Saturday, November 13, 2021

THẦY TÔI (THU TÂM)

 


THẦY TÔI

 

Năm tôi học đệ tứ Thầy Lâm Toại dạy chúng tôi hai môn Việt văn và Pháp văn. Thầy đã về hưu, chắc đi dạy lại chỉ để đỡ buồn. Mà chắc Thầy đỡ buồn thật, vì vào đúng cái lớp nghịch ngợm, ồn ào tối ngày. Khổ cho Thầy lại phải làm giáo sư hướng dẫn nữa. Vậy mà mỗi khi chúng tôi làm biếng, không thuộc bài, làm bài cũng kém lớp kia ( tôi còn nhớ Thầy chỉ dạy có hai lớp) hoặc ồn ào bị ban giám thị mắng vốn, Thầy vẫn không la mắng mà chỉ nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng, hỏi han khuyên nhủ. Nhưng cũng vì vậy mà chúng tôi lại rất sợ, sợ thấy nổi đau trong đôi mắt hiền từ của Thầy. Cả lớp lặng im tới nổi nghe được hơi thở của nhau mặc dầu đã cố nín. Hồi đó tôi làm trưởng lớp, mỗi lần thấy Thầy buồn như vậy là tôi lại huy động cả lớp cố gắng học bài làm bài giỏi hơn, và nụ cười vui sướng của Thầy là phần thưởng quí giá hơn cả những chồng phần thưởng cao ngất mà chúng tôi nhận được vào ngày lãnh phần thưởng cuối năm.

 

Thuở đó tôi rất thích ba môn Việt, Anh, Pháp cho nên khỏi phải nói là tôi cố gắng thế nào trong hai môn Thầy phụ trách. Môn Việt có hai phần là nghị luận luân lý và nghị luận văn chương. Phần nghị luận luân lý thì tôi không lo vì tôi vốn hay ưa bịa chuyện, chuyện gì trên trời dưới đất tôi cũng bịa ra được. Phần nghị luận văn chương thì tôi hơi ngán vì năm đó chúng tôi phải học truyện Kiều suốt cả năm. Mà truyện Kiều thì thú thật tôi không ưa cho lắm. Nói ra điều này tôi chắc là 99% dân số Việt Nam, trong đó có anh tôi, sẽ xì nẹt và chắc cụ Tiên Điền cũng phải đội mồ ngồi dậy mà xỉ vả tôi không tiếc lời. Không phải là tôi không ưa văn chương trác tuyệt của cụ Nguyễn Du mà tôi cũng phải công nhận là ông Nguyễn Tường Tam đã nói rất đúng khi ông phán là "...trước quyển Kiều chưa có sách nào hay bằng, mà sau quyển Kiều- kể đã được hơn một trăm năm rồi- cũng chưa có sách nào hay bằng". Nhưng ông Nguyễn Tường Tam lại thêm," Đây không phải nói về bố cục trong truyện Kiều, cũng không phải nói về nhân vật, duy chỉ nói về văn chương, về cái hay của từng câu từng đoạn, về cách dùng chữ khéo, về cái tài tình, cái mỹ thuật của văn chương Kiều". À ha, vậy là tôi vớ lấy cái câu này của ông Nguyễn Tường Tam để kéo ông về phe tôi. Ông Nguyễn Tường Tam cũng nghiêng mình trước văn chương của truyện Kiều chứ không phải ông ưa gì bố cục truyện Kiều hay nhân vật Kiều. Ông Nguyễn Tường Tam ơi, ông đúng là tri kỷ của tôi. Tôi không thích cô Kiều vì hồi đó tôi đã bắt đầu mê chuyện tình của Romeo và Juliet, chuyện tình của Tristan và Isolde. Tôi thấy câu chuyện của cô Kiều hơi "quá đáng" và cô Kiều không có cái mãnh liệt của Juliet hay Isolde. Chắc có người lại la làng rồi. Nhưng thử nghĩ mà coi. Cô Kiều mới gặp Kim Trọng là mê như điếu đổ, nửa đêm dám vượt tường hoa đến thăm, vậy mà sẵn sàng đẩy Kim vào tay em gái cái rột. Phải tay Hoạn Thư thì đừng hòng, có chết thì thôi chứ cấm đứa nào được rớ tới chàng. Tôi càng không ưa cô Kiều vì cô tài sắc vẹn toàn nhưng hình như cô không có cái nhân cũng như cái trí. Cô đã bị lừa bao nhiêu bận mà vẫn tin vào lời phỉnh phờ của Hồ Tôn Hiến, lại tham lam nhận bạc nghìn cân của họ Hồ khiến cho Từ Hải, nhân vật độc nhất tôi thích trong toàn truyện bị chết đứng thảm thiết. Khi cô trở thành bà Từ Hải thì trả thù Hoạn Thư mặc dầu chính cô là người cướp chồng của Hoạn Thư mà Hoạn Thư không tạt a xít cho là may phước quá rồi. Nếu Hoạn Thư không khôn ngoan thì chắc cũng đã mất đầu. Lại trả thù cái đám lao nhao đã làm cho đời cô khốn khổ, đánh tới máu rơi thịt nát. Sao không lấy lòng nhân giải oán để cho mọi người phục? Xin đừng ai giận dữ vì đó chỉ là những suy nghĩ ngây thơ của một cô bé lớp đệ tứ. Thôi thì cứ cho là tại tôi ganh tị với cô ta đi.

Vậy thì đã có thiên kiến về cô Kiều tôi thấy cũng khó mà đem hết tâm huyết ra để hiểu thêm về cô và viết những bài nghị luận văn chương hay ho về cô, Nhưng vì thương Thầy nên tôi quyết tâm gạt bỏ những ganh ghét cá nhân để cố gắng viết những bài ca tụng tài sắc cô hết mình. Và có lẽ vì lớp tôi cũng không yêu cô Kiều cho lắm nên tôi vẫn cứ dẫn đầu trong các bài luận viết về cô.

Tuy vậy có một lần tôi thấy mình bắt đầu đuối sức trong công việc khó khăn này - việc tìm hiểu, yêu thương và ca tụng cô Kiều. Đó là lần thi đệ nhị lục cá nguyệt. Thầy ra đề tài "Kiều trước lầu Ngưng Bích". Tôi ngồi thừ ra đến nửa tiếng. Tôi chẳng biết làm sao để đặt tâm hồn mình vào tâm hồn cô để viết cho thật lòng mình. Tự nhiên tôi lan man nghĩ đến Mẹ tôi, không biết hôm nay làm bài thi xong tôi có về sớm được để đi mua bột cho Mẹ làm bánh. Trí óc tôi cứ lang thang từ chuyện này đến chuyện khác về Mẹ và trong đầu tôi hiện ra những lần tôi bắt gặp Mẹ ngồi trên bậc đá dưới bến sông, mặt dàu dàu, mắt đăm đăm nhìn về cuối chân trời. Hồi ấy Ba tôi đi lính xa cả mấy tháng mới về nhà một lần. Ông bà ngoại tôi ở bên kia bờ Bến Hải. Tôi không biết Mẹ tôi nghĩ gì, nhớ gì vào những buổi chiều ngồi trên bậc đá đó, quanh chân nước sông chảy êm đềm. Tôi nhắm mắt lại trong vài phút, đặt tâm hồn tôi vào tâm hồn Mẹ tôi và trong gần hai tiếng đồng hồ, tôi hí hoáy phịa ra tâm trạng nàng Kiều qua tâm trạng Mẹ tôi, dựa vào những câu :

 

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ ?

 

Có khi gốc tử đã vừa người ôm

 

Ầm ầm tiếng sóng vây quanh ghế ngồi

 

Tôi phịa được 10 trang giấy khổ lớn. Nhưng nộp bài cho Thầy xong là tôi mất ăn mất ngủ. Tôi nghĩ là tôi đã đi lạc đề và bồn chồn lo lắng đợi ngày Thầy phát bài. Càng tới gần ngày tôi càng sợ. Sợ là Thầy sẽ thất vọng với cô học trò cưng. Sợ là các bạn được điểm cao hơn mình thì ê mặt quá. Tôi nhất định phải làm sao tránh cái giờ phút đau buồn khi thấy cái thất vọng trên mặt Thầy, trong mắt Thầy. Tôi cũng muốn tránh cái giờ phút nhục nhã phải chứng kiến sự vui sướng của các bạn khi đá được tôi ra khỏi cái vinh dự đi lấy sơ-mi cho Thầy. Tôi nghĩ bụng hay là mình cáo bệnh ở nhà. Nhưng tôi lại sợ Mẹ tôi lo. 

Sáng hôm đó tôi chần chờ cho tới lúc thấy mấy cô bạn thân Ngọc Cầm, Hồng, Tuyên đi khuất bóng phía mũi Đập Đá bên này tôi mới rời khỏi nhà, tha thẩn từng bước trong con xóm nhỏ. Tôi biết là tụi nó sẽ không chờ lâu khi không thấy tôi chờ sẵn ở múi đập. Tôi nghĩ bụng nếu mình vào lớp trễ, chờ cho Thầy bình phẩm xong và trả lại bài thì nỗi đau thương nhục nhã có lẽ cũng vơi bớt đi phần nào vì mình không có mặt ở đó để nhận nỗi e chề đập ngay vào mặt. Vậy là tôi quyết định vào lớp trễ độ nửa giờ. Nhưng làm sao vào trễ đây? Tới giờ vào lớp là cổng trường khóa lại, đâu có để cho tôi vào giữa chừng giờ học. Đầu óc tôi rối bời bời. Đang đi tôi bỗng kêu "ái" lên một tiếng. Trong lúc suy nghĩ tìm mưu thần chước quỉ để vào lớp trễ, tay phải tôi cứ đưa ra vuốt dọc hàng rào chè tàu nhà Cẩm Tú mà không để ý. Trong đám chè tàu có cây gai chích vào tay tôi đau điếng. Bỗng nẩy ra trong óc tôi một mưu chước quái đản mà tôi nghĩ là trên cõi đời này chắc không có một cô nữ sinh thứ hai có thể điên tới cái độ nghĩ tới một chuyện như vậy.

Tôi nghĩ tới phòng y tế của trường là nơi tôi có thể tá túc trong khoảng nửa tiếng đồng hồ nếu tôi có lý do chính đáng. Vậy là tôi bứt ngay hai ba cái gai nhọn và hăm hở đi mau tới trường, vừa kịp nối đuôi những cô nữ sinh cuối cùng vào lọt cổng trường. Tôi vừa bước về phía phòng y tế vừa dùng mấy cái gai nhọn đâm vào lòng bàn tay phải đã bị gai đâm vừa rồi và nặn cho máu chảy ra. Gặp cô y tá, tôi mếu máo, "Cô ơi, em bị té vô bụi gai, tay bị gai đâm, máu chảy nhiều quá, mà em thấy hơi chóng mặt nữa, cô cho em ngồi đây một lát được không cô?". Cô y tá vội vã bảo tôi tới ngồi nơi giường, tìm thuốc xứt và băng bó cho tôi. Ngồi nghỉ khoảng nửa giờ, tôi áng chừng Thầy đã trả xong bài thi cho lớp, và chắc Thầy đã lên án xử tử kẻ vắng mặt nên đứng dậy cám ơn cô y tá và lò dò lê bước tới lớp. Tôi sửa soạn một bộ mặt nhăn nhó làm ra vẻ đau đớn lắm để khơi dậy lòng trắc ẩn của Thầy mà mong Thầy mở lượng hải hà giảm án tử hình xuống thành chung thân, chung thân khổ sai cũng được. Tôi vừa ló nửa mặt vào lớp, các bạn đều thấy tôi nhưng Thầy chưa thấy, thì nghe Thầy dõng dạc, "Và đây là bài của Thu Tâm". Trời hỡi, thiên bất dung gian. Quỉ kế của tôi vậy là đi đong. Tôi muốn quay đầu chạy nhưng đã quá trễ. Thầy đã trông thấy tôi. Tôi bước chầm chậm về phía Thầy, chìa ngay bàn tay ra trước để Thầy thấy tôi đang bị thương tích nặng. Mũi đã thấy cay cay. Thầy ngừng nói, bước xuống bục giảng tới cầm tay tôi xuýt xoa, "Răng rứa con? Răng rứa con? Đau lắm không?". Nước mắt bắt đầu chực chảy, tôi cúi mặt để khỏi thấy sự quan tâm xót xa trong mắt Thầy và nói thật nhanh, "Dạ thưa Thầy, con bị té vô bụi gai, xướt tay chảy máu, phải xuống phòng y tế để cô y tá băng bó nên vô trễ đó Thầy." Thấy nói thật dịu dàng, "Thôi về chỗ ngồi nghỉ một lát rồi xuống văn phòng lấy sơ mi cho Thầy". Tôi khựng lại một chút, bụng nghĩ, Thầy nói chi rứa Thầy. Trườn vô chỗ ngồi giữa chị Mười và Thương Lãng, tôi ù tai nghe Thầy khen bài luận văn của tôi làm đặc sắc nhất từ trước tới nay. Tự nhiên tôi có cảm tình với cô Kiều hơn một chút.

Cuối năm học, tôi xin Thầy viết ít chữ mở đầu cho cuốn lưu bút của tôi. Đây là lần đầu tiên tôi có cuốn lưu bút vì tôi biết là sau năm này tôi sẽ không còn ngồi chung lớp với rất nhiều bạn bè của tôi. Thầy làm cho tôi một bài thơ bắt đầu bằng tên tôi. Nhìn giòng chữ nghiêng nghiêng hiền hậu của Thầy tôi lại nhớ tới cái chước quỉ của tôi hôm nào và mối quan tâm thương xót ẩn trong mắt Thầy. Đã bao lần tôi muốn tỏ bày lòng ân hận với Thầy và xin Thầy thứ lỗi. Vậy mà sao khó mở miệng quá. 

 

Năm sau Thầy không còn dạy ở trường nữa. Tết năm đó tôi quyết định lên thăm Thầy một mình. Tôi ít khi đi thăm Thầy Cô dù với bạn bè, nói gì đến chuyện đi thăm một mình. Nhưng bây giờ Thầy không còn dạy chúng tôi nữa, tôi không sợ bạn bè nghĩ là tôi "nịnh" Thầy. Thầy hỏi han chuyện học hành của tôi với giọng dịu dàng, nhỏ nhẹ mà chúng tôi thường được nghe trong lớp. Giọng của người cha già nói với con gái nhỏ. Tôi thấy không phải là tôi đang thăm Thầy mà là tôi đang ngồi nói chuyện với cha tôi, được bao bọc bởi một tình phụ tử đầm ấm lạ thường. Vậy mà bao lần mở miệng tôi vẫn không nói ra được cái chuyện láu cá ngày nào đã làm Thầy bận lòng để xin Thầy tha tội. Buổi trưa xứ Huế dẫu là mùa Xuân vẫn bắt đầu nóng nực, tôi xin phép Thầy ra về. Thầy đưa tôi ra tận cầu Dã Viên, cười hiền từ, "Con thông minh và học giỏi lắm. Thầy cầu chúc con tiến xa, ít nhất cũng xong đại học nghe con". Không hiểu tại sao Thầy nói vậy. Tôi đoán có lẽ là Thầy biết gia cảnh nhà tôi nghèo, đông anh em, Thầy sợ tôi bỏ học giữa chừng. Tôi lại mở miệng định nói mà chỉ lí nhí thành câu, "Thưa Thầy con về".

 

Từ ngày xong đại học, ra trường được bổ đi xa, tôi chẳng có dịp nào gặp lại Thầy, chỉ nghe tin Thầy đã qua đời. Thầy ơi, con chỉ biết cúi đầu xin Thầy tha thứ.

 

Thu Tâm



No comments: