Friday, March 24, 2017

THƠ TÁM CHỮ - THỜI GIAN LIM CHẾT (Diệp Thế Hùng)





THƠ TÁM CHỮ

Đây là thể thơ rất phổ thông vì khá dễ làm. Thể thơ này xuất hiện trong những năm 1930 với những thi sĩ của "Phong Trào Thơ Mới". Bài thơ tám chữ nổi tiếng nhất mà tôi rất thích là bài "Hổ Nhớ Rừng" của Thế Lữ. Nhưng trong bài này, Thế Lữ thay đổi thể thơ nhiều chỗ, nhiều khi lấy cả thể tự do. 

Thơ tám chữ dễ làm vì mỗi câu đủ dài để có thể diễn tả được một ý mà không bị hạn chế vì số chữ.  Luật bằng trắc cũng dễ dàng vì số chữ nhiều hơn những thể thơ khác.  Tôi không muốn viết ra đây luật bằng trắc vì không ai có thể nhớ được. Tôi chỉ khuyên các bạn là khi làm thơ, bất cứ thể thơ gì, cũng phải kiểm soát âm điệu trên bốn câu, vì âm điệu là từ bốn câu, không phải một câu. 

Về luật vần, có hai cách thông dụng (thi sĩ có thể biến hóa qua nhiều cách khác, ít thông dụng hơn):

1. Cách thứ nhất: cái truyền vần từ câu này qua câu khác chỉ giới hạn ở hai câu: câu thứ nhất tự do, câu thứ hai và thứ ba cùng vần AA, câu thứ tư và thứ năm cùng vần BB, câu thứ sáu và thứ bảy cùng vần CC, ... Những vần A, B, C, ... không liên hệ với nhau:

1 2 3 4 5 6 7 8
1 2 3 4 5 6 7 A
1 2 3 4 5 6 7 A
1 2 3 4 5 6 7 B
1 2 3 4 5 6 7 B
1 2 3 4 5 6 7 C
1 2 3 4 5 6 7 C
....

Thí dụ:

Anh sợ lắm

Em hỏi anh có yêu trường Nguyễn Huệ
Sao không về thăm lại mái trường xưa ?
Trường vẫn đây dù trời nắng hay mưa,
Trường vẫn đó chờ anh từ dạo ấy.
Em hỏi thật có bao giờ anh thấy
Lòng bâng khuâng dù chỉ một lần thôi
Buồn mênh mang nhìn ngày tháng êm trôi
Và nhung nhớ và tiếc thương trường ?
Anh sợ lắm, sợ trong từng giấc ngủ
Sợ khi về không thấy mái trường yêu
Rồi lang thang, thất vọng biết bao nhiêu
Như Từ Thức không tìm ra làng cũ.
(DTH, 10/2016)

2. Cách thứ hai: Chữ cuối của câu thứ nhất cùng vần với chữ thứ năm của câu thứ hai, chữ thứ tám của câu thứ hai cùng vần với chữ thứ tám của câu thứ ba, chữ thứ tám của câu thứ ba cùng vần với chữ thứ năm của câu thứ tư,  ...

1 2 3 4 5 6 7 A
1 2 3 4 A 6 7 B
1 2 3 4 5 6 7 B
1 2 3 4 B 6 7 C
1 2 3 4 5 6 7 C
1 2 3 4 C 6 7 D
....
So với luật vần thứ nhất, luật vần này khó hơn vì phải truyền vần trên ba câu  (nhìn vần B và vần C trên đây), thay vì hai câu nhưng trong luật thứ nhất.  Thí dụ:

Thôi anh hứa sẽ làm thơ kiêu hãnh
Ngập tình yêu xa lánh mọi buồn phiền
Vần thơ hồng tựa ánh sáng thần tiên
Đưa em đến cõi thiên đường ân ái
(DTH, trích TRÁCH MÓC)

Rất nhiều bạn làm thơ tám chữ với âm điệu hay vì luật bằng trắc đúng, nhưng không đúng vần.   Tôi làm thơ, tôi biết là luật vần sẽ giới hạn ý thơ, nhưng có nhiều khi tìm ra một chữ hợp vần đưa tôi đến một ý thơ mới mà tôi không nghĩ đến.  

Hôm nay tôi chia sẻ với các bạn bài tám chữ dưới đây làm với luật vần thứ nhất AABBCC.... 





THỜI GIAN LỊM CHẾT 
Xin em hiểu muôn mộng tình khép kín
Vạn nồng nàn câm nín của lòng anh
Dù những khi nhìn ánh mắt long lanh
Anh rạo rực nhưng anh vờ băng giá
Vì anh biết tình em như biển cả
Em thơ ngây em mơ mộng ngàn cao
Dù yêu em lòng gợn sóng lao xao
Anh sẽ để cho thời gian lịm chết
Bởi tình ái như khói mờ tụ kết
Và yêu đương như nhịp điệu cây rừng
Hãy lắng tai nghe im lặng tưng bừng
Hãy nín thở nhìn khói tình vương vất
Đừng chạm mạnh khói tan tình vụt mất
Đừng nói gì để thấy nhịp con tim
Rồi ngày sau trong mù mịt kiếm tìm
Em sẽ gặp êm êm vùng kỷ niệm.

Diệp Thế Hùng



No comments: