Wednesday, December 15, 2021

PHÚ QUANG CUỘC ĐỜI MÀ ÔNG LUÔN SAY ĐẮM (VĂN HÓA- GIẢI TRÍ)

 

Phú Quang và cuộc đời mà ông luôn say đắm

 

 Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Phú Quang được biết đến là nhạc sĩ đa tài và cả... đa tình trong âm nhạc.

Đêm nhạc của những cuộc gặp gỡ định mệnh

SKĐS - Sự kiện âm nhạc đầu năm đáng kể nhất chắc chắn là hai đêm nhạc Trịnh Công Sơn - Phú Quang, mùng 4 và 9/1/2018.

Trong nghiệp sáng tác, ông đã cho ra đời nhiều ca khúc nổi tiếng về Hà Nội, những bản tình ca được công chúng thuộc nằm lòng. Nhạc sĩ cũng có những câu chuyện tình yêu đẹp không phải ai cũng biết.


Nghệ sĩ đa tài

Nhạc sĩ Phú Quang qua đời vào 8h45 phút ngày 8/12 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội). Nhạc sĩ mất ở tuổi 72 sau thời gian điều trị bệnh.

Nhìn vào những sản phẩm âm nhạc mà Phú Quang đã góp vào kho tàng nhạc Việt thời gian qua, dễ dàng nhận thấy ông là nghệ sĩ đa tài khi vừa sáng tác, vừa giỏi phổ thơ sang nhạc, viết ca khúc cho phim, viết cả khí nhạc.

Tình ca và Hà Nội là âm hưởng chủ đạo trong các tác phẩm của Phú Quang, được ông viết lên từ những rung động, xúc cảm của những tình yêu có thật và cả ảo tưởng, khát vọng, ám ảnh về tình yêu. Nhiều ca khúc về tình yêu của Phú Quang đã quen thuộc, được khán giả yêu mến như Mùa thu giấu em, Thương lắm tóc dài ơi, Nói với anh, Về lại phố xưa, Điều giản dị, Khúc mùa thu, Nỗi nhớ mùa đông (thơ Thảo Phương), Mùa thu và em, Biển nỗi nhớ và em (Thơ Hữu Thỉnh), Khúc mưa (thơ Đỗ Trung Quân), Một dại khờ một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo), Dương cầm lạnh (thơ Dương Tường), Thu thật rất thu (thơ Chu Hoạch), Như kiếp chim Di (thơ Trần Tuấn Anh), Dòng sông không trở lại (thơ Vi Thuỳ Linh), Tình khúc 24...

Nhạc sĩ Phú Quang.

 

Thể hiện thành công những ca khúc của ông là nhiều ca sĩ nổi tiếng, đặc biệt phải kể tới ca sĩ Tấn Minh, Minh Chuyên, Minh Thu, Lê Anh Dũng, Thanh Lam, Thu Phương, Đức Tuấn, Bằng Kiều, Ngọc Anh. Đặc biệt, Phú Quang được mệnh danh là "nhạc sĩ của Hà Nội" vì trong kho tàng của mình ông có nhiều ca khúc về Thủ đô đã để lại dấu ấn với người thưởng thức. Ở mảng ca khúc này có thể kể đến Em ơi Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Hà Nội ngày trở về, Mơ về nơi xa lắm, Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Tôi muốn mang Hồ Gươm đi, Hà Nội và em khi thu chớm đông sang, Lãng đãng chiều đông Hà Nội...

Tuy rằng trong hàng trăm bài hát của Phú Quang, nhiều bài không có một chữ nào nhắc đến Hà Nội nhưng khi giai điệu vang lên, người yêu nhạc đều thấy đó là một ca khúc viết về Thủ đô và chỉ có ở mảnh đất ngàn năm văn hiến. Đó là Dường như ai đi ngang cửa/ gió mùa Đông Bắc se lòng/chút lá thu vàng đã rụng/chiều nay cũng bỏ ta đi hay Thôi đừng hát ru, thôi đừng day dứt/Lá trút rơi nhiều, đâu phải bởi mùa thu...

Nhạc sĩ Phú Quang viết nhiều và luôn đắm say với Hà Nội. Phú Quang từng chia sẻ, viết để trả nợ cho mảnh đất quê hương, nơi ông đã lớn lên, nơi có căn nhà của mẹ cha đã đổ sập sau những trận bom B52 thời chiến, nơi đã cùng ông hoài thai những ước mơ của tuổi trẻ, nơi ông đã ra đi, đã đau đáu nhớ thương và đã trở về.

Nếu chỉ nhìn Phú Quang thành công với những bản tình ca hay các nhạc phẩm về Hà Nội sẽ là một thiếu sót, bởi ông còn làm được nhiều hơn thế. Phú Quang đã viết nhạc cho nhiều bộ phim sáng giá của điện ảnh Việt Nam như Bao giờ cho đến tháng Mười, Ai xuôi vạn lý, Vị đắng tình yêu, Hải Nguyệt cùng nhiều vở kịch, ballet và là tác giả của nhiều tác phẩm giao hưởng, hoà tấu. Bên cạnh đó, Phú Quang còn sáng tác concerto cho phần độc tấu của nghệ sĩ cello Ngô Hoàng Quân và nghệ sĩ flute Hồng Nhung.

Mối tình mộng mơ trong cuộc đời

Phú Quang có 3 đời vợ (Kim Chung, NSƯT Hồng Nhung và Anh Thư) và 3 người con Trinh Hương (giảng viên piano, chồng là nghệ sĩ volin nổi tiếng Bùi Công Duy), Giáng Hương và Phú Vương (tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa ở Singapore). Trong một lần trò chuyện với PV Báo Sức khỏe & Đời sống trước đây, nhạc sĩ Phú Quang từng chia sẻ đã yêu một cô hoa khôi trường Nguyễn Bá Tòng (TP. Hồ Chí Minh).

Đó là cuộc tình khi Phú Quang bắt đầu bước chân vào Sài Gòn sau ngày giải phóng. "Cô ấy rất đẹp, đẹp từ hình thức đến tâm hồn. Có rất nhiều chàng trai theo đuổi nhưng cuối cùng cô ấy lại chọn tôi chắc do đẹp trai, chân thành (cười)" – nhạc sĩ của Điều giản dị cho biết. Theo nhạc sĩ Phú Quang, nếu không có mối tình đó, có lẽ sẽ không làm nên một nhạc sĩ Phú Quang như bây giờ.

Nhạc sĩ Phú Quang và ca sĩ Minh Chuyên trên sân khấu một đêm nhạc.

Khi Phú Quang và bạn gái đến với nhau thì bị gia đình nhà gái ngăn cấm vì chàng người Bắc, nàng người Nam. Nhưng với bản chất hiền lành, tử tế, Phú Quang đã khiến gia đình bạn gái đồng ý. Nhưng rồi không lâu sau, gia đình bạn gái sang Mỹ định cư và cũng có ý định đón Phú Quang đi cùng. Song Phú Quang quyết định không rời xa Việt Nam và "cuối cùng chúng tôi đành chấp nhận phải chia tay nhau trong sự luyến tiếc khôn cùng". Ngày chia tay, hai người đưa nhau vào nhà thờ, người yêu Phú Quang nói: "Trên đời này em chỉ có anh và Chúa trời, nếu anh không đi được thì em xin gửi lại mình cho Chúa". Sau đó cô gái ấy rời Việt Nam khiến Phú Quang cảm thấy trống trải, cô đơn tận cùng.

Vì thế, Phú Quang đã dành hết tâm trí của mình vào trong âm nhạc như vơi đi nỗi đau này, ông viết tất cả 13 ca khúc Chuyện bình thường tặng người yêu đến khi cô lấy chồng mới thôi. Trong đó phải kể đến chuyện bình thường thứ 3, nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ Giáng Vân bài Đâu phải bởi mùa thu.

Phú Quang sinh ngày 13/10/1949, là nhạc sĩ hiếm hoi tại Việt Nam tổ chức đêm nhạc hằng năm. Liveshow gần nhất của ông ở tuổi 70 với tên gọi Trong ánh chớp số phận, diễn ra vào cuối 2019, như tổng kết lại cuộc đời, số phận gắn với âm nhạc.

Ngày cô đi lấy chồng, Phú Quang viết Chuyện bình thường thứ 13 rồi ngừng hẳn từ đó: Có những khi về qua phố/ Phố quá đông không thấy mặt người/ Chợt gặp mình cười như đá ngây ngô/ Một sớm mai nào thấy mình trong gương, tóc mờ như sương/ Có những khi về trong gió/ Gió xót xa thương mối tình hờ/ Có những khi chiều nghe nhớ, nỗi nhớ xưa nay vẫn nhạt mờ/ Chợt gặp niềm đau vẫn như đợi chờ.

Lúc lấy chồng, người yêu cũ của Phú Quang đã xin phép chồng đeo thêm chiếc nhẫn của Phú Quang tặng ngày chia tay. "Đó là mối tình rất đỗi đẹp đẽ và mộng mơ trong cuộc đời tôi" – nhạc sĩ Phú Quang tâm tình.

Một Phú Quang luôn phải gồng lên chống chọi với bệnh tật

Trò chuyện với nhạc sĩ Phú Quang, mới hiểu rằng cuộc đời không hề rải sẵn hoa hồng, làm đâu thắng đấy như những gì mà nhiều người vẫn mặc định. Trái lại, đó là một số phận đã đối mặt với cái chết ngay từ ấu thơ và về sau nhiều sự không may mắn chồng lên.

Đây là một chia sẻ của nhạc sĩ: Khi nhận được tin bị ung thư tôi đã buồn nhiều. Mỗi ngày tôi uống hết một chai rượu và nhìn ngọn nến cháy rồi nghĩ đến mình. Và tôi viết bài Ngọn nến: Khi từng giọt nến lặng lẽ rớt vào đêm xa/ Em có thấy thời gian đang qua đi vội vã/ Khi từng giọt nến lặng lẽ rớt vào đêm sâu/ Ta chợt nghe mùa thu trắng trên đầu. Tôi đã tính buông xuôi nhưng phép màu đã xảy ra. Tôi được một người thầy hướng dẫn luyện tập và các khối u dần biến mất. Bởi thế, tôi mới nghiệm ra rằng cái chính là cần lòng tin, khi có lòng tin bạn sẽ vượt qua được nhiều chuyện tưởng như không thể.

Bìa cuốn Chuyện bình thường và Những mảnh hồi ức chợt hiện.

Năm 2016, nhạc sĩ này đã gây bất ngờ khi trình làng hồi ký Chuyện bình thường và Những mảnh hồi ức chợt hiện. Qua từng trang hồi ký, người yêu nhạc có thể nhìn thấy gần như trọn vẹn cuộc sống và con người của một nhạc sĩ tài hoa, lịch lãm, nặng lòng với Hà Nội, với những con người, góc phố thân quen, những Hồ Tây, Hồ Gươm lãng đãng sương giăng và cả những long đong lận đận trong cuộc đời của Phú Quang. Để cuối cùng tất cả những điều đó đều lặn vào trong những sáng tác của ông với một tâm tư, hình hài mới, day dứt và níu kéo mãi người nghe...

Đáng buồn, gia đình nhạc sĩ Phú Quang cho biết, ở tuổi thất thập cổ lai hy ông đã phải nhập viện để điều trị biến chứng bệnh tiểu đường, và tác giả Về lại phố xưa nay đã rời cõi nhân sinh để lại nhiều nhớ thương cho đồng nghiệp, khán giả hâm mộ.

3 NGƯỜI VỢ CỦA PHÚ QUANG.


Vợ đầu tảo tần, xinh đẹp như thiên thần

Người vợ đầu tiên của nhạc sĩ Phú Quang là nghệ sĩ ballet Phạm

Thị Chung, bà sinh năm 1945. Bà hơn chồng 4 tuổi, nhưng nữ

solist của nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam vẫn khiến chàng trai

Hà Nội si mê.


pqu.jpeg

Con gái thứ 2 và con trai út của cố nhạc sĩ Phú Quang

Nhạc sĩ Vũ Duy Cương từng tiết lộ: "Phạm Thị Chung lúc trẻ,

đẹp như thiên thần". Vợ chồng nhạc sĩ Phú Quang sinh con gái

đầu lòng - Trinh Hương - được 1 tuổi thì ly hôn.


Sau này, nhạc sĩ Phú Quang vào Sài Gòn và có người vợ thứ 2 là

NSƯT flute Nguyễn Hồng Nhung. Họ có 2 con tên Giáng Hương

(1982), Phú Vương (1990).

Trong các đêm nhạc, cố nhạc sĩ Phú Quang chỉ huy dàn nhạc tại

Nhà hát TP.HCM, có đôi lần chỉ huy khi vợ độc tấu. Ông từng

nhận định “cô Nhung là thầy".

NSƯT Nguyễn Hồng Nhung được coi là một nghệ sĩ flute hàng

đầu Việt Nam. Chị sinh năm 1953 tại quận Lê Chân, Hải Phòng,

trong một gia đình không ai làm nghệ thuật. Chị có đôi mắt to, da

trắng, sinh viên xuất sắc của trường Âm nhạc Việt Nam đã được

nhạc sĩ Phú Quang để ý.


Vợ 3 kém 20 tuổi, có con riêng

Người vợ thứ 3 của ông tên Trịnh Anh Thư (con gái nhà văn Trịnh

Đình Khôi), sống cùng ông trong những năm tháng cuối đời tại

Hà Nội.

Anh Thư nhỏ hơn cố nhạc sĩ 20 tuổi, từng đổ vỡ hôn nhân và có

một con riêng nhưng rất được ông yêu thương. Nhạc sĩ Phú Quang

nhỏ tuổi hơn bố Anh Thư nhưng lớn hơn mẹ cô 1 tuổi. Dù vậy,

cuộc hôn nhân của họ được gia đình ủng hộ. Anh Thư cũng thừa

nhận đây là điều hiếm hoi ở Việt Nam.

Với người vợ cuối cùng này, cố nhạc sĩ công bố viết tặng chị ca

khúc Mùa thu giấu em (phỏng thơ Doãn Thành Tùng - Thời hoa

đỏ) để đánh dấu giai đoạn họ gặp nhau. Sau này còn có thêm ca

khúc Romance số 4 do ca sĩ Ngọc Anh thể hiện.

Nguyen hồng nhung 2

 

https://www.youtube.com/watch?v=sEuun_QMBjg


PBN Collection | Tưởng Nhớ Nhạc Sĩ Phú Quang 1949-2021

 

https://www.youtube.com/watch?v=omqjZz_gvpI

 



 

No comments: