Wednesday, July 27, 2022

RUỘT ĐAU CHÍN KHÚC (QUAN DƯƠNG)

 RUỘT ĐAU CHÍN KHÚC

Bài thơ này như một câu chuyện kể lại một  khúc đường mà tuổi trẻ của tôi đã đi qua trong cuộc chiến tranh . Câu chuyện bắt đầu sau mùa hè đỏ lửa 1972 tôi từ tiểu khu Darlac Ban Mê Thuột được thuyên chuyển về Phú Phong Bình Khê Bình Định . Ở đây tôi đã gặp một cô nữ sinh còn đang đi học và chúng tôi yêu nhau . Đầu năm 75 hai chúng tôi quyết định làm đám cưới kiểu nhà binh giữa lúc tình hình chiến sự đang sôi động khắp nơi . Để rồi tiếp theo sau đó là một đoạn đường đầy khói lửa có đau thương, có máu và nước mắt chan cùng

Bài thơ này cũng là một câu chuyện trong trăm ngàn câu chuyện đau thương mà mọi gia đình quân dân cán chính của chính thể VNCH phía Nam đã phải hứng chịu sau khi bị miền Bắc dùng vũ lực tấn công và chiếm đoạt lãnh thổ . Số phận của tôi cũng giống như số phận của họ đó là bị bắt tập trung vô các trại lao động khổ sai của bên thắng trận . Ngày tôi vô tù thì vợ tôi đang mang thai đứa con đầu lòng 5 tháng . Bốn năm sau thì con tôi mất trong lúc tôi vẫn chưa được thả về . Sau này khi tôi ra khỏi tù nghe vợ kể lại là con bị tiêu chảy khi đem đến bệnh viện thì y tá nói là bị sốt rét và điều trị bằng ký ninh . 10 ngày sau thì con tôi mất . Khi con mất vợ tôi đã giấu không cho tôi biết vì sợ tôi ngã gục trong tù .

Sau sáu năm trong bộ đồ vá đùm đụp tôi được thả ra . Trước khi rời trại tôi quay nhìn lá cờ màu đó trên nóc thì trong lòng nhen nhúm bài thơ này . Tôi nghĩ đã không còn có thể cầm súng thì cầm viết ghi lại trong khả năng mình có thể để thế hệ sau này biết được đâu là thực đâu là hư . Biết được những kẻ ác đã thắng và bạo tàn đang lên ngôi cai trị đất nước này . Những kẻ đó toa rập nhau bóp méo lịch sử nhưng họ sẽ không thể nào che đậy được sự thật. Năm tôi vô tù tôi 25 tuổi và vợ tôi 20

 

RUỘT ĐAU CHÍN KHÚC

 

1- Khi đổi về thị trấn Phú Phong

Tôi đâu biết hai chân chợt mỏi

Mái tóc dài chấm lưng con gái

Em thả thòng chặn mất lối đi

Tôi giữa đường trồng một cây si

Dù đời lính không sao biết trước

mai còn sống hay là sẽ chết

Tôi cùng em kết nghĩa tào khang

Tôi con trai em gọi là chồng

Em con gái tôi gọi là vợ

Tôi cưới em trong cơn bão dữ

Mặc bên ngoài khói lửa tang thương

Tôi yêu em, yêu từng góc đường

Từng bước chân em về in dấu

Như hận thù chiến tranh thống khổ

Chẳng nghĩa gì khi tôi có em

 

2- Giặc tràn về chiếm lấy Phú Phong

Qui Nhơn thành tuyến đầu máu lửa

Ngày bên nhau đã còn không thể

Từ giả tôi em đi tản cư

Mối u sầu gánh tuổi hai mươi

Tôi là lính làm người ở lại

Phải đành thôi chiến tranh là vậy

Nợ tang bồng phải trả cho xong

Đêm Qui Nhơn tay chận nỗi buồn

Tay ghì súng nhìn trời cô quạnh

Tự nhủ lòng mai này còn sống

Đi tìm em giữ vẹn sắt son

 

3- Chiến cuộc tàn, tháng ba tan hoang

Kẻ thất trận làm người sống sót

Chân bước qua xác người chồng chất

Trắng hai tay hụt hẫng tương lai

Tôi tìm em xơ xác tả tơi

Trái tim vẫn vương màu áo trắng

Vẫn trong tôi, em về với nắng

Vẫn nụ cười một thuở đảo điên

Tìm em cùng trả nợ oan khiên

Ta đã trót vay từ kiếp trước

Biển thổi giạt tôi lên Phú Quốc

Cánh lục bình câm lặng đìu hiu

Tôi cưới em chưa được bao ngày

Đâu có lẽ xa nhau mãi mãỉ

Từ giã biển theo hơi thở gọi

Dẫu sinh ly cũng một lời nguyền

 

4- Cuối tháng tư tôi gặp lại em

Sài Gòn đang trong cơn hấp hối

Em nghẹn ngào nhìn tôi không nói

Lệ lưng tròng chẳng dám thở than

Ngày chiến tranh nhịn đói đâu cần

Gặp lại nhau như còn tất cả

Dù cuộc đời giờ đây dâu bể

Dù trắng tay đen bủa tương lai

Tôi nhìn em , con sắp chào đời

Quê hương lại sa vào tay giặc

Tổ quốc tôi cánh bèo con nước

Đặt tên con: Dương thị Lục Bình

Nhục đau này để lại cho con

Giòng máu đó muôn đời bất khuất

Trên bản đồ không còn đất nước

Nhưng trong lòng tổ quốc muôn năm

 

5- Tôi vào tù trả nợ tiền khiên

Miền đất khổ, em làm cô phụ

Biết bao năm trả hoài mới đủ

Cho nên em mưa nắng đợi chờ

Chiều mây rừng, trắng màu áo xưa

Trắng mênh mông bên bờ nỗi nhớ

Mái tóc dài thả buông quá nửa

Em nụ cười khờ dại xinh xinh

Con suối nhỏ len lách bên rừng

Cuốn thời gian mài mòn viên sỏi

Viên sỏi đau, lòng tay hôi hổi

Tôi bồi hồi trong nỗi xa em

Con phố nơi hai đứa mình quen

Giờ có còn đường chân bé nhỏ

Dấu chân đó, nay em thiếu phụ

Ngồi ru con để đợi người về

Mùa đông gầy ướt mảnh sơn khê

Người thiếu phụ ôm con  cô lẻ

Người chẳng lại đường trăng bỏ ngỏ

Người bây giờ người ở nơi đâu

 

6- Đứa con thơ từ buổi chào đời

Chưa một lần cùng cha gặp gỡ

Giọt sương rụng làm xanh lá cỏ

Giọt sương mềm ướt cõi u miên

Con chào đời giữa buổi truân chuyên

Củ khoai mì không là cổ tích

Bởi thượng đế không là có thật

Nên nhân gian chịu cảnh đọa đày

Một năm, rồi bốn năm trôi qua

Con kiệt sức không chờ ba nữa

Giơ hai tay rơi vào huyền sử

Con đầu hàng rời bỏ cuộc đau

 

7- Giọt lệ nào còn sót trong tôi

Buổi lao công mài thơ trên đá

Chân bé bỏng con tôi đạp ngã

Tảng đá thù đè nặng tâm can

Nắm đất bụm ủ nấm mồ con

Vung nhát kiếm chẻ đôi giòng lệ

Thôi hết rồi bàn chân bé nhỏ

Đã đi xa dẫm nát cả hồn

Vẫn chưa về sau buổi điêu linh

Tôi biền biệt rừng sâu núi thẳm

Vợ của tôi miền quê khổ nạn

Con của tôi đất lạnh muôn thu

 

8- Đừng bao giờ hỏi tôi tại sao

Trong con tim chứa đầy thống hận

Tôi người lính tự do nhân bản

Bị quân thù cưỡng đoạt từ tâm

Năm một nghìn chín trăm bảy lăm

Gã thanh niên hai mươi lăm tuổi

Đầu cúi gầm hai tay bị trói

Còn bao điều bỏ lại sau lưng

Manh áo tù rằn đỏ sọc xanh

Chiếc lon gô bám vài hạt gạo

Đường khẳng khiu giữa đời nhân ảo

Gọi tên em lây lất qua ngày

Năm một nghìn chín trăm tám mươi

Em đùm đụp bươn xuôi chải ngược

Mỗi xuân về già thêm cọng tóc

Chẳng áo hoa cũng chẳng lượt là

 

9- Năm năm, rồi sáu năm trôi qua

Bầy sói lang nợ đời thanh thỏa

Canh bạc lường ăn thua đã đủ

Thấm ba đời di hận thấu xương

Liệng tôi ra tơi tớt bầm mình

Kẻ chiến thắng reo cười hả dạ

Quai dép đứt vấp chân vào đá

Cái đau nào cũng giống như nhau

Mảnh trên lưng . Mảnh vá trên vai

Áo tôi vá nhiều màu sặc sở

Trên đầu tôi lá cờ màu đỏ

Đít quần tôi miếng vá màu đen

Tôi chỉ còn có mỗi con tim

Để ký gởi cho em yêu dấu

Ráng mò mẫm nơi xưa tìm lại

Chút tháng năm nào của riêng mình

 

Quan Duong

* Hình tôi chụp  năm 1985 sau khi ở tù ra trước một căn nhà trên vùng kinh tế mới


No comments: