Friday, April 28, 2017

AO NÀO CŨNG LÀ AO (Phần 2) - Huỳnh Bá Củng




AO NÀO CŨNG LÀ AO (Phần 2)
Huỳnh Bá Củng.
Ông Laborde, Administrateur des "Services Civils de l’Indochine", nhận xét về con người PhúYên khi ông rút ra ý kiến từ một cuốn địa lý câu “Sơn bất cao, thủy bất thâm/Trai đa trá nữ đa dâm” để nói về sông núi của PhúYên. Trong đoạn nói về “PROVERBES ET PHRASES POPULAIRS” Ông viết: “les montagnes basses et les rivières peu profondes sont signes que filles sont amoureuses et que garcons sont “tra” (chữ “a” không có dấu sắc); ce dernier mot signifiant peu sincères dans le sens que nous donnons à l’expression “normal” (qui ne dit ni oui ni non) May mà “đa dâm” ông dịch là "amoureuses" nghĩa là đa tình chứ dịch “đa dâm” thì con gái PhúYên “óng chề ” (nói lái lại là ế chồng) thôi. Đó là chuyện ông Tây viết hồi năm 1929 trong Bulletin des Amis de Vieux Huê năm thứ 16 số 4 Oct-Dec., 1929. Còn bây giờ ta thưởng thức ông Tây năm 2000 viết Tiếng Việt.

Các bạn vào blog của Joe chưa? Ông này người Canada có ý định sang Nam Hàn làm việc nhưng khi qua Việt Nam thì bị xứ này cột chưn. Blog của ông giới trẻ ngày nay mê đọc. Tôi chỉ trích một đoạn ngắn thôi nhé.  Đoạn entry September 21, 2006 Joe viết: “ta về ta tắm ao ta/dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Ngoài chuyện người Việt thích tắm, câu này thể hiện một cảm giác “yêu quê hương”…Joe lại viết: “Theo AND thì không có ai là người Canada 100%. Cũng như vậy, không ai là người Việt 100%. Nếu kiểm tra AND thì sẽ biết người Việt nào cũng có 1 chút máu Trung Quốc, hoặc Champa hoặc Thái, hoặc Mông Cổ, hoặc Muồng (-Đúng ra là Mường-)…ai cũng là “cơm thập cẩm” hết, không bao giờ có chuyện 100% đâu!...Từ đó có thể hiểu là những người mà bây giờ khuyên nên tắm “ao nhà” đều được sinh ra nhờ “một số người” trong” các cụ ngày xưa”-có lẽ trước đây rất lâu- đã tắm “ao ngoài.” “Ao ta” “ao ngoài”…dù sao quan trọng nhất vẫn là cái “duyên.” Ao ta ao ngoài, chuyện vặt thôi. Có người tắm ao ta rất hạnh phúc. Có người tắm ao ngoài rất hạnh phúc. Tóm lại tắm ao nào cũng được, miễn là không nhiều vi trùng!” 


Người ngoại quốc mà viết tiếng Việt như vây thì tuyệt cú mèo.  Bỡn cợt ẩn dụ thua gì nữ sĩ Hồ Xuân Hương: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn/Bảy nổi ba chìm với nước non/Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn/Mà em vẫn giữ tấm lòng son!” Thân phận cái bánh trôi nước qua quá trình nhào bột nắn ra thành bánh rồi thả vào nồi nấu cho đến lúc bẻ ra mà ăn vẫn giữ cái nhân màu đỏ, tấm lòng son!  Ví cái thân đó với thân phận cô gái sinh ra cốt để cho cánh đàn ông thưởng thức có gì khác đâu. Thơ đầy hình tượng chọc ghẹo cái Tâm đang ở yên trong lòng. Ví von thật tài tình. Toàn bài thơ chỉ có mấy chữ này nổi bật: “vừa trắng lại vừa tròn” , “rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn.” Các từ khác chỉ dùng để phụ họa cho chúng để làm nổi bật cái sự thực mà tác giả muốn ví von.  Chỉ có mười hai chữ thôi mà đầy hình ảnh gợi dục, chọc ghẹo, khuấy động cái Tâm. Cái bánh là toàn bộ phụ nữ mà cũng là từng phần hấp dẫn của phụ nữ. Nào là “bánh” ở trên mặt nè, ở ngực nè, ở mông nè và ở chỗ “ấy” nữa nè. Cái nào cũng vừa trắng lại vừa tròn hết! Thơm ngon hết. Chỗ nào cũng do tùy “tay người nặn” hết. “Tay” là tay mẹ cha. Mẹ cha tạo tác ra “em”, nặn ra “em.” Tay cũng là tay anh, người thụ hưởng. Người thụ hưởng những cái mẹ cha đã nặn ra để dành cho anh. Nhưng bất kỳ ở chỗ nào cái bánh vẫn giữ được tấm lòng son.  Giữ được tấm lòng son mà mẹ cha đã nặn ra hay không, không phải do tay người, mà do chính cái “bánh”. Chứ tay NGƯỜI thì không thể tin được bởi vì có lắm cái tay mà “bánh” chỉ có một thôi. Có lắm tay nên có tay quá phũ phàng cho nên bánh phải biết giữ “công cha mẹ sinh thành ra em”,  kẻo không sẽ tiếc! (Tiếc công cha mẹ sinh thành ra em). 

Khéo sanh những cái “lỗ” nhạy cảm để chữ nghĩa văn chương đem hình tượng âm thanh chui vào để mà kích động cái tâm! Đâu phải đọc là lúc nào cũng phải dùng lời để kích động cái tai? Văn chương chữ nghĩa còn đọc được bằng mắt cơ mà! Đọc bằng cái “lỗ” này mới phong phú chứ, giàu hình ảnh và gợi nhiều tưởng tượng. Thơ họ Hồ đọc bằng mắt mới thưởng thức hết cái hay của nó. Thơ của cụ Nguyễn Du thì đọc bằng cả hai: lỗ tai và lỗ mắt. Qua lỗ mắt để ta tưởng tượng, qua lỗ tai để nghe thế giới bên ngoài “gảy đàn” cho Tâm nó nghe. Cái thằng Tây mà cũng ví von được cái “ấy” với cái ao thường tình. Không biết Joe có tắm nhiều ao ngoài không? Ao ở đây có giống ao nhà của ông ở Vancouver Canada không nhỉ? Người ngoài hiểu tiếng Việt có khi hơn người Việt ta hiểu. Liệu các con của các bạn sống xa quê lâu ngày có thưởng thức được bài “bánh trôi nước” của Xuân Hương nữ sĩ không?
Huỳnh Bá Củng

No comments: