Wednesday, September 15, 2021

CANADA LÀ ....DZẬY ĐÓ (KIM LOAN)

 

CANADA LÀ …DZẬY ĐÓ

NGƯỜI ĐẸP KIM LOAN.

 

Hồi ở trại tỵ nạn Thailand, khi đậu thanh lọc từ Sikiew lên Panat, tôi chỉ mong muốn được đi Mỹ đoàn tụ đại gia đình của tôi. Chờ gần cả năm trời, lên phỏng vấn, bị phái đoàn Mỹ cho rớt cái bịch, với lời phán chắc như…cua gạch của ông trưởng phái đoàn: “ Bộ Nội Vụ Thailand cho cô đậu vì họ tin lời khai của cô, chớ tui…hổng có tin”! (Ý ổng nói Bộ Nội Vụ Thái…ngu chắc?! Đừng xúc phạm ân nhân của tôi chớ!).

 

Sau đó, theo lời khuyên của gia đình, tôi xin đi Canada, dù sao cũng là hàng xóm thân thiết của Mỹ (không phải…hàng xóm môi hở răng lạnh, 16 chữ dzàng nhe!). Phải công nhận phái đoàn Canada thiệt dễ thương, nhìn qua hồ sơ của tôi có đầy đủ gia đình bên Mỹ mà vẫn nhận tôi vào Canada, không gây khó dễ gì! Tôi xúc động, cảm khái, hỏi thiết tha tận đáy lòng: “Sao mấy ông ...tự dưng tốt với tui vậy?”. Ông đại diện Canada ấy nhìn tôi với nụ cười ấm áp, hiền hoà và nháy mắt đầy tự hào: “It’s Canada” mà tôi xin được tạm dịch theo lối văn chương bình dân là : “Canada là…dzậy đó!”

 

Chuyến bay dài đưa tôi từ Bangkok đến thủ đô Ottawa của Canada đúng mùa đông bão bùng, tháng 12, cao điểm tuyết trắng rơi ào ào không kịp vuốt mặt. Mỗi ngày tôi đón xe bus đến trường với vài lớp áo quần, mang giầy boots, mang bao tay, quấn khăn đầu, khăn quàng cổ, khăn che miệng, (như gái…Hồi Giáo), leo lên được xe bus, lại tháo bao tay, tháo khăn che miệng, tháo khăn quàng cổ, tháo mũ len trên đầu…để tìm tiền lẻ mua vé xe, bác tài xế không đủ kiên nhẫn chờ đợi, nên có vài lần cho đi…free! Riết rồi…thân với bác tài, thỉnh thoảng bác cho đi “free”, tôi cám ơn rối rít, bác chỉ xua tay độ lượng: “ Canada là…dzậy đó!”

 

Vào trường học, tôi bắt đầu quen biết bạn bè Việt Nam và bạn bè bốn phương. Giờ giải lao, trước cổng trường có xe bán hàng dạo, đắt hàng nhất là món French Fries (khoai tây chiên) nóng hổi. Giữa cái lạnh giá rét, ngồi trên ghế đá, ngước mặt nhìn…trời, hứng từng bông tuyết mát rượi mà nhâm nhi fries thì quả là…trên cả tuyệt vời. Lần đó, ông thầy giáo trẻ dạy môn biology mà tôi hay nói chuyện, rủ tôi ra xe ăn trưa để giới thiệu với tôi một món ăn mới, rất đặc trưng của xứ Canada, là món Poutine (tức là khoai tây chiên giòn, trên đó rải một lớp cheese curds, rồi rưới lên gravy nóng hổi). Tôi la oai oái, vậy thì khoai hết giòn, ăn sao được! Ổng bảo tôi chớ có đỏng đảnh, cứ thử đi, rồi sẽ…mê, và tôi đã mê thiệt (hổng biết mê …Thầy hay mê poutine), nhưng vẫn ngoan cố, gọi đó là “món ăn kỳ quặc nhất trần đời”. Sau đó, ông thầy có nhiều dịp hóm hỉnh cười mỉm chi (cọp) mỗi khi bắt quả tang tôi xếp hàng mua Poutine và tiến đến, ghé vào tai tôi …chọc quê: “Canada là …dzậy đó!”

 

Khi gia đình tôi dọn từ Ottawa đến Edmonton (từ bờ Đông sang bờ Tây Canada), mang theo chiếc xe còn bảng số tỉnh bang Ontario chưa kịp đổi. Một lần đi downtown, xong việc bước ra xe, tôi thấy trên cửa kính một mảnh giấy :“Bạn đã đậu xe sai chỗ quy định, nhưng chúng tôi không phạt, vì biết bạn là cư dân mới”. Đang bâng khuâng sung sướng, thì một anh chàng cảnh sát cao to, đẹp trai, oai phong như James Bond tiến tới, với nụ cười…toả nắng: “Thôi cô lái xe về đi, lần sau cẩn thận nhé. Welcome to Edmonton”! Tôi run rẩy lắp bắp, không nói nên lời dù chỉ là hai tiếng cám ơn thì anh ta quay đi, phớt tỉnh Ăng-lê, sau khi để lại một câu rất đỗi…ngọt ngào: “Canada là …dzậy đó!”

 

Cách đây mấy năm, khi tôi phát hành cuốn sách Buồn Vui Đời Tỵ Nạn (dày 325 trang, nặng 300 gram), mang đến bưu điện gửi đi các “khách hàng” khắp nơi. Giá gửi 1 cuốn qua Mỹ là $12, và giá gửi 1 cuốn trong Canada là…$14! Tôi bèn thắc mắc, hỏi nhân viên bưu điện là tại sao lại có chuyện ngược đời, khi mà gửi trong nước lại đắt hơn gửi qua Mỹ. Cô nàng nhìn tôi như người hành tinh khác mới rớt xuống, nhún vai lắc đầu, phán một câu xanh rờn: “Canada là…dzậy đó”.

 

Cái câu cuối này, tôi không hài lòng à nha! Đến giờ cũng chưa tìm được câu trả lời thoả đáng! Nhưng mà thôi, chỉ là chuyện nhỏ, cho qua đi Tám (tôi thứ tám trong gia đình chớ hổng phải tôi hay ...tám), “Canada là…dzậy đoá”!!!

 

KIM LOAN

(Edmonton, Canada)

No comments: