Wednesday, September 8, 2021

DÒNG SÔNG TRÚC, DÒNG CHẢY CỦA ĐỊNH MỆNH (NHẤT PHƯƠNG)

 

Trúc Giang, xin phép cho tôi được định nghĩa thêm là dòng-sông-Trúc, mặc dù ai cũng biết đây đã là tên gọi khá mượt mà về một hồ nước trong xanh như ngọc, nối liền với sông qua hệ thống cống ngầm. Và cũng nhờ thế, nước trong hồ luôn được lưu thông, đầy cạn theo dòng chảy của sông Bến Tre ở phía Nam thành phố, theo định nghĩa của Wikipedia.  Được hòa tan với nhau như vậy nên đối với tôi, nước hồ cũng là nước sông, sáng dâng chiều cạn theo chu kỳ đổi thay của vận nước.

 

Có lẽ, mỗi địa danh trên đất nước hữu tình đều mang một ý nghĩa sâu xa nào đó, rất trang trọng dấu yêu đối với xóm làng bản xứ, cho nên, cứ mỗi lần có cơ hội nhắc đến hay gặp được tên ai trong ý nghĩa này, không nhiều thì ít, đã gợi lại trong tôi các cảnh tượng phong lưu, trăng thanh gió mát lãng đãng sương pha, trời soi bóng nước nơi Quê-Nhà-Một-Cõi.  

 

Thật vậy, quê hương miền Nam, nơi có quá nhiều các phụ lưu, cháu bao đời của dòng sông Cửu, cũng như sông Hương ở miền Trung và sông Hồng ở miền Bắc của các bạn, trong trái tim tôi, đều là những dòng sông nhẫn nhục tuyệt vời chốn quê nhà một cõi.  Nơi đó, ẩn hiện trong từng tâm tư ly xứ thuở mới được cắt rốn chôn nhau vô cùng dấu ái đáng để ấp ủ, để luyến lưu, để nhớ về.  Một Nguyễn Văn Quảng Ngãi với tác phẩm Xuôi Dòng Thời Gian, dễ thương như giọng nói đặc thù xứ Quảng.  Một Tràm Cà Mau kể lại nhiều mẫu chuyện khá gần gũi với rừng Tràm rừng Đước ở cuối miền đất Việt, rải rác trong các mẫu chuyện yêu thương.  Một tên gọi Quỳnh Lưu gợi thèm từng lọn gió chuyển mùa Đông-Bắc-Tây-Nam ở vùng biển cát Nghệ An.  Một Nguyễn Thị Sài-Gòn thẩm thấu toàn vẹn luồng âm thanh hớp hồn của Nhạc Sĩ Việt Dzũng khi còn sinh thời, xao xuyến đến tận cùng tâm thức.  Rồi những Kiên Giang Hà Huy Hà, Phạm Ba Lạc, Thái Hà, Đơn Dương, Triệu Dương…đều là những biệt danh nơi “quê nhà một cõi”.

 

Thế đó. Thơ, văn và âm nhạc, tuy ba nhưng có lúc tưởng chừng cần phải hòa quyện vào nhau làm một, nên, trong ý nghĩ lan man thường nhật của tôi, đây là sự kết hợp đa dạng của thiên nhiên, ảnh hưởng sâu sắc lên cuộc đời của mỗi văn thi nhạc sĩ, được thẩm thấu bằng gió, bằng mưa, bằng sông, bằng biển từ nơi sinh quán của riêng mình.

 

Rồi thời cuộc nhiễu nhương, nội chiến tương tàn tạo nên thảm cảnh chia lìa, hối tiếc, mất mát, phản bội, thủy chung, yêu và hận… như dòng chảy liên hoàn của phù sa, theo con nước lớn ròng, làm môi trường phì nhiêu để cùng nhau sáng tác, nuôi dưỡng những đứa con tinh thần khôi ngô tuấn tú, lãng mạn bổng trầm thản nhiên dâng hiến cho đời.  Nhiều người bạn thơ, văn, nhạc sĩ nơi quê nhà một cõi ấy, dù muốn dù không, cũng đã ngược xuôi chìm nổi theo dòng chảy định mệnh này.

 

Lìa xa đất nước càng lâu, nỗi nhớ quê xưa làng cũ càng tăng dần theo cấp số nhân, nên có lần tôi đã bồi hồi viết xuống, “nếu đừng có trái tim, chắc không cần hơi thở; nếu đừng quen mặt Người, chắc không cần phải nhớ”…  Độc giả không ngại ngùng ngỏ lời khiển trách ngay tức thì, “trật rồi cô nương, con người thở bằng phổi, không ai thở bằng tim”.   Tôi biết ơn người độc giả ấy vô cùng, bởi lúc nào tôi cũng muốn học thêm và sửa đổi những điều sai trái từ cách viết của mình để rèn luyện văn phong.  Nhưng, người ơi, thực tế cũng phũ phàng như cách viết, bởi chúng ta tuy thở bằng phổi, nhưng phải cảm nhận hạnh phúc hay đau khổ, thể hiện tâm trạng và tâm sự của từng bản ngã bằng nội tâm, bằng chính nhịp đập của tim lòng.  Đau buồn tim loạn nhịp, xa cách nhớ đoạn trường…  Ngay cả lý trí là “trung tâm hành quân” của từng bản ngã còn phải chịu thua quyết định của quả tim cho êm ả cuộc đời chung.  Dòng chảy định mệnh ấy đã thẩm thấu trong bầu khí quyển, lan tỏa xuống vườn Thi Ca những cung bậc trữ tình ray rứt nhất, khó thể khước từ.  Cho nên “nếu ta đừng quen nhau, thì đời chưa nhuốm u sầu”… 

 

  Giờ đây, trải qua ba phần tư một đời người, nhìn lại quê hương, càng thấm đẫm thương đau của thời đất nước bị phân hai, lúc tôi còn chưa kịp “tốt nghiệp” lớp ba trường làng nữa đó.   Vì âm nhạc là ngôn ngữ chung, là tiếng lòng của tất cả, nên ca sĩ GL từng tâm sự, “khán thính giả tuy không muốn hoặc không thể hát, nhưng sự thưởng thức rất tinh tế mỗi khi dòng nhạc được trỗi lên.  Ý kiến của khán thính giả mọi lúc đều quan trọng đối với người nghệ sĩ”.  Thật vậy, những luồng âm thanh của quê hương, ví như chiếc ghe tam bản vô hình chở tôi về chốn cũ.  Tôi nghe rào rạt đâu đây như có tiếng róc rách của nước âu yếm vỗ mạn thuyền quanh chỗ tôi ngồi trên Bến Lở thuở còn thơ.  

 

Dưới sông, dường như vẫn nhấp nhô những chuyến đò, con đò năm xưa mỗi ngày tấp nập nhịp nhàng đưa đón khách ngược xuôi. Tôi theo cung bậc hớp hồn của các nhạc sĩ thời danh quen thuộc, một lần nữa, nhìn lại quê hương bằng trái tim, song hành cùng hơi thở khẽ khàng, êm ái nhất.  Phần đông các giọng du dương mới lớn sau vết khắc “dòng sông hết thời chia cắt”, không thể có cùng tâm trạng để cảm nhận mọi nỗi niềm “nhẫn nhục đau thương” như các danh ca ưu tú của hòn ngọc Sài-Gòn-Xưa.  Thuở nào đất nước chia đôi chưa được bao lâu mà lòng buồn đến vậy, so với hơn bốn mươi sáu mùa nắng mưa ly xứ bây giờ…buồn cách gì mới thấu (!).  Dòng sông Trúc ơi, hãy cùng tôi lượn qua vàm Ba Lạc làng Long Mỹ đi sông, để trên dòng sông xưa, trong khoang đò cũ, tôi thảnh thơi ngồi nhìn người nghệ sĩ chung tình ôm đàn ray rứt nhớ về quá khứ.  Âm điệu mênh mông buồn diệu vợi, lòng tôi bỗng sụt sùi, thổn thức nghĩ đến mái nhà lung linh ẩn hiện bóng mẹ hiền, và tự hỏi, bây giờ chốn ấy ra sao dưới khung trời mất nước?!.

 

Bến Tre có khá nhiều nhân tài, tiêu biểu là “cây bút vàng Xuân Tước” vang bóng một thời.  Rồi Xuân Vũ, Nguyễn Siên, Nguyễn Tấn Hưng -Hồng Lan, Hoàng Thị Đáo Tiệp…, và nhiều “sĩ” nữa, xin để dành kể thêm vào dịp khác.  Lúc xưa khi còn tại thế, bác Xuân Tước đã không ngần ngại đặt tên cho tôi là cô cháu “Mưa Nửa Năm”.  Có lẽ bác muốn chia sớt cho tôi hưởng được chút nước của một trong hai mùa mưa nắng.  Bác còn hàm ý thực tế hơn, bởi những gì tôi viết xuống, theo ý bác, đều bị ngập lụt, ướt mèm, bơi lội bập bềnh bì bõm trong những cơn mưa buồn rỉ rả rơi xuống thôn nghèo.

 

Lần đầu tiên thưởng thức tiếng hát MTV, người ca sĩ quê Tre, tôi

nghe thấm mát tâm tư như thuở còn được tắm mưa, “bắt cá” dưới tàng cây vú sữa hột gà, còn được uống trọn ly nước dừa vàng hực ngoài cổng Tam Quan...Phải có tấm lòng yêu mến mảnh đất vườn rau, nếm trải khổ đau đến chín từng mây tím, người nhạc sĩ mới vắt được máu tim mình tạo thành âm điệu để ca sĩ cất tiếng ngân nga những khúc nhạc lòng “Xa Xứ” não nùng [nhạc Hoàng Cầm],“không ngôn từ mô tả” [chữ Hoàng Anh Tuấn].  Tâm sự thê lương khi con người bị bứt lìa khỏi nơi sinh trưởng, ví như chiếc bánh ít nhân dừa, đặc sản kỳ thú của Bến Tre, béo ngậy sợi quê hương, trộn lẫn ly đường tuy được

khuấy đều tay nhưng lỡ bị ngọn lửa chiến chinh cợt đùa nên chưa lúc nào nóng đủ, khiến các hạt cô đơn rã rời, không thể hòa quyện vào nhau, phải chen chúc ẩn núp dưới các khoang ghe mấp mé điệu hò ly biệt.  Trăng sáng, bờ xưa, ngày tháng cũ đã làm nên đời sống tinh thần cạn đầy như vận nước, tạo thành dòng phù sa muôn nhánh, dòng chảy của định mệnh vẫn ấp yêu đàn con Việt, mặc dù bị đưa đẩy khỏi bờ tre ruộng lúa, lan tràn khắp mọi nẻo ta bà trên thế giới mênh mông.  

 

Nỗi buồn nhiều lúc khá vu vơ, khiến mình bỗng dưng muốn quay nhìn lần nữa, rồi lần nữa, âm thầm xót xa ngoảnh lại thành phố Sài Gòn quá thời kiêu sa ấy.  Ngôn ngữ Việt của lớp người rời quê hương cách đây hơn bốn mươi năm, không những phong phú mà lại còn khá rộng nghĩa để các nhạc sĩ có thể tạo dựng nhiều bóng đen bóng trắng quanh cuộc đời chung, để gửi gấm mọi trạng thái của tâm hồn, đa dạng đến không ngờ.  Nghe đi, nghe lại, nghe hết những lời tình tự trong các bài văn, bài thơ, bài hát cũ đến nốt ngân, đến dấu chấm cuối cùng, tôi luôn ngấm ngầm hụt hẫng chơi vơi trong chập chùng thương cảm cho từng lọn sóng lăn tăn gờn gợn của mọi dòng sông. 

 

Đời sống của sông trong suy nghĩ của tôi, dường như không lúc nào có thật, bởi sáng dâng chiều cạn làm sao cùng một khối nước, một lượng phù sa, một đám Lục Bình.  Tất cả chỉ là tạm bợ, lúc có lúc không như lòng mơ ước, những “ước mơ chưa lần ngỏ, đã như mây trên ngàn”.  Như thế đó, nên khi ngoảnh lại đời thường, từ sau thời ly loạn, trên khắp mọi ngõ ngách thê lương đến tận cùng đất Mũi, làm cách nào còn nhìn thấy Xuân tươi?!

 

Bây giờ, cuối tháng tám của năm 2021, vừa trải qua bốn mươi sáu năm bốn tháng làm kẻ độc hành trong ngôn ngữ, các nhạc sĩ tôi quen chắc cũng sẽ tiếp nối dòng chảy âm thanh chìm nổi bằng những bài hát mới.  Hy vọng từng nốt bổng trầm du dương này sẽ mạnh mẽ hơn, sẽ hăm hở vượt trùng dương, soải cánh bay vèo qua biển Thái Bình, lừng lững tỏa xuống quê nhà từng “lời vút cao âu yếm ngọn Trường Sơn, nốt hoang dại ôm thác ngàn Đại Lãnh”.  Rồi sẽ có những tiếng hát thẩm thấu muôn lời ca tràn ngập yêu thương, đem lại yên lành cho Người bình yên đi trên Đất.  Đó sẽ là thời điểm khuyến khích mọi dòng sông nhịp nhàng tuôn chảy, tưới mát lương tâm, ươm trồng nền mống Tự Do trên Quê-Nhà-Một-Cõi đến vô cùng.

No comments: