Friday, April 7, 2017

THỜI GIAN - NẾU MỘT MAI ANH CHẾT & THƠ NĂM CHỮ (Diệp Thế Hùng)

THỜI GIAN (thơ Đường)
Mặt trời chói lọi ở phương đông
Trong nắng lẳng lơ mấy nụ hồng
Vườn đã thay màu hoa với lá
Cây đang đổi sắc nhụy và bông
Đông đi vạn vật thay màu áo
Xuân đến nhân gian mở tấm lòng
Tôi đếm thời gian qua cửa sổ
Nào ai thoát được cõi hư không.  
Diệp Thế Hùng, 3/2017.


NẾU MỘT MAI ANH CHẾT

Nếu một mai anh chết
Em sẽ buồn không em?
Nếu mai này anh chết
Em sẽ khóc không em?

Nếu một mai anh chết
Em sẽ đến thăm anh?
Trên nấm mồ hiu quạnh
Em sẽ nói yêu anh?

Nếu ngày mai anh chết
Tình em sẽ không vơi?
Vẫn yêu anh tha thiết?
Dù trời đất ngăn đôi?

Nếu một mai anh chết
Em sẽ giữ trong tim
Nỗi buồn đau, thương tiếc
Và nhung nhớ từng đêm?

Diệp Thế Hùng.

THƠ NĂM CHỮ
Bài này kết thúc loạt bài của tôi về thơ Việt Nam : Thơ Cũ - Thơ Moi, Cách Làm Thơ : Lục Bát, Song Thất Lục Bát, Thơ Bảy Chữ, Thơ Tám Chữ và Cách Làm Thơ Đường.  Tôi hy vọng là những bài này đã hữu ích cho các bạn đang tập làm thơ, và các bạn muốn trau dồi cách làm thơ.
Yếu tố quan trọng nhất là ý thơ. Nếu phải nói một ý thơ bằng một câu xúc cảm không thể nói khác được, các bạn có thể hy sinh vần, nhưng các bạn cố giữ âm điệu.  Thơ không âm điệu không phải là thơ.
Luật của thơ năm chữ :
Thơ 5 chữ rất dễ làm, luật bằng trắc không tuyệt đối, và có nhiều cách gieo vần khác nhau. 
Luật bằng trắc : chữ thứ 2 nếu là bằng thì chữ thứ 4 phải là trắc, và ngược lại. Nhưng trong những bài thơ nổi tiếng như CHÙA HƯƠNG hay ÔNG Đ, luật vần trên đây không được tôn trọng, nhưng âm điệu vẫn rất hay, không bị trắc trở.
Luật vần cũng rất dễ, vì có thể chọn AABB, ABAB hay AABA: 
·       AABB: chữ cuối của câu 1 cùng vần với chữ cuối câu 2, chữ cuối của câu 3 cùng vần với chữ cuối câu 4. A và B không liên hệ
·       ABAB: chữ cuối của câu 1 cùng vần với chữ cuối câu 3, chữ cuối của câu 2 cùng vần với chữ cuối câu 4. A và B không liên hệ (xem bài ÔNG Đ)
·       AABA : chữ cuối của câu 1 cùng vần với chữ cuối câu 2 và chữ cuối của câu 4.  B thì tự do (xem bài CHÙA HƯƠNG)
Chú ý : cái quan trọng nhất là hai vần A và B phải đối nhau : nếu A là bằng, B phải là trắc, và ngược lại. Các bạn thấy rõ cái luật này trong bài thơ của tôi trên đây, và hai bài nổi tiếng dưới đây.
Ông đồ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay"

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Vũ Đình Liên (1936, báo Tinh Hoa)
Chùa Hương (phần đầu)
Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương.
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.

Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo dải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.

Me cười: "Thầy nó trông!
Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?"

Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.

Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm,
(Ý đợi người tài trai).

Em đi cùng với me.
Me em ngồi cáng tre,
Thầy theo sau cưỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe.

Thầy me ra đi đò,
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chảy
Đưa cánh buồm lô nhô.

Mơ xa lại nghĩ gần,
Đời mấy kẻ tri âm?
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Em thấy một văn nhân.

Người đâu thanh lạ thường!
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?
….
 


No comments: