Friday, April 14, 2017

TÌNH SỬ MÀU TÍM HOA SIM (Phần 2) - Huỳnh Bá Củng




Tình Sử Màu Tím Hoa Sim (Phần 2)
Chiến tranh gây biệt ly, thương nhớ phu phụ là chuyện thường tình. Xưa nay điều có. Văn thơ, câu ca bài hát đã ghi. Cô phụ đã từng than thở trong Chinh Phụ Ngâm. Nỗi lòng nàng Vọng Phu được Lê Thương trang trải lên 3 khúc ca Hòn Vọng Phu I, II. III. Cảnh trông chồng trông vợ buồn thật là buồn mà Lưu Trọng Lư đã cảm nhận:
 “Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ-Tiếng Thu.”

Cách Mạng Mùa Thu năm 1945 đẩy hàng ngàn thanh niên VN mới lớn vào cuộc chiến. Biết bao nhiêu nàng vọng phu ở cái tuổi hãy còn xuân xanh. Ở Miền Nam có ca khúc Giấc Ngủ Cô Đơn nói lên tâm trạng cô phụ Cách Mạng Mùa Thu. Thanh niên Nam Bắc bị đẩy vào cuộc chiến nói là để nước nhà được Độc Lập Tự Do và nhân dân được Hạnh Phúc. Nửa chừng xuân, đâu chưa đến đâu, thì năm 1954 thanh Niên Miền Nam bỏ vợ trẻ ở lại quê nhà rồi tập kết ra bắc, để lại sự nhớ thương tiếc nuối khôn nguôi. Nhạc sĩ Anh Bằng viết về nỗi lòng cô phụ trẻ ở MN:
“Nửa đêm nhớ anh
Buồn nghe mưa khóc bên mành
Nửa đêm nhớ anh
Tủi thân mi khép mong manh
Ai ngở duyên mình bẽ bàng lá thắm xa cành
Chim đàn xa tổ tội tình
Người chờ người trong lúc tuổi xanh
Gọi anh giữa đêm
Sầu thương tay đứt ruột mềm
Gọi anh giữa đêm
Khổ đau như xé con tim
Nghe gió qua thềm, ngỡ ngàng chân bước đi tìm
Nghiêng mình qua cữa im lìm
Trời lạnh lùng như gọi buồn thêm.”

Tôi đưa đoạn lời ca khúc Giấc Ngủ Cô Đơn vào đây để nghiệm lại tại sao bài thơ Màu Tím Hoa Sim được thanh niên Miền Nam hâm mộ lưu truyền ngâm nga và phổ nhạc sau năm 1954. Bài thơ Màu Tím Hoa Sim còn được dân MN ưa thích ngoài vì tác giả có tư tưởng tiểu tư sản, là nạn nhân Nhân Văn Giai Phẩm mà vì bài thơ còn có “hơi hám” hình ảnh MN: Gọi mẹ bằng má và bộ đội gì mà đi giày đinh, chẳng giống anh bộ đội cụ Hồ!

Nhân vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, Miền Nam cảm thông và thương thanh niên Miền Bắc như Hữu Loan nén lòng chịu đựng nỗi đau mất mát riêng tư. Chiến tranh cướp đi đoạn đời hoa mộng đẹp nhất trong đời của họ. Phải nén niềm đau riêng để vui  gượng.

Thanh niên Miền Nam được thoải mái hơn, không có cảm giác bị đè nén khi tham gia chinh chiến. Có tình cảm giành cho chiến trường cho tổ quốc, thì cũng có tình cảm giành cho riêng mình. Chiến binh Miền Nam có thể nói lên nỗi niềm tâm sự:
“Tôi ở miền xa
Trời quen đất lạ
Nhiều Đông lắm Hạ
Nối tiếp đi qua
Thiếu bóng đàn bà
Đời không dám tới đành viết cho tôi
Nhạc tình sao lắm lời…
Thèm trong hãi hùng tiếng hát môi em…
Người nâng lính khổViết bỡi câu ca
Vì tinh hay thiết tha…Đến với tôi, hãy đến với tôi
Đừng yêu lính bằng lời…Ngoài kia súng nổ
Đốt lửa đêm đen
Tầm đạn thay tiếng em ”; 
hay hát lên lời ca như thế này:
“Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về…
Anh trở về có khi là hòm gỗ cài hoa
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng.”

Năm 1988, năm đổi mới. Hữu Loan nói là ông “tái xuất giang hồ.” Ông lang bạt gần một năm theo chuyến xuyên Việt do hội Văn Nghệ Lâm Đồng và tạp chí Langbiang tổ chức đi tìm đổi mới làm báo và tự do xuất bản. Lúc đó một lần nữa rộ lên lòng hâm mộ bài thơ. Công Ty Cổ Phần Công nghệ Việt(ViTek VTB) bỏ ra 100 triệu mua bản quyền bài thơ. Có lẽ đánh giá bài thơ sẽ có tác động mạnh trong giới thanh niên ngày nay và mai sau. Bài thơ đánh dấu cái gía thanh niên Việt Nam phải trả cho cuộc chiến. Hữu Loan phát hành một bài tự thuật. Bấy giờ ta mới hiểu bài thơ nhiều hơn.

Lời tự thuật của Hữu Loan. Nhờ giai điệu âm thanh và các từ gợi hình, bài thơ hấp dẫn người đọc. Đến khi chính tác giả tường thuật thì câu chuyện tình trở nên hấp dẫn hơn và câu chuyện dễ dàng trở nên câu chuyện tình sử. 

Tác giả kể. Chàng yêu nàng như tình yêu em gái. Lần đầu, khoảng năm 1940-1941, ông đến làm gia sư ở nhà nàng, nàng mới lên tám tuổi. Hình ảnh cô bé đập vào mắt ông. Ông kể. “Vâng lời cha mẹ cô bé mới chịu lỏn lẻn bước ra khoanh tay, miệng lí nhí: “Em chào thầy ạ.”Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã ăn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời.” Một thứ tình yêu rất ư là tự nhiên và trong sáng mà Thượng Đế ban cho.

 Chàng yêu nàng như yêu em bé, yêu một sinh vật non như con cún con hay như con chim non mắt đen láy.
Năm 22 tuổi, năm 1938, hữu Loan ra Hà Nội thi đậu tú tài Pháp. Năm ông trở về Thanh Hóa, đến làm gia sư, cỡ tuổi chừng 26 tuổi. Ông cao ráo đẹp trai và có học thức, thông minh(“Tôi cao ráo, học giỏi, làm thơ hay…lại đẹp trai nên em thường gọi đùa là anh chồng độc đáo”-Tự Thuật). Ông kể thuở nhỏ nhà nghèo, không được đi học. Ông chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không. Ông kể: “Cha tôi tuy là tá điền nhưng tư chất lại thông minh hơn người.” Tá điền thời đó mà biết chữ để dạy cho con là ông tá điền đặc biệt lắm.

Hữu Loan(HL) được có cái duyên đưa đẩy đến làm sư gia ở nhà bà tham Kỳ, Đái Thị Ngọc, vợ của ông điền chủ Lê Đỗ Kỳ, tổng thanh tra canh nông Đông Dương. Bà có cữa hàng bán sách báo. Chàng thư sinh trẻ có tài HL thường la cà đến đây và được bà tham “để mắt tới”. Bà muốn gả em gái tên là Nga cho nhưng cô này chỉ muốn đi tu. Bà đổi ý là sau này sẽ gả con gái Lê Đỗ Thị Ninh cho ông gia sư. Ông dạy học cho 3 người anh nàng tuổi có lẽ xấp xỉ bằng tuổi của ông nên có thể coi họ như anh em trong nhà. Cứ thế mà tình cảm khách chủ cứ lớn lên và được hun đúc sâu đậm thêm ra. Họ sống êm đềm tới ngày Toàn Quốc Kháng Chiến.

Cả ba người anh cùng chàng xếp bút nghiêng theo tiếng gọi của non sông mà lên đường nhập ngũ. Nàng đứng ở đầu làng lặng lẽ nhìn theo. Chàng đi trên bờ đê nhìn xuống. Nàng vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim giơ lên vẫy vẫy. Nàng đứng đó. Chàng cứ đi đi và nhìn lại cho đến khi không còn nhìn thấy nàng nữa như cảnh tiễn đưa thấy trong Chinh Phụ Ngâm ngày trước:
 “Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”

Cho tới lúc này chàng “yêu nàng như tình yêu em gái.” Sau này, trong quân ngũ chàng mới biết từ lâu gia đình yêu chàng như chàng rể và nghiệm ra nàng yêu chàng như tình nhân. Ở đại đoàn 304 của tướng Nguyễn Sơn có đồng đội tên Quốc là em họ của Ninh. Quốc tiết lộ bà tham Kỳ cử Quốc giám sát Hữu Loan để đề phòng chàng có tình ý với những phụ nữ khác.
Chàng nhớ lại khoảnh khắc ở bên nàng ở quê nhà thật là lãng mạng. Có phải đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp nhìn chàng lúc nàng “lỏn lẻn bước ra khoanh tay, miệng lí nhí: “Em chào thầy ạ” là dấu hiệu biểu lộ rung cảm của lòng nàng ở bên trong trước hình ảnh khôi ngô tuấn tú của anh gia sư dễ mến?
Đúng là “163.Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e-Truyện Kiều.”

Hữu Loan nhớ lại cảnh nàng hờn dỗi chàng. Có một lần, HL bình phẩm với anh của nàng nói cô bé Ninh trông như bà cụ non, ít nói. Lời bình đến tai nàng, nàng hờn dỗi bỏ ăn bỏ ngủ nằm liệt, không ai giỗ dành được. Bố mẹ phải cậy chàng gia sư đến dỗ giành. Trưa hôm ấy nàng vùng dậy ăn một bát to cháo gà rồi bước ra khỏi phòng. Có phải người con gái vương tơ tình thường hay có thái độ hờn dỗi người yêu không đâu như thế:
 “Ngày xưa em anh hay hờn dỗi
Giận anh khi anh chưa kịp tới
Cho anh nhiều lời, cho anh bồi hồi
Em cúi mặt làm ngơ. Hoa Biển của Trần Thiện Thanh & Anh Thy.”

Chưa hết HL nhớ lại và kể tiếp. Ngay chiều hôm đó nàng nằng nặc đòi cho bằng được chàng đưa nàng lên đồi thông mặc cho nhiều người khuyên mới bệnh dậy người còn yếu lắm, không được ra ngoài. Mọi người chiều ý nàng. Chàng dẫn nàng đi chơi. Nàng leo lên đồi như con sóc. Chàng đuổi theo bức hơi. Tới đỉnh, nàng ngồi xuống bảo chàng “ngồi xuống bên em.”Ngồi như thế một lúc lâu. Chẳng ai nói gì. Bất chợt nàng ngước nhìn chảng rồi nhìn xa xăm tít tận chân trời. Không biết lúc đó lòng nàng nghĩ gì. Bất chợt nàng hỏi chàng có thích ăn sim không? Nàng chạy xuống sườn đồi tím ngắt một màu sim. Nàng trở lại với cái nón đầy ắp trái sim chín mọng ngọt ngào. HL bảo trái sim có lạ gì đối với chàng thời thơ ấu nông dân kham khổ. Sao bây giờ chàng có cảm giác trái sim ngọt ngào, ngon lạ lùng.

Cảnh tiếp theo còn ngọt ngào đẹp mắt khó quên hơn nữa. “Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi em cũng đỏ tím, hai bên má thì…tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo.”So với cảnh trong bài thơ “Đề Tích Sở Kiến Xứ”thì tính lãng mạng nên thơ ở đây nào có thua: “Khứ niên kim nhật thử môn trung(năm ngoái, ngày này, trong cữa này)
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng(mặt người và hoa đào tương phản màu hồng cho nhau).”
Để rồi năm sau trở lại thì người đã đi rồi. Nhớ nhung vô cùng:
“Nhân diện bất tri hà xứ khứ(không biết mặt người “đi đâu” mất rồi)
Đào hoa y cựu tiếu đông phong(hoa đào vẫn cười gió đông như cũ).

Không biết khi mất nàng Lê Đỗ Thị Ninh, chàng Hữu Loan một khi trở lại quê nhà Nông Cống, Thanh Hóa có ngâm hai câu thơ Đường Thi cuối này để tiếc nuối hình ảnh đẹp ngày xưa hay không?

Chín năm sau, cô gái mười bảy tuổi bẻ gãy sừng trâu, đẹp biết chừng nào. Chàng từ đơn vị trở về Nông Cống. Nàng đón chàng ở đầu làng. Chàng hỏi nhiều nhưng em không nói, chỉ bẽn lẽn lắc hay gật đầu. Hữu Loan tự thuật. “Em đã gần 17 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp.”Chàng được biết hồi 15 tuổi có nhiều chàng trai đến ngỏ lời cầu hôn. Nàng trốn tránh không nhận đám nào. Hữu Loan viết tiếp: “Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới.”  “Nàng cười xinh xinhBên anh chồng độc đáo.Tôi ở đơn vị về Cưới nhau xong là đi.”
Ba tháng sau thì nàng mất(từ tháng 2 đến tháng 5 Âm Lịch năm 1948). Ra sông giặt quần áo. Với tay cố vớt chiếc áo trôi thì nàng trượt chân bị dòng nước cuốn đi, chết đuối.
“Gió sớm thu về
Rờn rợn nước sông”là do như vậy đó. 
“Gió sớm thu về”là cách viết tượng hình mùa Thu buồn báo hiệu cái gì ghê ghê như có thần chết lảng vảng. Sự thực tháng 5 ÂL hãy còn là mùa Hè. Tình tiết và hình ảnh trử tình như thế khi mất đi làm sao không đứt ruột được.
Hữu Loan kể tiếp. Càng kìm nén, nỗi đau càng dữ dội. May có đợt chỉnh huấn cho phép ai có tâm sự gì cứ nói ra, nói cho hết. Chỉ chờ có thế. Nỗi niêm của nhà thơ mới được tuôn trào ra. Lúc đó ông đang đóng quân ở Nghệ An. Ông ngồi lặng đi ở đầu làng, hai mắt đẫm nước, lấy giấy bút ra ghi chép. Những câu chữ mộc mạc cứ trào ra. Về viếng mộ nàng ông dùng chiếc bình hoa ngày cưới làm bình hương, viết lại bài thơ vào chiếc quạt giấy để lại cho anh bạn ở Thanh Hóa. Rồi bài thơ được chép truyền tay nhau. Không phải chỉ đến năm 1956-57 bài thơ mới được lan truyền từ tờ báo Trăm Hoa Đua Nở nói trên.

Mất nàng, hầu như Hữu Loan không thiết tha đến cuộc sống nữa. HL viết “tôi thương tôi, tôi nhớ hoa sim của tôi quá!” Sau cải cách ruộng đất năm 1953-56, ông cảm thương một cô gái con của một địa chủ, cũng ở cái tuổi 17. Cô gái bơ vơ vì cả nhà địa chủ bị xử tử hết. Hàng ngày cô đi mót khoai ăn đỡ dói lòng, đêm về ngủ trong chiếc miếu hoang. Hữu Loan lấy cô làm vợ.
Hữu Loan & vợ sau

Câu chuyện thương tâm đáng ghi thành câu chuyện tình sử tiêu biểu chuyện tình của thế hệ thanh niên Cách Mạng Mùa Thu ở Miền Bắc VN. Công ty Viek VTB bỏ ra 100 triệu mua bản quyền bài thơ cũng xứng đáng thôi. Nếu Tàu có câu chuyện tình nổi tiếng Tình Sử Sông Tương, câu chuyện tình Đề Tích Sở Kiến Xứ thì Việt Nam sao không có chuyện tình sử Màu Tím Hoa Sim.
Mời xem các videoclip minh họa liên hệ:
Tình Sử Sông Tương,
Màu Tím Hoa Sim,
Giấc ngủ Cô Đơn,
Đề Tích Sở Kiến Xứ.

Đầu mùa Đông năm 2016. Ongtampy.
Giac Ngu


No comments: