Wednesday, March 29, 2017

CHIA TAY BẠN HIỀN (Thầy Trần Công Tín)



5g30 sáng 20-3-2017
Lớp ĐHSP Việt Hán khóa 63-67 của tôi, đầu vào là 18, ở lại 5, chết:
  • vì đuối nước (bạn Trần Đình Vỹ năm 1966),
  • vì tai nạn giao thông (bạn Phạm Sửu, năm 1972 trên đường từ Quảng Trị về Huế),
  • vì lao lực (bạn Nguyễn Văn Tư năm 1981),
  •  vì bệnh (bạn Huỳnh văn Châm, 1985), 
  • vì bệnh (bạn Huỳnh Đức Phương, 2007).
Hiện giờ còn 8 người:
  • 1 ở Mỹ (Trần Thị Phước Định),
  • 2 ở Saigon (Trần Duy Phiên và Tiêu Dao Bảo Cự),
  • 4 ở Đà Nẵng (Phan Anh Tài, Hoàng Sơn Phụng, Lưu Đức Tuấn Anh, Nguyễn Thị Hường), và
  • 1 ở Huế (Trần Công Tín).

GS Trần Công Tín- TS Ngô Thời Đôn (đứng) - GS Nguyễn Văn Dũng


Trong 9 người đó thì chỉ có Trần Duy Phiên là thường xuyên gặp gỡ tôi vì mỗi năm anh ra Huế ít nhất vài lần (con anh là bác sĩ Trần Thừa Nguyên, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế) còn Bảo Cự thì cách đây 12 năm có gặp 1 lần vài tiếng ở Huế mà thôi.  Sau đó nhờ bạn Cự khuyến khích, động viên  nên tôi mới học vi tính (năm 2012)và bước vào thế giới văn minh tiến bộ.

Nói về nếp sống, quan điểm thì tôi và Bảo Cự +Trần Duy Phiên khác hẳn nhau.  Một bên thì sôi nổi, muốn dời non lấp biển, tham gia các công việc xã hội, mộng ước cao xa.  Một bên thì phi chính trị chỉ muốn làm 1 trò ngoan, chăm chỉ, rồi 1thầy giáo có lương tâm, tận tụy với công việc, soạn bài đầy đủ chăm lo thương yêu học sinh (chừng đó và chỉ chừng đó thôi). Vậy mà than ôi! Nào đâu có được??? Số mệnh trớ trêu, tai ương giáng xuống đễn nỗi ước mong đơn sơ, giản dị đó mà cũng phải từ bỏ khi tuổi đời vừa tròn 30…Thật ngậm ngùi biết bao !!!
từ trái sang GS. Trần Văn Phương- GS. Hồ Xuân Tám - nhà văn Trần Ngọc Cư (Ở Mỹ)- nhạc sĩ Nguyễ Đình Niêm- GS Cao Hữu Điền-  GS. Trần Công Tín &GS. Nguyễn Thị Như Mai.(Hàng ngồi) người đẹp áo dài Nguyễn Thị Minh Minh- GS. Nguyễn Tư Triết (chồng Minh Minh) - nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự.

Còn về tài năng thì tuy là cử nhân văn khoa, nhưng 1 bên thì tài hoa, phóng   túng, sáng tạo…còn 1 bên thì đọc hết sách này đến sách khác, nghiên cứu nghiêm túc, trong vòng chừng mực.  Bởi thế những nhà văn như Bùi Giáng,Tam Ích, Phạm công Thiện…mặc dầu phải đọc cho biết với thiên hạ nhưng tôi đâu có thích? Quan điểm văn học, sử học thì chỉ tôn trọng Dương Quảng Hàm, Phạm Thế Ngũ, Trần Trọng Kim…Thế thôi…Lý tưởng nhắm đến là học giả  Nguyễn Văn Tố, và Nguyễn Hiến Lê.

Bạn thân Nguyễn Thị Tuyết Lộc trong 1 bài hồi ký về thuở xa xưa đã nhận xét về tôi rất chính xác: ………………………


Xét về mặt học hành, Tín chẳng thua ai. Từ giã trường Jeanne d’Arc, Tín tiếp tục học lớp 9è, 8è, 7è (tức lớp ba, lớp bốn, lớp năm bây giờ) ở trường tư thục Providence, đến trung học đệ nhất cấp thi vào trường công Nguyễn Tri Phương rồi lên đệ nhị cấp Quốc học, tháng nào cũng có bảng danh dự, năm nào Tín cũng “ôm” phần thưởng đầy ắp sách vở không nhất, nhì thì cũng hạng ba.

GS. Trần Công Tín - nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự- nhà văn Trần Duy Phiên
Tín kể: “Lúc học ở Providence vui nhất là hàng tháng được cha hiệu trưởng Viry cao tới hai mét người Pháp, rất nghiêm khắc, khi phát bằng khen, cha thấy mình quá nhỏ bé nên bưng bổng, bồng nổi mình đưa lên cao cho bạn bè thấy và cười thật vui vẻ.”

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 67, Tín học thêm Cử nhân văn khoa, có thư khen thành tích học tập của Khoa trưởng Sư phạm Huế, rồi song song với việc giảng dạy tại trường trung học đệ nhị cấp Nguyễn Huệ - Tuy Hòa, Tín ghi danh học cao học Văn khoa Sài gòn năm 67 dưới sự hướng dẫn làm tiểu luận của giáo sư Nghiêm Toản, nhưng phải qua sự sát hạch và phê chuẩn của giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch.
………………………..

Tín là người rất ham học, không chính kiến, không tham vọng quyền lực, trong con mắt bè bạn hiểu rõ Tín, thấy ước mơ lớn nhất, duy nhất mới tử tế khiêm tốn làm sao là được đi dạy để sử dụng kiến thức bao nhiêu năm “dùi mài kinh sử” của mình và cũng vì thương nhớ trường cũ cùng các em học sinh.  So sánh nào cũng khập khiễng, nhưng nhớ tới hoàn cảnh tai bay vạ gió, hàm chuẩn úy không xin mà vẫn phải nhận và giấc mơ khắc khoải được đứng lớp mà bị từ chối.

Chưa dừng lại đó, hình như tất cả bất hạnh đều dành cho Tín, bạn hiền của tôi.  Năm 2013 Tín phát hiện bị K đại tràng, di căn gan, có hạch trong bụng, tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc. Nằm viện 11 tháng, phẫu thuật 3 lần, hóa trị 6 đợt, uống Xeloda 5 đợt, mang hậu môn giả bên hông, thể xác vô cùng đau đớn, tinh thần lại hoang mang bấn loạn, hằng ngày “nhá” điện thoại cho bạn bè trong ngoài nước, hay học trò cũ vì sợ điện thoại hết tiền không mua kịp, rồi chờ họ trả lời, mong được nghe những lời an ủi để nghĩ là mình đang sống, đang hít thở và còn sự thương yêu quan tâm giữa con người với con người... Trong thời gian đi dạy được học trò yêu mến, khi đau ốm được bạn bè ân cần thăm hỏi hỗ trợ tiền bạc và tinh thần, vợ con hết lòng chăm sóc chu đáo, có lẽ Tín được trời Phật phù hộ và nhất là được bác sĩ, y tá khoa ung bướu ở bệnh viện Huế tận tình cứu chữa nên đẩy lùi được căn bệnh hiểm nghèo.

Hai bên đều khác biệt nhưng vẫn thương yêu, thăm hỏi, ân cần với nhau và không đề cập đến chính trị, thời cuộc (ngay cả giai đoạn 63-66 là quãng thời gian sôi động nhất).

Cách đây hơn 3 tuần, nhân Đại học Huế kỷ niêm 60 năm thành lập, tôi muốn làm dịp cầu kết nối các bạn cựu sinh viên.  Dù nỗ lực hết sức nhưng chẳng thành công là bao, chỉ mình Bảo Cự và Trần Duy Phiên là đáp ừng vì tôi đã điện thoại, email, lên FB để thúc giục.  Rồi tôi lại liên lạc với Khoa để họ gởi giấy mời+scan trên vi tính để gởi qua email. Công phu như vậy,  Bảo Cự mới cho tin: Chiều 16 có mặt nhưng sáng 20 phải vào vì nặng gánh gia đình, cháu nội.  Còn Trần Duy Phiên thì ở lâu.

Được tin tôi rất mừng và nôn nao đến ngày đó để  gặp Bảo Cự (còn Phiên thì gặp luôn rồi).

Suốt ba ngày ở Huế, ngày nào chúng tôi cũng quyến luyến bên nhau (biết tánh nhau nên chỉ đề cập đến văn chương, tình cảm, kỉ niệm, ân tình chứ không chính trị ..).
-Sáng 17: Gặp nhau ở trường và đi tìm kỷ niệm xưa (8g-11g).
-Chiếu 17 (từ 14g-19g): đự Lế kỷ niệm tại Giảng đường1 và liên hoan ở Khách sạn Hương Giang.
-Chiều 18(17g-20g); Dùng cơm tại DMZ. cùng với Trần Văn Phương.
-Sáng 19(7g-9g): Dùng điểm tâm sáng và uống cà phê tại phố đi bộ.
-Chiều 19(17g-20g); Anh Nguyễn văn Dũng mời cơm tại nhà.

Lần nào cũng chuyện trò rôm rã, thân thương …
Nhưng rồi …ngày vui qua mau …

Sáng 20 bạn Bảo Cự phải đáp máy bay vào Saigon.
5g30 sáng tôi đến nhà Bs Trần Thừa Nguyên để đưa tiễn, ngậm ngùi ôm bạn và dặn dò: 5 năm nữa nếu chúng mình còn sống thì nhớ ra nghe! Bạn cảm động lắm và ôm lấy tôi trìu mến.

Nhìn chiếc xe lăn bánh, tôi ngâm hai câu thơ của Lý Bạch:
Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.

(Bóng buồm chìm lẫn trong trời biếc
Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy mau).
Trần Trọng San dịch.
Và cất bước ra về long trĩu nặng u buồn….

Huế ngày 20-3 2017
Trần Công Tín  (ĐHSP 63-67).

No comments: