Tuesday, April 11, 2017

GIAI THOẠI VỀ BÀI THƠ CỦA THÔI HỘ (Đoàn Minh Hùng)





NHÂN TIẾT THANH MINH VIẾT VỀ " ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG"

GIAI THOẠI VỀ BÀI THƠ CỦA THÔI HỘ

Thôi Hộ là một danh sĩ đời Đường, sống vào khoảng niên đại Đường Đức Tông (742-805). Ông tự là Ân Công, người quận Bác Lăng (nay là huyện Định, tỉnh Trực Lệ, Trung Hoa). Tương truyền ông là người phong nhã nhưng sống khép kín, ít giao du. Về đường khoa cử lại rất lận đận. Mãi đến năm 796, niên hiệu Trinh Nguyên, Thôi Hộ mới đậu Tiến sĩ, làm Tiết Độ sứ Lĩnh Nam.
Một hôm, nhân dịp tiết Thanh minh, Thôi Hộ dạo chơi phía nam kinh thành Trường An. Chàng thấy một vườn đào đang nở hoa rất đẹp, bèn đến gõ cửa nhà xin nước uống. Người ra mở cổng là một thiếu nữ chừng mười sáu, mười bảy tuổi. Thấy khách lạ là một chàng trai thanh nhã, nàng đứng thập thò bên cửa, đưa nước cho chàng. Mặt nàng ửng hồng cùng với màu hoa đào đẹp kỳ diệu. Chàng đưa tay tiếp lấy bát nước, đôi tay trai gái chạm nhau. Nàng ngượng ngùng, e lệ, mặt nàng càng hồng hơn. Chàng rụt rè, ngượng nghịu, đoạn từ giã ra đi. Nhưng rồi đèn sách và mộng công hầu khanh tướng không xóa mờ hình bóng giai nhân. 

Năm sau, ngày hội du xuân đến cũng nhằm tiết Thanh minh.Thôi Hộ tìm tới Đào Hoa Trang. Cảnh cũ còn đó mà người xưa vắng bóng, cửa đóng then cài. Chỉ có ngàn hoa đào rực rỡ, phe phẩy theo gió; như mỉm cười, chào đón khách du xuân.Thôi Hộ thơ thẩn, ngậm ngùi, lòng trào dâng luyến tiếc. Chàng lấy bút ra, thảo mấy câu thơ đề trên cửa cổng:
Năm ngoái ngày này vẫn cửa trong,
Hoa đào mặt ngọc đối vầng hồng.
Mặt hoa nay biết đi đâu vắng?
Chỉ thấy hoa đào cợt gió đông.(1)
Nguyên văn:(2)
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu xuân phong(3).
Chiều đến, nàng cùng thân phụ đi viếng người thân trở về. Nàng chợt nhìn lên cổng thấy bốn câu thơ, nét chữ tinh xảo, ý thơ dồi dào.; nàng hiểu rõ tâm tình của khách du hội năm ngoái. Buồn bã thở dài, nàng hối tiếc duyên vừa gặp gỡ lại khéo bẽ bàng. 

Ngày này qua ngày khác, thiếu nữ vẫn tựa cửa, ngóng trông người khách phong nhã xin nước năm xưa. Nhưng bao lần bóng chiều xuống, người xưa nào thấy, chỉ thấy những cánh chim bạt gió, lẻ loi từ ngàn phương kêu bạn giọng não nùng.

Rồi đông qua xuân đến, hè lại thu sang, nàng càng nhớ nhung hình ảnh chàng mà sinh bệnh tương tư. Thân phụ ngày đêm lo lắng, đi tìm thầy thuốc nhưng vô phương cứu chữa. Biết không sống được, nên nàng thuật lại tâm sự của mình là vì thầm thương trộm nhớ chàng khách lạ đề thơ trên cửa và xin cha tha cho tội bất hiếu. Người cha xúc động, đau khổ cho đứa con gái duy nhất của mình, cứ bối rối chạy ra chạy vào; lòng mang một hi vọng yếu đuối được gặp lại chàng trai trẻ năm nào.

Vừa ra khỏi cổng, bỗng chạm phải một người. Ông ngước lên nhìn thì là một thư sinh tuấn tú. Thấy ông giàn giụa nước mắt, cử chỉ hốt hoảng, chàng thư sinh thăm hỏi sự tình. Ông vừa đi vừa kể chuyện con gái mình cho chàng nghe. Nhưng chưa dứt câu chuyện, bổng chàng thư sinh ôm mặt khóc. Ông lão lấy làm ngạc nhiên, chưa kịp hỏi thì chàng thư sinh đã nói:
- Tôi là Thôi Hộ, người đã đề bài thơ trên cổng...
Chàng chưa dứt lời, ông đã mừng rú lên rồi lôi chàng vô trong nhà, đến bên giường cô gái, nhưng nàng vừa trút hơi thở cuối cùng!

Chàng cảm động quá, quỳ bên giường, cầm lấy tay nàng. Chàng úp mặt mình vào mặt nàng, khóc nức nở.
Nhưng lạ thay! Nước mắt chàng nhỏ xuống mặt nàng thì bỗng mắt nàng từ từ mở ra, đăm đắm nhìn chàng; trên môi nở nụ cười tươi thắm. Nàng đã sống lại. Ông già mừng rở. Chàng hớn hở, vui tươi và hai người thành duyên vợ chồng.
Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn diễn tả cảnh Kim Trọng sau khi về Liêu Dương hộ tang Chú, quay trở lại vườn Lãm Thúy để tìm Kiều, có câu:
"Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông". Đó là do điển tích trên.
* Chú thích:
(1): đây là bản dịch của Nguyễn Tử Quang.
(2): đầu đề bài thơ này có 2 dị bản: 1 là "Đề Đô Thành Nam Trang"(đề thơ ở khu vườn phía nam Đô Thành ); 2 là "Đề Tích Sở Kiến Xứ"(ghi lại những điều đã thấy năm xưa).
(3): có bản chép là "đông phong".
21/4/15-MINH HÙNG (sưu tầm-tổng hợp)

MINH HÙNG


No comments: