Vì sao mỗi năm có hàng ngàn bà nội trợ tại Ấn Độ tự tử?
December 18, 2021
NEW DELHI, Ấn Độ (NV) — Theo dữ
liệu mới được Cơ Quan Thống Kê Tội Phạm (NCRB) của Ấn Độ công bố, trong năm vừa
qua có đến 22,372 bà nội trợ tự tử – tức trung bình 61 vụ mỗi ngày hay một vụ mỗi
25 phút, theo bản tin hôm Thứ Năm, 16 Tháng Mười Hai, của BBC News.
Số lượng người nội trợ tự sát chiếm
14.6% của tổng số 153,052 trường hợp tự tử và chiếm hơn 50% số phụ nữ tự tử được
ghi nhận tại Ấn Độ trong năm 2020.
Cô dâu và chú rể trong đám cưới ở Ấn Độ. (Hình minh họa: Narinder
Nanu/AFP via Getty Images)
Con số này luôn lớn hơn 20,000 và liên
tục gia tăng hàng năm kể từ khi NCRB bắt đầu thống kê số vụ tự sát vào 1997.
Một số chuyên gia tâm lý cho rằng
nguyên nhân lớn nhất là do bạo lực gia đình, công việc hàng ngày nhàm chán và
cuộc sống hôn nhân ngột ngạt.
Bác Sĩ Usha Verma Srivastava, chuyên
gia về tâm lý học lâm sàng, giải thích rằng hầu hết nữ giới cưới chồng ngay khi
đủ 18 tuổi – độ tuổi kết hôn hợp pháp. Sau đó họ dành mọi thời gian ở nhà, nấu
ăn, dọn dẹp và làm các việc nội trợ khác.
Họ cũng bị áp đặt nhiều tiêu chuẩn, gần
như không có tự do cá nhân và cũng không được dùng tiền cho mục đích riêng. Mọi
ước mơ và hoài bão của họ cũng bị dập tắt.
Đối với những phụ nữ cao tuổi hơn, Bác
Sĩ Verma Srivastava cho rằng nguyên nhân đến từ hội chứng “chiếc tổ trống” và
các triệu chứng mãn kinh.
Bà Chaitali Sinha, một bác sĩ tâm lý
hiện đang làm việc cho ứng dụng sức khỏe tinh thần Wysa, cho rằng đa số những
phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình có thể gắng gượng nhờ vào sự động viên
thân mật từ những người hàng xóm.
Thông thường, những phụ nữ chung cảnh
ngộ thường lập thành nhóm trò chuyện khi cùng đi chợ, đôi khi cuộc gặp gỡ ngắn
ngủi này là cách duy nhất để họ bày tỏ tâm tư và giúp họ giữ vững tinh thần, bà
Sinha cho biết.
Phụ nữ cũng thường có một chút không
gian an toàn khi cánh đàn ông rời khỏi nhà để đi làm. Nhưng tình hình dịch bệnh
hạn chế cả hai điều này, khiến họ phải gồng mình chịu đựng thêm cho đến khi họ
cảm thấy tự tử là giải pháp duy nhất.
Nhiều nhà tâm lý học, trong đó có Bác
Sĩ Soumitra Pathare, khẳng định rằng dữ liệu thống kê về tình hình này tại Ấn Độ
là không đầy đủ.
Một cuộc khảo sát gần đây của chính phủ
nước này cho thấy có đến 30% phụ nữ bị bạo hành bởi chồng của mình. Nhưng bạo lực
gia đình lại không hề nằm trong số nguyên nhân mà NCRB đưa ra.
Các cô dâu trong đám cưới tập thể ở Ấn Độ. (Hình: Sam Panthaky/AFP
via Getty Images)
Ông Pathare cho rằng tự vẫn là một vấn
đề chịu nhiều định kiến nên nhiều người không muốn nhắc tới, và các gia đình nạn
nhân cũng muốn giấu chuyện này.
Theo vị bác sĩ, để có thể phát triển
chiến lược phòng chống tự tử, ưu tiên hàng đầu là phải cải thiện cách thu thập
dữ liệu thống kê.
“Liên Hiệp Quốc đặt mục tiêu giảm 1/3
số vụ tự sát trên toàn cầu vào năm 2030, nhưng chỉ trong năm qua, tổng số trường
hợp của Ấn Độ tăng thêm 10%. Và việc giảm bớt con số này hiện chỉ là một ước mơ
viển vông,” theo Bác Sĩ Pathare. (V.Giang)
No comments:
Post a Comment