Tuesday, August 25, 2020

BẮC KINH DỤ ASEAN ĐỪNG NGHE MỸ CHỐNG TRUNG QUỐC (TN)

 

Bắc Kinh dụ ASEAN đừng nghe Mỹ chống Trung Quốc

Aug 24, 2020 

 

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Ngoại trưởng Trung Quốc mời đại sứ 10 nước ASEAN họp để nêu quan ngại về nguy cơ chiến tranh trên Biển Đông gây ra từ “những nước ngoài khu vực.”

 

Chuyện này được báo South China Morning Post (SCMP) tiết lộ hôm Thứ Hai, 24 Tháng Tám, một ngày sau khi có cuộc gặp mặt của Ngoại Trưởng Vương Nghị với Ngoại Trưởng CSVN Phạm Bình Minh ở khu vực cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc). Tin tức cho hay ông Vương Nghị ‘dỗ ngọt’ Việt Nam là đem kết quả đàm phán hiệp định biên giới trên đất liền để thúc đẩy đàm phán về tranh chấp Biển Đông.

 

Các nước ASEAN họp với Trung Quốc tại thủ đô nước Lào ngày 20 Tháng Hai, 2020 về vấn đề hợp tác chống đại dịch COVID-19. (Hình: Dene-Hern Chen/AFP/Getty Images)

Theo sự tiết lộ của nguồn tin trên, hồi đầu tháng này, sau khi Mỹ, qua Ngoại Trưởng Mike Pompeo, bác bỏ tuyên bổ chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc theo hình “lưỡi bò” là vô giá trị, đồng thời còn sẵn sàng hậu thuẫn cho ASEAN đối phó với Trung Quốc, Vương Nghị vội vã gặp các đại sứ ASEAN, kêu gọi hợp tác với Bắc Kinh.

 

Một viên chức phụ trách về biên giới lãnh thổ của Trung Quốc tham gia cuộc họp, kêu gọi tái tục các cuộc thảo luận cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC) “càng sớm càng tốt” để “đạt một số tiến triển,” đồng thời Bắc Kinh không muốn tiến trình đàm phán bị “chặn cướp” (hijacked) bởi “những nước không thuộc thành phần đàm phán,” ám chỉ Mỹ.

Theo SCMP, nhiều nhà ngoại giao ASEAN tin rằng cuộc họp được tổ chức chứng tỏ Bắc Kinh rất muốn kéo các nước láng giềng nghiêng về phía mình và đẩy Hoa Kỳ ra ngoài sau khi thấy Mỹ ra mặt cứng rắn hơn khi gọi tuyên bố đó (lưỡi bò) là “bất hợp pháp.” Đồng thời thúc giục ASEAN chú trọng vào sự hợp tác kinh tế giữa hai bên.

Họ cũng cho hay gần đây Bắc Kinh tỏ ra sẵn sàng thảo luận các giải pháp giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông, một vấn đề thường bị Bắc Kinh đẩy ra ngoài để chỉ chú trọng về hợp tác kinh tế song phương.

 

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm Thứ Sáu nói rằng các cơ quan liên quan của nước họ duy trì “trao đổi bình thường” với các sứ bộ ASIAN ở Bắc Kinh, và không cho biết thêm chi tiết gì khác.

Hai thập niên qua, sau khi đã ký bản Tuyên Bố Ứng Xử trên Biển Đông (DOC), Bắc Kinh cố tình tìm cách trì hoãn đàm phán bộ COC cho tới khi họ đã đủ mạnh, quân sự ăn trùm các nước nhỏ ở khu vực cũng như đã biến các đảo và bãi đá ngầm họ cướp trên Biển Đông thành những căn cứ quân sự trang bị tối tân.

 

Các cuộc họp cho bộ COC chỉ bắt đầu từ năm 2013, rồi đến năm 2018 mới đạt được một bản dự thảo duy nhất để đàm phán (Single Draft Negotiating Text). Trong cuộc họp hồi Tháng Mười Một, 2019, Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi loan báo bản dự thảo vừa kể, đề nghị hoàn tất các thương thảo vào năm 2021. Tuy nhiên, các cuộc họp coi như giậm chân tại chỗ vì các nước lo chống đỡ đại dịch COVID-19.

 

Trước khi xảy ra đại dịch, các phiên họp đã được xếp đặt để họp vào Tháng Hai ở Brunei, Tháng Năm ở Philippines, Tháng Tám ở Indonesia rồi Tháng Mười ở Trung Quốc. Thứ Năm tuần trước, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi gặp ngoại trưởng Indonesia là Retno Marsudi ở Hải Nam, cho hay Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với ASEAN để hoàn tất sớm cho bản COC.

 

Trung Quốc biểu diễn một đoàn gồm cả mẫu hạm tới Biển Đông tập trận hồi năm 2018. (Hình: AP)

Các nhà phân tích thời sự khu vực, theo SCMP, cho rằng tiến bộ cho một Bộ COC trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi Mỹ gia tăng áp lực trong khi cũng có căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Căng thẳng giữa Trung Quốc với Việt Nam về khai thác dầu khí và đâm chìm tàu cá, bắt giữ ngư dân Việt. Ngăn chặn, cướp phá tàu đánh cá của Philippines tại bãi Cỏ Rong (Scarborough Shoal), quấy rối hoạt động dò tìm dầu khí của Malaysia, kiếm chuyện với Indonesia ở vùng quần đảo Natuna.

Tuy nhiên, có đạt được một Bộ COC vào năm 2021 hay không vẫn còn là dấu hỏi lớn khi có rất nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng, bên cạnh lập trường khác nhau về những điều có thể thỏa hiệp. Nhất là Bắc Kinh từ chối không chịu bản COC có ràng buộc pháp lý trong khi các nước ASEAN chia rẽ.

Trong những ngày này, Bắc Kinh đang tập trận hải quân ầm ầm cả trên Biển Đông cũng như vùng biển đối diện với Đài Loan và Nhật Bản. (TN) [kn]

No comments: