Friday, March 3, 2017

THƠ MỚI VÀ THƠ CŨ- DỞ DANG (Diệp Thế Hùng)




Hai thể thơ thuần túy Việt Nam là thơ Lục Bát và thơ Song Thất Lục Bát. Những thể thơ khác dùng trong thơ Việt Nam đã đến từ thơ Đường. Trong mười thế kỷ, sau Hai Bà Trưng (năm 43) cho đến lúc Ngô Quyền dành được độc lập năm 939, Việt Nam không có sách lịch sử. Chữ nôm được tạo ra trong thế kỷ thứ mười. Ca dao là một thể thơ bình dân rất là phổ thông vì thời ấy, ít người được đi học chữ Nho.

Từ thế kỷ 10 đến giữa thế kỷ19, văn chương Việt Nam vừa dùng chữ Nho vừa dùng chữ nôm. Tiếc là rất ít tác phẩm được lưu lại và bảo tồn. Chúng ta chỉ biết văn chương Việt Nam từ thế kỷ 18 với «Truyện Kiều » của NGUYỄN DU (1765-1820), thơ của HỒ XUÂN HƯƠNG (1772-1822), thơ của NGUYỄN CÔNG TRỨ (1778 –1858), ... và những nhà thơ từ cuối thế kỷ 19.

Chữ quốc ngữ đã được giáo sĩ Alexandre de Rhodes tạo ra từ những chữ cái latin theo phát âm của tiếng nói Việt Nam năm 1651. Nhưng phải đợi đến giữa thế kỷ 19 thì cách viết chữ quốc ngữ được phổ biến rộng rãi. Văn sĩ và thi sĩ bắt đầu dùng chữ quốc ngữ để viết thơ văn. Bắt đầu giữa thế kỷ 19, Pétrus Trương Vĩnh Ký đã viết lại hầu hết những tác phẩm văn chương từ chữ nôm ra chữ quốc ngữ, như Truyện Kiều, thơ của Nguyễn Công Trứ và thơ của Hồ Xuân Hương. Chữ quốc ngữ đã thành "quốc ngữ" thật sự năm 1920, được xử dụng trong hành chánh và ở trường học.

Từ thời kỳ của nhà thơ Tản Đà (1889-1939), thể thơ mới bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Nhưng chúng ta phải đợi đến Phong Trào Thơ Mới trong thập niên 1930 thì thơ mới mới trở thành phổ thông và đa dạng. Trong những thế kỷ 17, 18 và 19, cho đến đầu thể kỷ 20, trừ Bà Hồ Xuân Hương, thi sĩ Việt Nam dùng thơ để truyền đạo đức, truyền cách sống, bày tỏ triết lý và những quan sát về ý nghĩa của cuộc đời. Trong những năm 1930, nhiều tranh luận đã xảy ra giữa hai khuynh hướng thơ cũ và thơ mới. Thơ mới bị ảnh hưởng của thơ Pháp vì hầu hết các thi sĩ của Phong Trào Thơ Mới đã học ở trường Pháp, biết nhiều về văn hóa Pháp. Chúng ta phải biết là thơ Pháp ở thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 rất là lãng mạn. Thơ mới Việt Nam không thoát khỏi cái ảnh hưởng ấy. Thi sĩ Việt Nam bắt đầu viết thơ để nói lên những tình cảm cá nhân, những xúc động của tình yêu, những cảm động mà thơ cũ không bao giờ viết đến. Thơ mới không những đã mang đến một nội dung khác, rất tình cảm, mà cũng đã mang lại các thể thơ mới rất phong phú. Thơ tám chữ, thơ thể tự do, ... bắt đầu xuất hiện trong những năm 1930. Chưa bao giờ Việt Nam có một thế hệ có rất nhiều thi sĩ đa tài như trong những năm 1930. Các bạn hãy đọc quyển sách "Thi Nhân Việt Nam" của Hoài Thanh và Hoài Chân thì sẽ thấy sự phong phú ấy.

Tôi được may mắn là trong giai đoạn của tuổi thích đọc thơ và viết thơ (13-17 tuổi), thơ mới được dạy ở trung học cùng với Truyện Kiều và những nhà thơ cũ khác như Nguyễn Công Trứ, Bà Huyện Thanh Quan, ... Suốt thời gian trung học, tôi chìm đắm trong vũ trụ của Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, ... Đọc thơ và tập làm thơ là những việc thích thú nhất, bên cạnh những thích thú khác của tôi.

Hơn 45 năm sống ở nước ngoài, hành trang văn hóa Việt Nam của tôi là những gì tôi đã học thời ấy. Tôi vẫn làm thơ tiếng Việt, mặc dù không đọc tiếng Việt (thiếu thì giờ), không dùng tiếng Việt trong gia đình và trong việc làm. Tôi tự hào là tôi vẫn viết tiếng Việt và vẫn không mất khả năng làm thơ.

Hôm nay tôi xin chia sẻ với các bạn một bài thơ viết cho một mối tình xưa.

Diệp Thế Hùng.







(Xin bấm vào “Newer Posts” hoặc “Older Posts” ở dưới để đọc những bài trước hoặc sau).

No comments: