Wednesday, December 8, 2021

NHỮNG NGÀY THÁNG CUỐI ĐỜI CỦA CA SĨ NGỌC LAN (ĐẶNG HÙNG SƠN)

 Những ngày tháng cuối đời của 

ca sĩ Ngọc Lan

 

Tiếng hát trữ tình truyền cảm của Ngọc Lan đã mang đến và để lại trong tâm thức của người thưởng ngoạn những âm điệu ngọt ngào, lôi cuốn. Tính tình cô nhu mì, điềm đạm với dáng dấp mảnh mai và một ánh mắt u buồn. Ngần ấy những đức tính và tài năng của cô đã đủ để giới thưởng ngoạn đánh giá cao và sẵn sàng dành cho Ngọc Lan một cảm tình sâu đậm, và một chỗ đứng cao trong lòng giới mộ điệu âm nhạc.

 

Nhưng không ngờ, định mệnh khắt khe và đầy nghiệt ngã đã cướp lấy của chúng ta một con người tài hoa nhưng mệnh bạc. Ngọc Lan có một đời sống gần như bí ẩn, ngoài thời gian trình diễn, cô ít xuất hiện trong đời thường và cũng không có bạn bè nhiều, nên đã có không ít những huyền thoại thêu dệt chung quanh cuộc sống của cô. Bài viết này mong rằng sẽ đánh tan những ngộ nhận vô căn cứ và là điều không công bằng đối với người đã khuất. Xin hãy trả về những sự thật cho cô. Ngọc Lan tên thật là Lê Thanh Lan, tên thánh là Maria. Cô sinh ngày 28/12/1956 (Bính Thân), lớn lên tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, là người con thứ 4 trong gia đình 11 anh chị em, con của ông bà Lê Đức Mậu. Ông đã phục vụ trong ngành Truyền Tin của Sư Đoàn Bộ Binh VNCH. Thuở nhỏ Lê Thanh Lan học trường Trung Học Lý Thường Kiệt tại Quang Trung (Hóc Môn).

 

Cô có người chị ruột là nhà văn nữ Lê Thao Chuyên mất năm 1993. Từ bé cô đã có khiếu ca hát và ngâm thơ, từng hát trong ca đoàn nhà thờ ở Việt Nam, cô cũng từng là học trò của nhạc sĩ Lê Hoàng Long (tác giả bài hát nổi tiếng “Gợi Giấc Mơ Xưa”). Năm 1980 Ngọc Lan đến Thái Lan tị nạn. Thời gian này cô có hoạt động văn nghệ trong trại cùng với MC Trần Quốc Bảo, sau đó định cư tại Hoa Kỳ, thời gian đầu cư ngụ tại Minnesota.

 

Hai năm sau, Ngọc Lan về California và khởi sự tham gia các hoạt động văn nghệ tại Orange County. Xem bài khác Nhạc sĩ Vinh Sử và “Chuyện Tình Liêu Trai”: Chàng từ trong thiên thu hợp hôn nàng nơi cõi chết… Ca khúc “Thương Người Ở Lại” – Sáng tác bị lãng quên của nhạc sĩ Anh Bằng – Lời tâm sự tiếp nối của “Nỗi Lòng Người Đi” Còn nhớ vào năm 1982, tại Cali chỉ có vài quán cà phê trong cộng đồng Việt Nam như Café Lan, Đỉnh Thiêng, Hoài Hương… Các nơi này Ngọc Lan đều góp mặt với giọng hát của mình và nhanh chóng trở thành một trong những ca sĩ hàng đầu tại hải ngoại. Ngọc Lan hát được nhiều thể loại nhạc, từ nhạc Việt đến nhạc Pháp, Mỹ, tiếng hát của cô như có một ma lực quyến rũ người nghe, như lời thì thầm kể lể của người tình với nhau. Ngọc Lan đã từng cộng tác với hầu hết các Trung Tâm Băng Nhạc tại hải ngoại, nhưng giữa lúc sự nghiệp ca hát của cô đang lên đến đỉnh cao của danh vọng thì bỗng nhiên cô dần ít xuất hiện sau năm 1993 (sau cái chết của người chị ruột). Có thể nói Ngọc Lan là một hiện tượng mà ở mỗi nơi cô trình diễn, khán giả đã đứng chật sàn nhảy, không phải là khiêu vũ mà là để theo dõi từng lời ca và lối trình diễn của cô. Đầu năm 1994, Ngọc Lan trở lại sân khấu vẫn với tiếng hát buồn muôn thuở, nhưng ánh mắt thẫn thờ như không còn thiết tha với cuộc đời.

 

Đến tháng 12 năm đó, cô quyết định kết hôn với Mai Đăng Khoa (có tên Kelvin Khoa, một nhạc sĩ xử dụng keyboard trong ban nhạc Bolero, ban nhạc này có xuất hiện trong băng Video Thúy Nga Paris số 15 với 2 M.C. Kim Anh và Trần Quốc Bảo). Sau thời điểm đó Ngọc Lan đã vắng bóng sân khấu. Biết mình mang chứng bệnh hiểm nghèo nên cô không muốn có con, khác với lời đồn là cô có hai con, sự thật Ngọc Lan chưa lần nào sinh nở. Đám cưới Ngọc Lan – Kevin Khoa Vào khoảng năm 1999, tại Việt Nam có tin đồn Ngọc Lan đã qua đời vì chứng bệnh Diabetic, nên MC, nhạc sĩ Nam Lộc đã dành một cuộc phỏng vấn cho vợ chồng Ngọc Lan trong chương trình truyền hình của đài Văn Nghệ VN Television vào một sáng thứ Bảỵ Có nhiều lời đồn về bệnh tình của Ngọc Lan khi người ta thấy mắt cô bị kém thị lực.

 

Nhưng sự thật cô bị bệnh thuộc dạng “The Demyelinating Diseases”, mà trong danh từ y khoa Medical Term là M.S. – có nghĩa là Multiple Sclerosis. Bệnh này phá hỏng hệ thống thần kinh, làm cho các vỏ bao bọc dây thần kinh bị hủy hoại. Đây là một loại bệnh chưa có thuốc chữa, chỉ dùng thuốc Prednisone để kéo dài thời gian. Bệnh này hiếm thấy ở người Á Châu và Phi Châu, và thường có tỉ lệ cao đối với phụ nữ.

Triệu chứng mắc bệnh (First Symtoms of MS in 937 patients): Weakness 48% (Suy yếu)

Paresthesias 31% (Giảm cảm giác, tê)

Visual Loss 25% (Hỏng thị giác)

Incoordination 15% (Không phối hợp, làm tay chân vụng về) Vertigo 6% (Chóng mặt)

Sphincter Impairment 6% (Cơ vòng suy yếu không kiểm soát được)

 

Cho đến nay giới y khoa vẫn chưa biết nguyên nhân của bệnh này, có vẻ như một loại virus lạ xâm nhập vào não bộ và phá hủy lớp vỏ ngoài của dây thần kinh làm mất dần thị giác.

 

Đầu năm 2001, Ngọc Lan trở bệnh, được đưa vào bệnh viện Vancor, và đột ngột từ trần vào 8 giờ 25 phút sáng thứ Ba ngày 6/3/2001, hưởng dương 44 tuổi. Hơn 500 khán thính giả ái mộ và nghệ sĩ thân hữu đã đến làm lễ tiễn đưa Ngọc Lan tại Thánh Đường Thánh Linh và Ngọc Lan đã được an táng tại nghĩa trang Chúa Chiên Lành, Huntington Beach vào sáng thứ Bảy 10/3/2001 trong niềm thương tiếc của mọi người.

 

Sự ra đi đột ngột của Ngọc Lan là một mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam. Tại nhà quàn để thăm viếng Ngọc Lan, mọi người thấy cô nằm đó, chung quanh là những nụ hoa hồng đỏ thắm, trên đầu là chuỗi ngọc nữ trang màu bạc, che phủ mái tóc đen trên gương mặt của một tuyệt thế giai nhân. Hôm tiễn đưa Ngọc Lan lần cuối, lúc hạ huyệt mọi người đã ném những đóa hoa như gởi đến nàng những lời tiếc thương cuối cùng trước lúc chia tay.

 

Tôi đứng lại, bỗng chợt nhìn thấy một cây tùng phía sau mộ có hình dáng như một tàng cây ngả rạp về một phía, giống như một cơn gió mạnh vừa thổi qua – “Gone with the Wind”. Ngồi viết những giòng này, ngoài trời đêm lấm tấm mưa. Như trời đất cũng tiếc thương cho một người tài hoa bạc mệnh đã trở về với cát bụi. Lòng tôi ngậm ngùi khi nghĩ đến cô. “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”

 

Vĩnh biệt Ngọc Lan “Một ánh sáng chói lọi đã tắt”.

 

Nguồn: Đặng Hùng Sơn – Trẻ Magazine 2001


No comments: