Friday, March 10, 2017

TỰ TÌNH (Huỳnh Bá Củng)

Bài giới thiệu của Phạm Đức Hiền

Quý anh chị thân mến,
Trước khi đọc “Lời Giới Thiệu” của anh Huỳnh Bá Củng, tức “Thầy” Huỳnh Bá Củng (thầy dậy học, chứ không phải “thầy tu Phật Giáo”, như anh khiếu nại khi tôi gọi anh là “sư huynh”, làm nhiều người lầm tưởng anh là “frère”: thầy tu Công Giáo), tôi xin được giới thiệu vài nét về anh:
Anh Huỳnh Bá Củng học cùng lớp với anh cả của tôi (Phạm Đức Long, nay là mục sư) và chị dâu tôi là Lê Thị Ngọc Mai (tiệm gạo Đức Thịnh),  nên hơn tôi 3 lớp; vì vậy, tôi gọi anh là “sư huynh”, hoặc nếu ai dưới lớp mà hay xem phim Đại Hàn thì có thể gọi là “học trưởng”; còn những ai là học trò của anh thì phải gọi là “thầy”, hay “giáo sư”, cho oai!

Ở thời đại chúng tôi, không ai biết đích xác tuổi thật của mình;  ngay cả tôi cũng vậy;  khi di cư vào Nam, bố mẹ chúng tôi phải làm “chứng chỉ thế vì khai sanh” và theo giấy tờ thì tôi sinh 1945.

Khi đến Tuy Hòa năm 1957,  lẽ ra tôi phải học “đệ thất”, nhưng vì giữa năm học, tôi không được vào Nguyễn Huệ, mà phải học ở Trường Nam Tiểu Học.  Nhưng khổ nỗi, “lớp nhất” cũng hết chỗ, và tôi được “thăng” lên “lớp nhì” của cô “Công Tằng Tôn Nữ Thanh Thị Xuân Kiều” để học chung với những người lớn tuổi hơn tôi nhiều, như Lê Văn Thiệt,  Nguyễn Văn Thành, Phạm Hồng Ân, Hà Văn Nết..., trong đó có người đã có...zợ rầu; nên, nếu không “xui xẻo”, mà “suôn sẻ”, biết đâu tôi chỉ thua anh 1 lớp.

Hơi lạc đề một chút, nhưng hy vọng là “một mảng lịch sử cho “sử gia” Huỳnh Bá Củng, một người tôi rất ngưỡng mộ, nên gọi là “sư huynh”. 

Ở Phú Yên mình có 2 tên không thể lạc đi đâu được: đó là Lương Lệ Huyền Chiêu và Huỳnh Bá Củng; không tin, quý anh chị “google”: luong le huyen chieu, hoặc huynh ba cung là tìm được ngay nàng và chàng (hai “ngừ” này hổng có liên hệ gì cả). 

Để trở lại với chiện dài “Huỳnh Bá Củng”, xin được thưa rằng:
Qua bài giới thiệu “Nhà Ông Tám”, Thukỳ, có lẽ vì còn trẻ, không biết anh Huỳnh Bá Cũng,  đã viết một vài chi tiết không được rõ ràng,  nên anh có bổ sung và “nhờ” cổ giới thiệu thêm một bài mới.

Nhưng khổ nỗi, cái bài mới này quá... “mới”, nên cổ... “chới zới” liền bán cái sang cho tôi, và tôi phải “ra tay cứu mỹ nhân”; and:
-        Here we go! “Đi đâu lanh quanh cho đời mỏi mệt”, mời quý anh chị cùng đọc lời “Tự Tình” của “Ông Tám” Huỳnh Bá Củng:

Lời giới thiệu: Tôi có một blog tên là “Nha Ong Tam” và một trang Facebook tên là “CungHuynhBa”;  vì vậy, có nhiều người biết đến tôi.  Biết chẳng qua là qua các bài viết nên chân thân không đúng lắm. Xin tự giới thiệu. Tôi xuất thân từ nhà giáo, tốt nghiệp Đại Học Khoa Học và Sư Phạm Sài Gòn, môn “Vạn Vật”.  Có vài năm học ở Trường Bồ Đề TH, và sau đó học trường Nguyễn Huệ thuộc khóa 1956-1962.  Nhà tôi lại là cựu giáo sinh sư phạm Qui Nhơn. Vì thế nên có bài viết liên quan đến 3 trường này.

Vì thuộc cựu học sinh các khóa đầu tiên và về dạy tại trường Nguyễn Huệ nên bạn Phạm Đức Hiền có nhã ý gọi là “sư huynh”, bậc “đàn anh” dạy ở trường NH. Danh xưng này làm có người lầm là Freres (sư huynh) là linh mục chuyên ngành đi dạy của dòng La San.  Xin đính chính.

Sau đây, xin giới thiệu bài “Tự Tình” để biết thêm nhân thân của tôi:

TỰ TÌNH.
Tôi, có cha có mẹ, sinh ra trên mảnh đất có tổ tiên bao đời ở trên đó. Tức tôi có một đất nước được lịch sử viết ra hình hài cụ thể cho nó.  Cha mẹ cho ăn học, thầy cô giáo truyền thụ kiến thức cho tôi, và sau đó tôi truyền thụ lại cho sắp nhỏ.  Nghề của tôi là nghề dạy môn Vạn Vật chứa đựng kiến thức về trái địa cầu và cây cỏ, con vật sống trên đó.   Thầy giáo truyền thụ cho tôi phương pháp tri thức khách quan của khoa học.  Chẳng bao lâu thì tôi chẳng được đi dạy học nữa, nên mượn nghiên cứu thơ văn sử học để làm vui:
Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp,
Vui thú yên hà mặt tỉnh say.
(Than Nghèo-Nguyễn Công Trứ)
Không đậu đạt để được ra làm quan, Nguyễn Công Trứ than thở.  Không được đi dạy, tôi không than, kiếm chuyện khác để mà khuây khỏa.  Nhờ trời thời đó giáo dục truyền thụ kiến thức không chủ quan và không phiến diện.  Dân khoa học như chúng tôi cũng biết được chút ít văn chương và lịch sử.  Quen thói khách quan của khoa học, đem phương pháp tri thức kiểu này bàn chuyện lịch sử có khi vì “ngứa ngáy” miệng mồm mà vạ vào thân.   Phát ngôn kiểu đó sẽ đụng chạm đến nhiều người.  Phật dạy cái miệng sinh ra khẩu nghiệp.  Nên xa nơi tán gẫu. Nay xin vâng.

Trở lại nghiên cứu văn chương để mua vui, mời các bạn vào xem bài “DÀY DÀY SẴN ĐÚC MỘT TÒA THIÊN NHIÊN (Sex Xưa-Sex Nay) (Đèo Ba Dội và Thiếu Nữ Ngủ Ngày).

PS: Lẽ ra đến đây phải tạm chấm dứt, vì theo “nội lệ” của CVNN, chúng tôi không được phổ biến những hình ảnh “hở hang”; nhưng tôn trọng sự “ủy thác” của tác giả, chúng tôi đành phải “sao y bản chánh”, nên xin quý độc giả hãy “ký tên” xác nhận và cam kết:

  1. Đã trên 18 tuổi. 
  2. Tình nguyện xem link có nội dung và hình ảnh không thích hợp,
  3. Xem xong không khiếu nại.
  4. Nếu đồng ý, xin ấm vào:

Thành thật cám ơn và trân trọng giới thiệu,
San Jose Mar 8, 2017,
Phạm Đức Hiền
 (Xin bấm vào “Newer Posts” hoặc “Older Posts” ở dưới để đọc những bài trước hoặc sau).

No comments: