Tuesday, September 7, 2021

NHÂN VIÊN Y TẾ TẠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN Ở SÀI GÒN TỐ BỊ ĐỐI XỬ TỆ.(TR. N)

 

Nhân viên y tế tại bệnh viện dã chiến ở Sài Gòn tố bị đối xử ‘tệ’

 

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhân viên y tế đang phục vụ tại các bệnh viện dã chiến ở Sài Gòn tố bị đối xử “tệ,” gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần, nhiều người rất muốn xin nghỉ việc.

Báo Thanh Niên dẫn công văn của Thứ Trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Trường Sơn, trưởng Bộ Phận Thường Trực Đặc Biệt Về Phòng Chống COVID-19 Bộ Y Tế tại Sài Gòn, gửi Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Dịch COVID-19 ở Sài Gòn, đề nghị “tăng cường hỗ trợ lực lượng nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến và sử dụng tình nguyện viên.”

 

Nhân viên y tế bệnh viện dã chiến ở Sài Gòn làm việc từ 8 đến 10 tiếng, thậm chí 12 tiếng/ngày, trong các bộ đồ bảo hộ. (Hình: Khánh Trần/Thanh Niên)

Tại công văn này, ông Sơn cho biết hôm 4 Tháng Chín, Bộ Phận Thường Trực đã kiểm tra và làm việc với một số bệnh viện dã chiến, qua đó nhận thấy một số điểm bất hợp lý, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của nhân viên y tế đang phục vụ tại các bệnh viện dã chiến tại thành phố.

Về phân công nhân sự, theo ông Sơn mỗi bác sĩ, điều dưỡng hằng ngày phải chăm sóc và quản lý từ 140 đến 150 người bệnh. Số lượng người bệnh quá lớn khiến phẩm chất điều trị và chăm sóc bị giảm sút.

Mỗi tua làm việc của bác sĩ, điều dưỡng thường từ 8 đến 10 tiếng/ngày trong điều kiện mặc trang phục bảo hộ liên tục có thể gây mất nước và điện giải. Thậm chí, có người thường xuyên phải trực cấp cứu 12 tiếng/ngày, nếu bị điều động tăng cường.

Thế nhưng các bệnh viện dã chiến không bố trí được thời gian nghỉ ra trực cho nhân viên y tế. Sau khi kết thúc công việc chuyên môn, họ tiếp tục phải làm hồ sơ hành chính liên tục (có ngày lên đến 12 tiếng).

Bên cạnh đó, một số bệnh viện sau khi rút nhân lực không bù đủ nhân lực đã rút, khiến tăng thêm áp lực cho các nhân viên còn lại. Áp lực công việc quá lớn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của họ.

Làm việc cực khổ, thế mà hằng ngày nhân viên y tế chỉ được phát cơm hộp với suất ăn chỉ 120,000 đồng ($5.26)/ngày. Khẩu vị không được điều chỉnh phù hợp theo vùng, miền khiến họ khó ăn.

Đặc biệt, những nhân viên y tế lỡ bị nhiễm COVID-19 trong lúc công tác thì bị điều chuyển lên khu người bệnh. Suất ăn của họ được chuyển sang tiêu chuẩn suất ăn của người bệnh chỉ 80,000 đồng ($3.5)/ngày. Việc làm này khiến cho tinh thần nhân viên y tế không may nhiễm bệnh càng thêm suy sụp.

Chưa hết, họ còn bị lực lượng an ninh, quân sự thường xuyên kiểm tra nghiêm khắc mỗi khi ra ngoài mua thêm đồ ăn, thức uống bổ sung (yêu cầu nhân viên y tế mở túi đồ để kiểm tra). Điều này ảnh hưởng đến đời tư mỗi cá nhân, tạo cảm giác không thoải mái, ảnh hưởng đến tinh thần nhân viên y tế.

Không chỉ riêng Sài Gòn, do bị đối xử tệ bạc, nhiều bác sĩ, điều dưỡng ở các tỉnh bất mãn đã làm đơn xin nghỉ việc hàng loạt.

Trước đó, Sở Y Tế Bình Dương đã phải ban hành văn bản cho biết sở này “không giải quyết đơn xin nghỉ việc” của các viên chức y tế tại tất cả đơn vị trực thuộc, đồng thời nếu viên chức tự ý bỏ việc, sở sẽ xem xét kỷ luật theo quy định, thu hồi các chứng chỉ hành nghề đã cấp. Nguyên nhân vì Bình Dương đang thiếu nhân lực trầm trọng cho việc chăm sóc bệnh nhân COVID-19.

 

Một bữa ăn của nhân viên y tế tại bệnh viện dã chiến. (Hình: Khánh Trần/Thanh Niên)

Để ngăn chặn nhiều người xin nghỉ việc, ngày 4 Tháng Chín, Bộ Y Tế đã ra công văn gửi Sở Y Tế các tỉnh, thành về việc “Tăng cường quản lý người hành nghề khám, chữa bệnh.” Theo Bộ Y Tế, việc xin nghỉ của nhân viên y tế là do “không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được phân công, không bảo đảm nhân lực chống dịch COVID-19.”

Tuy nhiên, nói với báo Thanh Niên, Luật Sư Nguyễn Kiều Hưng, đoàn Luật Sư ở Sài Gòn, cho biết thủ tục nghỉ việc và kỷ luật nhân viên y tế công lập phải áp dụng theo Luật Viên Chức. Theo luật này, thì viên chức được quyền đơn phương chấm dứt lao động trong một số trường hợp cụ thể. 

(Tr.N) [qd]

No comments: