Sunday, August 23, 2020

THĂM VƯỜN CÂY TRÁI CUẢ NGƯỜI VIỆT Ở LITTLE SAÌGÒN TRONG MUÀ DỊCH (ĐOAN TRANG)

 

Thăm vườn cây trái của người Việt ở Little Saigon trong mùa dịch bệnh 

Đoan Trang/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Đại dịch COVID-19 làm đảo lộn toàn cầu, nhưng không thể phá tan sự yên bình ở các khu vườn cây trái của người Việt ngay trong Little Saigon. Chủ nhân các khu vườn còn cho rằng, nhờ có dịch bệnh, vườn nhà tươi hơn, do được chăm bón tốt, và đây mới là lúc họ thật sự tận hưởng không khí và vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời ngay trong ngôi nhà của mình.

 

Chị Tuyến trong mảnh vườn sau nhà. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


Niềm vui khi thấy cây đâm hoa kết nụ

Anh chị Minh-Tuyến Đỗ, chủ nhân ngôi nhà rộng 7,500 sq.ft trên đường Lemonwood, thành phố Garden Grove cho biết diện tích để ở của nhà chị chỉ có 1,300 sq.ft. “Sân trước, sân sau là vườn. Sân trước có thể trồng cây, nhưng chúng tôi đành để trống, vì không đủ sức làm.” Chị Tuyến nói.

Vườn nhà anh chị Tuyến khá đặc biệt, mang nhiều màu sắc, nên thơ với những cụm bông hoa nhiều màu, vừa “dữ dằn” với những gốc xương rồng sần sùi gai nhọn, lại hấp dẫn với những chùm trái non của cây táo, mận, quýt, nhãn, bưởi, gấc…

Nhớ lại những ngày đầu mới mua nhà vào năm 2002, chị Tuyến kể: “Ba năm sau khi dọn về, tôi mới bắt đầu trồng cây ở vườn sau. Trước đó, chủ cũ chỉ trồng vài cây to, còn lại là cỏ dại. Ông xã tôi tự đi mua đá, sỏi về làm landscape, thiết kế lại vườn. Lúc đầu tụi tôi mua hoa về trồng cho lãng mạn. Sau thấy chăm hoa cũng vất vả, mà mỗi lần hoa tàn thì thương lắm, nên tôi chỉ giữ lại một ít, trong đó có cây holly berry, hoa hồng, cúc và bụi xương rồng, sau này mới trồng thêm cây ăn trái.”

 

Trái trên cây mãng cầu ở vườn nhà anh Long. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Chỉ một góc nhỏ trong vườn gần lối ra vào, chị Tuyến nói: “Đó là góc rau xanh của chị Cúc, chị gái tôi. Chị ấy trồng các loại rau thơm, xả, ớt,…Vườn nhà mình vì thế khá đa dạng.”

Chị Tuyến cho biết một số loại cây ăn trái trong vườn là do bạn bè “cho qua, cho lại.”

Chị nói: “Cây mận, và táo tầu là bạn cho, còn mình mua bưởi, quýt. Cây nhãn là chiết cành từ nhà bạn. Thường thường, người ta nói trồng cây ăn trái thì phải cách năm mới được hưởng. Nếu năm nay có trái thì năm sau trái ít lại. Cây nhãn vườn tôi năm ngoái ra đúng một trái, nhưng năm nay đã có nhiều chùm rồi. Táo, quýt bắt đầu ra trái nhỏ. Táo Fuji năm ngoái nhiều lắm, năm nay ít rồi.”

Vườn nhà chị Tuyến rất sạch sẽ, gọn gàng, không một chiếc lá khô, lá vàng rơi.

Chị kể tiếp: “Nhà tôi ngộ lắm, ai cũng mê cây trái nhưng người thích vun trồng, chăm bón, người lại chỉ thích dọn dẹp. Tôi là người của vế sau, chỉ thích cắt tỉa, dọn lá úa, quét lá khô, nói chung là làm cho vườn sạch đẹp. Bất cứ lúc nào rảnh tôi lại ra vườn tỉa bớt cây chỗ này, quét lá bớt chỗ kia, nhìn khu vườn tươm tất như được tận hưởng, là mình thấy vui. Lợi ích của việc trồng cây là thế đó!”

 

Chị Tuyến chỉ thích cắt tỉa, dọn dẹp mảnh vườn. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Mấy tháng dịch bệnh, ai cũng lo lắng, sợ sệt, nhưng gia đình anh chị Minh-Tuyến không tỏ vẻ rầu rĩ, thậm chí, như lời chị Tuyến “có khu vườn này mình cảm thấy vui hơn, nhất là khi ngắm nhìn những bụi holly berry, có trái đỏ để trưng vào dịp Noel, giúp mình cảm giác hoang dã, như đang được ở trong rừng vậy. Tôi thích cây đó lắm!”

Cũng trong thời gian dịch bệnh, chị Tuyến có nhiều thời gian rảnh rỗi lên YouTube hoặc các website để tìm hiểu cách diệt côn trùng ăn lá.

Chị Tuyến kể: “Trước COVID-19, vườn nhà mình có nhiều cây bị sâu, có ốc sên, thỉnh thoảng có châu chấu đi cắn lá. Tôi ra Home Depot để mua thuốc về diệt, nhưng khi có dịch, tôi lên YouTube thấy nhiều người chia sẻ các cách diệt sâu, ốc mà không dùng hóa chất mà bằng dấm, muối Epsom, cũng như cách giúp cho cây tươi tốt hơn bằng bã cà phê; hoặc chôn cá hộp, thay vì mua phân cá.”

 

Góc rau xanh trong vườn nhà chị Tuyến. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Dự định sắp tới của anh chị Minh-Tuyến là làm lại landscape cho vườn đẹp hơn, đồng thời sẽ “trẻ hóa” khu vườn bằng cách “rứt ruột” đốn bỏ một số cây cũ, già yếu.

“Dù tôi thích hoa, nhưng từ khi trồng cây ăn trái, thấy cây đâm hoa kết nụ thì vui lắm. Vài năm nữa khi về hưu, chắc chắn tôi sẽ siêng năng ra vườn hơn.”

Cây cỏ với mình giống như chồng vợ

Thật bất ngờ khi chúng tôi tận mắt ngắm nhìn nhiều loại cây ăn trái Việt Nam ngay ngôi nhà của anh Đào Văn Long, trên đường Mallard, cũng tại thành phố Garden Grove.

 

Anh Long cầm chùm vải mới hái. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Chỉ mới nghe anh Long liệt kê cây trái trong vườn nhà, đã thấy mê. Nào là cây sapoche, nhãn, bơ, vải, vú sữa, mít, khế, măng câu. Mà mãng cầu thì có đủ loại, như mãng cầu nâu, Do Thái, Úc, và cả mãng cầu Cu Ba.

“Nơi đây như một Thiên Đàng ở trần gian.” Anh Long nói về khu vườn nhà mình.

Rồi anh dẫn chúng tôi đi về phía sau vườn cây, nơi có tượng Đức Mẹ La Vang ngự bên hồ nước róc rách, giới thiệu: “Tôi đặt tượng Đức Mẹ nơi đây để kính nhớ, để học theo nhân đức thánh thiện của Người, và để những lúc vui hay buồn đều có thể ra tâm sự với Mẹ.”

Anh Long cho biết trước đại dịch, khu vườn của nhà anh là nơi bạn bè đến sinh hoạt, cùng nhau học Kinh Thánh.

 

Trái kín mít trên cây vải ở vườn nhà anh Long. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

“Đức Mẹ La Vang là nguồn an ủi, dẫn tôi đến với Chúa. Việc tôi làm không phải mình tôi, mà có Chúa luôn đồng hành.” Anh Long nói thêm. “Nhưng từ khi đại dịch, chúng tôi chỉ có thể gặp qua online mà thôi.”

Khu vườn nhà anh thật tuyệt vời. Mất bao lâu, và làm sao anh có thể tạo dựng được như thế? Chúng tôi hỏi.

Anh Long cho biết: “Lúc tôi mua căn nhà này vào năm 2006, nhìn nó… bê bối lắm. Vườn sau chỉ có mấy cây lớn. Tôi bắt đầu trồng thêm cây khoảng 10 năm nay. Sở dĩ tôi thích vườn này vì nó bình yên, mà bạn tôi nói đất ở thành phố Garden Grove cũng tốt hơn những thành phố khác.”

Anh Long chia sẻ kinh nghiệm cho những ai thích trồng cây và muốn sở hữu một khu vườn giống như nhà anh: “Những cây nhỏ, tôi bới lên hết. Bạn sẽ hỏi tôi, sao phải bới lên? Và sau đó thì đào sâu bao nhiêu, rộng bao nhiêu để bỏ cây xuống? Kinh nghiệm tôi là đào 3 ft. ngang, 2-3 ft. sâu, bỏ phân hữu cơ hoặc lá cây mục xuống, rồi tưới nước, và để khoảng một tuần sau, khi đất đã có độ ẩm, mới đặt cây xuống.”

 

Trái trên cây Sapoche ở vườn nhà anh Long. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Anh Long cho rằng quan hệ giữa anh và cây cối giống như vợ-chồng. “Mỗi ngày tôi đều ra thăm cây và tâm sự với cây, giồng như vợ chồng.” Anh Long nói. “Nếu nói mình thương vợ mà không hiểu vợ mình muốn gì, thì đâu phải là thương! Tương tự nếu mình yêu quý cây, thì phải hiểu ở dưới đất, rễ cây có đủ nước không. Đất ở đây là đất sét, khi mình tưới bằng vòi thì nước sẽ trôi đi. Ướt quá thì cây úng rễ, mà khô thì rễ con không đâm sâu được. Nếu mình hiểu dưới đất thế nào, đủ độ ẩm chưa, mình sẽ có cách giúp cây sống và phát triển tốt.”

“Tất cả đều là hồng ân. Làm gì cũng phải bỏ tâm tư tình cảm vào thì mới thấy quý. Từ quý mới có niềm vui. Niềm vui sẽ đem đến tình yêu.”

Anh Long tâm sự. “Năm nay dịch bệnh, nhiều người mất việc làm, nhưng tạ ơn Chúa, vì dịch bệnh mà tôi có thời gian học lời Chúa nhiều hơn, có thời gian chăm sóc vườn cây tốt hơn để mọi người ngắm nhìn, và riêng tôi có cảm giác tận hưởng như đang được sống trên Thiên Đàng. Chúc mọi người dù sống trong đại dịch nhưng vẫn được hạnh phúc, bình an.”

 

 [kn]

No comments: