Friday, April 28, 2017

CHỈ MỘT LẦN XUỐNG PHỐ kỳ 2 (Phan Minh Châu)





CHỈ MỘT LẦN XUỐNG PHỐ
(Tiếp theo và hết)
Cầm xấp hồ sơ khám chữa bịnh cho Chàng Hai, người đàn ông vội vả bước đi. Chỉ còn lại một mình A Phù lo lắng không biết tình trạng của Chàng Hai giờ này ra sao và người đàn ông đó là ai mà họ tốt với vợ chồng mình như vậy?…
Phần lo lắng cho Chàng Hai, phần sốt ruột, mặc dù đã ghi nhớ lời dặn dò của người đàn ông khi nãy nhưng A Phù cảm thấy bất an trong lòng, không biết bịnh tình của Chàng Hai ra sao? Anh ấy có chết không? Nếu anh ấy có mệnh hệ nào thì mình sống với ai đây? Nghĩ đến đó, hai hàng nước mắt A Phù tuôn lã chã trên khuôn mặt phờ phạc và khô khốc vì những ngày gian khổ đã qua. Măc dù đã ngủ được đôi chút nhưng A Phù vẫn thấy buồn ngủ, hai mí mắt cô như muốn đổ sụp xuống. Cô gắng nhướng lên và đứng dậy đi thơ thẫn theo ban công bệnh viện. Nhìn xuống dưới đường, cơ man là xe cộ và người đi lại, những tòa nhà to lớn và đẹp cứ nối dài theo con phố, xe cộ thì dập dìu ngang dọc đủ sắc đủ màu, đủ các loại xe mà hồi nào tới giờ cô chưa từng thấy. Cô bỗng ao ước, cô bỗng thèm muốn một ngày nào đó có một phép màu thật lạ, cho cô xin chỉ vài điều ước, hoặc một điều ước cũng được. Đó là cho Chàng Hai hết bịnh và hai vợ chồng sẽ trở về nhà, nơi mà gần như hơn nữa cuộc đời A Phù đã gắn bó với nó. Mặc dù cô vẫn biết rằng về lại đó là về lại cái nơi tăm tối nhất, nơi mà ai cũng muốn thoát ra để tìm cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng biết làm sao được, vì nơi đó đã ăn sâu vào tâm hồn A Phù với những kỷ niệm đẹp và mối tình có một không hai trên đời này cũng xuất phát từ đó. Xuất phát từ nơi sâu thẳm nhất của đáy lòng A Phù, nơi bà con cật ruột và bạn bè đều nằm lại.
– Xong rồi cô.
A Phù quay đầu nhìn lại, thì ra người đàn ông tốt bụng khi nãy.
– Chồng tôi ra sao rồi?
– Đã nhập viện rồi, không sao đâu. Ảnh chỉ bị một chút vấn đề về gan, bác sĩ bảo để làm xét nghiệm và theo dõi điều trị. Bây giờ chị hãy theo tôi lên gặp ảnh rồi hai người mặc sức tâm sự.
– Dạ, cảm ơn ông nhiều!
A Phù lặng lẽ đi theo sau người đàn ông xa lạ. Đến thang máy, khi hai người vừa vào trong, người đàn ông bấm nút, mấy cái nút chằng chịt gắn gần cửa thang máy. A Phù cố nhớ nhưng nhớ không nổi, chỉ thấy thân hình mình như bị ai nhấc lên không và hơi hụt hẫng một chút, sau đó vẫn bình thường trở lại.
– Đến rồi.
Cánh cửa thang máy mở ra, A Phù vội vã chạy theo sau người đàn ông đó. Cô cảm thấy lo lắng và hồi hộp thật sự. Cô lại cầu trời, cầu đất, cô lâm râm trong miệng và mong đấng bề trên nghe thấy lời nguyện của mình. A Phù chợt ứa nước mắt lần nữa.
– Ảnh ngồi kia kìa!
A Phù nhìn theo hướng người đàn ông vừa chỉ. Cô thấy Chàng Hai đang ngồi trên dãy ghế phòng chờ khám. Cô chạy vội đến, ôm chầm lấy Chàng Hai như đã lâu rồi không gặp. Thấy Chàng Hai thần sắc có đỡ hơn, A Phù đâm ra yên lòng.
– Tao khám rồi, bác sĩ bảo không sao, chờ cho toa lấy thuốc rồi về. Ổng nói cái lá gan của tao hơi có vấn đề một chút. Hồi xưa thì phải mổ, phải phẩu thuật nhưng bây giờ thì không cần, chỉ cần bắn một vài lần kết hợp với dùng thuốc thì sẽ khỏi. Ổng còn bảo tao kỳ này về mổ heo ăn mừng đi, vì nhiều người bị như tao nhưng để lâu quá mà không chữa được. Tao mừng quá A Phù ơi!
A Phù bỗng bật khóc, cô không ngờ những lời cầu nguyện của mình lại ứng nghiệm như vậy. Cô thầm cảm ơn trời đất, cảm ơn người đàn ông tốt bụng khi nãy, cảm ơn cái bịnh viện to lớn này, cảm ơn mấy ông thầy bác sĩ ở trong cái bịnh viện này… Cô bỗng thấy khỏe lên gấp bội, mọi sợ hãi và lo lắng trong mấy ngày qua bỗng tiêu tan đâu hết.
– Vậy là ổn rồi mình ơi… ổn rồi, mình sắp được về nhà rồi mình ơi!
– Ừ thì tao cũng mừng. Vậy là mình hết chết rồi, hoan hô ông trời, hoan hô mấy ông thầy bác sĩ.
Nhìn thấy nỗi vui mừng hiện trên khuôn mặt của đôi vợ chồng người dân tộc, người đàn ông xa lạ khi nãy cũng thấy vui lây.
– Sao vui chưa? Nhưng chưa xong đâu! Còn phải nằm điều trị vài ngày nữa, chờ họ bắn laser rồi mới xuất viện được. Nhưng hai vợ chồng cứ yên tâm, không sao đâu, tiền viện phí kể cả thuốc men và mọi thứ tôi đã lo hết rồi chỉ còn việc chờ xuất viện rồi về nhà.
– Cảm ơn ông nhiều, cảm ơn ông nhiều!
– Thôi bây giờ hai vợ chồng hãy nghỉ ngơi và ăn uống đi.
Ông quay lại nơi đứa con gái nãy giờ vẫn đang đứng ở góc phòng.
– Lại đây con, đưa mấy hộp cơm và mấy chai nước cho ba!
– Đây là con tôi, nó cũng đã nhiều lần cùng tôi lên rừng, lên mấy cái bản của người dân tộc. Nhưng nhiều nhất là ở vùng sông Hinh, chúng tôi đi cũng nhiều và tìm cũng nhiều nhưng thất vọng thật rồi.
– Ông tìm ai vậy? Tại sao lại thất vọng? Mà ở sông Hinh cũng to lớn và rộng lắm mà, ông tìm ai? Mai mốt về nhà tui sẽ tìm cho ông.
– Chuyện kể ra cũng thật dài dòng. Thôi được, hai người cứ ăn cơm đi rồi tôi kể cho nghe.
Tôi vốn là dân Phú Yên nhưng ở tại thị xã Tuy Hòa. Hồi đó thị xã tuy nhỏ nhưng đẹp và thơ mộng lắm! Tôi học Luật ở Sài Gòn, khoảng thời gian từ 1970 đến 1972, lúc đó chiến tranh giữa hai miền Nam, Bắc đang hồi khốc liệt. Tôi bị tổng động viên và phải vào lính. Sau khi tốt nghiệp khóa sĩ quan trù bị tại Thủ Đức, tôi được phân công về một huyện miền núi ở Phú Yên trong một nhiệm vụ đặc biệt. Chắc cô cũng hiểu, làm người ai cũng sợ chiến tranh, sợ súng đạn, bao nhiêu là thứ sợ, tôi cũng nằm trong số người ấy. Nhìn những người dân vô tội bị chết trong chiến tranh, tôi đâm ra ngao ngán thật sự, không còn thiết tha gì với nghiệp lính và cuộc đời nhà binh nữa. Sau đó tôi tìm cách đào ngũ, lặn lội và trốn biệt trong rừng sâu cả gần một tháng. Phần đói khát, phần bịnh tật, tôi bỗng kiệt sức và ngất đi lúc nào không biết. Lúc đó, trên người tôi chằng chịt những vết thương, những vết xây xát khắp mặt mày. Cái chân trái của tôi hình như bị gãy hầu như không nhắc lên được. Tôi cứ nghĩ thế này là hết. Trong vô vọng, tôi chỉ biết cầu nguyện đến những đấng thiêng liêng cao cả nhất. Tôi chợt nhớ gia đình, bạn bè và người thân, nhớ từng con phố nhỏ, nhớ những kỷ niệm êm đềm nhất của một thời xa lắc xa lơ. Tôi bật khóc và sau đó tôi thiếp đi không còn biết gì cả…
– Anh tỉnh dậy rồi à?
Người vừa hỏi tôi là một người đàn bà. Người dân tộc thì phải, với khuôn mặt hiền lành và giọng nói lơ lớ của người Kinh. Người phụ nữ đỡ tôi ngồi dậy.
– Ông ăn cháo đi. Ông ngất đã hai ngày đêm rồi đó!
– Tôi bị làm sao vậy?
– Không biết. Tôi thấy ông nằm trong rừng, tưởng chết rồi. May quá, ông vẫn còn sống nên tôi đưa ông về đây.
Tôi uể oải ngồi dậy, trong mình ê ẩm. Gần một tháng trong rừng, đói gì ăn đó, ăn vô tội vạ, miễn sao qua cơn đói là được, tôi đâu cần biết những thứ mà tôi ngốn vào trong bụng nó có thể cứu tôi nhưng cũng có thể dẫn tôi đến cái chết.
– Cảm ơn chị!
– Thôi ông đừng cảm ơn, hãy nghỉ một chút nữa cho khỏe. Tôi đi bắt chút cơm cho ông ăn, nhà không có gì, có gì ăn đó. Mà tôi còn phải vào rừng kiếm ít lá cây, rễ cây để về băng bó cho cái chân của ông. Cái chân của ông bị gãy rồi, không nhẹ đâu, chắc là ông bị té thì phải?
Nói xong, người phụ nữ quay ra cửa quơ một ít củi khô đem vào.
– Để tôi bắt cho ông chút nước. Ở miền xuôi các ông không quen dùng nước lã. Chúng tôi ở đây thì quen rồi, đụng đâu uống đó, mà có ai bịnh tật gì đâu. Cơm và muối vừng tôi để trong góc nhà đó, chút nữa ông có đói thì lấy mà ăn! Hết, tôi về bắt thêm gạo, ông cứ ăn thật no cho mau bình phục, còn về với gia đình, với vợ con.
– Tôi chưa có vợ.
– Ông chưa có vợ ạ! Dưới ông thì khác, trên này, tụi tui khoảng mười lăm mười sáu là lo đi bắt chồng,chứ già rồi tụi nó không chịu. Tui bắt chồng năm tui mười bốn tuổi.
– Chồng chị đâu? Sao nãy giờ tôi không thấy?
– Ảnh đi theo cách mạng rồi, lâu lâu mới về được vài ngày rồi lại đi. Làm việc cho cách mạng ấy mà. Thôi ông nằm nghỉ, tôi đi lên rừng đây, sẵn qua rẫy bứng ít sắn khoai về ăn tạm, nhà cũng gần hết gạo rồi. Thôi tôi đi đây, ông nằm nghỉ nhé chớ có đi đâu!
– Chị ạ, chị tên gì?
– Tôi là A Dong… A Dong… Thôi, tôi đi đây.
Nhìn vóc người nhỏ nhắn nhưng lanh lẹ của người phụ nữ mới bước chân ra cửa, tôi thầm cảm ơn chị ấy rất nhiều. Không có chị ấy thì có lẽ tôi không còn sống đến ngày hôm nay.
– Sau đó thế nào? Ông kể tiếp đi!
Ở chỗ người phụ nữ ấy được nữa tháng, hàng ngày ngoài thời giờ chị ấy lên rẫy, lên rừng, thời gian còn lại chị dành hết để chăm sóc tôi. Cái chân tôi cứ vài ba ngày chị thay lá một lần. Cơm nước chị lo cho tôi đầy đủ. Có củ khoai, củ sắn chị mang về luộc và để dành cho tôi lúc đói. Hai tuần đối với tôi là một thời gian dài dằng dặc. Tôi không chịu nổi nữa, không thể làm phiền chị hơn nữa, chị ấy còn nhiều việc phải làm, còn phải chăm mấy vuông lúa, mấy vuông khoai đang đến vụ, còn phải giúp chồng chị lo cho cách mạng. Tôi quyết định ra đi. Hôm đó trời vừa tờ mờ sáng, chị ấy cũng chuẩn bị lên rẫy.
– Chị à…
– Gì vậy ông?
– Hôm nay xin phép chị tôi đi. Cảm ơn chị rất nhiều trong thời gian tôi ở đây. Mạng sống tôi còn giữ được đến hôm nay cũng nhờ chị giúp đỡ chăm sóc. Nếu không, tôi đã bỏ xác trên rừng.
– Thôi! Ông đừng nói chuyện ơn nghĩa làm gì. Cái chân ông vẫn còn yếu lắm, ông ở thêm vài ngày rồi hãy đi.
– Được mà chị! Tôi đi được mà. Chị chỉ cần chỉ hướng cho tôi xuống miền xuôi là được.
– Thôi tùy ông! Nếu như có bề gì ông cứ trở lại đây.
Sau đó lần theo hướng chị ấy chỉ, tôi cũng tìm được đường về thị xã và đoàn tụ với gia đình. Đâu chừng mấy tuần lễ sau, tôi tìm cách trốn về Sài Gòn và trốn chui, trốn nhủi trong đó cho đến ngày giải phóng.
– Sau đó ông làm gì?
– Sau khi giải phóng vào, tôi ra trình diện, học tập và cải tạo. Biết tôi là sĩ quan đào ngủ nên thời gian cải tao cũng không nhiều. Tôi được tha về địa phương quản lý. Sau đó mấy năm, tôi qua Mỹ theo diện H.O. Qua mỹ, tôi làm đủ thứ ngành nghề, cái gì làm ra tiền là tôi đều làm hết. Phần nhờ bạn bè cũ giúp đỡ, một phần nhờ tôi siêng năng, cần mẫn nên chỉ trong thời gian ngắn, tôi đã tạo cho mình một cơ ngơi vững chắc.
– Mỹ là ở đâu hở ông?
– Nói ra cô cũng không hiểu đâu. Nó là một đất nước rộng lớn, bao la, đủ loại dân cư, đủ loại màu da tập trung về đấy sinh sống, trong đó có người Việt Nam. Nó ở cách đây nữa vòng trái đất cô à.
– Ồ xa quá hả ông? Ở bên đó bây giờ ông làm gì?
– Tôi hiện giờ là giám đốc một công ty sản xuất phần mềm máy tính. Vợ tôi qua định cư bên Mỹ từ nhỏ, cô đi theo gia đình. Tôi cũng đã nhiều lần kể chuyện này cho cô ấy nghe, cô ấy rất cảm động.
– Thế vợ ông có về Việt Nam cùng với ông không?
– Không! Cô ấy bảo tôi cứ về trước để thăm gia đình và tìm ân nhân đi. Cô ấy thu xếp công việc xong rồi sẽ về sau.
– Thế ông đã tìm được ân nhân chưa?
– Chưa cô à! Tôi mong tìm được ân nhân của mình để đền đáp cái ơn ngày nào nhưng nghe cô ấy đã chết rồi.
– Chết rồi sao? Ông nghe ai nói, ông nghe tin này ở đâu? Ông nói lại tôi nghe, người đàn bà đó tên gì và chết ở đâu?
– A Dong… Tên cô ấy là A Dong.
A Phù bỗng đâm ra hồi hộp thật sự. A Dong đúng là tên của mẹ cô rồi, còn chết ở đâu cô cần phải hỏi rõ.
– Ông nghe chính xác bà ấy chết như thế nào không?
– Nghe nói bị lạc đạn trong một đêm tải lương cho bộ đội cô à.
Vậy không còn gì nghi ngờ nữa rồi, đúng là mẹ A Phù rồi. Bà ấy chết trong một đêm tải lương tiếp tế cho bộ đội. A Phù còn nhớ, đêm ấy trời mưa như thác đổ, sấm xé toạt cả màn trời, xác mẹ cô được bọc tạm trong mấy tấm ni lông và mang về nhà cho cô nhìn mặt lần cuối. Sau đó bà được đem chôn ở sân sau căn chòi cô đang ở. Lúc đó cô khoảng năm sáu tuổi, chưa biết gì, chỉ nghe người ta nói, chỉ biết nhìn và khóc khi thấy mẹ nằm im. Người ta bảo vuốt mắt cho mẹ là cô vuốt. Rồi cô thẫn thờ theo họ ra phía sau nhà, quăng cho mẹ mấy nắm đất. Lúc đó, cha A Phù không có nhà, có lẽ ông cũng chưa biết tin rằng mẹ A Phù đã chết. Nghĩ đến đó, A Phù bỗng xúc động, hình ảnh những ngày thơ ấu lại hiện về trong ký ức của cô. Cô chỉ biết mẹ cô là một người đàn bà tốt. Khắp buôn làng ai cũng thương mẹ ấy. Ngay cả đến lúc cô nghe tin cha đã hy sinh thì cô cũng chưa được một lần gặp lại mặt cha.
– Ông còn nhớ nơi bà ấy ở không?
– Nhớ chứ! Làm sao mà quên được, hơn nửa tháng trời tôi ở đó mà cô.
– Được rồi! Khi nào chồng tôi xuất viện tôi sẽ tìm giúp người đàn bà ấy cho ông và cả nơi bà ấy đang yên nghỉ.
– Thật vậy hả cô? Sau mấy lần tìm kiếm không ra, tôi còn nghe những người dân trên bản nói lại rằng, sau khi tôi đi về xuôi một thời gian thì việc nuôi giấu tôi bị phát hiện và cô ấy bị kỷ luật nặng lắm. Cũng may là lúc đó tôi cũng không tiết lộ thân phận mình và cô ấy chỉ khai là giúp đỡ một người bị tai nạn gảy chân khi bị lạc trong rừng… Sau đó họ cũng không nghe tin tức nhiều về cô đó nữa, có người bảo cô đã chết rồi, do bị lạc đạn.
– Thôi ông cứ yên tâm, tôi sẽ tìm giúp cho ông. Bởi vì ông cũng đang là ân nhân của vợ chồng tôi, tìm giúp người đàn bà đó cho ông cũng là một cách trả ơn ông vậy.
***
Thời gian rồi cũng lặng lẽ trôi qua. Cũng đã gần mười ngày, cái bụng của Chàng Hai mỗi ngày mỗi nhỏ dần và Chàng Hai cũng không còn cảm thấy đau đớn gì cả. Ngày nào cũng vậy, người đàn ông lạ mặt lúc nào cũng có mặt bên vợ chồng cô, chăm sóc và động viên hai vợ chồng rất nhiều, hỏi han vợ chồng cô về công việc làm ăn trên bản, công việc đồng áng và cái bịnh vô sinh của cô… Cô cũng thành thật đáp lại tấm lòng tốt của người đàn ông lạ mặt đó bằng cách không giấu giếm điều gì. Chỉ riêng cái bí mật về người đàn bà đã cưu mang cho người đàn ông lạ mặt này thì cô không nói mà thôi.
***
– Hôm nay bác sĩ cho xuất viện. Tôi đến để đưa hai vợ chồng về quê và trở về cái buôn làng của mình. Tôi cũng có mua ít quà cho hai vợ chồng. Vé tàu xe tôi đã mua rồi và đây là ít tiền để hai vợ chồng mang theo tiêu dọc đường, còn lại để dành chi phí thuốc men khi cần thiết. Riêng với chồng cô, nhớ lời bác sĩ dặn, bước đầu còn yếu nên ăn uống kiêng cữ một chút, nên uống nước đun sôi để nguội, không nên ăn đò tươi sống nó sẽ không tốt cho cái bụng của ảnh… Vé tàu tối nay khởi hành, từ Sài Gòn về Tuy Hòa chắc phải mất đến hơn mười tiếng. Chắc sáng mai tàu đến sớm, cô nên mướn một chiếc tắc xi chở chồng cô về tận bản cho yên tâm. Từ Tuy Hòa lên Sông Hinh đường cũng khá xa, chí ít cũng sáu mươi cây số, đi xe đò đường vòng, lắc có thể gây cho vết thương biến chứng trở lai. Tiền tôi đưa cô không thiếu đâu, hai vợ chồng về trên đó rồi một ngày nào đó thu xếp xong công việc dưới này cha con tôi sẽ lên. Cũng có thể có cả bà xã tôi nữa. Chúng tôi lên nếu như tìm được ân nhân của mình thì đó cũng là dịp để chúng tôi đền đáp lại cái ân tình ngày trước. Thủ tục xuất viện tôi đã làm rồi, mọi thứ coi như xong. Giờ tôi đưa hai vợ chồng ra nhà ga, ở đó chờ tàu, chúng ta ăn uống và tâm sự thêm chút nữa. Cô đồng ý chứ?
– Vâng, cảm ơn ông! Vợ chồng tôi nghèo biết lấy gì để trả ơn cho ông đây.
– Không cần đâu cô ạ. Miễn về trên đó rồi hai vợ chồng gắng tìm giúp cho được người đàn bà đó, tìm được cũng là cách trả ơn cho tôi rồi đó.
– Thôi giờ chúng ta đi.
Tắc xi đến ga cũng gần tối, cơm nước xong, sau khi dặn dò lần nữa, người đàn ông lạ mặt móc hai chiếc vé tàu loại giường nằm của toa đắt tiền nhất đưa cho hai vợ chồng.
– Chị giữ vé cẩn thận, trình vé cho kiểm soát khi ra cửa, tôi sẽ mua một vé ra cửa để tiễn hai người đi.
– Vợ chồng tôi đi. Chúc ông và con gái ở lại mạnh giỏi. Tôi sẽ tìm bằng được người đàn bà đó cho ông.
Khi đã yên vị trên tàu, A Phù bỗng chồm ra cửa sổ, quay lại phía người đàn ông hét to:
– Cảm ơn ông nhiều! Ông nhắc lại tên người đàn bà đó cho tôi nào! Nhắc lại đi…
– A Dong… A Dong… A Dong… !
– Đó là mẹ tôi… Đó là mẹ tôi… Rồi cô ôm mặt khóc nức nở.
Tiếng khóc của A Phù chợt nhỏ dần khi tàu bắt đầu chuyển bánh và mất hút trong màn đêm sâu thẳm. Trước đó, cô không biết người đàn ông lạ mặt đó có nghe rõ lời cô nói không, nhưng A Phù thấy ông vừa đổ sụp xuống trên sân ga. Cũng cùng lúc đó, A Phù bỗng thấy quặn thắt và tê buốt ở bên hông, thoáng qua rồi mất hút. Cô không biết rằng tai nạn sắp đến với cô lần nữa. Đó là dấu hiệu của căn bịnh truyền kiếp bắt đầu bằng một khối U mà mọi người đều lánh xa và sợ hãi.

No comments: