Wednesday, November 17, 2021

QUÁ KHỨ CỦA LỜI CA "TỪ ĐÓ EM BUỒN" (NHẤT PHƯƠNG)

 

Quá Khứ Của Lời Ca

“Từ Đó Em Buồn” 


Năm 1979, sau khi chúng tôi đặt được những bước chân vững chắc đầu tiên lên đất nước này, bài hát mà anh ấy, em gái và tôi cùng đứa con trai ba tuổi (ngọng nghịu hát theo chớ có hiểu gì đâu!) có thói quen nghêu ngao ca cẩm mỗi ngày sau giờ cơm tối, với một cái nồi nhôm, một đôi đủa tre để gỏ nhịp, quây quần dàn trải nỗi lòng ngỗn ngang trăm mối mang tựa đề Xin Thời Gian Qua Mau của nhạc sĩ Rạch Giá Lam Phương. 

Buồn nào hơn đêm nay, buồn nào hơn đêm nay, khi ngoài kia bão tố đầy trời…

Có lẽ các bạn sẽ cảm thấy hơi khó hiểu để không ngần ngại hỏi lại cho rõ rằng, được bình yên đến bến bờ đã chọn, còn than thở nỗi gì?

 

Biết trả lời sao để khỏi làm bạn bâng khuâng, và cho thật đúng với suy nghĩ của một người phải giã từ tổ ấm ra đi, khiến tôi cảm thấy ngại ngần, hoang mang trong trạng thái nửa thật lòng hâm hở để sẻ chia, nửa chỉ muốn giữ kín làm…kho tàng bí mật cho một mình tôi thổn thức.

Thuở “vạn sự khởi đầu nan” ấy, chúng tôi cố gắng lấy âm nhạc làm nhịp cầu tiếp nối  giữa hiện tại và quá khứ.  Hàng đêm, mỗi lần hát đến câu “khi ngoài kia bão tố đầy trời”, tự nhiên tôi như bị bất ngờ nuốt ngược vào tim từng dòng nước mắt cô đơn chực trào, cùng lúc với nụ cười tươi rói để khỏi sụt sùi gây thêm tiếng động, bởi những cuộc chia ly tan tác đã làm nên “bão tố đầy trời” cho phần lớn các gia đình ở phía bờ Nam của dòng sông ấy, trong đó có gia đình nhỏ của chúng tôi nữa.  Lâu dần, thời qian không cần cầu xin cũng qua mau khi phải đối mặt với đời sống mới vô cùng lạ lẫm. Chúng tôi quen dần với “sauce và cheese” của từng chiếc bánh Hamburger béo bổ ở Jack In The Box thay cho khúc mì Pate Chả Lụa thơm lừng hương vị Việt Nam.  Mùa Xuân ấm áp tại thành phố biển San Diego, miền cực Nam của tiểu bang California, Hoa Kỳ, chúng tôi ai cũng mặc ba bốn lớp áo mang theo từ xứ nóng quê nhà, khoát thêm lên người chiếc Manteau dày cộm bằng nỉ mua tận Hồng Kông trong đêm được tạm dừng nơi đó.  Bước ra đường đi chợ, “hàng xóm” chưa kịp quen nhìn chúng tôi mủm mỉm môi cười, nhưng ánh mắt họ phản ảnh sự thấu hiểu, tươi tắn dịu dàng chào hỏi để lấp đầy khoảng cách với một gia đình vừa thoát giặc.  Ngôi chợ thứ nhất đèn đuốc ngời ngời sáng, “lộng lẫy” rộng mở tiếp đón “những bước chân ly xứ” mang tên Mayfair trên đường University.  Đi siêu thị đối với chúng tôi chỉ để nhận diện hàng hóa xa hoa lạ mắt chớ không cần mua gì thêm, bởi cơ quan bảo trợ đã đem nhu yếu phẩm đến khá đầy đủ, mặc dù không có món nào đậm tình quê hương bản quán.  Thời gian này, các rạp hát lộ thiên, người bản xứ gọi là Driving Theater đang trình chiếu bộ phim ăn khách Exorcist, với nhiều cảnh rùng rợn quá bất ngờ.  Chúng tôi không biết trước nên đi coi về bị ám ảnh hoài rất khó ngủ qua đêm, ngoại trừ đứa con trai vì cháu còn quá nhỏ nên chưa biết sợ thứ gì, ngay cả lúc nhìn thấy “con ma” quay đầu 180 độ, hé môi cười…khọt khẹt.

Thời gian chập chững để bình tâm này, chúng tôi may mắn được làm quen với anh chị LL. và T., thuộc gia đình Biệt Động Quân.  Những người bạn đầu tiên ấy dễ trở thành thân thuộc.  Anh chị đã xớt chia cho  chúng tôi đủ mọi thứ.  Đi ôn lại anh văn bằng xe bus mặc dù chỉ vỏn vẹn chín mươi ngày phù du.  Rủ nhau ra biển hít thở bầu không khí trong lành, cùng ngó về quê mẹ để nở toàn vẹn nụ cười khô không lệ.  Nhiều kỷ niệm khó quên với hai người bạn quê quán đất thần kinh.  Tôi thích thú cố gắng lắng nghe để hiểu giọng Huế đặc thù khi anh chị mang đến giới thiệu với chúng tôi con cá Mackerel tươi rói vừa từ biển đem lên, bên cạnh các món ăn “cung đình” be bé xanh xanh màu lá của miền sông Hương núi Ngự, khi thưởng thức nên nhỏ nhẻ nhai như thể hưởng hương hoa từ các mệ, kèm theo “nụ cười hiền phảng phất nét thê lương” trên môi người sĩ quan bị gãy súng giữa trận cuối hào hùng không một điềm báo trước.  Anh khá vui tính, hay chọc ghẹo chúng tôi bằng những câu cợt đùa tưởng chừng chỉ để qua giờ, nhưng quả thật vô cùng ý nhị.  Nhớ lần vì thói quen để dép trước cửa khi bước vô nhà, em gái đã bỏ luôn đôi dép dưới lề đường lúc bước vào xe.  Khi biết được, anh L. đã hấp háy mắt, he hé nhìn em mủn mỉm môi cười rồi hỏi lại:

-Mần răng em “dám” bỏ luôn đôi dép mới mua ngoài bờ biển?  Hiện tại, em đang an cư ngon lành trên đất Mỹ, tự do dạo phố bằng xe hơi, cho dù đó chỉ là một chiếc xe cũ kỹ.  Cũ người mới mình, quý lắm hỉ.  Em đừng sợ “cơ hội” quay về không gian chật hẹp lo âu trong các lều trại tạm cư nữa.  Vậy cần mô vội vã chạy … mất dép dưới lề đường như rứa?!

Thế đó.  Tất cả mọi việc khi mới bắt đầu đều quá khó khăn và quá khó quên.  Rồi đến ngày chúng tôi lưu luyến tạm giã từ nhau, dọn đến Orange County theo hướng dẫn của anh chị PĐS, cựu Chỉ Huy Trưởng căn cứ Hải Quân Long Xuyên.  Tuy chỉ dừng chân vỏn vẹn ba tháng tại thành phố cuối miền Cali xinh đẹp, hành trang chúng tôi mang theo lúc ra đi cũng không thể ít.  Ngoài vỏ sò vỏ ốc của con trai, không khí trong lành đầy ấp trong tim, còn có thêm hình dáng phúc hậu hiền hòa của hai ông bà Mỹ mới quen, nhận chúng tôi làm con cháu nuôi họ Coast.  Từ đấy, chúng tôi bắt đầu dạn dĩ hơn khi cần phải đối thoại với người bản xứ.  Mọi thành viên trong gia đình nhỏ của tôi đều cắp sách đến trường, không nhiều thì ít, không sáng thì tối, ráng kiếm thêm niềm vui để giảm thiểu nỗi buồn.  Chúng tôi đều phải cố gắng không ngừng để có thể đứng vững vàng trên nền đất thơm lừng hoa Hợp Chủng.

 

Song song với con đường thênh thang phía trước, tôi luôn bị quá khứ buộc ràng, dằn vặt, quay quắt nhớ nhung nhìn ngó lại sau lưng, từ lúc biết buồn vì thời cuộc cho đến giờ khắc chia ly, giả từ quê mẹ.  Những gì bị vuột khỏi tầm tay thuộc về thế hệ “Từ Đó Em Buồn”, ghi dấu quãng đời vừa nên thơ vừa hụt hẫng của thời mới lớn trong mịt mù khói lửa.  Từ Đó Em Buồn cũng là tên bài hát lừng danh do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cảm tác năm 1964, ghi nhớ mối tình vĩnh viễn ly tan trong “mùa trăng bị xẻ” bởi đôi bờ ngăn cách. Tuy cuộc tình riêng mà chung hoàn cảnh với lớp người phải ghé vai gồng gánh cả chiều dài cuộc chiến khốc liệt vô cùng phi lý phi nhân.  Thế hệ anh chị em của chúng tôi và bạn bè thân quen trong quá thời điêu linh ấy, phần đông phải bỏ nhật ký ngày xanh mướt rượt vào tủ sách khóa kín để làm sinh viên “quỳ xuống đứng lên nhận lãnh Alpha với các tân sĩ quan cùng khóa ở Vũ Đình Trường”…, cố gắng chu toàn trọng trách trong mỗi bước quân hành, phấn đấu đến tàn hơi hầu có thể dành lại từng tất đất ở phía Nam dòng sông ly biệt.  Nên, nếu có kiếp sau, chắc hẳn mọi tấm lòng vẫn sẽ nặng quằn như đeo đá khi thầm nhớ thầm thương về Sài Gòn xưa, về Huế yêu, về “Quê Hương Đồng Khổ”, về Hoàng-Trường Sa, về Ải Nam Quan, về thác Bản Giốc…  Huống hồ thời gian chúng tôi dứt khoát chia tay cùng mùa trăng không toàn vẹn thuở nào, chỉ mới lãng đãng sương phơi chưa kịp phai màu tóc.


Quay về quá khứ, thành phố cuối cùng gia đình tôi sống, là nơi xảy ra cơn bão không có ngày chấm dứt; và cũng là nơi chúng tôi từng gặp gỡ tác giả của bài hát Từ Đó Em Buồn, cận kề trò chuyện để rồi chia xa.  Ông xuống vùng bốn, ghé Long Xuyên tìm đường ra khỏi nước.  Ngồi dùng cơm tối với nhau dưới giàn hoa giấy đỏ, (loài hoa tuy bình dị nhưng đã được họa sĩ Nguyên Khai đưa vào tranh), bên chiếc bàn tròn đầy tình yêu thương và sự cảm thông, bốn người chúng tôi im lặng gửi trao nhau những lời tạ từ vô ngôn. “Biệt ly, thời khắc chợt bay, tím lòng ly biệt thoát thai nhiệm mầu”(thơ Np)… “Ngày mai em đi, nửa bóng Xuân qua ngập ngừng, nghe trời gió lộng mà thương…” (nhạc TCS).

Trong đêm vui có một không hai ấy, sau khi đặt nhẹ chén nước chấm bò tái chanh xuống bàn, mời anh tiếp tục thưởng thức, tôi khe khẽ hỏi:

-Anh cảm thấy sao về buổi tối hôm nay?  Không gian và các món ăn này có còn quyến rũ anh chị nữa không?

-No căng bụng mà vẫn muốn ăn hoài chị ơi.  Bên trong hàng rào yên ắng, dưới giàn hoa nên thơ huyễn mộng, khung cảnh thật bình yên thoải mái.  Nhưng ngoài kia, chỉ cần chúng ta rời nhau để ra đi…bão tố có thể sẽ nhận chìm chúng ta ở bất cứ nơi nào chưa thể định hướng.  Đó cũng là lý do chúng tôi xuống tận nơi này, tìm đến anh chị, dùng bửa cơm ân tình, biết đâu lại là lần cuối cùng với nhau trên đất mẹ.

-Đừng nghĩ quá nhiều đến ngày mai nghen anh, xin hãy vui cho tròn với nhau ngay bây giờ đi.  Hương thơm của món nước chấm mà anh vừa có nhã ý thưởng thức thêm, nhắc tôi nhớ đến lời phát ngôn tràn đầy sự dối trá lọc lừa của một người khá quan trọng, ở phút giây dãy chết của một chính thể, cũng là thời điểm vĩnh biệt tự do của quân dân cán chính phía Nam dòng sông ấy, dòng sông tẩn liệm mối tình thiên thu của mọi tấm lòng chung thủy.  Dòng sông có tên thật, có mặt thật trong chính sử nên từ đó mỗi người chúng ta mới phải buồn, từ đó nỗi buồn càng ngày càng lớn khôn theo tiếng súng, và càng dài theo lòng thủy chung, ấp ủ nhớ nhung về quá khứ không thể nào nguôi được.

Anh cố nở nụ cười, phảng phất nét hồn nhiên như trẻ thơ, mặc dù lúc ấy anh lớn hơn tôi trên mười tuổi:

-Chị nói phải, bởi bốn chữ “Từ Đó Em Buồn” không chỉ của riêng tôi, mà có lẽ cũng không thể để ai dành riêng cả, chị dư biết như thế có đúng không?   Ngôn ngữ Việt là gia tài của Việt tộc.   Nhớ lần nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đặt hết tâm tư mình trong nhạc phẩm Thương Hoài Ngàn Năm: Trăng khuyết rồi có khi đầy.   Thật hay, thật đúng.  Nhưng khi dòng sông ấy có bờ xanh, bờ đỏ, trăng trong lòng chúng ta tự khắc bị xẻ đành chấp nhận cảnh bờ Bắc lạnh lùng xâm thực phía bờ Nam, cùng lúc với “nước sông ngăn đôi sơn hà”[Trầm Tử Thiêng] nên đau đớn sẽ tăng dần theo dòng máu chảy thành câu ly biệt, bao giờ lành lặn cho lòng bớt khổ đây?  Hơn thế nữa,  ánh trăng lu bờ Bắc làm sao có thể chiếu sáng mượt mà, soi rọi xuống bờ Nam, nên mới âm ỉ trong lòng…trong lòng…nghe trong lòng mưa gió từng đêm [nhạc TTT] .  

Lần tâm sự hiếm hoi não nề ấy, tôi cảm nhận như đó chính là dòng nước mắt chảy ngược vào tim của người bạn vong niên lúc màn đêm sắp sửa lụn tàn.

Ngước nhìn thật lâu giàn hoa lần cuối, bỗng anh chợt hỏi:

-Anh chị có tính khi nào sẽ rời xa giàn hoa yêu dấu này không?

Giàn hoa yêu dấu.  Trời ơi! Giàn hoa yêu dấu của chúng tôi, làm sao từ bỏ cho đành?

 


Rồi chúng tôi tiếp tục chia sẻ những lời vô ngôn.  Kể từ giây phút chia ly, không còn tin tức gì về nhau nữa. Thuở ấy, đâu có điện thoại di động như bây giờ để biết đường nhau đi, chỉ có cuộc đổi đời bất chợt, tuy còn chập chửng, nhen nhúm phôi thai nhưng tràn lan mạnh mẽ bởi các điềm chỉ viên.   Nhiều đứa trẻ vừa dứt sữa chưa lâu đã hoàn toàn bắt chước rất mau luận điệu tuyên truyền để đàn áp ông bà cha mẹ chúng.  Hầu hết phụ nữ chúng tôi đều bị các cháu ngoan chận lại bất cứ nơi nào, đòi xén bớt ống quần “Lụa Tân Châu” thước tha hiền thục.  Một tối, tôi cũng hân hạnh “được” mời đi họp tổ dân phố.  Đứng trong “phòng họp mới”, nhìn vài “khuôn mặt cũ” trong xóm ngồi chễm chệ trên kia, đang thao thao diễn thuyết, tôi cũng “hợp tác vui vẻ”, hỏi lại cho rõ:

-Anh vừa nói không được đọc sách báo đồi trụy nhảm nhí, phải đem nộp hết cho các anh, là những loại sách báo nào?

-Tất cả các loại sách trước đây chị đã từng đọc.

-Luôn cả sách nói về đức Phật Thích Ca, hoặc Bible đạo…

Tôi chưa kịp dứt câu, hắn đã “nhảy dựng”:

-Không được dùng chữ phản động, lai căng nghe rõ chưa chị kia.

Máu nóng dâng tới đỉnh đầu không kềm chế được, tôi cũng “nhảy dựng” theo hắn:

-Chữ nào lai căng anh nói lại tôi nghe?  Mới hơn mấy mươi ngày họ vào đây, anh đã thiệt quên anh là ai rồi sao anh Bốn?...

Các bạn biết gì không?  Anh Bốn là anh có chiếc xe lôi, người mỗi ngày chở tôi đi chợ. Từ nhà ra chợ, từ chợ về nhà, mỗi ngày…mỗi ngày đều đặn.  Con đường ấy, con đường khá nên thơ nối liền công viên Nguyễn Du ra phố, xe lên xe xuống dốc cầu Hoàng Diệu màu trắng đục lờ mờ sương sớm.  Anh Bốn đạp xe phía trước kéo tôi ngồi thoải mái phía sau, lâu dần quen thân như người anh lớn nuông chiều cô em gái nhỏ.  Thuở ấy, tôi mới ngoài 20 tuổi, “ốm nhom ốm nhách như cây tre miễu” (mẹ tôi nói như vậy), nhẹ hẫng nhẹ hâng nên anh Bốn chở tôi như đạp chiếc xe không rất khỏe khoắn. Suốt quãng đường thong dong ấy, anh thường cười nói, tâm sự râm rang về đời sống của anh:

-Nghèo quá nên đâu dám cưới vợ cô Tư.  Nhờ cô đi xe đều đặn nên gia đình tôi mới yên tâm được phần nào về miếng ăn miếng uống…

Vậy mà… Tôi ngạc nhiên quá đổi.   Hôm nay anh oai vệ quá, hạch hỏi lung tung, chị kia chị nọ lạ lẫm như tiếng miền ngoài mới vượt “dòng sông ngăn đôi Sơn Hà” vào Nam.  Làm sao tôi sống giữa đám người tiến bộ quá nhanh như thế?  Tôi nhất quyết chẳng thèm đi họp nữa, tới đâu thì tới.  Tôi viện cớ yếu tim đau bịnh rề rề, trí óc không ổn định sẽ hiểu sai lệch lạc lung tung những lời hướng dẫn vô cùng quý báu của họ.   May mắn thay, họ cũng để con nhỏ ốm ròm, ngu ngơ yên ổn.

Cuối cùng, vì cuộc sống bị hút hết khí trời lồng lộng trong xã hội quá yên vui sau ngày “trăng lành vằn vặt” nên chúng tôi phải đành nén lòng đau xót, giã từ giàn hoa yêu dấu, rời bỏ những con đường quen, quyết tâm dấn thân vào biển thẳm như anh.  Hành trang mang theo ngoài một ít vật dụng cá nhân, phần còn lại, đầy ắp trong trái tim tôi là ánh mắt mẹ hiền và muôn ngàn câu ca “hát cho người nằm xuống”, cho những anh hùng chết ngoài chiến trận chưa hề biết tên.  Họ vô cùng xứng đáng là những người con dấu yêu của Mẹ nên đã rất hãnh diện, hiên ngang trở về sống vui với Mẹ bên kia bờ quyết tử.

Trong quá trình kiếm tìm những người bạn khi xưa sau khi vượt thoát, tôi luôn mong chờ và tự hỏi, giờ này người anh mang tên tôi đặt “Từ Đó Em Buồn” đang ở đâu”?  Mãi đến năm 1993, hải ngoại mới mừng vui đón chào anh vừa đạt thành ước nguyện để có thể đưa bài hát dấu yêu vào đúng chỗ nằm theo thứ tự thời gian, vào kho tàng lịch sử thầm kín thần tiên nhất của riêng mình giữa dòng Nhạc Lính Ba T.

 

Ngoảnh lại con đường ngược xuôi theo vận nước, trong đó, hầu hết các gia đình Việt Nam thống khổ đều phải vất vả chui qua, canh cánh cưu mang mọi thứ trong đời, từ lúc biết buồn cho mãi đến ngàn sau, được điểm tô xây dựng bằng máu và nước mắt để sống còn.  “Máu và Nước Mắt” cũng là tên tác phẩm tiếng Việt & tiếng Pháp của Văn Thanh Hòa, một trong ngàn vạn tấm lòng con dân Việt tộc.  Những dòng máu và nước mắt biết chảy xuống cho quê hương long lanh như hạt ngọc, lóng lánh mấy chục năm dài, nay đã cạn, đã khô, đã trở thành gan thép.  Mặc dù vậy, cứ mỗi lần đặt tay lên bàn phím, chạm tới khoảng không gian Từ Đó Em Buồn là suối nước mắt tưởng đã cạn, đã khô ấy lại bắt đầu tuôn rơi rỉ rả như nguồn mưa trên rừng nhiệt đới. Tôi đọc đâu đó quanh cuộc đời đáng sống một câu thật hay, đại khái như… “rồi một ngày em cũng nhận ra, những đóa hoa hồng vẫn nở cho dù em tưới chúng bằng nước mắt của chính mình”. Thật đâu có chỗ nào sai.  Điều đáng tiếc khôn nguôi cho riêng tôi, khi biết được, tuy hoa hồng vẫn nở, vẫn tươi, vẫn ngọc ngà sang cả, nhưng tận đáy tim của những con người tự thuở tập làm quen với sự tồn vong của đất tổ quê cha, vốn lỡ trót yêu những loài hoa vô phần bạc phước, bị tàn lụn tả tơi giữa các mùa Di Tản trên biển, trong rừng.

 

Giờ đây, tuy thời chiến đã tạm qua lâu, nhưng không hiểu vì sao tôi vẫn cứ hoài ngân nga theo từng nốt nhạc của Trầm Tử Thiêng, để thầm nhớ thầm “thương những người giết giặc ngày đêm”.  Đã vậy còn lờ lững vương mang quá khứ “Từ Đó Em Buồn” thuộc về thiên kỷ trước.  Vài bậc thức giả cũng thường khuyên“Không có gì là không thể buông được.  Đau đớn đủ thì sẽ tự khắc buông”.  Nhưng rõ ràng tôi không thể buông, đồng nghĩa với tôi không thể quên. 

Có phải tại lòng tôi vẫn chưa đau đớn đủ??!

Nhất-Phương,

 [Xin phép mượn Giàn Hoa Giấy đẹp, cám ơn NAG. Giàn hoa thật đã chết theo vận nước,lâu rồi].


No comments: