Thursday, February 27, 2020

I CAN YOU (AN SƠN)

Nhà văn AN SƠN.




 I CAN YOU 

    Có lần người bạn nữ học cùng lớp đùa với tôi : Tâm hồn nhà thơ lúc nào cũng lai láng . Tôi cũng trả lời khôi hài

     “Nhà thơ nhậu trước nhà thờ
     Nhà thơ hấp hối, nhà thờ giật chuông”

   Và bạn đớp ngay I CAN YOU, vì hiểu bạn mình là người vui tính, nói chuyện theo kiểu văn không ôn, nhớ được chút nào mót lại tếu cho vui để hoài niệm một chút học trò . Tôi hiểu ý của câu là : Mình can bạn, chữ CAN hoàn toàn Việt ( can ngăn )

   Sau đó không lâu, tôi đọc được bài viết của chị bạn thân ở Mỹ về chuyện vui của chị, đại khái là chị rất thích ca hát nhưng ông xã thì không đồng điệu nên cứ bị chê hát dở, dù sao thì chị cũng tiếc khả năng ca hát của mình nên kỳ này chị nói :  Cuộc họp mặt đồng hương sắp tới em sẽ lên sân khấu hát tặng bà con một bài . Ngay tức tốc ông xã phán : I CAN YOU

    Từ đó tôi hiểu cách nói này đã phổ thông, không những ở trong nước mà đã rộng trên toàn cầu, nhưng từ trong nước lan ra hay từ nước ngoài bay về ? Tôi xác định lại chữ CAN theo tiếng Anh : Có thể, chiếc họp, đóng họp…Như vậy hiểu theo toàn ý “ I can you ” khi dịch ra tiếng Việt là : Tôi can bạn, anh can ( ngăn ) em . Dù gì thì CAN ( Anh ) vẫn là CAN ( Việt )

    Bất chợt nhớ lại ngày xưa khoảng cuối thập niên 60 khi người Mỹ đổ quân vào miền Nam, người Việt bắt đầu nói chuyện bập bẹ với Mỹ bằng vốn từ Anh ngữ ít oi, nói kiểu nửa tây nửa ta, gọi là nói tiếng bồi không cần văn phạm, miệng nói tay cũng nói, thật mắc cười . Và trong đó có chuyện cười ra nước mắt :

    Người con gái nghèo dưới miền lục tĩnh rời gia đình lên Saigon kiếm việc sinh sống, nhờ có chút nhan sắc cô lấy được chồng Mỹ, cô viết thư về mời tía má lên chơi để thấy đời sống khá giả của con và  biết chàng rể ngoại quốc . Khi  cha mẹ tìm được nhà con mừng hết biêt, cuộc nói chuyện chưa lâu thì người chồng Mỹ về nhìn khách bằng ánh mắt không thiện cảm, vợ hiểu được chồng nên xổ ra một tràng ba rọi ;

    “Husband, husband… you chớ nên ghen,  thủng thỉnh me nói you nghe  : this’s my father and mother ở nhà quê mới comehere . Anh chồng Mỹ hiểu : Chồng ơi… Cha mẹ em … đến đây .”

    Và anh cũng đáp lại một câu ba rọi  mời cả nhà đi ăn trưa :

    “ Oke, Oke ăn hủ tiếu, lên xe”

    Các bạn thân mến ! Thế hệ chúng mình khi bước vào đời thì phải đi qua một thời cầm tiếng Anh cất vào dĩ vãng để nhường chỗ cho tiếng Nga, rồi lại phải đương đầu với bao nhiêu khó khăn của đời sống . Văn không ôn thì đành mai một, đến bây giờ gặp câu nói đơn giản cũng đành hiểu mù mờ . Tôi hiểu I CAN YOU là thế, nhưng đúng sai là chuyện khác . Vậy mời các bạn góp lời như một phím đàm ngày xuân cho vui.

     Vì tôi ở núi ít có dịp hợp đồng tác chiến với các ngòi nổ văn nghệ ở phố nên thường biết sau và hiểu sau . Nhân đây tôi mượn câu thơ của Lư Vũ Tích nói về tâm tư của mình.

     Lạc Dương tương vấn như thân hữu
     Nhất phiến băng tâm tại Ngọc Hồ
Tạm dịch :

     Nếu ở Lạc Dương có ai hỏi về bè bạn, thì bạn nói giùm ở Ngọc Hồ đang có một mảnh tim lạnh

     Chúc các bạn mùa xuân vui vẻ và hạnh phúc

AN SƠN

No comments: