Friday, April 28, 2017

VÀI ANH HÙNG LỊCH SỬ (Lê Thị Mỹ Linh)






 Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
 Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

 Là tâm sự của bà Huyện Thanh Quan khi bước tới đèo Ngang.
 Còn chúng ta thao thức gì về quê hương đất nước của chúng ta ? Khi ở xa thật xa mảnh đất quê hương yêu dấu mới thấy nhớ thấy thương làm sao !
 Nhìn lại chiều dài lịch sử một ngàn năm đô hộ giặc Tàu không khỏi ngậm ngùi tưởng nhớ đến vị anh hùng áo vải đất Lam Sơn.

 Nguyễn Huệ là một vị tướng giỏi từng dẫn quân đánh đổ chính quyền Chúa Nguyễn ở đằng trong và Chúa Trịnh ở đằng ngoài. Bảo vệ đất nước trước cuộc tấn công của Xiêm La và nhà Thanh.
 Dưới triều Tây Sơn, Nguyễn Huệ chứng tỏ tài năng quân sự, thao lược hơn người.
 Nguyễn Huệ rất chú trọng việc thu hút nhân tài, hy vọng người tài đức đứng ra phò vua giúp nước.
 Là vị tướng Nam chinh Bắc chiến, sau nầy là vua một nước nhưng trong cuộc sống đời thường vua Quang Trung lại rất bình dị.
 Vua Quang Trung gần gũi với dân chúng, giản dị bình dân là điểm hiếm có ở bậc Vua Chúa. Không chỉ có tài cầm quân, vua Quang Trung còn biết nhìn xa thấy rộng.
 Vua Quang Trung nhà Tây Sơn là ông vua anh dũng. Biết trọng dụng người hiền tài văn học.
 Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ được tin nhà Thanh đã vào đến Thăng Long, lập tức hội các tướng sĩ để bàn việc dẹp giặc.
 Các tướng sĩ đều xin Bắc Bình Vương hãy lên ngôi để yên lòng rồi sẽ ra quân.
 Bắc Bình Vương bèn lập bàn thờ làm lễ lên ngôi Hoàng Đế ngay 25 tháng 11 năm  1788 lấy hiệu là Quang Trung.

 Ngày mùng 5 tết Kỷ Dậu (1789 ),vua Quang Trung vào thành Thăng Long với chiếc áo ngự bào nám đen vì thuốc súng giữa tiếng reo hò của ba quân.
 Sau khi thắng trận, vua Quang Trung ra lệnh đối đãi tử tế với tù binh nhà Thanh rồi sai  Ngô thì Nhiệm viết sớ sang Tàu xin hoà vì muốn tránh việc binh đao, chỉ gây khổ đau cho dân chúng. Vua nhà Thanh đồng ý cho hoà và phong Nguyễn Huệ là An Nam Quốc Vương.

 Vua Quang Trung quả là một bậc kỳ tài quân sự : Một cuộc động binh hơn trăm ngàn quân di chuyển bằng đường bộ từ Phú Xuân đến Thăng Long, đánh bại một đoàn quân ngoại xâm tinh nhuệ đông gấp mấy lần quân của mình. Với lòng tin, với ý chí quyết thắng.
 Vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã thực hiện công việc vô cùng khó khăn ấy trong vỏn vẹn có một tháng trời. Thử hỏi có mấy thiên tài quân sự trong lịch sử thế giới đã làm được điều đó ? Vì thế mà chúng ta có quyền tự hào so sánh vua Quang Trung với các vị tướng giỏi trên thế giới.

 Chiến thắng mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789 )cách đây hơn 300 năm đánh dấu thêm một chiến tích oai hùng trong công cuộc giữ nước của dân tộc ta, một dân tộc bé nhỏ nhưng với lòng yêu nước vô biên, với ý chí quật cường quyết tâm không chịu lệ thuộc bất kỳ thế lực ngoại bang nào.

 Vị trí và vai trò của người phụ nữ không những chỉ là người Mẹ, người Vợ trong gia đình mà còn trong mọi mặt của hoạt động xã hội. Như tấm gương của hai nữ anh thư đất Việt.
 Để trả thù cho chồng là Thi Sách bị Thái thú Tô Định giết chết và nợ nước trên vai bà Trưng Trắc xuất quân khi chưa hết tang chồng. Bà đã trang điểm và ăn mặc thật đẹp để lấy khí thế và lòng tin tưởng của quân sĩ.
 Cuộc khởi nghĩa của Trưng Trắc Trưng Nhị mở đầu cho truyền thống đấu tranh chống các thế lực phương Bắc đô hộ nước ta. Tháng 2 năm 40 chính thức phát động khởi nghĩa chống lại nhà Đông Hán.
 Trưng Trắc Trưng Nhị trước tiên tấn công quận Giao Chỉ ở Mê Linh, chiếm được nơi nầy Hai Bà Trưng chiếm tiếp thành Cổ Loa. Trên đà thắng lợi từ Cổ Loa Hai Bà Trưng mang quân vượt sông Hoàng.
 Quân khởi nghĩa quá nhanh khiến Tô Định không kịp trở tay. Trước thế mạnh của quân Hai Bà Trưng các viên quan cầm đầu không trở tay kịp và không dám chống cự, bỏ chạy về phương Bắc. Thái thú Giao Chỉ Tô Định hoảng hốt cũng tháo chạy.

 Tuy thành Cổ Loa kiên cố nhưng cũng không giúp Trưng Trắc bảo toàn lực lượng trước sức tấn công ào ạt của Mã Viện bà phải đem quân về Kinh thành Mê Linh. Nhưng quân Đông Hán rất mạnh. Cuộc cầm cự diễn ra ác liệt cuối cùng Hai Bà Trưng bị thương nặng. Trưng Nhị cùng chị là Trưng Trắc dã gieo mình xuống sông Hát mà tự vận chứ không chịu sa vào tay giặc.
 Chúng ta cũng nên nhắc nhở đến thế hệ mai hậu về lịch sử Việt Nam, về tiền nhân của chúng ta đã một lòng hy sinh gìn giữ giang sơn gấm vóc.
 Giới trẻ là những tinh hoa, là sức sống, là niềm tin vào tương lai dân tộc Việt Nam.

 Lê Thị Mỹ Linh

No comments: