Trung Quốc dự đoán mẫu hạm USS
Ronald Reagan sắp ghé Đà Nẵng
July 18, 2022
BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Trung
Quốc dự đoán hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Ronald Reagan của Mỹ trên đường tới
thăm Đà Nẵng khi đang hoạt động ở vùng Biển Đông.
Tổ chức Sáng Kiến Thăm Dò Biển Đông
SCSPI (South China Sea Probing Initiative) ở Bắc Kinh hôm Chủ Nhật đưa ra sơ đồ
hành trình của mẫu hạm USS Ronald Reagan từ đầu Tháng Bảy đến nay sau khi rời đảo
Guam đến Biển Đông với sự chú ý đặc biệt.
Khu trục F/A-18 Hornet tập luyện
cất cánh từ mẫu hạm USS Reagan tại Biển Đông. (Hình: US Navy)
SCSPI chú thích là ngày 16 Tháng Bảy, mẫu
hạm USS Reagan hoạt động ở phía Tây quần đảo Trường Sa “nhiều phần sẽ tới thăm
Đà Nẵng” sau khi vào Biển Đông đi qua eo biển Balabac. “Nó đã quanh quẩn ở khu
vực quanh Trường Sa từ ngày 13 Tháng Bảy.”
SCSPI tuy tự nhận là một tổ chức dân sự
độc lập chuyên nghiên cứu các vấn đề liên quan đến Biển Đông nhưng mọi người đều
biết, không thể có một tổ chức “dân sự độc lập” nào được hoạt động trong chế độ
độc tài đảng trị. Nói cách khác, nó là tổ chức trá hình của đảng Cộng Sản Trung
Quốc.
Tấm sơ đồ vị trí từng ngày di chuyển
tiêu biểu tại từng khu vực của USS Ronald Reagan mà SCSPI đưa ra trên Twitter
biểu lộ sự theo dõi chặt chẽ sự hiện diện của Hải Quân Mỹ ở khu vực.
Không những vậy, trang Twitter của
SCSPI, những ngày trước đó, còn đưa ra tin tức về các máy bay cánh quạt C-2
Greyhound (của USS Ronald Reagan) vừa làm nhiệm vụ tiếp liệu, chở quân, vừa
trinh sát quân báo, xuất hiện trên Biển Đông từ ngày 9 Tháng Bảy, để báo động rằng
mẫu hạm này sắp có mặt.
Hiện vẫn chưa có tin chính thức gì từ
phía Washington hoặc Hà Nội là USS Ronald Reagan có đến Đà Nẵng trong mấy ngày
tới đây hay không. Chỉ có tin từ Hạm Đội 7 là mẫu hạm này, cùng với mấy chiến hạm
hộ tống, bắt đầu tới hoạt động trên Biển Đông từ ngày 12 Tháng Bảy như một lịch
tuần tra thường lệ trên các vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hải Quân
Hoa Kỳ.
Trước sự hiện diện của nhóm mẫu hạm
Ronald Reagan và khu trục hạm USS Benfold đi “tự do hải hành” vào bên trong 12
hải lý của các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Song Zhongping (Tống Trọng Bình)
một chuyên gia quân sự và bình luận gia truyền hình đả kích Mỹ trên tờ Hoàn Cầu
thời báo là “khiêu khích các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, tạo ra khủng hoảng
trong chiến lược muốn kềm chế Trung Quốc.”
Ông Bình còn kêu rằng hai hành động song
song của lực lượng Hải quân Mỹ trên hai vùng biển khác nhau của Biển Đông “có
nguy cơ dẫn đến xung đột không mong muốn.”
Sơ đồ theo dõi đường đi của mẫu
hạm USS Ronald Reagan mà Tổ chức SCSPI tại Bắc Kinh đưa ra trên trang Twitter
ngày 17 Tháng Bảy 2022. (Hình: SCSPI)
Trong khi đó, Trung Quốc cũng tập trận
liên tiếp trên Biển Đông nhiều hơn so với Mỹ. Cục Hải sự Trung Quốc loan báo và
một số mạng tuyên truyền của Bắc Kinh đưa tin cuộc tập trận của lực lượng Trung
Quốc kéo dài từ ngày Chủ Nhật, 17 Tháng Bảy, đến ngày 20 Tháng Bảy tại khu vực
phía Đông Nam đảo Hải Nam, gần với quần đảo Hoàng Sa.
Như những lần tập trận khác, Bắc Kinh
không cho biết quy mô của cuộc tập trận mà chỉ cấm tất cả mọi loại tàu bè qua lại
trên một vùng biển rộng lớn.
Tức tối trước sự thách đố của Mỹ, như những
lần phản ứng các hành động “tự do hải hành” của Hải Quân Mỹ trước đây, Bắc Kinh
cho tờ báo tuyên truyền của quân đội la lối “Mỹ là kẻ làm cho Biển Đông nguy hiểm”
và “gây mất hòa bình và ổn định ở khu vực.”
Trái lại, Hải Quân Mỹ thì cho rằng lời
tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Bắc Kinh “tạo ra sự đe dọa nghiêm trọng cho
quyền tự do đi lại trên biển, gồm cả tự do hải hành và tự do phi hành ở khu vực,
tự do thương mại và tự do cho các cơ hội kinh tế.”
(TN)
No comments:
Post a Comment