt được (Kinh, Thượng)
   Trước đó một tuần tôi phôn cho thầy, ba bốn lần, nghe chuông đổ, tắt, không bắt máy, lên xe tới Crông Pắc phôn cho thầy cũng không bắt máy…
 Sáng nay trước khi đi tìm nhà phôn cũng không bắt máy. Tôi tự nhủ “ chắc nơi thầy có một uẩn khúc gì nên mới có tính khí lạ lùng như thế này!” Do đó trong tâm tôi cố gắng tìm cho được thầy để biết “nguyên nhân”…
   Ui!... đứng lơ ngơ giữa chợ đầu mối như là “trẻ lạc”, dù biết thầy cố ý không nhận phôn… mà cứ phôn nữa xem sao,  phôn tiếp, ba lần không bắt máy…Tôi lẩm nhẩm một mình “thầy ơi… là thầy…sao thầy không bắt máy giùm, chết thật đây rồi thầy ơi!...”
   -“Đường đi là cửa miệng” chỉ còn cách “hỏi thăm mà thôi!”.  Thấy một tốp chừng 5 em học sinh cấp 2 đi xe đạp nói chuyện với nhau líu lo như tiếng chim, té ra người Thượng, đành im miệng…Vừa lúc ấy, may quá, gặp cậu thanh niên bưu điện đi phát thơ, tôi chạy lại hỏi :
 -  Con ơi! chỉ giùm cô xã Hòa Đông có cái thôn Toàn Thắng là ở đâu con?...”
  - Dạ! đây là chợ đầu mối nơi này trước đây xã Hòa Đông, nay cắt về nhập Ban Mê Thuộc rồi, cô đi trở xuống hơn 6 cây số nữa là thôn Toàn Thắng. 
  - Cảm ơn con.
 “Lạ nước lạ cái” đâu biết đón xe nào mà đi, trời mưa lất phất, may có mang theo khăn choàng len bự trùm lên phủ đầu cũng ấm chút. xách tay nhỏ có số tiền đô Mỹ( quà của thầy) bỏ trong túi ni- lon, ngụy trang như vậy khỏi bị dựt xách. đi một đoạn chừng nửa cây số gặp được xe thồ, xe thồ biết người ở xa tới nó đòi tiền nhiều gấp đôi, chết thật!...Nghĩ thầm “mặc kệ mong sao gặp thầy là được” tôi nói:
- Nè! anh chở tui xuống 6 cây số nữa tui tìm nhà ông thầy tên là Ngôn, anh ăn tiền xe vừa thôi chớ đòi dữ vậy!

- Thôi tui bớt chị 20 ngàn được chưa!
May là trời mưa lâm râm…nhưng không lạnh mấy, xuống đó hỏi thăm, người ta chỉ nhà thầy Ngôn, nhưng mà thầy thuốc nam…Chết thật!... Quay lại nói với anh xe thồ:
-  Thôi anh chở tui ra lại đường lộ, đi xuống nữa hỏi thăm tiếp, cứ lần quần trong xóm này ai mà biết.    
Đi khoảng chừng cây số nữa, thấy một cái quán café, tôi bảo anh xe thồ dừng lại tôi vào quán, có năm người đàn ông trung niên ngồi uống café nói giọng Quảng Trị nhưng cũng dễ nghe.
- Các anh cho tôi hỏi thăm, đây phải xã Hòa Đông? cái thôn Toàn Thắng nằm chỗ nào các anh chỉ giùm. Tôi đi tìm ông thầy tôi là giáo viên không phải thầy thuốc nam, tên là Phan Trọng Ngôn…Ui trời! tôi nói một mạch như vậy, năm người im lặng nghe, một anh có vẻ lớn tuổi nhất nói: “ à… ông Ngôn miền(mình) biết để “miền” chỉ cho!” , anh ta quay sang tôi.
- Chị xuống 2 cây số nữa, có một cái quán photo coppy, đó là thằng Long con ông Ngôn.
- Dạ cảm ơn anh, chào các anh nha.
Anh xe thồ nói “ chị cho tui thêm 20 nữa chớ đi tiếp một đoạn nữa mà…” Tôi mừng quá! biết được nhà thầy rồi,  có đòi nữa cũng ăn thua gì, nên tôi bằng lòng ngay. Trời vẫn còn mưa bay, dừng lại trước nhà, tôi trả tiền anh xe thồ, vào quán gặp một cô gái tôi hỏi:
- Em ơi!...đây có phải nhà của Long con thầy giáo Phan trọng Ngôn không em? chị là học trò của thầy tìm nhà thầy.
   Cô gái rối rít gọi “mạ ơi! học trò của ba tìm ba đây mạ ơi”. Vợ thầy chạy lên mừng cẩm tay tôi nói:
- Ui chao…làm răng mà em tìm được đến đây! Bữa nớ cô bắt máy có nghe em nói em muốn đi thăm thầy, Thầy nói: “ mình già tụi nó cũng già rồi, đừng chỉ nhà chi nó đi tội nghiệp nó”…
  Cảm ơn Trời Phật! chính xác là “thầy Ngôn” đây rồi…Cô( vợ thầy) chở tôi vào con đường nhỏ “bê- tông” trong xóm , nhưng đó là những rẫy café bây giờ trở thành khu vườn của từng hộ gia đình. Dừng xe tôi hồi họp, tôi đi theo chân cô. qua khoảng sân rộng vào thềm, cô gọi, thầy bước ra. Tôi ngỡ ngàng và xúc động –Nét đẹp nho nhã, bảnh trai, nghị lực năm xưa đâu mất rồi!...Mà trước mặt tôi là một cụ già hiền lành, ẩn hiện bản chất nhà giáo tao nhã, lịch sự của một vị “giáo sư”.
   Ý định tôi tìm thăm thầy, Hồng Hải có nói: “Tuyết thăm thầy, cho mình gởi quà và chuyển lời “chúc thầy vui vẻ bình an”, tìm được thầy Ngôn, cậu ở lại nhà một bữa vì lâu không gặp, cho thầy vui…Đừng vội đi về thầy buồn!”
 – Bởi thầy không bắt phôn, đâu biết tình hình thế nào. Tay xách nách mang…mà tìm nhà cũng chết thật!. Do vậy mà không ở lại. Trưa hôm đó thầy cô mời ở lại ăn cơm tại nhà với thầy cô…Bữa cơm đạm bạc mà tình nghĩa. May, trời cho tôi cái khiếu nói chuyện dễ làm người khác cảm tình, không e ngại, dễ gần,  thân thiện . Tôi kể chuyện ngày xưa thời còn là học trò của thầy, nào là…nào là…Thầy chăm chú lắng nghe nhiệt tình và vui vẻ, thầy ít nói, cười cũng nhẹ nhàng, Nhưng nét mặt thầy tươi hơn lúc đầu vừa gặp, có lẽ mấy chục năm xa Tuy Hòa…Mỗi tôi người học trò cũ đầu tiên gặp lại thầy. Bữa cơm trưa hôm nay, thầy cô và tôi, rõ là “ăn kỷ niệm nhiều hơn ăn cơm…”
- Thầy ngõ ý : “em tặng cho thầy tác phẩm của em đã in” . Tôi hứa sẽ gởi tặng thầy, vì tôi dự định tái bản.

    Hơn bốn mươi lăm năm, hôm nay tôi đứng bên thầy chụp hình lưu niệm, cầm tay thầy thật quý mến và trang trọng, mà ngày xưa học trò không bao giờ dám!
  -Màu thời gian in sâu đời người theo năm tháng tàn phai. Nhưng hương thời gian như còn đọng lại đâu đây, nhìn thầy, vẫn còn dáng cao gầy, nghệ sĩ của một thời trai trẻ  “huy hoàng”….Hình ảnh người thầy năm xưa hằng sâu trong ký ức và sáng mãi bao năm. Bây giờ tôi trông thấy lại!./.
12.4.2017
CẨM LOAN.
   



No comments: