Friday, March 17, 2017

NHỚ BIỂN (Quang Đặng)



Lời giới thiệu của Phạm Đức Hiền
Lần đầu tiên tôi gặp Quang Đặng khi cô nàng đến San Jose vào giữa năm 2015, là lúc có cả Thầy Nguyễn Đức Giang và Nguyễn Đình Chiến cũng viếng thăm Thung Lũng Hoa Vàng (xin xem “THẦYGIANG”).

Trước đó, tôi được hân hạnh biết cô qua “Áo Dài Ơi” và “Hành Trình Yêu Thương” trên diễn đàn “Cựu Học Sinh Phú Yên”, từng được nhiều độc giả mến m.

Ngoài chiếc áo dài Việt Nam mà QĐ rất chân quý (xin mời ngắm những tà áo dài trên Facebook QĐ), chúng ta biết cô, không những là người quan tâm đến trường cũ và thầy trò xưa như bài "Hành Trình Yêu Thương" nói trên, mà còn lo âu cho những vùng biển của quê hương và thế giới:
“Tôi không nhớ đã đi qua bao nhiêu biển trong các cuộc hành trình của mình. Gần như biển quê nhà, xa tít tắp như biển bên kia nửa vòng trái đất. Thoạt nhìn mỗi biển khác nhau nhưng tựu chung vẫn mang dáng dấp muôn đời của biển: phẳng lặng khi trời êm, thét gào khi bão tố.”

Đó là tâm sự của Quang Đặng trong bài "Nhớ Biển" đặc biệt tặng cho CVNN và những ai yêu biển.
Thân ái giới thiệu,
Phạm Đức Hiền
Có người từ lâu nhớ thương biển…*

Một người quen tỏ ra xúc động khi đọc đoạn văn tôi tả về vùng biển quê anh. Tôi biết anh xúc động không phải vì đoạn văn hay, dở, mà vì nó khơi lại nỗi nhớ trong anh. Đó mới chỉ là những nét chấm phá về làng chài nhỏ bé ấy, tôi quên chưa nói về những hàng rào bằng đá ong vây quanh các ngôi nhà như trong chuyện cổ tích. Về những cồn cát cao, rát bỏng chân nối liền giữa hai thôn. Về cái dáng liêu xiêu đặc trưng của những người phụ nữ vùng biển khi đi trên cát… nếu nói hết, tôi e rằng anh sẽ phải khóc mất! Nhưng sinh ra và lớn lên ở vùng biển như anh đã đành, có người chỉ ở ven biển như tôi mà cũng ôm bao thương nhớ.

Biển Tuy Hòa
Khách quan mà nói, biển Tuy Hòa không được đẹp cho lắm. Lúc nào cũng thấy hoang vắng, buồn buồn thế nào! Lý do ngoài khơi không có đảo chắn, rừng dương thì lô xô nghiêng ngả, bãi cát ít bằng phẳng, chỗ sụt, chỗ trồi vì những cơn bão hàng năm. Thế nhưng, đem mọi thứ khiếm khuyết ấy cộng lại là tuổi thơ tuyệt vời của tôi.  Là những ngày hè cơm vắt, muối mè, sườn ram, cả nhà chất nhau trên chiếc xích lô xuống biển.  Là mấy chiếc xe đạp quăng vội trên bãi cát của đám học trò con gái đen nhẻm thi nhau nhảy ùm xuống biển.  Là mối tình đầu với nụ hôn vụng dại trao cho ai đó khi trăng từ từ ló dạng giữa biển khơi.  Nhưng không phải chỉ riêng tôi, “lên núi, xuống biển” còn là cụm từ quen thuộc của bất cứ đứa trẻ nào trạc tuổi tôi ở Tuy Hòa ngày ấy.

Vũng Rô
Bây giờ các bạn trẻ Tuy Hòa có thể đi đến bất cứ nơi nào mình thích, nhưng trong thời chiến tranh, núi Nhạn và biển Tuy Hòa là hai điểm du lịch rẻ tiền và an toàn nhất của chúng tôi.  Vui nhất là sáng mồng một Tết, những chiếc xe lam chở đầy con nít ăn mặc xanh, đỏ, tím, vàng chạy ngược xuôi trên đường Trần Hưng Đạo.  Có gì đâu ngoài biển hoang vắng và núi Nhạn chơ vơ.  Ấy vậy cái thời vui như Tết đó lại khiến nhiều người rưng rưng khi nghĩ về.  Bản thân tôi trên những chuyến bay Sài Gòn – Tuy Hòa, tim nhói lên mỗi khi máy bay đánh vòng ra biển trước khi hạ cánh xuống phi trường Đông Tác.  Một thứ cảm giác lẫn lộn giữa lo sợ và vui mừng. Sợ vì biển quá mênh mông, vui khi thấy biển là thấy quê nhà, dù quê còn mà nhà chỉ trong tâm tưởng.  Hay mỗi lần ngồi trong những chuyến tàu lửa ra miền Trung, lòng rộn rã khi thấy biển Vũng Rô thoắt ẩn, thoát hiện giữa rừng già đèo Cả: một tiếng, không nửa tiếng thôi sẽ về đến Tuy Hòa.  Tôi không nhớ đã mang theo những gì khi rời khỏi Tuy Hòa, duy ký ức về biển lúc nào cũng ngồn ngộn trong tôi.

Gành Đá Đĩa
Sau này tôi có dịp đến những vùng biển khác của Phú Yên. Không như biển Tuy Hòa, biển Sông Cầu, Gành Đá Đĩa, Bãi Môn, Bãi Xép, Yến…rất đẹp.  Các tay đua xe đạp đường dài Bắc – Nam thường ca ngợi cung đường Qui Nhơn – Phú Yên đoạn qua Vũng Lắm đẹp nhất miền Trung.  Quả thật không thể làm ngơ trước khung cảnh một bên núi, một bên hàng dừa ngã mình trên cát trắng vươn tận tới biển xanh. Tôi cũng từng đi dạy ở Long Thủy, An Chấn, Tuy An một thời gian.  Đó là làng chài lãng mạn nhất đến giờ tôi từng biết.  Từ trên quốc lộ 1A nhìn xuống không ai nghĩ phía sau con đường đất chói chang nắng là ngôi làng rợp bóng dừa xanh.  Rồi cây cầu nhỏ, con lạch cũng nhỏ và biển vỡ òa phía sau. Năm rồi tôi có trở lại Long Thủy, ngoài Bãi Xép trở nên tấp nập sau khi bộ phim nổi tiếng trình chiếu, còn làng chài lãng mạn một thời chẳng thấy đâu. Khi những quán nhậu mọc san sát trên bãi biển, những chiếc loa karaoke mở hết công suất phá vỡ sự yên tĩnh vốn có của làng chài thì lòng người dường như hẹp lại.

Long Thuỷ
Một trong những nghịch lý là nơi nào phát triển du lịch mạnh mẽ thì nơi ấy thường đi kèm với yếu tố cảnh quan bị tàn phá, và ngược lại.  Nhiều người than phiền du lịch biển của Phú Yên còn thiếu thốn, quá sơ sài.  Tôi trộm nghĩ nếu phát triển ồ ạt, liệu có còn một Bãi Môn yên bình để sáng nào đó có dịp phóng tầm mắt từ trên tầng cao nhất của Mũi Điện nhìn xuống.  Liệu có còn một Gành Đá Đĩa kỳ bí và hoang sơ thiên nhiên trao tặng khi bàn tay con người chạm đến.  Liệu có còn những tấm ảnh đẹp được ghi bởi những gộp đá vàng óng ở Gành Đèn…và có nói quá khi mong du lịch biển Phú Yên cứ từ từ, chầm chậm mà tiến!

Một cái tên biển không thuộc tỉnh Phú Yên đã có thời là người bạn, người tình của tôi là biển Nha Trang.  Ở đây không nhắc đến những resort xa hoa, những đảo biển du lịch mới khai thác mà là phố biển Nha Trang.  Là con đường Duy Tân có phòng học của tôi nhìn ra biển, nơi hàng ngày tiếng thầy hòa lẫn trong tiếng sóng. Là chỗ ngồi quen thuộc trong thư viện tỉnh, nơi tôi có thể vừa đọc sách vừa nghe chim hót và ngắm biển xanh.  Là tập thơ “Thuở Làm Thơ Yêu Em” của TDT, quà tặng của một người ở nội trú trong ngày biển động.  Là nhiều lần thấy mình nhỏ bé khi đứng trước biển trời mênh mông… Du lịch phát triển và phố biển Nha Trang biến đổi không ngừng.  Lần mới về gần đây nhất nhìn không ra người bạn, người tình cũ.  Những dãy bê tông khách sạn cao tầng che kín sau lưng. Resort, nhà hàng, quán café che khuất tầm nhìn ra biển.  Hòn Chồng ngày nào trên đồi La San lộng gió giờ lồ lộ phơi mình ra mặt tiền từ khi đường PVĐ mở.  Lấy xe chạy một vòng quanh phố biển mới thấy thấm thía câu “biển hẹp tay người” của N/S Trịnh Công Sơn! 
Hòn Chồng
Từ sự thay đổi của biển Nha trang, tôi chợt nhớ về biển Mũi Né, Phan Thiết.  Số phận đã mỉm cười với làng chài Mũi Né từ sau hiện tượng nhật thực cách đây hơn 20 năm.  Giao thông thuận lợi, rất gần Sài Gòn.  Những đồi cát trắng, đỏ, vàng chập chùng đẹp mắt.  Biển thì mùa nào cũng có thể tắm được.  Đi một vòng từ đầu đến cuối thiên đường resort mới thấy biển hào phóng nhường nào. Nhưng biển có thật sự hào phóng khi đường xuống biển của dân địa phương giờ chỉ còn là những lối đi nhỏ, những bãi tắm xinh đẹp chỉ dành riêng cho một số người. 
Tôi không hiểu vì sao lại nặng lòng với các biển miền Trung, vì là dân gốc Trung hay vì biển quá đẹp.  Với những lợi thế như cảnh quan thơ mộng, cát biển trắng mịn, nước biển trong xanh hầu như biển nào ở khu vực miền Trung cũng khiến tôi yêu thích.  Có lần từ Đà Nẵng tôi và mấy người bạn dự tính ra Huế sáng đi chiều về.  Xe vừa đổ dốc đèo Hải Vân thì một bức tranh biển tuyệt đẹp hiện ra.  Vì vẻ đẹp không thể cưỡng nổi của biển Lăng Cô hay vì tô cháo hàu nổi tiếng chúng tôi quyết định ở lại Huế hai ngày.  Với Đà Nẵng cũng thế, những chuyến đi ngẫu hứng kéo dài vì vẻ đẹp bất tận của các biển Mỹ Khê, Non Nước, Bắc Mỹ An…Còn biển Dốc Lết, Ninh Hòa mùa hè nào tôi cũng ghé qua, chỉ để thấy lòng bình yên khi nhìn mặt biển êm đềm như nước hồ thu. 
Rời miền Trung, tôi đem theo cái tình đến với các biển miền Nam.  Nhưng thú thật, tình yêu của tôi trót dành cho các biển miền Trung mất rồi.  Ngoài Vũng Tàu nổi tiếng với Bãi Trước, Bãi Sau xinh đẹp, những ngôi nhà, quán café xinh xắn nằm dựa lưng vào vách núi còn thì các biển trong Nam chưa thật sự quyến rũ tôi.  Nếu ai hỏi du lịch biển Cần Giờ có gì hay, tôi sẽ không ngần ngại nói những giây phút lướt sóng trên cano ở rừng Sác là thú vị nhất, còn biển Cần Giờ với cái nắng chói chang, cát biển đen, nước biển đục chẳng để lại dấu ấn gì trong tôi. Long Hải, Hồ Cốc, Hồ Tràm… cũng thế! Nếu không có những khu nghỉ dưỡng cao cấp chạy dài hàng chục cây số, biển những nơi này sẽ ra sao!

Nói đến du lịch biển thì cách làm của người Mỹ đáng để suy ngẫm và học hỏi. Hai năm trôi qua, đến giờ tôi vẫn chưa quên cảm giác lâng lâng khi đứng trên du thuyền đi quanh vịnh Hudson ở New York. Thuyền thì bồng bềnh và Tượng Nữ Thần Tự Do lúc ẩn lúc hiện từ xa. Rồi khung cảnh mờ ảo khi đi qua Golden Gate Bridge một lần bằng xe hơi và một lần bằng du thuyền trên vịnh San Francisco. Gió, sương mù, màu đỏ cam đặc trưng của cây cầu và tiếng hát của ban nhạc đường phố trên bến cảng là những thứ đọng lại trong tôi về San Francisco. Sự kết hợp tuyệt vời giữa di tích lịch sử (Tượng Nữ Thần Tự Do và Golden Gate Bridge) cùng cảnh quan tuyệt đẹp của các vịnh biển đã thu hút lượng khách du lịch đông đảo đổ về hai thành phố New York và San Francisco hàng năm. 


Còn vẻ đẹp của thành phố biển San Diego thì không còn gì để bàn cãi: bãi biển, kiến trúc, thậm chí cả hoa hồng cũng được trồng và qui hoạch tỉ mỉ đến từng chi tiết. Hungtington Beach và Newport Beach ở Cali theo tôi không có vẻ đẹp của biển tự nhiên. Một thứ cảm giác trống vắng và trơ trọi xâm chiếm trong tôi khi vừa đặt chân đến. Cái hay ở đây người ta đã biến cái không thể thành có thể.  Họ  xây dựng những cầu cảng bằng gỗ hướng ra biển, khách du lịch có thể tản bộ và tiếp cận biển cùng những cánh hải âu ở cự ly gần nhất. Trên những bãi cát trắng phau sạch đẹp có những lối đi nhỏ dành cho người đi bộ và xe đạp. Những con phố chung quanh trồng nhiều loại hoa và gắn các biểu tượng biển rất sinh động…

Đứng trước biển Cali tôi bỗng nhớ biển quê nhà, cùng một tên Thái Bình Dương mà hai bờ cách xa thăm thẳm. Cách đây không lâu con trai của bạn tôi qua đời ở Việt Nam, cô em gái không về dự tang được chọn một góc biển ở Cali chụp hình rồi đăng lên FB: “Nơi duy nhất tôi thấy gần gũi với quê hương để nói lời tiễn biệt anh…R.I.P…Anh Hai!”. Cổ tôi như nghẹn lại khi đọc dòng status buồn của LG. Lời tiễn biệt liệu có đến được phía bên kia bờ Thái Bình Dương?

Tôi không nhớ đã đi qua bao nhiêu biển trong các cuộc hành trình của mình. Gần như biển quê nhà, xa tít tắp như biển bên kia nửa vòng trái đất. Thoạt nhìn mỗi biển khác nhau nhưng tựu chung vẫn mang dáng dấp muôn đời của biển: phẳng lặng khi trời êm, thét gào khi bão tố. Tôi không yêu biển này hơn biển kia vì cái tình dành cho biển mỗi nơi mỗi khác. Đạo diễn TVT nói một câu rất hay: “NẾU ĐI HẾT BIỂN…qua các đại dương, các châu lục đi mãi đi mãi thì cuối cùng cũng trở về lại với quê mình, làng mình”. Tôi cũng nghĩ như thế! Sóng xô đi, sóng lại đưa về. 

 
QUANG ĐẶNG

No comments: