Sunday, September 12, 2021

PARIS CÕI SẮC MÀU (ĐỖ BÌNH)

 

PARIS CÕI SẮC MÀU

 

Đỗ Bình

 

ÁNH MẮT VÀ NỤ CƯỜI 


Họa sĩ Henri Moinard sanh vào thập niên đầu thế kỷ 20 tại Bretagne, miền Tây nước Pháp. Ông là một nhà giáo, một họa sĩ ấn tượng, từng đoạt giải thưởng. Với giải thưởng đó ông cảm thấy rất mãn nguyện ; vì đối với hội họa rất hiếm họa sĩ thành danh lúc còn sống, họ chỉ được công chúng biết đến khi đã lìa đời ! Chúng tôi có cái may là quen biết với họa Moinard lúc ông còn sanh thời. Nhân dịp có mấy người bạn ở Mỹ  sang Pháp chơi lại rất thích hội họa, nhất là trường phái ấn tượng nên chúng tôi đã đưa các bạn đi xem các viện bảo tàng về hội họa ở Paris. Thăm khu phố Montmartre, viện bảo tàng của danh họa Claude Monet người thày vĩ đại của truưòng phái ấn tượng ở Giverny, nhưng có lẽ các bạn còn vấn vương màu sắc nên có người đề nghị muốn gặp một họa sĩ Pháp còn sống, chúng liền phôn cho họa sĩ Moinard ngỏ ý muốn đến thăm xưởng vẽ của cụ. Họa sĩ Moinard rất vui và hẹn ngày mời chúng tôi đến. Hôm đi thăm xưởng, cùng đi với chúng tôi còn có một số bạn người Pháp. sau khi xem tất cả những số tranh, cụ bỗng ngẫu hứng tặng chúng tôi mỗi người một bức sơn dầu. Họa sĩ lấy cọ đề nghị vẽ tặng hai người đàn bà Việt đi chung mỗi người một bức chân dung, cả nhóm rất hoan hỷ đón nhận tặng phẩm tinh thần bất ngờ này. Khoảng nửa giờ họa sĩ vẽ xong hai bức chân dung và trao cho hai chị. Chúng tôi vây quanh ngắm hai bức chân dung, điều thật ngỡ ngàng hai bức chân dung chẳng giống người thật ! Chúng tôi cả Việt lẫn Pháp đều nhìn nhau biểu lộ sự thắc mắc trong im lặng. Họa sĩ Moinard hiểu được sự ngạc nhiên đó nhưng lại dẫn cả nhóm ra vườn xem hoa. Trước khi tiễn chúng tôi ra về cụ mỉm cười giải thích: 

«Tôi đã vẽ bà thứ nhất ở cặp mắt, bà thứ hai ở nụcười.»
Họa sĩ nói tiếp:
«Nhiều năm sau, thời gian có thể làm thay đổi dáng vóc, và khuôn mặt hai bà, nhưng ánh mắt và nụ cười đó sẽ còn mãi với thời gian.»

Chúng tôi ra về mang theo hình ảnh người họa sĩ cặm cụi say mê nghệ thuật, dù tuổi đời đã quá chín mươi. Không biết các bạn của tôi nghĩ sao, riêng tôi lòng cảm thấy thẹn những điều mình biết quá ít về nghệ thuật như giọt nước giữa đại dương ! Hội họa là một thế giới mênh mông, riêng biệt. Trong những khoảng sắc màu tĩnh lặng sâu thẳm có tiếng vọng thầm lặng từ đáy hồn của họa sĩ. Trên đời có biết bao tác phẩm nghệ thuật tạo hình thật độc đáo từ ý tưởng, màu sắc đường nét đầy sáng tạo nhưng lại thiếu người đồng cảm say mê ! Họa sĩ Moinard  đã giã từ màu sắc của thế giới này từ một phần tư của thế kỷtrước. 


Nghệ Sĩ Tạo Hình
 

Tâm hồn con người là một thế giới mênh mông muôn màu và đầy bí ẩn, đối với người nghệ sĩ sự đa cảm lại càng bén nhạy hơn vì chỉ một thoáng cảm xúc về ngoại cảnh cũng đủ biến hiện thực thành ý niệm khởi đầu cho một tác phẩm. Nếu hội họa là nghệ thuật của đường nét ánh sáng màu sắc, nhạc là nghệ thuật của âm thanh tiết tấu và thơ là nghệ thuật của lời, thì sáng tạo nghệ thuật là tố chất cần thiết của người nghệ sĩ. Thi ca và hội họa từ thời cổ đại đến nay về hình thức, cấu trúc đã có nhiều thay đổi nhưng giá trị đính thực vẫn hướng về chân thiện mỹ. Từ ngàn xưa người Việt đã biết vẽ tranh nặn tượng điêu khắc, ngành mỹ thuật mang tính dân gian, trang trí. Nhhững loại hình thể đó truyền lại nhau theo lối thủ công nghiệp. Tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống Hà Nội, ngành điêu khắc, đúc tượng, các đồ thờ tự bằng sơn mài chỉ «cha truyền, con nối» không có trường sở chính thức để nghiên cứu học hỏi về mỹ thuật. “ Theo những tài liệu còn lưu trữ ở thư viện Paris. Lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam thật sự khởi sắc từ khi có trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (L’École Supérieure Des Beaux -arts de l’Indochine). Trường được thành lập ở Hà Nội năm 1925 do họa sĩ Victor Tardieu một người Pháp làm hiệu trưởng suốt 12 năm. Trường đã được sự cộng tác đắc lực của  họa sĩ Joseph  Imguimberty giảng dạy từ năm1925cho đến khi bị giải thể 1945 (vì chiến tranh).  Họa sĩ Victor Tardieu thuộc Trường phái Cổ điển cuối thế kỷ 19, ông từng là bạn học với danh họa Henri Matisse, Raoult. Họa sĩ Joseph Imguimberty tốt nghiệp trường Trang Trí Quốc Gia Pháp, ông yêu đất nước Việt Nam nên có nhiều họa phẩm sơn dầu rất nhập thần về phong cảnh đồng quê Việt.
 Họa Victor Tardieu và Joseph Imguimberty là hai họa sĩ bậc thày đã hướng dẫn các sinh viên Việt Nam làm quen với kỹ thuật hội họa  phương Tây, biết những nét căn bản của Trường phái Cổ điển. Với những kiến thức được học hỏi bài bản, sau khi tốt nghiệp, các họa sĩ có thể tự chọn cho mình một trường phái khác, một con đường riêng : tân cổ điển, ấn tượng, lập thể, trừu tượng, siêu thực, nhưng vẫn phát huy truyền thống nghệ thuật của nước nhà như lụa và sơn mài. Từ đó ngành MỹThuật của Việt Nam mới có những tên tuổi lớn:
«Tô Ngọc Văn, Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ, Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Công Văn Chung, Đỗ Đức Thuận,  Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Thạch Lam, Nguyễn Tường Lân, Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Nguyễn Đỗ Cung,  Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Cát Tường (người vẽ áo dài kiểu Le Mur), Lưu Văn Sìn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Văn Tỵ, Trịnh Hữu Ngọc, Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Dung, Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Đức Nùng, Dương Hướng Minh, Nguyễn Sĩ Ngọc, Trần Văn Thọ, Huỳnh Văn Thuận, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Trọng Hợp, Phan Tại, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Gấm, Tạ Khúc Bình, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Phan Thông, Lê Thanh Đức, Mai Văn Hiến, Trần Duy, Phan Kế An, Dương Bích Liên, Nguyễn Kim Đồng, Văn Cao, Văn Giáo, Lê Quốc Lộc, Phạm Viết Song, Tạ Tỵ, Phạm Đăng Trí»….
Từ ngàn xưa «Cầm , Kỳ, Thi , Họa » đánh đàn, đánh cờ, ngâm thơ, vẽ tranh là bốn cái thú của kẻ tao nhã, nhưng biết đàn làm thơ và vẽ tranh chưa hẳn là nghệ sĩ. Hành trình đi tìm Chân Thiện Mỹ của nghệ thuật là bước vào con đường thênh thang nhưng đầy gian nan khó khăn mà người nghệ sĩ phải tự mình tìm lối đi riêng. Trong làng văn nghệ có những trường hợp nghịch lý: Người đã có tác phẩm được ra mắt công chúng chưa hẳn đã hay hơn những người có tác phẩm nhưng chưa in, hoặc ít phổ biến. Gía trị đích thực của một tác phẩm không hẳn được công chúng hoan nghênh khi mới ra mắt mà gía trị đích thực phải qua thử thách với thời gian và được công chúng yêu mến lưu truyền lâu dài, hoặc được giới nghiên cứu phê bình văn học công nhận. Trong giới nghệ sĩ những người vừa là thi sĩ vừa là họa sĩ mà mỗi lãnh vực đều xuất sắc mang dấu ấn nhưng được công chúng biết đến thì không nhiều! Có người do thiên phú khởi đầu con đường văn nghệ chỉ làm thơ và có những bài thơ xuất sắc độc đáo nên được công chúng biết rồi sau đó mới học vẽ và miệt mài với cây cọ mảng màu để thành họa sĩ. Ngược lại có người đã là họa sĩ sau yêu thơ nghiên cứu thơ làm thơ đắm đuối vì thơ thành thi sĩ. Đó là những người đam mê và am tường thấu đáo bài bản về hai bộ môn nghệ thuật
 



Họa sĩ NGUYỄN HỮU NHẬT

Từ ngàn xưa người nghệ sĩ vẫn được yêu mến vì họ đã biết sáng tạo ra cái đẹp để phụng sự con người, nhưng không phải bất cứ cái gì nghĩ ra cũng là sáng tạo cho dù nghệ thuật là sản phẩm của tâm hồn! Nguyễn Hữu Nhật một con người nhiều gian truân nhưng rất đa tài, đã từng là là một họa sĩ, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, người lính, người đấu tranh cho tự do. Làm sao con người ấy có thể chất chứa tất cả những thứ đam mê tinh thần vào trong một tâm hồn? Có phải những thành quả của sáng tạo, những thành tích hăng say, những năm dài tù đày, và nửa đời lưu vong cho đến ngày nhắm mắt, tất cả đã được thể hiện trong tác phẩm?  Trước năm 1975 Nguyễn Hữu Nhật từng làm những cuộc triển lãm tranh ở Hội Việt Mỹ Sài Gòn, và tại Alliance francaise, Sài GònRa hải ngoại họa sĩ đã triển lãm tranh ở Trung Tâm Văn Hóa Quốc Tế Paris năm 2001, đó là lần cuối cùng anh triển lãm tranh ở tầm vóc lớn. Thuở tâm hồn anh còn hồn nhiên rong sáng chưa bị những lớp sóng đời làm chìm nổi nhà thơ có tâm đạo nên thích hoa sen biểu tượng cho sự trong sáng, thanh cao, do đó nhà thơ lấy hoa sen làm tựa cho tác phẩm nên có nhiều bài thơ, tranh vẽ mang ý nghĩa  từ hoa sen. Hoa Sen là một loại hoa tinh khiết mà các nước phương Đông lấy làm biểu tượng cho sự thanh cao, nó còn mang ý nghĩa triết lý Nhân Quả hiện sinh vì trong búp đã có gương sen (hạt sen) mà chẳng đợi đến khi hoa già héo phát triển thành quả. Hoa Sen sống trong bùn thân rỗng cọng sen thẳng đứngvươn lên khỏi mặt nước càng sống trong bùn lầy hôi tanh bao nhiêu thì nó lại càng thơm tho hương thơm tỏa ngát, hương sắc không bị bùn làm ô nhiễm vấy bẩn. Trong triết lý Phật giáo tâm rỗng lặng là tâm không bị ô nhiễm, không bị tác động bởi nhị nguyên (thiện ác), đó là đặc tính của Tánh Không là bản thể của Bát Nhã (trí tuệ). Khởi từ những bức tranh sen trắng trong đầm màu trắng của hoa toát lên sự thanh thoát bình yên của tâm hồn đến những đóa sen xanh phần dưới của cánh có màu trắng và phần ngọn có màu hồng nhạt tượng trưng cho ý chí, nghị lực. 

Bán Tranh
“Xưa không thích để ai xem
Bức tranh gia bảo vẽ em nhập thần
Giờ lòng đói khát rất cần
Xúi chân đi bán, anh gần hóa điên”


(Thi tập Đã Đời Nguyễn Hữu Nhật)



Ở Paris tôi có giới thiệu với anh những danh họa: René Loesh. Ông Bà Họa sĩ Michiko Ktago, GS Minh Châu Thái Hạc Oanh và họa sĩ Vĩnh Ấn. Thời gian lưu lại Paris họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật đã gặp lại những người bạn cũ là những danh  họa: Thái Tuấn, Lê Tài Điển.

H ọa sĩ René Loesh: Người Pháp cao tuổi, sống ẩn dật làm bạn với những tác phẩm vẽ sơn dầu bằng dao, ông là bạn và từng triển lãm chung với Nữ danh họa quốc tế người Mỹ là Edna Hibel vẽ sơn dầu bằng bút.

 Họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật, nhà văn Nguyễn Thùy cùng tôi đến thăm họa sĩ René và vào xem tranh của ông. Khi bước vào phòng tranh nhìn thấy số tranh trưng bày anh Nguyễn Hữu Nhật đã ngả nón và nghiêng mình tỏ thái độ ngưỡng mộ trước  tác phẩm làm tôi và nhà văn Nguyễn Thùy cảm thấy hân hoan vì những tâm hồn đồng điệu họ đã gặp nhau.
Họa sĩ Michiko Ktago: Người Nhật là hai danh họa quốc tế.
Họa sĩ Henri Moinard người Pháp, tranh được giải quốc gia.
Nữ sĩ Minh Châu GS Thái Hạc Oanh là một bậc thày về tranh Lụa. còn họa sĩ Vĩnh Ấn qua Pháp từ thập niên 50 đã từng đoạt nhiều gaỉi thưởng quốc tế.


 Họa sĩ VĨNH ẤN KẺ LÃNG DU TRONG TRANH 



Tôi rất mê hội họa nên hay đi xem triển lãm tranh ở Paris. Nhiều lần đứng trầm ngâm trước một bức tranh rất thích nhưng không thể lý giải được tại sao thích !

Montparnasse là một khu phố thuộc Quận 14 của Paris. Từ cuối thế kỷ 19, thành phố Paris trở thành trung tâm nghệ thuật của toàn thế giới. Ở hữu ngạn sông Seine, khu phố Montmartre thu hút rất nhiều những họa sĩ. vào đầu thế kỷ 20, nơi đây tập trung rất nhiều nghệ sĩ, nhà văn nổi tiếng. Pablo Picasso trong số những nghệ sĩ danh tiếng đầu tiên tới đây. ở đây có những xưởng vẽ và giá thuê phòng không cao, cùng các quán cà phê bình dân giúp các nghệ sĩ nhanh chóng tìm thấy một không khí cởi mở và tương trợ. Tsuguharu Foujita không biết ai khi từ Nhật Bản tới Paris vào năm 1913, nhưng chỉ một buổi tối đã làm quen với Chaïm Soutine, Amedeo Modigliani, Julius Mordecai Pincas và Fernand Léger. Sau đó vài tuần thì Tsuguharu Foujita trở thành bạn của Juan Gris, Pablo Picasso và Henri Matisse. Trong thập niên 1920  «Những năm tháng điên loạn »Montparnasse đạt tới thời kỳ hoàng kim, tập trung rất nhiều họa sĩ lớn. Có thể kể tới: Pablo Picasso, Guillaume Apollinaire, Douanier Rousseau, Ossip Zadkine, Moïse Kisling, Marc Chagall, Nina Hamnett, Fernand Léger, Jacques Lipchitz, Max Jacob, Blaise Cendrars, Chaïm Soutine, Michel Kikoine, Pinchus Kremegne, Amedeo Modigli Ford Madox Ford, Ezra Pound,Marcel Duchamp, Suzanne Duchamp-Crotti, Constantin Brancusi, Paul Fort, Man Ray, Juan Gris, Diego Rivera, Tsuguharu Fujita, Marie Vassilieff, Grégoire Krug, Léonide Ouspensky, Léon-Paul Fargue, René Iché, Alberto Giacometti, André Breton, Pascin, Salvador Dali, Jean-Paul Sartre, Henry Miller, Django Reinhardt, Joan Miróvà Edgar Degas trong những năm cuối đời.Như đã thu hút những họa sĩ nước ngoài, Montparnasse cũng được rất nhiều nhà văn tìm đến. James Joyce từ Ireland, Morley Callagha từ Canada... Và đặc biệt từ Mỹ với Gertrude Stein, Peggy Guggenheim, Edith Wharton, Ernest Hemingway, F. Scott Fitzgerald... Các quán cà phê Dôme, Closerie des Lilas, Rotonde, Sélect, Coupole, Le Boeuf sur le Toit là nơi các nghệ sĩ tụ tập để gặp gỡ và tranh luận. Không chỉ là khu phố nghệ sĩ,Montparnasse cũng là nơi trú ngụ của một số chính trị gia lưu vọng, như Vladimir Ilyich Lenin, Porfirio Díaz, Lev Davidovich Trotsky, Simon Petlioura. Sau thập niên 1930 thì Montparnasse vắng vẻ dần. Thế chiến thứ hai nổi ra kết thúc thời kỳ hoàng kim của khu phố nghệ sĩ Montparnasse.
Theo Cuốn từ điển của nhà xuất bản Roussard đã thống kê tới 4285 nghệ sĩ, từ danh tiếng đến ít tên tuổi, từng sống tại Montmartre trong hai thế kỷ 19 và 20. Từ khoảng năm 1820, các nghệ sĩ bắt đầu tập trung về đây. Đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khu phố này từng là điểm đến của những họa sĩ nổi tiếng bậc nhất với các trường phái Ấn tượng, Lập thể, Dã thú..Cùng với Montparnasse ở bên tả ngạn, Montmartre trởthành trung tâm nghệ thuật của Paris. 
Tòa nhà Bateau-Lavoir từng đón tiếp Henri Matisse, Georges Braque, Pablo Picasso, Maurice Utrillo, Guillaume Apollinaire... Vincent van Gogh sống tại số 54, phố Lepic. Camille Pissarr vẽ đại lộ Montmartre. Moulin de la Galette từng là đề tài của Pierre-Auguste Renoir, Pablo Picasso, Vincent van Gogh, Henri de Toulouse-Lautrec, Maurice Utrillo... Các quán cabaret Le Chat noir, Lapin Agile có khách hàng là những nghệ sĩ, nhà thơ tên tuổi. (trích Nguồn) 

 Có lần chúng tôi cùng họa sĩ nguyễn Đức Tăng được họa sĩ Vĩnh Ấn mời đến nhà dùng cơm, mục đích ông muốn cho tôi xem những họa phẩm đắc ý của ông và một số sách qúy hiếm của nhiều tác giả nổi danh trên giới mà ông dày công sưu tầm, có những cuốn đã có mặt trên cõi đời này hằng trăm năm. Hẹn với họa sĩ Nguyễn Đức Tăng ở quán cà phê gần nhà họa sĩ VĩnhẤn để cùng đến. Nói đến họa sĩ Nguyễn Đức Tăng vài dòng chỉ là những nốt dạo nhạc về con người tài năng đức độ đó, người được mệnh danh là của “công chúng“ đã được những đồng hương Paris yêu mến nhất vì bản tính nhân hậu và sự nhiệt thành hay gúp đỡ người khác dù tuổi đời đã cao. Hầu hết những  biểu ngữ, phông cảnh sân khấu văn nghệ và trang trí những ngày lễ tết của các hội đoàn Paris đều do anh vẽ suốt mấy chục năm nay. Anh qúy tôi nên đã vẽ hình bìa cho một tập thơ của tôi, và cũng vẽ tặng tôi vài bức chân dung mà  tôi đã in vào những cuốn sách. Khi gặp Nguyễn Đức Tăng tôi thấy anh mặc veste nhưng không đeo cà vạt, tôi hơi ngạc nhiên vì thói quen của người họa sĩ có một thời làm ngoại giao này lúc nào quần áo cũng tươm tất. Tôi hỏi họa sĩ Nguyễn Đức Tăng:
«Sao hôm nay anh không thắt cà vạt?»
Nguyễn Đức Tăng trả lời :
 «Anh Vĩnh Ấn không thích cà vạt!».
 Nghe vậy, tôi liền liên tưởng đến những lần gặp anh Vĩnh Ấn trong những buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật, hay ở những quán cà phê Paris để nghe anh đọc thơ của Paul Valéry(1871-1945), Jacques Prévert(1900-1977) Appollinaire Guillaum e (1880-1918,  hoặc nói chuyện văn chương Pháp ; tôi vẫn thấy anh mang cà vạt. Tuy nghĩ thế tôi vẫn gỡ chiếc cà vạt, anh Nguyễn Đức Tăng thấy vậy ngăn, nhưng tôi vẫn tháo ra,và nói:
«Lần đầu tiên anh Vĩnh Ấn mời đến nhà, tôi muốn như anh được tự nhiên, có lẽ anh ấy vui hơn khi tiếp mình»
Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng cười không nói thêm. Tôi kể cho anh nghe hôm dự buổi lễ tưởng niệm nhà biên khảo Phạm Trọng Nhân, lúc về chung với Gs Tôn Thất Thảo, anh Thảo kể cho tôi nghe về anh Vĩnh Ấn, anh nói:
«Anh Vĩnh Ấn qua Pháp 1951 lúc còn trẻ. Đến Pháp anh vừa đi học vừa đi làm, những năm sau đó anh gặp chúng tôi ở Paris tuy thời gian có khác nhau, nhưng anh nhận chúng tôi là anh em, trong đó có: họa sĩ Võ Đình, nhà văn Phạm Công Thiện, nhà thơ Thi Vũ Võ Văn Ái, và tôi Tôn Thất Thảo ít tuổi nhất. Các anh kia đều là văn nghệ sĩ trừ tôi đi dạy học, thỉnh thoảng có làm thơ, viết biên khảo.»
Tôi ồ lên và nói:
«Toàn là những cây văn nghệ độc đáo!»

Đây là lần đầu tôi đến nhà anh chị Vĩnh Ấn, cảm giác làm tôi rất ngạc nhiên về cách sống của anh chị,một lối sống thanh bạch thật giản dị dù qua Pháp đã quá lâu nhưng vẫn giữ được nếp sống rất Việt Nam. Tôi cứ ngỡ dưới con mắt họa sĩ cách trang hoàng nhà của anh phải lộng lẫy kiểu Tây phương như những câu chuyện về văn chương Pháp mỗi khi gặp anh. Nhưng không ! Căn phòng với ngọn đèn trần không chụp tỏa, ánh sáng vừa đủ rọi vào một tủ kính lớn, mặt tủ được dán kín một lớp giấy báo tôi không biết trong tủ đựng gì ! Cách bày biện rất đơn sơ, giấy dán tường màu nhạt làm tăng sự mộc mạc của chiếc bàn gỗ loại nhỏ đặt giữa phòng, cách đó là chiếc kệ trên có chiếc Radio thời thập niên 50. Tôi không thấy TV, có lẽ TV được để trong phòng ngủ. Trên tường không một bức tranh, nhưng nếu nhìn tổng thể căn phòng, bố cục như một bức tranh ấn tượng mà họa sĩ Vĩnh Ấn cố tình sắp xếp. Anh ChịVĩnh Ấn rất vui đón chúng tôi, anh nói :

«Để chuẩn bị đón các bạn văn nghệ, chúng tôi sẽ mời các bạn dùng món quê hương, món Huế do chính chúng tôi làm.»
Sau khi dùng cơm xong họa sĩVĩnh Ấn mới mở tủ lấy những sách qúy ra giới thiệu, lúc đó tôi mới biết anh sưu tầm sách qúy của VN và thế giới. Tủ sách của anh là một thư viện nhỏ, cuốn nào cũng đóng hộp cứng. Anh cho tôi xem những tập thơ cổ của Pháp, Ý…vv ...sách không đóng bìa, rời từng trang được viết tay hoặc in trên giấy đẹp, khổ lớn. Anh say sưa đọc những bài thơ Pháp. Anh hứa sẽ vẽ bìa cho tập thơ tôi. Anh nói:
«Muốn thực hiện hình bìa thì họa sĩ phải đọc tất cả bài thơ nhiều lần để cảm hồn thơ, tìm xem tác giả muốn gởi gấm gì qua thi tập, sau đó mới hòa cảm xúc mình với thi tập để thực hiện chủ đề. Về tranh phụ bản nếu không do họa sĩ minh họa từ bài thơ trong thi tập thì thà để trống, chứ đừng đem một bức tranh có sẵn của một tác giả nào rồi nhét bừa vào tập thơ, bảo là phụ bản, ép duyên thơ và tranh thật là tội nghiệp !»
Sau khi đọc thơ xong, họa sĩ Vĩnh Ấn mời chúng tôi vào một phòng bên cạnh, phòng này chứa toàn tranh, những bức tranh khổ lớn 1m20 không treo, nhiều bức chưa khung. Anh đem từng bức ra cho chúng tôi xem. Khi xem đến bức tranh hình thể không rõ nét, màu sắc ảo, nủa phần trên dùng những gamme màu buồn ánh sáng nhạt hắt vào mảng màu xanh đen tạo một khoảng không gian xoáy ốc sâu thẳm và tĩnh lặng. Bỗng họa sĩ Nguyễn Đức Tăng hỏi:
 «Bức tranh này khó hiểu, anh muốn nói gì?».
Họa sĩ Vĩnh Ấn không ngước mặt về phía anh Nguyễn Đức Tăng, mắt vẫn chăm chú vào tấm tranh tiếp tục đưa bức tranh khác cho chúng tôi xem, và trả lời :
«Xem tranh thì xem bằng mắt và cảm nhận bằng tâm hồn, đừng nghe bằng tai.»
Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng chỉ đua mắt nhìn tôi chẳng tỏ ý phiền về câu trả lời đó. Tôi biết họa sĩ Nguyễn Đức Tăng nhà văn hóa xã hội nổi tiếng ở Paris rất cảm phục họa sĩ Vĩnh Ấn, họ hiểu nhau. Riêng tôi, quả thật tôi cũng chẳng hiểu bức tranh đó họa sĩ muốn nói gì, dù thời trẻ có thời cầm cọ chơi sơn dầu ! Tôi chợt liên tưởng đến câu chuyện trong tác phẩm La Seconde Chance của Virgil Gheorghiu viết năm 1952:
«Một ngươì khách đến thăm một xưởng vẽ của một họa sĩ  nhìn bức tranh vẽ một con chim bay, người khách thấy lạ lùng hỏi họa sĩ:
Thưa họa sĩ, ông vẽ một con chim đương bay sao tôi nhận không ra ?
! Họa sĩvẫn cắm cúi vào vẽ, không ngẩng đầu lên trả lời :
« Tôi không vẽ con chim đương bay, mà vẽ cái bay của con chim».

Họa sĩ Vĩnh Ấn từng đoạt những giải thưởng quốc tế :Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha ..vv. Giải thưởng Lá CọVàng Hội phê bình nghệ thuật Paris(1980, 1982). Giải thưởng Huy chương Vàng Viện Hàn lâm nghệ thuật văn hóa Âu châu và Mỹ châu(1982). Huy chương Vàng Viện Hàn lâm Quốc tế Lutèce(1982). Giải thưởng cuộc thi quốc tế Mỹ thuật lần thứ 17, năm 1985(ngày trao giải 22.3.1986).
Họa sĩ Vĩnh Ấn con người và tác phẩm như nhau, tâm hồn luôn say mê văn học nghệ thuật nên không nặng phần hình thức, sống đơn giản, thầm lặng nhưng rất tha thiết cuộc đời. Vì kín đáo, tranh lại khó hiểu nên tác phẩm của anh ít được công chúng VN hải ngoại biết đến. Nhưng may thay những nhà làm nghệ thuật quốc tế có con mắt chuyên nghiệp đã trân trọng anh qua những giải thưởng cao qúy. Cả đời anh Vĩnh Ấn say mê văn học Pháp, làm thơ rất nhiều nhưng không là thi sĩ, anh để hồn thơ gởi trọn vào sắc màu hội họa tìm con đường riêng lãng du mà người đời không sao hiểu hết ! Người họa sĩ đó đã vĩnh viễn ra đi ngày 5.5.2008 tìm cõi khác phiêu du.
 


H
ọa sĩ Lê Tài Điển. 

 Họa sĩ Lê Tài Điển sinh ngày 31 tháng 8 năm 1937 ở Mỹ Tho,  gia đình có quốc tịch Pháp. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1962. Học điêu khắc với điêu khắc  gia Lê Ngọc Huệ 1963, học trang trí với hoạ sĩ Mai Lan Phương. Cuối năm 1963 đi Pháp. Năm 1968 tốt nghiệp  Cao Đẳng Mỹ Thuật  Paris. Làm việc tại xưởng vẽ của họa sĩ Raymond Legueult. Cuối năm 1971 về Việt Nam làm việc tại nhà in Sài Gòn Ấn Quán của Trương Vĩnh Lễ. Thành viên Hội Họa Sĩ Trẻ.

Sau biến cố năm 1975 qua Pháp Dạy trường Mỹ thuật ở Sartrouville cho đến ngày về hưu năm 2005.
Các giải thưởng hội họa :
Giải nhất trong « 4ème Rencontre Internationale de peinture »
 

tại Turin, Italia 1967.
* Giải ba Grand Prix de New york 1968.
Triển lãm
1968 Phòng tranh Reflets
Cư Xá Quốc Tế Sinh Viên Paris
Salon Des Artistes Française ( Alliance Française Pháp Văn Đồng Minh Hội) Sài Gòn.
 

Phòng La Dolce Vita Khách sạn Continemtal Sài Gòn. 

1979 Tại Espace Cardin với Nguyễn Cầm và Nguyễn Mộch.
1950-1983 Triển lãm hàng năm tại FIAP.
1981 Đức triển lãm Vietnamesische Kunst
1984 Salon du Printemps ( Espinay sur Seine)
1985 Salon Artistiue (Deueil La Barre)
1986 Phòng tranh Portai à Roulettes ở Salse ( Perpignan)
1991 Maison Des Associations
 

1996 Phòng tranh Bellint Forum Des Halles
1988 Phòng tranh La Sensitive Paris
 

1989 Salon National des Beaux Arts Paris.

Lê Tài Điển là một người đặc biệt dù ở chỗ đông người vẫn thấy cô độc !  Những lúc anh trầm ngâm suy tư bên ly rượu đỏ thấp thoáng trong anh hình ảnh của một triết gia. Anh rất ít nói nhưng khi có hứng anh nói rất hăng say. Ngoài những lúc dạy học anh thường thích ra ngồi quán bên đường giữa phố trầm ngâm nhâm nhi ly rượu đỏ nhìn khách bộ hành qua lại, chẳng biết anh đang suy nghĩ gì ? Nghệ sĩ tạo hình chẳng cần phải giải bày những ẩn tình qua lời nói vì ngôn ngữ đó đã được thể hiện trong những tác phẩm hội hội và điêu khắc. Thế giới nghệ thuật tạo hình muôn màu và vô tận mà các họa sĩ trẻ vào thập niên 60, 70 của thế kỷ trước tự tìm cho mình một con đường riêng,
 thử nghiệm các trường phái nghệ thuật khác nhau : từ lập thể, dã thú, biểu tượng, ấn tượng, trừu tượng đến siêu thực, tân hiện thực..
Ngay từ thuở còn trẻ khi mới bước chân vào thế giới tạo hình Lê Tài Điển đã chọn cho mình một phong cách mới là vẽ trừu tượng chối bỏ những mô thức cũ hiện thực dựa trên nguyên lý căn bản. Hầu hết các nghệ sĩ tạo hình trước khi chuyển sang vẽ các trường phái khác đều trải qua thời vẽ phong cảnh thiên nhiên, vì đó là thứ căn bản mà mọi người phải học và thực hành.  Thuở ấy trường phái trừu tượng còn quá mới ở Việt Nam nên các họa sĩ ít có kinh nghiệm thể loại tranh này. Có lẽ Lê Tài Điển cũng thế, lúc đầu theo học hội họa anh chưa có khái niệm rõ ràng gì về tranh trừu tượng nhưng nguyên nhân nào đã thúc đẩy khiến anh theo đuổi đam mê suốt đời ? Có phải Lúc anh  còn choàng khăn đỏ ở quê đã thần tượng những người dấn thân vì sự độc lập tự do cho quê hương, nhưng khi lớn thêm một chút anh đã hìn thấy sự tàn ác của những người lãnh đạo nhân danh phong trào chống thực dân ừa dối nên vỡ mộng ? Do đó anh đã chọn trường phái hội họa có tính phá cách để phản khán. Trừu tượng là những đường thẳng tự do không hình thể rõ ràng để biểu cảm nội tâm, một chân trời mở rộng chứa muôn sắc màu, trong khi cái hiện thực của Cộng Sản là duy nhất chỉ một màu được qquy định sãn và dóng khung ! Thế giới tạo hình vô tận, họa sĩ Lê Tài Điển vẫn trong sắc màu, tiếp tục theo học hội họa và tốt nghiệp ở Paris nên đã mở rộng kiến thức. Nghệ thuật tạo hình hôm nay rất đa dạng, ngoại cảnh ở thiên nhiên đã thay đổi và tâm thức nghệ sĩ cũng theo thời đại thay đổi, nhưng thẩm mỹ tạo hình vẫn là con đường riêng của mỗi nghệ sĩ.
Trong khoảng thời gian hơn hai năm gần đây,  nhiều lần họa sĩ Lê Tài Điển đến với chúng tôi tâm sự tại tư gia của dịch giả, nhà báo Kim Long, trong đó có nhà biên khảo Mỹ Phước Nguyễn Thanh, nhà thơ Nguyễn Mây Thu và cựu giáo chức Vũ Thúy Hằng. Họa sĩ Lê Tài Điển và nhà báo Kim Long uống rượu, còn chúng tôi uống cà phê nước trà. Trong không khí thân tình họa sĩ đã nói về quê hương về những người tình trong đời, trong tác phẩm cũng như rượu hương vị đỏ uống hoài vẫn thèm! Ở Paris có vài lần tôi đi xem anh triển lãm tranh và điêu khắc. Tranh của anh khó hiểu, dùng nhiều màu sắc đậm: Màu đen như bóng đêm, màu đỏ như lá phong đỏ giữa mùa thu Paris, màu vàng xậm như màu lá úa cuối thu. Màu trắng nguyên chất như áng mây, mảng tuyết, và màu trắng đục như sương mù. Nhìn màu sắc thì thật đẹp nhưng tôi chẳng hiểu anh muốn vẽ gì ! Chiều nay trong căn phòng thơm nồng mùi rượu, Lê Tài Điển có hứng nên anh thao thao kể chuyện tình,  tôi bỗng hỏi :
 

 «Tranh của Toi, moi chẳng hiểu gì ! Toi muốn nói gì trong tranh ? »
Lê Tài Điển đặt ly rượu xuống cười lớn nói : 
 

«Moi vẽ cho moi, Toi chẳng cần hiểu !»
Tôi liên tưởng đến câu nói của họa sĩ Vĩnh Ấn trả lời với họa sĩ nguyễn Đức Tăng , và câu nói của họa sĩ Đinh Cường :
 

« Nghệ thuật là đời sống riêng biệt, hiếm hoi. Tôi đã vẽ trong mọi hoàn cảnh, nơi chốn Không biết để làm gì ? Có lúc gần như tuyệt vọng, đôi khi thấy mình được cứu rỗi. Và tôi lại tiếp tục vẽ, tiếp tục suy nghiệm...Xin đừng bắt tôi giải nghĩa tranh…»
 Có một lần CLB Văn Hóa Paris tổ chức một buổi đón tiếp nhà văn nữ Trùng Dương cựu chủ báo Sóng Thần năm xưa ở Sài Gòn từ Cali sang. Hôm đó quy tụ nhiều khuôn mặt văn nghệ Paris. Nhà văn Kiệt Tấn và họa sĩ Lê Tài Điển uống rượu khá nhiều nhưng vẫn đọc thơ tặng các bạn. Họa sĩ Lê Tài Điển bỗng nổi hứng chấm rượu đỏ vẽ trên tấm trải bàn trắng vẽ chân dung của tôi. Họa sĩ Minh Châu ngồi gần đó nhìn tranh không nói gì, nhà văn Hồ Trường An mang tấm vẽ trao cho tôi và nói :
«  Rượu vẽ nên chẳng giống ông ! » 

Họa sĩ Lê Tài Điển nghe được liền nói : 

« Tôi vẽ Đỗ Bình đang làm thơ, đang thiền ! ». Tôi đồng tình với tác giả. Bức tranh này được họa sĩ Nguyễn Hũu Nhật khen và đưa vào tập san Hương Xa số 2&3  bên cạnh bản vẽ khác của họa sĩ Nguyễn Đức Tăng.» 

Môt lần khác tôi cùng vợ chồng nhạc sĩ Trần Quang Hải Bạch Yến có hẹn với nhạc sĩ Cung Tiến ở quán Đào Viên của chị Vũ Lan Phương. Trong thời gian ngồi chờ, có một bà khách người Pháp nhìn bức tranh sơn dầu trừu tượng của Lê Tài Điển khổ 2 m treo trên tường, bà liền hỏi tôi có biết tác giả của bức tranh này ? Bà khen là tuyệt vời và tự giới thiệu bà là một giáo sư hội họa ở Ý. Tôi đã cho bà địa chỉ của họa sĩ Lê Tài Điển để bà liên lạc.
Có lẽ không gì hơn nghe chính tác giả trả lời cuộc phóntg vấn. Xin trích một đoạn họa sĩ Lê Tài Điển Trả lời Báo Hành Động : 
 

« …Thiết tưởng nghệ thuật là sự hằng cữu và phổ quát tức nhiên không bị đóng hẹp ở một biên cương, giới tuyến hay phục vụ cho một giai cấp xã hội. Nó là của nhân gian. Người nghệ sĩ làm việc cho sự sáng tạo, thái độ chúng ta là đòi hỏi quyền làm người. trong dó có quyền tự do được sáng tạo. »
Báo Hành Động : 

Xin anh cho biết về những phê bình của báo chí Pháp về tác phẩm của anh và cho biết những dự định tương lai của anh ? 

Lê Tài Điển : 

« Thật sự có nhiều phê bình trên báo chí Pháp và Việt, tôi nghĩ không quan trọng và tôi cũng  không quan tâm đến lắm. Việc mình vẫn làm, đường của mình đi cứ đi và những dự định trong tương lai cũng không có gì lớn lao vaà đáng nêu ra trước, sự làm việc, học hỏi và tìm tòi là cần thiết với tôi hiện nay. »
  

 TRONG QUÁN CAFÉ PARIS 

  Vào một chiều thu năm 2004, chúng tôi gồm: Họa sĩ Thái Tuấn, họa sĩ Lê Tài Điển, họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật từ Na Uy, nhà văn Nguyễn Thùy từ Thụy Sĩ, nhạc sĩ Trịnh Hưng, và Đỗ Bình, kéo nhau vào quán cà phê ngồi nói chuyện văn nghệ. Mở đầu câu chuyện nhạc sĩ Trịnh Hưng, tác giả những nhạc phẩm vang bóng một thời:Tôi Yêu, Lối Về Xóm Nhỏ, Tình Thắm Duyên Quê…kể chuyện vừa về VN thăm lại những bạn cũ: như nhà thơ Hữu Loan, nhà thơ Hoàng Cầm, gia đình nhà thơ Quang Dũng và một số nhạc sĩ trong đó có Hoàng Giác…vv... Nhạc sĩ Trịnh Hưng nói:

“Tôi về Hà Nội hỏi thăm Hữu Loan chẳng ai biết cả! Tôi vào cả viện âm nhạc Hà Nội hỏi cũng chẳng ai biết! Mãi về sau hỏi trong giới xe ôm mới có người biết và chỉ đường xuống Thanh Hóa.”
Nguyễn Hữu Nhật hỏi:
“Sao anh không tìm những người bạn nhạc sĩ của anh ngày trước mà hỏi?”
 
Trịnh Hưng:
« Hơn 50 năm chưa về Hà Nội bạn bè cũ tan tác cả; biết các ông ấy ở đâu mà tìm! Tôi có thăm chị Văn Cao và nhờ chị hỏi thăm những nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Tô Vũ, may ra gặp các anh ấy thì sẽ rõ ».
Trịnh Hưng lại nói tiếp
:
«Lúc ở Sài Gòn tôi có đến thăm anh Ưng Lang, Y Vũ, Tô Hải, nghe anh Ưng Lang nói cũng sắp sửa sang định cư bên Mỹ. Còn Y Vũ vẫn sáng tác và sống bằng nghề chơi nhạc như xưa, dạo này đời sống nghệ sĩ bên ấy có khá hơn lúc sau năm 75. Y Vũ biết tôi ngày xưa là bạn của Y Vân nên chú ấy rất qúy tôi».
Chuyển đề tài sang hội họa, tôi hỏi họa sĩ Lê tài Điển đang là giáo sư hội họa ở Paris:
«Tại sao anh chọn phái trừu tượng?»

Lê Tài Điển đặt tách cà phê xuống bàn, chậm rãi nói:
«Ngay từ đầu thập niên 60 khi còn theo học ngành hội họa ở Huế, sau đó sang Paris tiếp tục học; Moi đã chọn trường phái tranh trừu tượng, đó là một cách đối kháng ngầm với lối Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa ở ngoài Bắc. »
hi họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật:
«Cho đến bây giờ ở VIệt Nam vẫn chưa dám phát triển trường phái trừu tượng!»
Họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật quay sang hỏi họa sĩ lão thànhThái Tuấn:
«Anh nghĩ sao về lối vẽ tranh trên vi tính hiện nay?»
Họa sĩ Thái Tuấn:
«Thật là tuyệt! Vẽ trên vi tính vừa mới về kỹ thuật vừa diễn tả được ý tưởng qua hình sắc để đạt tới cái tuyệt vời của nghệ thuật trong hội họa.»
Tôi góp ý:
«Thế giới của nghệ thuật là vô tận, mỗi nghệ sĩ tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của anh Thái Tuấn là thế giới phụ nữ.»
Họa sĩ Thái Tuấn cười và nói:
«Trong hội họa có trường phái Ấn Tượng, Hậu Ấn Ttượng, tôi đố các cậu sau Siêu Thực là cái gì ? Có Hậu Siêu Thực không?»
Bị một câu hỏi bất ngờ mọi người cứ ngẩn ra! Nhà tư tưởng Nguyễn Thùy:
«Tôi xin phép các anh để trả lời câu hỏi của anh Thái Tuấn: “Nếu có “Hậu Hiện Thực” thì chắc phải là 'Siêu Siêu Hiện Thực! Đã là “Siêu” rồi thì chắc không thể có cái “Siêu Siêu”. Tôn giáo quan niệm Thượng Đế là đấng Siêu Thực, đấng hoàn toàn tượng trưng', không thể có môt đấng nào “Hậu Thượng Đế”, “Siêu Thượng Đế”. Không một họa sĩ nào vẽ được hình Thượng Đế, không một Điêu khắc gia nào tạc được tượng Thượng Đế. Tôi cũng không gặp những từ “Tân Siêu Thực” (néosuréalisme) hay “Tân Tượng Trưng” (néosymbolisme). Vậy, nếu có “Hậu Siêu Thực, Hậu Tượng Trưng” thì chỉ là một cái “Không” (le Vide, le Néant, le Rien) thôi, lý trí không thể hình dung ra sao».
Vì trời đã xế chiều họa sĩ Thái Tuấn phải gĩa từ chúng tôi ra về. Đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Tôi thích tranh Thái Tuấn từ trước năm 1975, người họa sĩ sử dụng rất ít đường nét về chi tiết chân dung, họa sĩ có biệt tài về cách dùng màu sắc, giản lược tài tình những gam màu tạo những khoảng trống xanh vàng tím, để thành một thế giới riêng Thái Tuấn. Thời gian sau ông về Sài Gòn sống với người con trai cả đến năm 2008, họa sĩ Thái Tuấn đã giã từ màu sắc cõi đời để về miền vô tận tạo một không gian sắc màu mới, và cùng thời gian đó, nhạc sĩ Trịnh Hưng cũng giã từ cõi đời để về miền vĩnh cửu. Và năm 2014 Nguyễn Hữu Nhật cũng trở về hư vô,  5000 câu Lục bát của anh trong tập bản thảo Động Đình Hồ cũng theo anh mất dấu!. 


Đỗ Bình 

 

No comments: