Thursday, August 13, 2020

VĨNH BIỆT “NGƯỜI KHÔNG BIẾT BUỒN” (Phạm Đức Hiền)

TIẾC THƯƠNG NGUYỄN HỮU SƠN

 Thấy Nguyễn Hữu Sơn, là thấy nụ cười, không những trên môi, mà cả trong đôi mắt.  Nhìn Sơn, mọi người có cảm tưởng như anh chàng này “không bao giờ biết buồn”.  Thế nhưng nụ cười đó vụt tắt vào ngày 4 tháng 8 vừa qua, để lại bao tiếc thương, luyến nhớ.  


Từ trái: An, Trí, Nhượng, Thầy Giang, Hiền, Hùng, Đạm, Sơn, và Thầy Nhạc.


Lần đầu tiên tôi gặp Sơn tại Đại Hội 5 Cựu Học Sinh Phú Yên ở New Orleans vào tháng 6 năm 2015, khi anh Trần Hữu An mời một số “vips” đến thăm “lâu đài tình ái” của anh, trong đó có Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Đức Giang, Thầy Lê Văn Nhạc, và một số bằng hữu như Trần Trí, Vũ Sĩ Hùng, Đặng Duy Nhượng, Lê Kim Đạm... 


Sức nóng của mùa Hè Louisiana vẫn không làm khô héo nụ cười của Sơn, khi thầy trò gặp nhau, dưới mái hiên căn nhà xinh xắn của anh cựu Đốc Sự Hành Chánh Trần Hữu An, người khoản đãi thực khách những chai bia mát rượi và những khay crawfish đỏ thắm, với Sơn là… “hầu bàn” lúc nào cũng nở một nụ cười hồn nhiên.  (Vì trong nhà đầy ắp người, nên gia chủ đã mời vips ra vỉa hè cho đỡ nóng.)


Thấy Sơn cứ nhìn chằm chắp vào hai chữ “Nẫu Nè” trên áo thun, tôi liền lại làm quen, và hỏi Sơn là con thứ mấy trong gia đình bác Lê Chí Mãn, thì Sơn trả lời Sơn là... “cháu”, chứ không phải “con”.  Sơn nói Sơn là trưởng nam của chị cả Lê Thị A, và là cháu “đích tôn” của cậu út Lê Chí Hiếu.

 

“Nhà...Lê” tại Đại Hội 9 Alaska


Có lẽ cả tỉnh Phú Yên khó có “nẫu” nào “sung sức” như bác Lê Chí Mãn, người không những sản xuất ra 13 người con khỏe mạnh, mà còn tuyền cho hậu thế một “di sản đồng bộ” (như cloning), đi đâu cũng không thể nào...lạc được.  


Không biết đại gia đình bác Mãn có tổng cộng bao nhiêu thành viên, nhưng tôi đoán khoảng một tiểu đoàn, chỉ riêng gia đình Sơn cũng có ít nhất 40 “nhân khẩu” 😃:

(Chời ơi, chắc mỗi lần họp gia đình, phải hẹn nhau ngoài công viên!)




Tuy thuộc bên ngoại, nhưng Sơn vẫn giữ khuôn đúc bên nội; chính vì vậy, khi gặp Sơn, tôi biết ngay anh chàng này có liên hệ đến thằng bạn cùng lớp Lê Chí Hân của tôi.   Theo “vai vế” thì Sơn phải gọi tôi là… “chú”, nhưng tôi vẫn thích làm “bạn” với Sơn hơn!

 

Sơn và cậu Lê Chí Hân


Đúng là “love at first sight”! Mới gặp Sơn, tôi đã “phải lòng” chàng, vì tính tình dễ thương hoạt bát, thân thiện, và “không bao giờ biết buồn. 


Trong những Đại Hội Cựu Học Sinh Phú Yên sau đó, Sơn luôn vui vẻ tham gia những công việc chung, như hăng hái đưa đón những người ở xa, căng biểu ngữ, dọn dẹp hội trường…



Lần cuối cùng gặp sơn là tại Đại Hội 9 ở Seattle và Alaska vào mùa Thu năm ngoái. Ngày bế mạc đại hội, chúng tôi lại có dịp gặp nhau trong căn phòng của vợ chồng Hùng-Hợp tại khách sạn Red Lion, nơi chúng tôi “lai rai” và đàn hát để từ giã nhau với hy vọng sẽ được tái ngộ trong một ngày rất gần.  


Thế nhưng, trời thật bất công, vào hồi tuần trước, chúng tôi nhận được tin Sơn từ trần vào ngày 4 tháng 8, 2020, tại Atlanta, Georgia, ở tuổi 68, cái tuổi chưa đủ “thất thập cổ lai hy”.


Bất chấp hiểm họa lây bệnh của đại dịch coronavirus, tang lễ của Sơn vẫn được cử hành trọng thể vào ngày 6 tháng 8, với khá nhiều người tham dự, gồm với gia đình, bằng hữu, đồng hương, đồng môn và nhiều hội đoàn. 


Trong Cáo Phó Anh ngữ, Cậu Út Lê Chí Hiếu viết “Sơn luôn là một người đàn ông vui vẻ và tích cực, kể cả cho đến cuối cùng. Sơn luôn thích có thời gian vui vẻ bên gia đình và bạn bè. Đối với nhiều người, Sơn là một đầu bếp bậc thầy, có thể biến một món ăn đơn giản thành một món ngon. Sơn rất tích cực trong cộng đồng địa phương, đặc biệt là khi giúp đỡ những người bất hạnh ở Georgia và Việt Nam, và đấu tranh cho tự do và dân chủ cho Việt Nam. Là một người ham đọc sách, Sơn không ngừng đọc. Lịch sử và văn học là chủ đề yêu thích của Sơn; Sơn có thể kể lại chi tiết chính xác các sự kiện lịch sử lớn trong thế kỷ 20….” (Trích dịch từ Obituary của FB Lê Chí Hiếu).



Trên trang FB của mình, người bạn tâm giao Ngô Phấn, dù chưa bao giờ làm thơ, cũng đã cảm hứng một bài “điếu văn” mang tựa đề “Thương Tiếc Bạn”, trong đó có những câu thật cảm động: 

“...Rồi những lần hội ngộ thật tâm đầu.

Thầy, trò, bằng hữu, hát hò không đoạn kết.

Những khúc nhạc trữ tình, những bài du ca ........lai láng.

Những câu chuyện vui, mặn, lạt...tiếp đuôi nhau.

Những tiếng hô 1, 2, 3, ‘DÔ’, của tập thể nhao nhao.....

Những ly rượu, bia đong đầy lai láng.

Và thế đó, bạn bè ta là thế đó.

Những cuộc vui vẫn sẽ còn tiếp nối ....tiếp nối .

Nhưng bạn hiền đã dứt áo ra đi.

Nhóm bạn bè lầu 7 kể từ nay.

Đã vắng bóng người bạn thân vui tính…”

(Mới Bấm vào “Thương Tiếc Bạn” để xem toàn bộ bài thơ của.. “Chú Phùn”).



Từ Việt Nam (?), bạn học của Sơn là Cao Đăng Nhanh gởi những lời tâm huyết:

“...Atlanta mùa thu không dám nói

Ngày chia tay trong mưa lệ giăng mờ

Nơi xứ người cố giữ một trời quê

.... Giờ vĩnh biệt bạn về nơi miên viễn.

Một nén nhang thơm thay lần thăm viếng

Một đoạn thơ lòng nghẹn gởi lời nhau.

Bạn bè mày đều thắt dạ nỗi đau

thương chiếc lá chung sân trường rơi trước.”

Trích “Thêm Một Bạn Cùng Lớp Ra Đi”. 




Từ Texas, Quang Thủy đã cảm tác một bài thơ mang tựa đề “Vĩnh Biệt Bạn Hiền”, qua đó có một đoạn tứ tuyệt thân thương:

“....

Tôi với Sơn chẳng thân bằng quyến thuộc

Nhưng thân nhau vì chí hướng hợp rơ

Có đôi khi đứng nói chuyện hàng giờ

Rồi ra về với lòng vui khoan khoái….”


Thukỳ, Sơn và hiền thê Mai Thị Hòa


Qua bài “Vĩnh Biệt Nguyễn Hữu Sơn”,  Thukỳ đã ôn lại những kỷ niệm với người được mô tả là “chẳng bao giờ thấy buồn”:  

“Mới ngày nào anh còn đến nhà TK chơi với anh chị Lê Chí Hiếu, TK nhớ anh ngồi trên nhà thuỷ tạ câu cá, anh đòi ăn cơm với cá vì đó là món ăn mà anh không thể thiếu hằng ngày.  Anh còn hứa kỳ sau đến thăm GĐ Thukỳ anh sẽ mang vài chai nước mắm ngon đặc biệt cho TK ăn thử, anh sẽ câu cá và TK chỉ thổi cơm là đủ…. Đâu ngờ anh lại thất hứa hả anh!

Mọi người khi nhắc đến anh sẽ không bao giờ quên được nụ cười luôn nở trên môi, chẳng bao giờ thấy anh buồn.  Đại Hội cựu HSPY thì anh không bao giờ vắng mặt, sự hiện diện của anh mang đến biết bao niềm vui cho mọi người, anh thích ca hát thích ngồi bên bạn bè với 1-2 ly nhâm nhi và những câu chuyện vui buồn.  TK chưa bao giờ nghe anh phàn nàn chỉ trích, chưa bao giờ anh tỏ ra một chút muộn phiền.  Anh luôn mỉm cười và bạn bè khi nhìn anh thì tâm hồn họ rất vui, và thoải mái ngay vì khuôn mặt hiền lành dễ mến của anh.”


Nhưng, thật trớ trêu, “người không biết buồn” để lại nỗi buồn to lớn cho rất nhiều ngươi, đặc biệt cho hiền thê Mai Thị Hòa cùng tang quyến. 


Suốt một tuần nay, tôi chẳng muốn “vào” Facebook, vì sợ thấy những người thân yêu từ từ ra đi; mỗi lần nghĩ đến Sơn, cảm thấy cuộc đời chơi vơi.  



Trong đêm chia tay tại Khách San Red Lion, Seattle, chúng tôi đã được tận hưởng những giây phút vui nhộn của Sơn. Sơn hát rất hay, rất đúng nhịp và đúng giọng (nhưng chẳng bao giờ “xin” lên sân khấu).  Những bản nhạc Sơn thích là những tác phẩm tiền chiến nổi tiếng và những bản tình ca lãng mạn.   Khi hát, Sơn để hết tâm hồn mình vào tiếng nhạc và lời ca.  Tôi có ý định mời Sơn hát trong những đại hội kế tiếp; nhưng hỡi ôi, tiếng hát đó đã bay về miền miên viễn.


Chén “ly bôi”


Sơn ra đi, để lại trên Facebook rất nhiều lời phân ưu đầy xúc đông từ đồng hương, đồng môn, và cả những người không quen biết; riêng tôi, mỗi lần nghĩ đến Sơn là tôi nhớ lại lời Sơn tâm sự của Sơn vào đêm cuối cùng tại khách sạn Red Lion; sơn Nói:

"Anh Hiền biết không, khi nhìn thấy chữ "Nẫu Nè" anh viết trên áo, tôi vô cùng nhạc nhiên; anh là dân Bắc Kỳ mà lại nghĩ ra được 2 chữ thật dễ thương, làm những người Phú Yên chúng tôi rất lấy làm hãnh diện."


Cám ơn Sơn. Hai chữ đó sẽ đi theo anh đến tận cuộc đời.


San Jose, Aug 6, 2020,

Phạm Đức Hiền























No comments: