Wednesday, September 29, 2021

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM "CUỐN THEO CHIỀU GIÓ" CỦA MARGARET M. MITCHELL (HOÀI NGUYỄN)

 Giới thiệu tác phẩm “Cuốn theo chiều gió” của Margaret M. Mitchell




Có lẽ nhiều người Việt nhất là ở miền Nam trước đây đã từng đọc say mê tác phẩm thuộc dạng tiểu thuyết kinh điển “Cuốn theo chiều gió” (Gone with the Wind) được xuất bản năm 1936 và cũng đã từng xem bộ phim cùng tên này của nhà văn nữ Mỹ Margaret Munnerlyn Mitchell (1900-1949) được trình chiếu lần đầu vào năm 1939.

Cũng nhờ “tác phẩm duy nhất” này mà Margaret Munnerlyn đã đoạt được Giải thưởng Pulitzer năm 1937 và trở nên nổi tiếng, chỉ trong vòng nửa năm đã có tới 1 triệu ấn bản đã được bán hết với sức mua là 50.000 cuốn mỗi ngày và đã bán được hơn 28 triệu bản!

Lấy bối cảnh từ cuộc nội chiến vô cùng khốc liệt giữa Bắc và Nam Mỹ (1861–1865), “Cuốn theo chiều gió” với cốt truyện rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, đã khắc họa một cách tài tình tâm trạng, tính cách và thân phận của nhiều lớp người trong chiến tranh và thời hậu chiến của Mỹ thời ấy.

“Cuốn theo chiều gió” có sức hấp dẫn mãnh liệt giới trẻ Mỹ cũng như thanh niên toàn thế giới vì đây là cuốn tiểu thuyết tình yêu đặc sắc. Lạ kỳ thay, trong chiến tranh và những năm hậu chiến vô cùng gian khổ, tình yêu lại luôn luôn chói ngời, trở thành động lực giúp cho con người vượt qua chết chóc, đói khổ và sự hèn hạ...

Không chỉ có tình yêu trai gái, “Cuốn theo chiều gió” còn là bài ca của tình yêu quê hương đất nước, tình tương thân tương ái.

Margaret Munnerlyn Mitchell sinh trưởng tại thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia, thuở nhỏ được gia đình gọi bằng cái tên “Peggy” lớn lên trong bối cảnh ở miền Nam Hoa Kỳ, đã sống với các bà con bên mẹ là những cựu chiến binh trong cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ và là những người dân của “Phe Miền Nam thất trận”. Vì vậy Margaret M.Mitchell đã được nghe kể lại rất nhiều câu chuyện liên quan tới cuộc chiến tranh và các hậu quả.

Margaret M.Mitchell đã theo học Đại Học Smith nhưng bỏ dở việc học trong năm cuối cùng do bà mẹ qua đời vì bệnh cúm, nên trở về Atlanta để lo công việc gia đình. Sau đó không lâu, Margaret tham gia vào ban biên tập của tờ “The Atlanta Journal” và thường viết bài cho ấn bản ngày Chủ Nhật của tờ nhật báo này.

Margaret M.Mitchell đã hai lần kết hôn vào năm 1922 và ly dị , sau đó năm 1925 đã kết hôn với người phù rễ trong lần kết hôn đầu.

Khi phải nằm nhà để điều trị vì bị gẫy mắt cá chân, Margaret M.Mitchell đã được ông chồng John Marsh mượn từ thư viện rất nhiều cuốn sách lịch sử. Được sự động viên của chồng, Margaret đã dùng các kiến thức của mình về cuộc Nội Chiến Nam Bắc Mỹ cộng với những hoàn cảnh trắc trở trong cuộc đời của mình để viết nên một tiểu thuyết chứa đựng bên trong rất nhiều tình tiết và rồi tự đánh máy cuốn truyện bằng một máy chữ cũ Remington. Lúc đầu, Margaret đã gọi nhân vật nữ anh hùng của mình là “Pansy O' Hara” và đồn điền Tara được gọi là “Fontenoy Hall”, còn về tên gọi của cuốn truyện, Margaret phân vân trước hai tên sau: “Tote your Heavy Load” (Mang Gánh Nặng) và “Tomorrow is Another Day” (Ngày mai là một ngày khác).

Ban đầu do bị tai nạn không thể đi lại đâu được và nhờ động viên của người chồng, Margaret viết truyện để làm vui cho chính mình và đã không nói cho các bạn biết rằng mình đang viết văn. Các bản thảo của cuốn truyện được Margaret giấu kín trong các bao thư lớn, để dưới gầm giường hay trong phòng kho nhỏ. Margaret đã viết không theo thứ tự, bắt đầu bằng chương cuối cùng và đôi khi nhẩy cách từ chương này qua chương khác. Chồng của Margaret thường đọc các bản thảo để giúp cô duy trì sự liên tục trong cuốn truyện.

Vào năm 1929, khi vết thương tại mắt cá chân đã lành thì phần lớn cuốn truyện đã được viết xong và Margaret cũng cảm thấy không cần phải ra thư viện tìm kiếm thêm các tài liệu. Margaret Mitchell đã sinh sống tại Atlanta như một nhà báo nữ bình thường và khiêm tốn, cho đến khi một buổi gặp gỡ định mệnh tới với cô vào năm 1935.

Vào thời gian này, một nhân viên của nhà xuất bản MacMillan tên là Howard Latham đã tới Atlanta để tìm kiếm các nhà văn mới của miền Nam Hoa Kỳ. Một người bạn trước kia làm việc với ông Lantham đã đề nghị Margaret Mitchell đưa ông ta đi vòng quanh thành phố và ông Howard Latham thấy Margaret rất vui vẻ, hấp dẫn trong cách nói chuyện, nên đã hỏi xem cô Margaret đã từng viết một cuốn tiểu thuyết bao giờ chưa.

Margaret Mitchell rất ngần ngại vì trước kia, một người bạn đã chế giễu cô “cù lần mà dám viết văn” nên có phần tự ti trước nhân viên nhà xuất bản, Tuy nhiên Ông Howard Latham đã cầu khẩn cho ông ta xem tập bản thảo cuốn tiểu thuyết trước người khác!

Rồi Margaret giao cả va-ly bản thảo cuốn tiểu thuyết cho Howard Latham và khi ông này rời khỏi Atlanta thì Margaret lại đổi ý, đề nghị gửi lại các bản thảo cho cô!

Nhưng, tất cả đã muộn. Ông Latham đã đọc rất nhiều trang viết và đã nhận ra rằng mình đang có trong tay một cuốn truyện rất hấp dẫn. Vì thế đáng lẽ trả lại bản thảo, ông Latham đã cho cô Margaret biết mình nghĩ thế nào về cuốn truyện và tin rằng sau khi xuất bản, cuốn tiểu thuyết này sẽ thành công. Ông Latham cũng gửi gấp tới cô Margaret một tấm ngân phiếu để yêu cầu cô viết xong cuốn tiểu thuyết, và Margaret Mitchell đã hoàn thành chương một, được viết cuối cùng vào tháng 3/1936!

Cuốn tiểu thuyết “Cuốn Theo Chiều Gió” được in xong vào ngày 30/6/1936.

Về cuốn tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió”

Nhân vật chính của tiểu thuyết là cô gái Scarlett O'Hara cùng với Rhett Butler trở thành cặp nhân vật điển hình của thể loại tiểu thuyết kinh điển những năm đầu thế kỷ 20.

Tên của cuốn tiểu thuyết bắt nguồn từ bài thơ “Cynara”" của Ernest Dowson, với dòng đầu của đoạn thứ ba như sau: (I have forgot much, Cynara! Gone with the wind). Dòng chữ “Gone with the wind” (Cuốn theo chiều gió) cũng xuất hiện khi thành phố Atlanta bị quân đội Miền Bắc bắn phá, Scarlett O'Hara đã phải bỏ chạy về đồn điền Tara của gia đình và nàng tự hỏi: “Tara còn đứng vững không? Hay là Tara đã bị “cuốn theo chiều gió”, cơn gió mạnh thổi qua Georgia?".

Scarlett O' Hara là một hoa khôi của địa phương Georgia nên được nhiều chàng trai theo đuổi. Cô thường hay tham dự vào các buổi dạ tiệc, dạ vũ hay các lần họp bạn nấu ăn ngoài trời. Một hôm, Scarlett bị xúc động mạnh khi Ashley Wilkes, chàng thanh niên con ông chủ đồn điền bên cạnh, báo tin cho nàng biết rằng chàng đã hứa hôn với Melanie Hamilton, một cô em họ của Scarlett.

Khi không thể thuyết phục Ashley đổi ý, Scarlett bèn tán tỉnh Charles Hamilton và chàng trai này rất ngạc nhiên vì vẫn tưởng rằng người đẹp này sẽ không bao giờ chú ý đến mình. Trong khi các chương trình của Scarlett còn dang dở thì cuộc Nội Chiến tràn lan tới, các chàng thanh niên phải tham gia vào quân đội và Charles bị tử trận. Vì vậy Scarlett đã trải qua nhiều năm tại Atlanta, sống một cuộc đời buông thả, mặc cho các bạn gái cùng đẳng cấp chê trách.

Cuộc đời của Scarlett lại trở nên phức tạp khi xuất hiện Rhett Butler, một tên cướp biển trước kia và hiện nay là một kẻ cơ hội, nên không được chấp nhận tại thị xã sinh quán là Savannah. Rhett đã khiến cho Scarlett yêu thương mình nhưng tính bộc trực và những nhận xét ngay thẳng của chàng này đã làm cho Scarlett tức giận nhiều lần.

Trong khi thành phố Atlanta bị quân đội Miền Bắc bao vây, Scarlett bỏ chạy về đồn điền Tara của mình cùng với cô em họ Melanie Hamilton và cháu bé mới sinh tên là Beau. Tại nơi này, nàng Scarlett học cách sống còn trong các hoàn cảnh cực khổ trên cánh đồng và có khi cầm súng bắn các người lính Yankee Miền Bắc để bảo vệ ngôi nhà.

Khi chiến tranh chấm dứt, Scarlett lại phải đương đầu với các hoàn cảnh khó khăn khác. Chính quyền địa phương đã tăng thuế và các kẻ bất lương đang tìm cách cướp đi đồn điền Tara của nàng. Scarlett bèn trở về Atlanta, cố gắng gặp lại Rhett để lừa dối chàng này là mình sẽ kết hôn với chàng, với chủ đích mượn số tiền 300 mỹ kim để trả thuế. Khi cách thức kể trên không thành công, Scarlett đã ăn cắp tiền của Frank Kennedy, hôn phu của người em và món tiền này là để dành cho đám cưới. Vì muốn cứu lại đồn điền Tara, Scarlett đã phản bội người em, lập gia đình với Frank, trả phần thuế còn thiếu và tận tụy giúp cho cơ sở thương mại của Frank được phát đạt.

Sau khi tìm cách hối lộ để ra khỏi nhà tù vì cách làm ăn phi pháp trước kia, Rhett đã cho Scarlett một số tiền lớn để mua một nhà máy xẻ gỗ và nàng trở nên một nữ thương gia khôn khéo.

Một hôm, một tên da đen được giải phóng và một tên đồng lõa da trắng đã tấn công Scarlett trên đường về. Vì vậy bọn Ku Klux Klan đã báo thù cho nàng và trong trận đụng độ, Frank bị chết. Tới lúc này, Rhett cầu hôn với Scarlett và cô nàng nhận lời. Sau lần trăng mật dài và xa hoa tại New Orleans, Scarlett và Rhett trở lại Atlanta, họ sống trong một ngôi nhà lớn và giao tiếp với các người giàu sang. Trong cuộc hôn nhân gây chấn động này, Scarlett thường hay mơ tưởng hão huyền Rhett là Ashley. Nàng có thai lần thứ hai với Rhett và sinh ra bé gái Bonnie Blue Rhett.

Tình cảm của Scarlett với Rhett đã không thể cứu vãn được khi Bonnie, đứa con chung lên 4 tuổi, đã bị tử nạn vì ngã ngựa. Hai người đã chia tay nhau. Khi cô em họ Melanie qua đời, Scarlett hầu như sống cô đơn, không bạn bè, nhiều buồn phiền, nàng trở về đồn điền Tara để lấy lại sức sống bên bà già nuôi và cũng là người nô lệ khi trước, tên là Mammy. Đã quá muộn khi Scarlett khám phá ra rằng Rhett là người đàn ông duy nhất mà nàng yêu thương.

***

Mặc dù Mitchell vẫn thường nói các nhân vật trong “Cuốn theo chiều gió” là hư cấu và không dựa trên bất cứ con người thực nào, những nhà nghiên cứu gần đây đã tìm thấy những điểm tương đồng với những người trong cuộc sống của tác giả, những người mà Mitchell biết hoặc từng nghe nói tới.

Nhân vật nữ chính Scarlett O' Hara là một phụ nữ đẹp, có tính tình nổi loạn, không thuật “chuẩn” của các phụ nữ bình thường khác.

Tác phẩm này cũng mang hàm ý bênh vực các lý tưởng của Phe Miền Nam trong cuộc Nội Chiến và cũng là cách tiểu thuyết hóa nền Văn Hóa của Miền Nam trước chiến tranh. Cuốn truyện cũng chứa đựng rất nhiều sự kiện lịch sử, đã mô tả rõ ràng các ngày sụp đổ của thành phố Atlanta vào năm 1864 và sự tàn phá của chiến tranh. Các nguồn tài liệu của Margaret Mitchell đã mang các tính cách đặc sắc của các nhà sử học và các nhà văn Miền Nam, và cũng vì các mô tả cuộc Nội Chiến, các cảnh tàn phá do chiến tranh gây nên mà tác phẩm “Cuốn theo chiều gió” đã đoạt Giải Thưởng Pulitzer vào ngày 03/5/1937.

Tác phẩm “Cuốn theo chiều gió” trước hết là một chuyện tình, là nỗi suy tư về các đổi thay đã thổi qua Miền Nam Hoa Kỳ trong thập niên 1860. Cuốn truyện bắt đầu vào năm 1861 trước khi xẩy ra cuộc Nội Chiến và chấm dứt vào năm 1871 khi các người Dân Chủ nắm quyền kiểm soát miền Georgia. Trong các năm chiến tranh này, Miền Nam đã thay đổi hoàn toàn và cuốn tiểu thuyết của Margaret Mitchell đã minh họa sự tranh đấu của người dân Miền Nam trong các nghịch cảnh.

Cuốn truyện mở đầu với miền Georgia, một địa phương còn các tập quán, các niềm kiêu hãnh về những tác phong mã thượng, rồi chiến tranh lan tràn tới Atlanta đã gây nên cảnh đổ vỡ trong các cấu trúc quyền lực và các tập quán truyền thống. Miền Nam đã thua trận, các người nô lệ da đen được giải phóng, lối sống của Miền Nam bây giờ đã khác trước, đã có các xung đột nội bộ: người da trắng sợ người da đen, dân miền Nam ghét dân miền Bắc vừa thống trị, vừa lợi dụng, giới thượng lưu cũ căm thù các kẻ mới giàu. Ashley là nhân vật tượng trưng cho Miền Nam cũ, hoài cổ nhưng bất lực trước các đổi thay, chàng yếu đi và tàn dần. Rhett là kẻ thực tế, cơ hội, đã phát triển do đứng cả hai chân: vừa theo phe Miền Nam, vừa theo phe Miền Bắc và đôi khi còn bênh vực các kẻ Yankees Miền Bắc.

Tác phẩm còn mô tả Scarlett O' Hara đã vượt qua được các nghịch cảnh bằng sức mạnh của ý muốn. Nàng là một “nữ anh hùng”, không cần sự giúp đỡ của người khác, tự tin vào chính mình và sống còn sau trận Nội Chiến và thời kỳ Tái Xây Dựng. Nàng đã khôi phục được đồn điền Tara, chăm sóc các người bà con và các bạn bè và đôi khi tác giả Margaret Mitchell còn cho rằng muốn vượt qua các nghịch cảnh, cần tới sự xảo quyệt. Và có lẽ nhờ đặc tính này mà Scarlett là một nữ thương gia tàn nhẫn, một người vợ áp chế chỉ vì muốn thành công.

“Cuốn theo chiều gió” còn mô tả các phụ nữ có đầy đủ trí thông minh và lòng cam đảm dù cho ở vào thời đại đó, đã không có sự bình đẳng giữa hai giới tính. Scarlett thì khôn khéo, đã điều khiển các người đàn ông dễ dàng, đã điều hành xưởng xẻ gỗ một cách thành công và khiến cho người chồng trở thành kém khả năng.

Ngoài ra, Margaret Mitchell còn mô tả thành phố Atlanta đã bị quân lính Miền Bắc đốt cháy ra sao, xây dựng lại như thế nào, và nơi này tượng trưng cho cách thích nghi nhanh chóng của Miền Nam. Sau chiến tranh, Atlanta trở nên một thành phố mới với các đặc tính giàu có lòe loẹt ở một phía và cảnh nghèo khó dơ bẩn ở phía kia.

Có thể chúng ta cũng nhận thấy trong “Cuốn theo chiều gió” là những hoài niệm của một số “tinh hoa” Miền Nam không còn phù hợp với thời thế sau cuộc Nội Chiến vì nó “tô vẽ” cho giới địa chủ miền Nam và bênh vực chế độ nô lệ mà phe Miền Bắc đòi xóa bỏ.

Vào tháng 8/1949, Margaret Mitchell cùng với chồng băng qua đường thì một xe taxi chạy quá tốc độ đã đâm vào nhà văn này. Năm ngày sau, Margaret Mitchell qua đời năm 48 tuổi tại bệnh viện Grady vì các vết thương.

Tác phẩm “Cuốn theo chiều gió” của Margaret Munnerlyn Mitchell ngày nay đã có nhiều người Việt đọc nhưng theo tôi, với người Miền Nam sau cuộc chiến tranh dai dẳng 20 năm trên đất nước, và khi cuộc chiến chấm dứt vào 20/4/1975 thì tâm trạng và sự hoài niệm không khác gì các nhân vật của Miền Nam Hoa Kỳ sau cuộc Nội Chiến Bắc Nam của nước Mỹ và đâu đó ở Miền Nam Việt Nam cũng có nhiều nhân vật tương đồng như trong “Cuốn theo chiều gió”, có điều chưa có được một nhà văn nào miêu tả được như nữ văn sĩ Margaret Munnerlyn Mitchell để trở thành một cuốn tiểu thuyết bất hủ mà thôi!

“Cuốn theo chiều gió” của Margaret Munnerlyn Mitchell đã được nhà sản xuất David O. Selznick chọn để quay thành phim, thành niềm tự hào của điện ảnh Mỹ, lần trình chiếu đầu tiên vào ngày 15/12/1939 đã trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử Hollywood và đạt một con số kỷ lục về số giải Oscar nhận được.


Hoài Nguyễn (12/7/2018)


No comments: