Friday, March 17, 2017

CÁCH LÀM THƠ, ĐỌC THƠ VÀ BÌNH PHẨM THƠ - BUỒN KHÔNG EM (Diệp Thế Hùng)





CÁCH LÀM THƠ, CÁCH ĐỌC THƠ
VÀ BÌNH PHẨM THƠ



Như các bạn biết, tôi rất thích văn chương nhưng kiến thức văn chương Việt Nam của tôi rất đơn giản, chỉ là những gì tôi đã học khi ở trung học.  

Tôi tự học cách làm thơ và cách bình phẩm thơ. Tôi muốn chia sẻ với các bạn chưa biết làm thơ, hay chỉ mới bắt đầu làm thơ, một vài kinh nghiệm cá nhân trong một bài viết ngắn này. Những yếu tố trình bày dưới đây có thể giúp các bạn đi xa hơn trên những chủ đề này.

Làm thơ hay thì không dễ dàng. Biết đọc thơ và thưởng thức thơ cũng không phải là dễ.  Làm thơ phải theo một số nguyên tắc, cũng như trong các sáng tạo nghệ thuật khác.  Đọc thơ cũng cần một hiểu biết để biết tại sao bài thơ này thì hay, bài thơ kia lại không hay.

Có người nói nếu đọc bài thơ mà thích, mặc dù không hiểu tại sao, thì bài thơ đó được coi là hay. Nhưng theo tôi nghĩ, cũng như khi xem tranh hay nghe nhạc, một hiểu biết sẽ giúp cho độc giả thưởng thức cái hay của một bài thơ một cách sâu đậm hơn.  Một khi biết tại sao một bài thơ là hay, thì việc bình phẩm thơ chỉ là giai đoạn tiếp theo mà độc giả sẽ làm một cách tự nhiên.
   
Để cho bài viết không dài, tôi trình bày luật làm thơ Lục Bát, Song Thất Lục Bát, hai thể thơ thuần túy Việt Nam, và thơ bảy chữ rất phổ thông ngày nay. Trong một bài sau, tôi sẽ giải thích thơ tám chữ, thơ Đường (thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú) và thơ tự do.  Tôi xin nói ngay là thơ tự do cũng có vài luật "chôn dấu" trong đó. Phải biết những bí mật ấy thì làm thơ tự do mới hay. 
Tôi sẽ dùng những bài thơ của tôi để trình bày luật thơ vì lý do đơn giản là tôi không phải đi tìm thơ của người khác.

A. THƠ LỤC BÁT: 
Nhiều người nói là thơ lục bát dễ làm. Đây là một nhận xét đúng. Bởi vì trong huyết quản của người Việt Nam, âm điệu (luật bằng trắc) đã có sẵng. Chỉ cần phải tìm vần mà thôi.
 
1. Luật bằng trắc: 
Trong trường hợp nghi ngờ về luật bằng trắc, đây là luật bằng trắc (Bằng là những chữ không dấu hay với dấu huyền, Trắc là những chữ với dấu sắc, dấu nặng, dấu hỏi, dấu ngã):
BBTTBB
BBTTBBTB
Những chữ thứ nhất, thứ ba, thứ năm và thứ bảy có thể thay thế được, thí dụ B bởi T và ngược lại.  Các bạn có thể kiểm soát luật bằng trắc trong hai câu sau đây
Thăm em bệnh viện chiều nay (BBTTBB)
Trời êm êm nắng hàng cây ngủ vùi (BBBTBBTB)

Các bạn thấy là chữ thứ ba của câu thứ hai đổi T ra B mà bài thơ vẫn giữ được âm điệu lục bát.

2. Vần:   
Lấy cái thí dụ này:
Thăm em bệnh viện chiều nay
Trời êm êm nắng hàng cây ngủ vùi
Nhìn em lòng những ngậm ngùi
Mắt sâu chôn kín niềm vui hôm nào.
Chữ thứ sáu của câu thứ hai phải hợp vần với chữ thứ sáu của câu thứ nhất ("cây" của câu thứ hai với "nay" của câu thứ nhất). Chữ thứ sáu của câu thứ ba phải hợp vần với chữ thứ tám của câu thứ hai ("ngùi" của câu thứ ba với "vui" của câu thứ hai), và cứ tiếp tục như thế.
Các bạn có thể kiểm soát luật bằng trắc và luật vần với Truyện Kiều, hay với những câu ca dao Việt Nam. Bây giờ, khi các bạn "ứng khẩu thành thơ" thì nhớ tìm vần cho hợp. Thơ sẽ hay hơn.

B. THƠ SONG THẤT LỤC BÁT:   
Thể thơ này âm điệu hay hơn thơ lục bát bởi vì cách đọc không đơn điệu: hai câu bảy chữ tiếp theo hai câu lục bát. Thí dụ:
Hồ Hoàn Kiếm
Hồ Hoàn Kiếm chiều nay gió lạnh
Mưa rơi rơi không tạnh từ lâu
Hàng cây liễu tựa ưu sầu
Cúi đầu trên nước đượm màu tương tư.
(DTH, 2010)
Luật bằng trắc hơi phức tạp cho hai câu bảy chữ vì có nhiều dạng khác nhau có thể chấp nhận được. Nếu có viết ra các bạn sẽ không ghi nhớ được. Cách tốt nhất hết là các bạn học thuộc lòng vài bài song thất lục bát và bắt chước âm điệu khi làm thơ.

Luật vần rất quan trọng (nhìn những chữ cùng màu trên đây): chữ thứ bảy của câu thứ nhất phải hợp với chữ thứ năm của câu thứ hai (lạnh và tạnh), chữ thứ bảy của câu thứ hai phải hợp với chữ thứ sáu của câu thứ ba (lâu và sầu), chữ thứ sáu của câu thứ ba phải hợp với chữ thứ sáu của câu thứ tư (sầu và màu).   Khi làm thơ song thất lục bát, các bạn phải chú ý là cách ngắt câu khi đọc rất là quan trọng ở hai câu đầu: đọc ba chữ, ngừng, đọc tiếp bốn chữ. Câu thứ hai cũng phải đọc như thế: ba chữ, ngừng, rồi bốn chữ. Nếu các bạn ngắt câu đầu ở chữ thứ ba, ngắt câu thứ hai ở chữ thứ tư, các bạn sẽ thấy là thơ đọc bị 'lủng củng' ngay và mất nhịp điệu.  Nếu bài thơ dài hơn bốn câu, thì chữ thứ tám của câu thứ tư phải hợp với chữ thứ năm của câu thứ năm, và tiếp tục như bốn câu đầu (nhìn những chữ cùng màu của đoạn thứ hai trong bài thơ sau đây). Các bạn có thể tìm ra những chữ có vần của những đoạn khác:

GIAN TRUÂN
Bài thơ làm tặng chị tôi Diệp Bích Hiền

Thuở nhỏ đọc Truyện Kiều cứ ngở
Đời Thúy Kiều gian khổ không vời
Chỉ là thơ truyện mà thôi
Làm gì mà có trong đời nhân gian

Tôi đâu biết gian nan bất định
Sẽ là đời của chính chị tôi
Chúng tôi là trẻ mồ côi
Nhưng đời của chị nỗi trôi gấp mười

Tuổi dậy thì một thời nhan sắc
Lấy người yêu cứ chắc trăm năm
Đâu ngờ chỉ có ba năm
Chồng yêu đã chết, hăm lăm tuổi đời

Con hai tuổi chưa rời chân mẹ
Đứa thứ hai chị đẻ tháng sau
Từ đây đời một chuổi sầu
Lo âu không biết về đâu cuộc đời

Chị làm việc để nuôi con dại
Giống Mẹ mình đã phải hy sinh
Rồi trong cuộc sống linh đinh
Tái hôn thất bại, một mình lẻ loi

Bao năm tháng chị tôi vẫn vững
Dù trong tâm chỉ những buồn đau
Bây giờ chị đã bạc đầu
Nhìn đời ngược lại bao sầu tuôn ra.

Diệp Thế Hùng (30/12/2016)

C. THƠ BẢY CHỮ:
Thơ bảy chữ rất là phổ thông, không thua thơ lục bát. Thơ bảy chữ bắt đầu từ thơ thất ngôn tứ tuyệt và thất ngôn bát cú, nhưng sau đó được Việt Nam hoá, và Pháp hoá trong cách lấy vần. Có ba loại vần:

1. Vần ABAB: chữ cuối của câu thứ ba phải cùng vần với chữ cuối của câu thứ nhất, chữ cuối của câu thứ tư phải cùng vần với chữ cuối của câu thứ hai. Thí dụ:
LÁ MÙA THU
Lá đỏ lá vàng soi mặt nước
Trời xanh vô tận gió hiu hiu
Ngày xưa hồ ấy ta cùng bước
Giờ thiếu người yêu, thiếu rất nhiều.
(DTH, Kyoto, 11/2013).

2. Vần AABB: chữ cuối của hai câu đầu phải hợp vần, chữ cuối của hai câu sau phải hợp vần, không liên hệ với hai câu đầu, vì thế rất dễ làm. Thí dụ:
Tôi đã chạy theo đời vội
Không nhìn, không thấy tháng ngày qua
Đã để con tim người yêu ấy
Trong tình không vẹn, ái không đầy.
(DTH, trích ĐỪNG VỘI VÃ)

Luật vần ABAB và AABB đến từ thơ của Pháp trong những năm 1930.

3. AABA: luật vần này đến từ thất ngôn tứ tuyệt, A và B không liên hệ. Thí dụ:

HỒ GƯƠM

Trời trở mưa dông động lá cành
Hồ Gươm chợt vắng khách du hành
Mưa rơi thánh thót trên hồ trắng
Vạn cổ trường sầu xâm chiếm anh.
(DTH, Hanoi 2012)

D. VÀI LỜI KHUYÊN ĐỂ LÀM THƠ HAY:

1. Các bạn nên tránh làm thơ dài quá. Thơ dài hơn 20 câu là thơ để kể chuyện. Thơ để diễn tả một xúc động thường là 8 hay 12 câu. Các bạn phải nhớ là thơ Haiku của Nhật có 3 câu tổng cộng 17 âm, thơ thất ngôn tứ tuyệt, thơ thất ngôn bát cú,... rất cô động và có một cấu trúc để dẫn độc giả đến điểm cực cùng của xúc động.

2. Các bạn nên tránh để xúc động trong mọi câu. Độc giả sẽ bị tràn ngập nhiều xúc động khác nhau, khi đọc bài thơ xong độc giả không biết cái xúc động nào là chính.   Cũng giống như thơ Đường hay thơ Haiku, những câu đầu là để dẫn độc giả vào một chủ đề, những câu tiếp theo dùng để tạo liên hệ của chủ đề với tác giả, và hai câu cuối thường là để diễn tả cái cực điểm của xúc động. Khi độc giả đọc xong bài thơ, hai câu cuối sẽ vương vất trong đầu của độc giả và kéo dài cảm xúc.

3. Ở một mức độ cao hơn, các bạn có thể thêm vần phụ ở giữa câu để nhấn mạnh âm điệu (melody). Thí dụ:

Giờ thiếu người yêu, thiếu rất nhiều.

Cái vần "iêu" được lập lại 4 lần trong câu trên.  Một thí dụ khác:

Tuy Hoà thương nhớ, Tuy Hoà ơi
Là chỗ tôi yêu thuở thiếu thời
Tôi nhớ rừng dương đầy cát trắng
Dọc bờ biển vắng, nắng chiều rơi
(DTH, trích Tuy Hòa Quê Cũ)

Các bạn thấy chữ trắng, vắngnắng ở hai câu cuối cho một âm điệu đặc biệt cho câu thơ.

4. Cách ngắt câu, nhất là trong thơ bảy chữ, phải cùng một kiểu: thí dụ đoạn thơ Tuy Hòa Quê Cũ trên đây, các bạn đọc bốn chữ rồi ngừng rồi đọc ba chữ, và mỗi câu phải đọc cùng một nhịp điệu. Bài thơ sẽ giống như một bài hát. Khi làm thơ, các bạn phải viết tất cả các câu với cùng một cách ngắt câu, thí dụ bốn chữ rồi ba chữ. Cái nhịp điệu của thơ sẽ thay đổi khi các bạn viết theo kiểu ba chữ, ngừng, rồi bốn chữ. Khi đọc bài thơ BUỒN KHÔNG EM dưới đây với cách ngắt câu ba-bốn, thay vì bốn-ba, các bạn sẽ thấy cái nhịp điệu (tempo) thay đổi ngay.

5. Ý thơ: nhiều độc giả sau khi đọc một bài thơ hay thì nói "thơ có hồn".  Để cho "hồn" vào một bài thơ, tác giả phải có một cảm hứng rõ rệt trước khi viết thơ. Làm thơ cũng như viết văn, vẽ tranh, ... tác giả phải "thấy rõ" cái cảm xúc mà mình muốn chia sẻ. Chỉ một ý thơ là đủ, không trộn lẫn những cảm xúc khác nhau trong cùng một bài thơ.
Tôi chắc chắn là khi đọc xong bài viết ngắn này, các bạn sẽ đọc thơ với một cái nhìn khác, và thưởng thức một cách sâu đậm những bài thơ hay.

Các bạn đã mệt? Tôi xin chia sẻ bài thơ dưới đây, nhịp điệu ba-bốn và vần ABAB



BUỒN KHÔNG EM

Buồn không em, chiều như chiều nay
Mà yêu thương chất ngất trong hồn
Em trời đông, còn anh trời tây
Nỗi nhớ nhung như sóng dập dồn 

Buồn không em, chiều như chiều nay
Nhớ không em, xa vắng lúc này
Dường như em còn trong vòng tay
Ngày tháng qua nỗi nhớ dâng đầy

Buồn không em, chiều như chiều nay
Lòng bỗng nhiên hoang vắng cực cùng
Trời bên em còn mưa bay bay?
Anh gởi em thương nhớ chập chùng.
Diệp Thế Hùng.
 






No comments: