Wednesday, July 20, 2022

XE VINFAST VÀ THAM VỌNG "PHỦ SÓNG" THỊ TRƯỜNG MỸ (Á CHÂU TỰ DO - GS.TS. KHƯƠNG HỮU LỘC)


Xe VinFast và tham vọng 'phủ sóng' thị trường Mỹ

Thanh Trúc
2022.07.20

  

Xe điện VinFast mẫu VF-8 tại một cửa hàng tại Santa Monica, California hôm 18/7/2022

 

Xe VinFast và tham vọng 'phủ sóng' thị trường Mỹ

 

 

Sáu trung tâm bán hàng đầu tiên gọi là VinFast Stores, khai trương tại California hôm 15/7, tập trung tại Los Angeles, San Diego, San Francisco…

Các phòng trưng bày (Showroom) của VinFast tại California được nói là tọa lạc  tại những ‘vị trí đắc địa’, sang trọng, có nơi rất gần hãng xe hơi điện Tesla lừng danh của Mỹ.

Nếu thực tế đúng như tin tức mà báo chí Việt Nam nói về VinFast thì tại sao không chứ? xe Việt Nam có thể chen chân vào thị trường xe hơi Mỹ được mà, là suy nghĩ ban đầu của  doanh nhân Mỹ gốc Việt Rick Nguyễn, đồng sáng lập công ty chuyên về đánh giá quảng cáo Spot Trender ở Silicon Valley, Bắc California:

“Đáng khích lệ khi mà xe Việt Nam bán ra thị trường quốc tế. Chúng ta thấy xe ô tô Nhật Bản, xe ô tô Hàn Quốc từ rất lâu rồi, đã đến lúc nên có xe Việt Nam. Nhưng theo mình biết thì đang có supply shortage (cung ứng thiếu hụt), đúng không? nên bây  giờ mua xe rất khó, nhất là ở Mỹ.  Nếu bây giờ VinFast có hàng tồn kho thì họ dễ thành công hơn nếu làm ra hàng được trong năm này”.

Phó chủ tịch tập đoàn Vingroup kiêm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu, bà Lê Thị Thu Thủy, cho biết việc khai trương sáu VinFast Stores đầu tiên tại Mỹ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình toàn cầu của VinFast, mang các sản phẩm - dịch vụ đẳng cấp đến gần hơn với người tiêu dùng Mỹ.

Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, Giám đốc tài chính CFO một số tập đoàn lớn ở Hoa Kỳ, hiện đang giảng dạy chương trình MBA thạc sĩ quản trị và kinh doanh cho một số đại học Mỹ, cho biết khi mở một showroom tại Paris cách đây hai năm thì VinFast đã đi vào thị trường Hoa Kỳ:

“Câu hỏi là người đầu tư có thể nào tin tưởng Việt Nam, một xứ không có công nghệ cao, mà có thể mua  xe của Việt Nam? Chiến lược của VinFast là nói rằng đại đa số những thiết kế những design của dàn xe VinFast là do Ý, và máy là của BMW. Họ mua lại bản quyền và những chiếc xe SUV mạnh thì mua máy Chevrolet VA của Hoa Kỳ. Họ muốn đả phá bất cứ sự nghi ngờ nào là không thể tin tưởng vào xe công nghệ của Việt Nam. Ông Phạm Nhật Vượng tuyên bố ông sẵn sàng bỏ tài sản riêng của ông từ hai đến ba tỷ để đi vào thị trường Hoa Kỳ, nghĩa là ông hiểu rằng giai đoạn  đầu là phải lỗ”.

Vẫn câu hỏi vì sao VinFast lại muốn vào thị trường Hoa Kỳ trong lúc này, chuyên gia kinh tế Khương Hữu Lộc nói, VinFast đón gió thời cơ sản xuất xe điện vào khi hành pháp hiện tại của Hiệp Chủng Quốc chú trọng nhiều hơn vào ‘kỹ nghệ xanh’ và hiện tượng biến đổi khí hậu: 

“Hoa Kỳ tiêu thụ khoảng 18 triệu xe mới mỗi năm, là quốc gia sẵn sàng chấp nhận và thử những dòng xe mới như Hyundai của Hàn Quốc chẳng hạn. VinFast vào Hoa Kỳ với hai dạng xe SUV nhỏ và SUV lớn, VF8 và VF9. Đó cũng là chiến lược tốt vì dân Hoa Kỳ thiên về xe SUV và xe bán tải càng ngày càng nhiều. Xe SUV tại Hoa Kỳ bán được từ 600 đến 630 ngàn chiếc/tháng, gần như bảy triệu chiếc/năm, và chiều hướng này mỗi năm càng gia tăng.”

 “VinFast từng tuyên bố hãng xe của họ ở Hải Phòng chế tạo nhiều xe điện, xe gắn máy với phần lớn automation tức hệ thống robot thông minh, tự động, có nghĩa họ không ngần ngại mua kỹ thuật cao ở ngoài về”.

Thế nhưng, chuyên gia nhận định tiếp, ‘phủ sóng’ thị trường Mỹ làm sao khi mà các hãng xe lẫy lừng như General Motors, Ford, Honda, Toyota… cũng đang ồ ạt quay sang xe điện, chưa kể một kỳ phùng địch thủ nữa là Tesla, cho nên rủi ro và bất trắc rình rập dòng xe điện SUV của VinFast là điều hiển nhiên:

“Hai chiếc xe SUV này không chiếc nào có giá trên trăm ngàn, có nghĩa một chiếc khoảng tám chín chục ngàn và một chiếc bảy mươi mấy ngàn, cũng cạnh tranh ngang ngửa với Tesla. Khó khăn ở đây là giới đầu tư, giới mua có đủ tin tưởng vào xe của VinFast hay không”

“Hiện tại thị trường Mỹ khan hiếm xe quá nhiều, mua một chiếc xe mới phải chờ 6-8 tháng mới có. Nếu VinFast nắm được chuỗi cung là có được chips để chế tạo xe thì họ lấy thị trường nhanh lắm. Họ tuyên bố năm 2024 sẽ sản xuất 150.000 chiếc xe tại North Carolina nhưng nói phủ sóng thị trường Mỹ là quá lạc quan trong lúc GM, Ford, Toyota, Honda, rồi cả Samsung, Hyundai cũng đang sản xuất những xe SUV rất mạnh. VinFast chỉ có thể lấy đi một thị phần để làm bàn đạp tiến vào thị trường Mỹ thì đúng hơn. So với GM hay Tesla thì người ta có đủ tin vào những chiếc bảy tám chục ngàn của VinFast để Vinfast lấy đi 10 hay 15% thị phần chứ chưa phủ sóng được. Đó là câu hỏi”. 

 

Công nhân làm việc trong nhà máy xe điện VinFast ở Hải Phòng hôm 7/4/2022. AFP

 

Thật sự mối quan tâm lớn nhất đối với một doanh nhân  là lợi nhuận. Lợi nhuận mới là mục đích, còn sản phẩm chỉ là phương tiện, là cách nhìn của chuyên gia kinh tế đang sống và làm việc tại Na Uy, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, qua điện thư trao đổi với RFA:

“Trong một thị trường mở, nơi doanh nghiệp được tự do gia nhập, hay thậm chí được khuyến khích để gia nhập như thị trường xe điện hiện nay, việc cạnh tranh sẽ đẩy biên lợi nhuận xuống rất thấp. Và nếu doanh nghiệp không có sở hữu trí tuệ để thương mại hoá từ nó mà chỉ mua về lắp ráp thì hầu như sẽ không có lợi nhuận, nếu không muốn nói là lỗ. Làm ra một chiếc xe điện hiện nay không khó, cái khó là làm sao để việc thương mại hoá nó đem lại lợi nhuận. Việc không tự thân sở hữu những công nghệ quyết định, mà thay vào đó chủ yếu là mua lại công nghệ và các bộ phận linh kiện, sẽ dẫn đến trường hợp chi phí bỏ ra rất đắt đỏ khi muốn có sản phẩm tốt hoặc sản phẩm kém với giá cả rẻ”.

Trong cả hai trường hợp trên, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ viết tiếp, doanh nghiệp cuối cùng sẽ thua lỗ và dẫn đến phá sản. Từ lập luận như vậy, ta sẽ thấy VinFast không có tương lai khi khởi nghiệp dự án xe điện tại Mỹ:

Còn việc VinFast quảng cáo rầm rộ trong ngoài liên quan đến một vấn đề khác nữa, đó là những khó khăn về tài chính ngay trong chính tập đoàn Vingroup sau hàng loạt dự án thua lỗ. Hầu như tất cả các dự án của Vingroup(mà VinFast là công ty con), từ điện thoại đến  xe máy, bệnh viện, trường học, siêu thị, du lịch… đều gặp các vấn đề về tài chính. Chỉ duy nhất hoạt động chuyển nhượng bất động sản là được coi như có lợi nhuận.”

Việc quảng bá các dự án tiềm năng mới đóng vai trò như chiếc phao nhằm kéo giữ niềm tin từ các cổ đông, đẩy giá trị cổ phiếu của Vingroup, VinFast  đi lên, tạo thêm cơ hội cho họ vay vốn. 

Điều này nguy hiểm ở chỗ, TS kinh  tế Nguyễn Huy Vũ nhấn mạnh, sẽ thu hút vô số nguồn lực của xã hội vào chiếc thùng không đáy của Vingroup thay vì để các nguồn vốn đó hướng đến các dự án thực tế đem lại lợi nhuận và lợi ích hơn cho xã hội.

No comments: