Thủ tục di trú cho nạn nhân
của sự bạo hành
Đương đơn bị người phối ngẫu
ngược đãi nếu chưa có thẻ xanh 2 năm thì vẫn được ở lại Mỹ. (Hình minh họa:
change.org)
Luật Di Trú Hoa Kỳ là loại
luật rất phức tạp, do đó, theo yêu cầu của đa số bạn đọc cần am tường và thấu
hiểu về luật này, tòa soạn nhật báo Người Việt mời Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc
Chương của Tổ Hợp Luật Sư Nguyễn & Lưu, www.NguyenLuu.com, phụ trách mục
“Tìm Hiểu Luật Di Trú,” đăng hằng tuần trên Người Việt. Luật Sư Darren Nguyễn
Ngọc Chương là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tại Orange County,
California, được Luật Sư Đoàn Tiểu Bang California công nhận chuyên môn về
ngành Luật Di Trú Hoa Kỳ. Hiện nay California có trên 190,000 luật sư nhưng chỉ
có 238 luật sư có bằng chuyên môn về Luật Di Trú, trong số đó có Luật Sư Darren
Nguyễn Ngọc Chương. Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương từng làm việc cho Sở Di
Trú Hoa Kỳ (INS). Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương có nhiều kinh nghiệm trong
việc thiết lập hồ sơ và bổ túc các tài liệu cần thiết để được Sở Di Trú chấp
thuận.
Darren Nguyễn Ngọc Chương, Esq.
Trong trường hợp bị người phối ngẫu ngược
đãi thì phải làm sao? Đây là một câu hỏi mà chúng tôi thường được hỏi rất thường
xuyên. Trong trường hợp này thì tùy theo nạn nhân có thẻ xanh 2 năm hay chưa.
Nếu chưa có thẻ xanh 2 năm
Nếu chưa có thẻ xanh 2 năm, thì nạn nhân
có thể nộp mẫu đơn I-360 để tự mình bảo lãnh cho mình mà không cần người phối
ngẫu theo Đạo Luật Violence Against Women Act (VAWA) (tức là Đạo Luật Sự Bạo
Hành Đối Với Phụ Nữ). Tuy rằng phụ nữ là đa số đương đơn nộp đơn xin quyền lợi
dưới Đạo Luật VAWA, nhưng một số lớn đơn của nam giới lại được chấp thuận.
Để được hưởng quyền lợi của Đạo Luật
VAWA, đương đơn phải hội đủ điều kiện dưới diện bảo lãnh thân nhân. Tức là
đương đơn phải chứng minh (1) họ là người phối ngẫu hoặc là con của người bạo
hành, (2) họ đã chịu đựng sự hành hung hay sự tàn ác cực độ của người phối ngẫu,
và (3) đương đơn phải là người có hạnh kiểm tốt.
Dưới Đạo Luật VAWA, đương đơn không phải
chứng minh họ sẽ bị khốn khổ cùng cực nếu bị trả về nước của họ và đương đơn
không cần phải giữ nguyên tình trạng phối ngẫu trong cuộc hôn nhân bạo hành đó
miễn là đương đơn nộp đơn trong vòng hai năm sau khi ly dị và sự ly dị xảy ra
là do sự bạo hành.
Đơn I-360 có thể được Sở Di Trú USCIS chấp
thuận mà không cần phỏng vấn nếu đơn được nộp với đầy đủ bằng chứng chứng minh
ba điều lệ nêu trên. Sau khi đơn I-360 được chấp thuận, nạn nhân phải nộp mẫu
đơn I-485 để xin thẻ xanh.
Nếu đã có thẻ xanh 2 năm
Nếu nạn nhân đã có thẻ xanh 2 năm và bị
người phối ngẫu của mình ngược đãi thì nạn nhân có thể nộp mẫu đơn I-751 để tự
mình xin thẻ xanh 10 năm. Nạn nhân phải chứng minh rằng hôn nhân là chân thật
và nạn nhân hoặc con của họ bị “người bảo lãnh” bạo hành. Điều luật này không
có sự đòi hỏi là hai vợ chồng đã ly dị.
Sở Di Trú đã minh định rằng sự miễn trừ
này dành cho những nạn nhân của “người bảo lãnh” của bất cứ sự hăm dọa nào có
tính cách hành hung. Những sự bạo hành về tâm thần hoặc lạm dụng tình dục, hãm
hiếp, bị áp bức làm việc mãi dâm sẽ được coi là bạo hành. Sở Di Trú sẽ chấp nhận
bất cứ bằng chứng nào có thể chứng minh sự bạo hành đó. Những chứng minh đó bao
gồm có bản báo cáo của bác sĩ hoặc người chuyên môn về tâm thần. Đơn I-751 phải
được nộp với bằng chứng cụ thể chứng minh rằng sự hôn nhân của nạn nhân và người
bảo lãnh là chân thật.
Bình thường thì đương đơn của đơn xin thẻ
xanh 10 năm phải được Sở Di Trú USCIS phỏng vấn trước khi hồ sơ được quyết định,
ngoại trừ cuộc phỏng vấn được miễn. Vào ngày 30 Tháng Mười Một, 2018, Sở Di Trú
USCIS đã ban hành hướng dẫn mới liên quan đến sự miễn phỏng vấn cho mẫu đơn
I-751. Hướng dẫn mới này chỉ định khi nào sĩ quan của Sở Di Trú USCIS có thể
xem xét quyết định miễn phỏng vấn hồ sơ xin thẻ xanh 10 năm. Hướng dẫn mới này
có hiệu lực vào ngày 10 Tháng Mười Hai, 2018, và được áp dụng cho tất cả hồ sơ
xin thẻ xanh 10 năm mà Sở Di Trú USCIS nhận được vào hoặc sau ngày 10 Tháng Mười
Hai, 2018.
Theo hướng dẫn ngày 30 Tháng Mười Một,
2018, của Sở Di Trú USCIS, đương đơn của mẫu đơn I-751 phải được Sở Di Trú
USCIS phỏng vấn. Tuy nhiên, sĩ quan của Sở Di Trú USCIS có thể xem xét từ bỏ một
cuộc phỏng vấn nếu họ hài lòng rằng hồ sơ hội đủ bốn điều lệ sau đây:
-Điều lệ thứ
nhất là Sở Di Trú USCIS có thể
đưa ra quyết định dựa trên hồ sơ vì hồ sơ chứa đủ bằng chứng về sự trung thực của
cuộc hôn nhân và đương đơn đi vào cuộc hôn nhân này không phải với mục đích trốn
tránh luật nhập cư của Hoa Kỳ. Theo điều lệ này nếu đương đơn nộp đầy đủ bằng
chứng để chứng minh hôn nhân của đương đơn là chân thật thì đương đơn hội đủ điều
lệ này.
-Điều lệ thứ
hai là những hồ sơ xin thẻ xanh
10 năm nộp vào hoặc sau ngày 10 Tháng Mười Hai, 2018, mà đương đơn đã từng được
Sở Di Trú USCIS phỏng vấn. Chiếu theo điều lệ này thì những đương đơn nào làm hồ
sơ thay đổi tình trạng di trú sang thành thường trú nhân (Adjustment of Status)
và được thẻ xanh 2 năm thì được coi là đã từng được Sở Di Trú USCIS phỏng vấn.
Còn những đương đơn nào được thẻ xanh 2
năm do nhập cảnh Hoa Kỳ theo diện phối ngẫu thì bắt buộc phải bị phỏng vấn khi
xin thẻ xanh 10 năm vì những đương đơn đó chưa từng được Sở Di Trú USCIS phỏng
vấn. Sở Di Trú USCIS nói rõ rằng đương đơn được Lãnh Sự Hoa Kỳ phỏng vấn trước
đây được coi là chưa từng được Sở Di Trú USCIS phỏng vấn trước đây.
-Điều lệ thứ
ba là hồ sơ không có dấu hiệu
gian lận trong mẫu đơn I-751 hoặc trong những bằng chứng nộp vào.
-Điều lệ thứ tư là hồ sơ không có
vấn đề phức tạp nào mà cần phải có một cuộc phỏng vấn để giải quyết các mối
quan tâm của Sở Di Trú USCIS.
Khi đương đơn hội đủ bốn điều lệ nêu
trên thì Sở Di Trú USCIS có thể miễn phỏng vấn hồ sơ thẻ xanh 10 năm. Nếu đương
đơn không hội đủ một trong bốn điều lệ trên thì bắt buộc phải bị phỏng vấn.
[qd]
Bản tin chiếu khán
Theo yêu cầu của quý bạn đọc, sau đây là
bản thông tin chiếu khán cho Tháng Tám, 2020.
Ưu tiên 1 – priority date là ngày 15
Tháng Tám, 2014, tức là ưu tiên được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa
có gia đình của công dân Hoa Kỳ.
Ưu tiên 2A – priority date là hiện
hành, tức là ưu tiên được dành cho vợ, chồng, hoặc con độc thân dưới 21 tuổi của
thường trú nhân.
Ưu tiên 2B – priority date là ngày 8
Tháng Sáu, 2015, tức là ưu tiên được dành cho con độc thân trên 21 tuổi của thường
trú nhân.
Ưu tiên 3 – priority date là ngày 1
Tháng Sáu, 2008, tức là ưu tiên được dành cho con đã có gia đình của công dân
Hoa Kỳ.
Ưu tiên 4 – priority date là ngày 8
Tháng Chín, 2006, tức là ưu tiên được dành cho anh, chị hoặc em của công dân
Hoa Kỳ.
Quý vị có thể tự theo dõi bản thông tin
chiếu khán cho hằng tháng tại website của Tổ Hợp Luật Sư Nguyen & Luu, LLP
tại:
www.nguyenluu.com/vn/vnbulletin/2020-08%20luatditru_banchieukhan_dienthannhan.html
Mọi thắc mắc xin liên lạc: Luật Sư
Darren Nguyễn Ngọc Chương hoặc Luật Sư Lưu Trọng Cẩm Thương của Tổ Hợp Luật Sư
Nguyễn & Lưu, LLP địa chỉ số 1120 Roosevelt, Irvine, CA 92620. Website www.nguyenluu.com/vietnamese.html. Điện thoại
(949) 878-9888.
No comments:
Post a Comment