Wednesday, February 5, 2020

TƯỞNG NHỚ "MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ VINH" (DƯ THỊ DIỄM BUỒN)



Tưởng Nhớ “Một Vài Kỷ Niệm Với
Nhà Văn Nguyễn Thị Vinh”.

Dư Thị Diễm Buồn

 
  
Nhà văn Nguyễn Thị Vinh (năm1958)

DTDB

Cả bầu trời ủ dột, tuyết rơi lả chả mấy hôm rày chưa dứt hẳn... Cảnh và thời tiết nầy với dân địa phươngg không lấy gì là lạ vào những ngày tháng của mùa đômg luôn giá rét lạnh lùng ở Chicago (tiểu bang Illinois). Đây là một trong những thành phố có cái lạnh khắc nghiệt nhứt vào mùa đông trên đất nước Hoa Kỳ.

Thời điểm đó là vào cuối năm 1995, mà tuần trước tôi đã gởi đến nhà văn Hồ Trường An bản thảo thi tập “Một Thoáng Hương Xưa” nhờ viết cái tựa cho tập thơ thứ hai. Để khi xong mọi thứ thì tôi sẽ xuất bản vào những ngày tháng tới của năm 1996.

Khi đọc xong bản thảo, nhà Văn Hồ Trường từ bên Pháp, mau mắn gọi điện thoại cho tôi, thăm hỏi, nói ba điều bốn chuyện... rồi anh bảo:
-  Chị có quen biết bà Nguyễn Thị Vinh không?
-  Nhà Văn Nguyễn Thị Vịnh hả, chỉ biết qua đọc sách của bà, chớ làm sao tôi quen được “cây cổ thụ văn chương” đó anh...
Cách vùng Chicago chúng tôi đang sinh sống gần nửa vòng trái đất, anh Hồ trường An cười hì hì, tiếp:
-  Để tôi giới thiệu chị với chị Vinh nghe...
Trong lòng tôi vui mừng lắm khi nghe mình sẽ được giới thiệu với nhà văn lớn trong nước trước năm 1975, nhưng lòng vẫn cảm thấy e ngại:
-  Được không đó anh Hồ Trường An, tôi thuộc “tép rong tép rêu trong ao bào” mới tập tành viết, sợ bà không nhận thì mất mặt bầu cua lắm...
-  Chị đừng ngại chúng tôi là người viết lâu năm, vả lại có giao tình từ mấy chục năm nay, nên tôi giới thiệu chắc chỉ không từ chối đâu...
Tôi chờ đợi không lâu, hai ngày sau anh Hồ Trường An gọi cho số điện thoại, địa chỉ và bảo tôi gởi bản thảo tập thơ cho bà Nguyễn Thị Vinh. Tôi lật đật sửa lại bộ vận mình, gò giọng ngọt mát và lòng mừng khắp khởi gọi điện thoại cho nhà văn Nguyễn Thị Vinh ngàn trùng xa cách, ở tận phương trời Bắc Âu (Na-Uy).

Khi điện đàm với bà tôi nhận xét bà có giọng nói trong trẻo, vui vẻ, chân thật và rất tự nhiên. Cho nên nỗi lo ngại, và khẩn trương không còn đè nặng trong tôi nữa, và lúc nói chuyện tôi gọi bà bằng cô (cô lớn) và xưng bằng cháu, vì bà lớn tuổi hơn ba má tôi.

Trước khi gát điện thọai, bà Vinh vui giọng, bảo:
-  Lâu nay tôi ít khi viết tựa cho thơ, nhưng Hồ Trường An lên tiếng giới thiệu, và khen Diễm lắm. Vậy cứ gởi bản thảo qua, nếu được thì tôi viết, không thì thôi đừng buồn nghe... Và nhớ sau nầy có nói chuyện thì Diễm hãy gọi tôi bằng chị, trong văn giới chỉ có anh, chị, em chớ không có cậu, dì, chú, bác, cô, dượng...

Thế rồi khoảng bốn tuần lễ sau, vùng đất tạm dung của chúng tôi ngoài trời vẫn còn lạnh tái tê, cái lạnh của giữa mùa đông ấy mà! Nhưng lòng tôi cảm thấy ấm, và bùi ngùi cảm động... khi mở bao thư dầy cộm. Bài viết bằng máy đánh chữ, được trình bày trang nhã trên giấy đẹp của chị Nguyễn Thị Vinh gởi qua đường bưu điện.


BÀI PHÊ BÌNH

CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ VINH


Tình cờ qua sự giới thiệu của một bạn văn, tôi được tập bản thảo “Một Thoáng Hương Xưa”. Thơ của Dư Thị Diễm Buồn, do chính tác giả đánh máy và trình bày trang trọng, mỹ thuật.

Dư Thị Diễm Buồn, nhà thơ nữ người Cần Thơ, hiện sống ở Mỹ, có nhã ý nhờ tôi vết vài dòng về thơ. Tôi vốn không quen viết tựa cho một cuốn sách, nên chỉ bày tỏ đôi điều cảm nghĩ riêng tư, tóm tắt, về những bài thơ “Một Thoáng Hương Xưa” của người phụ nữ lấy nỗi buồn làm bút hiệu.

Những bài thơ nhẹ nhàng, khiến tôi một người đọc, sau khi gập sách lại rồi mà trí tưởng vẫn còn bâng khuâng, nỗi nhớ quê nhà Việt Nam. Nhớ mùa phượng đỏ thuở nào ở Cần Thơ. Nơi từng in dấu chân Dư Thị Diễm Buồn, cô nữ sinh Trung học Đoàn Thị Điểm.

Qua thơ, Diễm Buồn đã dẫn dắt tôi trở lại quê hương thăm từng gốc dừa, ruộng lúa, những buổi trưa hè tiếng gà xao xác, cùng những giọt mưa ngâu trong đêm rằm tháng Bảy. Đến nay, cô nữ sinh Dư Thị Diễm Buồn đã xa đất nước từ lâu  nhưng tâm trạng vẫn:
“……………………..
Bên nầy lạnh lắm mùa đông
Tuyết rơi trắng xóa nỗi long xót xa
………………………..”

Phải chăng cô xót xa vì:
“…………………
Người xưa ẩn hiện trong niềm nhớ
Một thoáng hương xưa vụt trở về
…………………………”
Một thoáng hương xưa dù vút qua. Tác giả như nghe thấy cả tiếng lá vàng rơi trong cảnh tĩnh lặng nơi sân chùa Vĩnh Tràng, tiếng chuông mõ vang lên những hồi kinh cứu khổ. Trong “Bài Thơ Cho Mình”. Mà tưởng như mới hôm qua, nhưng thoáng cái đã hai nhăm năm.
“………………….
Bây giờ nắng xế chiều nghiêng
Hoa râm mái tóc, ưu phiền dung nhan
…………………………..”
Hoài niệm nào cũng có dư âm, nó không vang động, ồn ào… Chỉ có người trong cảnh mới nghe thấy, và chỉ có người thơ mới truyền tới người đọc những rung cảm của mình:
“……………........
Triền mây xoãi cánh phiêu bồng
Nắng xuân rót nụ xuân hồng vào tim
……………………”
Đôi dòng thơ của Diễm đủ gây ấn tượng cho tâm hồn người đọc, như”:
“……….....................
Chim trao trảo hút mật bông trứng cá
Gió la đà hôn nhẹ nắng vàng hanh
……………………............”

Hay là:
“………………
Thế mới biết từ lâu rồi đã có
Tình thân thương thấm đậm nghĩa thầy trò
…………………………”
Người tha hương nào (tôi nghĩ thế), cũng cảm nhận được tình ý đẹp qua các bài: “Hương Quê Ngày Cũ” và “Chiếc Cầu Vòng” Về một quê hương:
“…………...............
Lục bình nở tím bến sông
Trên cây khế ngọt chim nhồng véo von
……………......................”

Để ai đó, ở quê người thấm thía:
“……………....................
Có nỗi lòng của người xa xứ
Đón xuân về lòng thổn thức bâng khuâng
……………....................”
Trong bài “Xuân Nơi Đây” Diễm Buồn nhớ về Cần Thơ có hoa phượng đỏ. Nhớ Huế, với những thăng trầm hưng phế, không chỉ vì thời gian rêu phong và các thời đại qua đi. Nhớ và thương lắm những sinh mạng người oan khuất:
“………………….............
Về thăm Huế chít vòng khăn tang trắng
Tưởng niệm muôn đời cái Tết Mậu Thân
Nghe hờn căn chất ngất ngút trời xanh
Ngậm ngùi khóc những mồ chôn tập thể
………………..................”
Cả nước đau chung chẳng riêng gì Huế, bao thế hệ ngoi ngóp trong chiến tranh phun phí máu xương để mất “Tuổi Xuân Hồng” nên tình và cảnh thường buồn:
“………………............
Đời em sương gió dạn dày
Thân anh tù ngục đoạ đày xác thân
………………..................”
Thơ của Dư Thị Diễm Buồn chân thành, nhiều cảm xúc… Nhưng đáng tiếc, có đôi chỗ tác giả không tự khắt khe với chính mình. Trong lúc để tình cảm tuôn tràn ra ngòi bút mà lơ là phần thi pháp và ngôn ngữ. Đành rằng câu: “Xong phần hai, anh chọn nghề lính chiến” ý nói đậu xong tú tài hai thì vào nghề lính, Nhưng “lính chiến” không phải là một cái nghề. Thời dựng nước cũng như giữ nước, lính chiến là một nghĩa vụ mà người dân yêu nước được làm. “Dư Thị Diễm Buồn có chia xẻ với tôi ý nghĩ nầy?” Nhưng dù sao, đây chỉ là mấy sơ sót nhỏ, còn ngoài ra vẫn đáng mến những tình, những cảnh trong “Một Thoáng Hương Xưa” Vào mùa “Hạ Buồn”, nhà thơ đi trong gió quê nhà, và bây giờ đi xa theo chiều gió cuốn, nhưng lòng vẫn muốn:
“……………................
Ai về nhặt hộ lá me
Trên con đường cũ nghe ve gợi buồn
………………..........................”
Nỗi nhớ của Diễm trong suốt như hạt lệ rơi vào câu:
“………………...............
Tôi đã khóc mẹ ra đi vĩnh viễn
…………………..................”
Và câu:
“………………................
Tôi đã khóc tối Ba Mươi hôm đó
Tháng Tư buồn vụng vỡ Bảy Mươi Lăm
……………....................”
Dư thị Diễm Buồn đã khóc, và người đọc thơ là tôi cũng đã khóc trong tháng tư năm đó! Không phải chỉ khóc khóc cho những người oan khiên nằm xuống, còn khóc cho những ai đang sống lầm than, cả pho tượng đá mang tên “Thương Tiếc”:
“………………............
Và dù biết anh chỉ là tượng đá
Nhưng trong tôi tượng đá có linh hồn
………………............................”
Nỗi buồn thương nhớ của Dư Thị Diễm Buồn lan sang người đọc, lại là hình ảnh cây trôm đầu ngõ, xơ xác lá, chạnh nhớ đến mẹ hiền ngày nào đón con đi trường Tiểu học trở về… Rồi mẹ đưa con vào Đại Học. Những Ga Ông Táo, lối về Mộc Hóa có lúa non thơm sữa đòng đòng, đọng thành hạt gạo nhờ mồ hôi cha và nước mắt mẹ.
“……………....................
Mẹ ơi những chiều mưa ướt áo
Mây buồn hạ thấp, gió mơn man
…………………....................”
Giờ nầy mẹ ở đâu? “Trong đêm Tân Uyên nghe câu hò Cái Nứa”, hay “Tháng mười một trắng cành bông so đũa” Rồi những “Sáng Champa, chiều Ya-li, Ái Tử/ Trăng khuya lên thôn Hòa Hảo êm đềm” Đó có phải là những đớn đau đi qua? Từ ngày “Học trò nghèo không giữ được người thương” Trong bài “Những Chặng Đường Tôi Đã Đi Qua” Dư thị Diễm Buồn nhớ nhiều về: Mưa An Cựu, cát trắng Nha Trang, đào lộn hột, và hoa ô môi ở bờ kinh Vĩnh Tế, áo dài bến đò Thừa Phủ… Tất cả là quê hương! Quê hương là tất cả, tấm lòng trải rộng thường từ vạt cau bẹ vàng, lá trầu xanh cho tới củ co…

Quê hương trong Dư Thị Diễm Buồn không phài là một ức lệ, khuôn mòn “trăng thanh, gió mát”, mà lời thơ nói lên bao cảnh đẹp của đất đay gấm vóc của quê nhà đang bị con người làm bớt đẹp, hoặc xấu đi. Nơi người chồng tù binh gởi ra ngoài hàng rào những nhớ tiếc, một thời ngọt bưởi Biên Hòa, dâu Lái Thiêu, miếng dứa thơm Bến Lức... Gửi cho con cái, qua mẹ tình thuơng của cha, trong suốt mười sáu năm qua không biết bao nhiêu trại giam…

Đóng lại tập “Một Thoáng Hương Xưa” mà nghe Dư Thị Diễm Buồn “Xin Tròn Lời Hứa” vẫn như đọng mãi trong tâm cảm tôi: “Đất quê hương đã bao phen tan nát/ Cơm ngọt tình người tôi chẳng quên đâu”. Tôi cũng không quên, nên tôi muốn gởi đến nhà thơ Dư Thị Diễm Buồn, chỉ một lời “Cảm Ơn”.

NGUYỄN THỊ VINH
Na-Uy, Oslo, mùa hè 1996


Thế là bài phê bình trên của nhà văn Nguyễn Thị Vinh được nâng niu lấy làm bài tựa cho tuyển tập thơ “Một Thoáng Hương xưa” của DTDB. Phát hành ở Chicago vào mùa thu lá vàng rơi năm 1996.

Và kể từ đó tôi thường thư từ qua lại, và điện đàm với chị Nguyễn Thị Vinh. Ngoài tình văn nghệ ra, tôi rất ngưỡng mộ văn tài và quý trọng chị như một người thân thuộc, qua sự chân tình, tánh chất hào sản, phóng khoáng và cả phần lãng mạng của chị nữa.

Có lần đi thăm người chị là “Ni Sư Liễu Nhiên” (Vì lâu quá, tôi không nhớ có đúng pháp danh không?) ở Haiwaii. Trong lúc điện đàm thăm hỏi, chị Vinh cười bảo:

-  Ngày mốt chị trở về Na-Uy rồi, về đến nơi chị sẽ gọi cho em biết.
Tôi vui vẻ:
-  Ụa mới đây mà về sớm vậy sao? Để em gọi cho chị, ở Mỹ gọi viễn liên sẽ rẻ hơn ở Âu Châu...

Bên kia đầu điện thoại chị cười giòn:
-  Con nhỏ nầy! Đến đây đã hơn ba tuần rồi em, chị về kẻo anh Nhật (tên chồng chị) nhớ... tội nghiệp! Còn em thì sao, đi đâu xa và lâu có nhớ ông xã không?

-  Em hả, đi xa nhớ mấy đứa con nhiều hơn! Vì phu quân em là lính chiến... nên đi suốt thôi, ổng vắng nhà hoài, hoài... riếc rồi quen đi chị ơi!

Lần khác chị điện thoại thăm và cảm ơn, tôi xin tiền của các em, bạn thân, các con, ông xã... gởi về tặng một vài người gặp cơn hoạn nạn còn kẹt bên kia bức màn tre...

Tôi cười, nhỏ giọng:
-  Sao chị biết? Em rất ngại khi làm việc gì có vấn đề tiền bạc. Cũng tại anh Phương Triều (một bạn văn) xúi dại em gởi đó mà...

-  Không có gì đâu, em làm tốt lắm mà. Chị quen thân và xem cô ấy (một người ở Đà-Lạt nhận được tiền) như em ruột mình. Trời thường phú cho người nghệ sĩ tánh tình phóng khoáng, hào sản, lãng mạn... có giọng hát hay, đóng tuồng giỏi, kẻ có khiếu viết văn, làm thơ... Chớ không lớp, hay trường nào chuyên môn dạy mình làm thơ viết văn đâu em. Những người có bằng cắp cao cũng không ngoại lệ, chưa hẳn họ làm thơ, viết văn hay... Diễm có nghĩ và có vậy không?

Tôi ngần ngừ một hồi, rồi bảo:
- Mấy tánh đó đều có, nhưng em “cù lần” lắm chị ơi. Em chỉ viết theo sở thích và niềm vui của mình thôi, chớ chưa có khả năng viết để kiếm sống. Có lẽ như vậy nên trời cho tâm hồn em lãng mạn trong lúc hăng say viết thôi! Chớ thực tế thì không! Người ta bảo như thế là ngoại tình tư tưởng, có phải không chị?

Ở bên kia đầu điện thoại chị Vinh cười giòn như bẻ cây, còn hụt hẫng trong tiếng cười chị bảo: “Con nhỏ nầy thiệt tình nà!”. Tôi cũng cười xòa, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa hiểu ý của chị trong câu nói trên!

Cơ may, cơ mai, khoảng mười mấy năm 2005, 2006... tôi có gặp nhà văn Nguyễn Thị Vinh vào Tết Nguyên Đán trong ngày hội chợ Tết ở San Jose (Bắc California). Chị là một phụ nữ ở tuổi hoàng hôn nhưng có giọng nói giòn giã, nụ cười tươi mát, ấm nồng...

Trong ngày hội chợ, chúng tôi có dịp đi ăn trưa. Nghe tôi gọi cháo giò heo, chị nhẹ giọng: “Em thích giò heo lắm sao?” Tôi cười nhẹ gật đầu. Chị tiếp: “Nghe nói em hay đi du lịch, có dịp nào đến Na-Uy, đi ngang vùng chị ở nhớ ghé qua nhà, chị sẽ nấu đãi em măng khô nấu giò heo! Đó là món tủ, bảo đảm chị nấu ngon tuyệt vời...”.

Hội chơ Tết chúng tôi vào hội trường nghe nhạc, rồi xem thi hoa hậu và đến phòng thưởng lãm tranh sơn dầu của họa củ nữ họa sĩ Thanh Trí. Vào chiêm ngưỡng những bức hình chiến tranh trưng bày mỹ thuật của phóng viên chiến trường nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh.

Đi chơi gần bên chị cả ngày, tôi nghiệm thấy rằng: Chị Nguyễn Thị Vinh là một phụ nữ ôn tồn, dễ hòa đồng trong mọi hoàn cảnh. Nếu biết tuổi thật của chị, thì không ai nghĩ rằng chị còn có giọng nói trong sáng và nụ cười tươi trẻ như vậy. Gió bụi thời gian bất lực, không khiến cho dung nhan chị phiền muộn bởi nhiều đổi thay. Da dẻ chị vẫn hồng hào, mịn màn, đôi mắt tròn to, miệng cười có duyên, tuy hơi tròn hơn hình chụp nhưng chị có dáng phúc hậu của mệnh phụ... nên tôi nghĩ: Thuở thanh xuân chị Nguyễn Thị Vinh chắc hẳn là một đại mỹ nhân.

Suốt những năm qua từ ngày quen biết chị, chúng tôi thỉnh thoảng điện thoại thăm hỏi, những ngày lễ, Tết... thì gởi thiệp chúc mừng nhau. Sau ngày họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật (phu quân) chị qua đời, tôi không còn được chị trả lời điện thoại như xưa... Hỏi những người bạn văn bên Âu Châu... họ bảo chị bịnh và đã vào sống yên tịnh trong dưỡng lão!

Để rồi mấy mươi năm sau, cũng những ngày cuối năm (giữa mùa đông) gió mưa tơi bời ở tiểu bang California (Miền Nam Hoa Kỳ), kiều bào đang rộn ràng đón mừng năm mới Canh Tuất 2020 sắp đến.

Tôi bàng hoàng xúc động được tin:

“...Bà Nguyễn Thị Vinh đã lìa đời lúc 5.30 (giờ địa phương) chiều ngày 08 tháng 01 năm 2020 tại dưỡng lão Grunerlookka (Oslo) Na-Uy”
1958 
1950
 
           Ban Giám khảo hội Văn Bút Saigòn 1974


“...Bà Nguyễn Thị Vinh,
Sinh năm 1924 tại Hà Nội.
Qua đời năm 2020 tại Na-Uy.
Quê nội bà làng Thịnh Đức thượng Hà Đông.
Quê ngoại ở: làng Vân Hoàng, Hà Đông.
Vào năm 1984 bà được con gái bảo lãnh, định cư ở Na-Uy.
Khi còn trong nước, trước năm 1975 bà Nguyễn Thị Vinh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút 2 tạp chí văn nghệ Tân Phong và Ðông Phương. Bà cũng là thành viên của “Hội Ðồng Giám Khảo Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc VNCH…". Ở hải ngoại bà vẫn tiếp tục hoạt động văn học và làm Chủ nhiệm tạp chí văn nghệ Hương Xa. Bà cũng là thành viên trong nhóm chủ biên nhà xuất bản Anh Em".
Bà Nguyễn Thị Vinh đã xuất bản nhiều tác phẩm giá trị tiêu biểu, gồm: Truyện ngắn, truyện dài, thơ và tùy bút…” (Hình ảnh, tài liệu từ Google).

Nhà Văn

Nguyễn Thị Vinh

Qua đời ngày 08, tháng 01, năm 2020
Hưởng đại thọ 96 tuổi

Thành kính phân ưu cùng tang quyến
Kính chúc hương linh người quá cố
sớm về cõi vĩnh hằng

Dư Thị Diễm Buồn

No comments: